(TGĐA) - Trong khuôn khổ LHPVN lần thứ XXI diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 23 - 27/11/2019, bên cạnh những hoạt động sôi nổi của những buổi chiếu phim, hội thảo, giao lưu còn có nội dung triển lãm hình ảnh và hiện vật điện ảnh do Viện phim Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh tổ chức tại các địa điểm: Nhà truyền thống cách mạng Vũng Tàu và Hội trường lớn của Khách sạn Pullman, nơi diễn ra các sự kiện chính thức của LHP lần này.
Lan Phương lộng lẫy như công chúa trên thảm đỏ LHPVN lần thứ 21 | |
PGS. TS. Trần Luân Kim – Trưởng ban giám khảo Phim truyện điện ảnh LHPVN lần thứ XXI: Giới chuyên môn ‘bó tay’ khi bắt lỗi 'Song Lang'! |
Cuộc triển lãm được khai mạc sáng ngày 23/11/2019 với sự có mặt của Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng ban chỉ đạo LHP 21, Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Cục Trưởng Cục Điện ảnh, Ông Vũ Nguyên Hùng – Viện trưởng Viện phim Việt Nam, Ông Trần Văn Tuấn Phó chủ tịch UBND Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cùng các quan chức địa phương, phóng viên các báo đài và khách tham quan.
Với chủ đề “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh”, Viện phim Nam đã trình bày tại triển lãm hơn 200 hình ảnh về biển đảo trích ra từ các phim truyện điện ảnh, phim tài liệu và hình ảnh, tư liệu, văn bản lịch sử về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Buổi triển lãm đã nêu bật được vẻ đẹp đặc thù của đất nước Việt Nam có đường bờ biển kéo dài 3.260km với rất nhiều hoạt động của con người Việt Nam gắn liền với lịch sử biển đảo, từ khai thác sản vật, các sinh hoạt cộng đồng văn hóa người dân nơi đây đến các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của các lực lượng quân đội, nhân dân địa phương.
Cuộc triển lãm cũng dành nơi trưng bày 6 hiện vật điện ảnh do Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh cung cấp, bao gồm các máy quay phim, chiếu phim sử dụng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là những hiện vật vô cùng đặc biệt vì tuổi đời và lịch sử hoạt động, như chiếc máy quay hiệu Victory – có tuổi đã hơn 70 năm – được sử dụng để quay hình ảnh phóng sự Đánh đoàn xe lửa 1947 tại Mỹ Tho. Những chiếc máy này đã gắn liền với những tên tuổi nghệ sĩ điện ảnh cách mạng thời kỳ đầu như Mai Lộc, An Sơn, Phan Nghiêm…
Đánh giá về hình ảnh, các hiện vật và hình ảnh trưng bày tại cuộctriển lãm, GS. Trần Luân Kim – nguyên Chủ tịch hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa về thông tin và giáo dục lịch sử cho các thế hệ, đặc biệt là các thế hệ về sau, khi các em đang tiếp cận nhiều công nghệ làm phim mới và không có nhiều kiến thức về các kỹ thuật làm phim trước đây, đặc biệt là thiết bị làm phim, điều kiện làm phim và cách làm phim tài liệu, phóng sự chiến trường trong thời chiến. Cuộc triển lãm không chỉ giới thiệu về các hình ảnh và hiện vật điện ảnh ngày trước mà còn đề cập đến một thời kỳ hào hùng, vinh quang của ngành điện ảnh, sự hy sinh của thế hệ làm phim thời kỳ đầu. Cần mở rộng hoạt động này và quảng bá sâu rộng hơn đến các đối tượng trẻ, bên cạnh đó là tăng cường sưu tầm, bảo quản các hiện vật quý của ngành điện ảnh”.
Các hiện vật được trưng bày tại sảnh lớn Khách sạn Pullman trong thời gian diễn ra LHPVN lần thứ XXI, riêng phần hình ảnh được Viện phim Việt Nam trao tặng lại cho địa phương, tiếp tục phục vụ khách tham quan trong thời gian tới.
Lan Phương lộng lẫy như công chúa trên thảm đỏ LHPVN lần thứ 21 | |
PGS. TS. Trần Luân Kim – Trưởng ban giám khảo Phim truyện điện ảnh LHPVN lần thứ XXI: Giới chuyên môn ‘bó tay’ khi bắt lỗi 'Song Lang'! |
Trường Khánh