Vào năm 1996, nhân dịp kỷ niệm 50 năm LHP Cannes, các nhà thống kê của lịch sử điện ảnh đã đưa ra con số thú vị. Nước có nhiều phim tham dự LHP Cannes nhất, không phải là Pháp, mà là Mỹ. Cường quốc điện ảnh này có 306 phim dự thi. Trong khi đó, Pháp chỉ cón 277 phim. (Sau đó là Ý có 177 phim; Anh có 150 phim và Đức có 78 phim). Và số Cành Cọ Vàng của Mỹ cũng dẫn đầu với 14 lần. Tiếp sau là Ý với 9 lần. Anh được 8 lần. Và Pháp chỉ được 7 lần. (Nguồn tham khảo: Wikipedia).
| Thảm đỏ Cannes cũng luôn là nơi các tài tử minh tinh thế giới về tụ họp tranh tài | |
Những người yêu điện ảnh đều biết, Cannes là LHP lớn nhất thế giới, xét về quy mô, số lượng phim tham dự, cách thức tổ chức cũng như các sự kiện và những hoạt động của nó. Lẽ ra, theo nguyên tắc tỷ lệ thuận, thì điện ảnh Pháp phải có vị trí vững chắc ngay trong lòng công chúng Pháp. Bà Frederique Bredin, Chủ tịch Trung tâm chiếu phim Quốc gia Pháp (CNC), phát biểu: “Pháp có mạng lưới chiếu phim lớn nhất châu Âu và là quốc gia mê điện ảnh nhất”. Nhưng chính điện ảnh Pháp lại luôn phải căng mình ra chống lại sự tấn công của Hollywood. Đài RFI đã dẫn nguồn của tờ Le Figaro, số ra ngày 31/12/2015, có bài “Hollywood xô đẩy điện ảnh Pháp” với dẫn chứng: Năm 2015, các rạp chiếu phim của Pháp thu hút hơn 200 triệu lượt người, nhưng chủ yếu là khán giả xem phim Mỹ. Riêng phim Star Wars đã làm giảm thị phần phim Pháp xuống còn 35%. (Nếu so với năm 2014 thì điện ảnh Pháp còn chiếm đến 44% thị phần). Khán giả Pháp rất thích những phim bom tấn của Mỹ như Batman vs Supeman, X - Men v.v… Trong khi những bộ phim của Hollywood ngày càng nâng cao những tiêu chuẩn có tính toàn cầu hóa thì những bộ phim Pháp lại không đủ sức hấp dẫn đối với khán giả nhà.
| Cannes 2017 năm nay hoàn toàn vắng bóng các bộ phim Hollywood tranh giải | |
LHP Cannes lần thứ 70 (17-25/5/2017) năm nay “gây sốc” khi hoàn toàn vắng bóng các bộ phim đến từ Hollywood. Những tác phẩm quen thuộc của các hãng đến từ Hollywood như Fox, Sony, Universal và Warner Bros “biến mất” trên tất cả danh mục phim đề cử thay vào đó là các phim đến từ châu Âu và châu Á. Cannes ngày càng khu biệt hay nó đã mất đi sức hút đối với Hollywood? Hay Cannes đã dần không còn là đà bẩy giúp những bộ phim Hollywood quảng bá và kiếm lợi nhuận? |
Các nhà điện ảnh và văn hóa Pháp luôn lên tiếng chống lại sự “xâm lăng” của Hollywood. Như diễn viên điện ảnh nổi tiếng Pháp Sophie Marceau đã nhiều lần từ chối những lời mời đến Hollywood. Để thu hút lượng khán giả, các nhà điện ảnh Pháp không ngừng đầu tư, nâng cấp những rạp chiếu theo tiêu chuẩn hiện đại nhất của châu Âu. Trước làn sóng Hollywood, các nhà làm phim Pháp đã tiến hành nhiều dự án làm phim với các nhà điện ảnh Ý. Hai cường quốc điện ảnh này đã đưa nhiều ngôi sao của nước mình sang đóng phim của nước kia. Bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu LHP Cannes, Viện Hàn lâm kỹ thuật và Nghệ thuật điện ảnh Pháp còn tổ chức Giải thưởng Cesar hàng năm, theo mô hình của giải Oscar, nhằm tôn vinh điện ảnh Pháp và điện ảnh châu Âu, với những buổi trao giải hoành tráng và nghi thức thảm đỏ lộng lẫy. Ngoài ra, nước Pháp hàng năm còn tổ chức Liên hoan điện ảnh Pháp (Festival Paris Cinema). Rất nhiều lần, nhà biên kịch nổi tiếng Jean Claude Carriere lên tiếng lo ngại chuyện các phim của Hollywood tràn ngập châu Âu, thậm chí cả châu Phi. Đễn nỗi, bây giờ, ở châu Phi, không còn những người đi biểu diễn bằng hình thức kể chuyện rong – một trong những đặc trưng của văn hóa dân gian châu Phi.
| Star Wars của các nhà làm phim Hollywood đã làm giảm thị phần phim Pháp xuống còn 35% | |
Song, nghệ thuật điện ảnh không phải là một hình thái nghệ thuật có tính độc lập, mà nó còn liên quan chặt chẽ đến những chính sách kinh tế của các chính phủ, các hiệp định thương mại và cả các “thời tiết” chính trị nữa… Vấn đề này không phải của riêng điện ảnh Pháp mà của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới. Dù lớn hay nhỏ, nhưng trước xu thế toàn cầu hóa, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia, càng cần phải bảo vệ cái riêng của mình.