(TGĐA) - Nhiều khán giả của Đi đến nơi có gió cho biết: vì nhìn thấy bản thân qua các nhân vật từ chính đến phụ trong phim, nên cũng muốn ‘chơi lớn’ bỏ việc đi du lịch xem sao.
Diễn như 'bay' trong 'Đi đến nơi có gió' Lý Hiện được cả UNESCO khen ngợi | |
'Đi đến nơi có gió': Chỉ một tấm hình cũng chứng tỏ Lý Hiện hợp với vai Tạ Chí Dao ra sao? |
Phát sóng từ đầu tháng 1 năm 2023, trước kỳ nghỉ Tết âm lịch, Đi đến nơi có gió thành công "dắt mối" nhiều khách quý cho vùng Đại Lý, Vân Nam – bối cảnh chính của phim, đến nỗi Cục Văn hóa và Du lịch Đại Lý đăng bài cảm ơn. Nhiều người cho rằng việc lượt khách tăng 293% so với cùng kỳ năm ngoái là do tác phẩm giúp khán giả nhìn thấy bản thân qua nhân vật, từ đó rủ rê nhau "phất ngọn cờ" bỏ việc để đi phượt.
Tuy phim kể về Hứa Hồng Đậu (Lưu Diệc Phi) bỏ việc đến Vân Nam du lịch sau khi bạn thân mất và kiệt sức vì công việc, nhưng cô không phải kẻ chán đời duy nhất ở tiểu viện Hữu Phong – nơi cô thuê trọ để nghiêm túc làm kẻ vô dụng 3 tháng. Ở đây, cô gặp Đại Mạch – nhà văn mạng tối ngày nhốt mình trong phòng vì bí ý tưởng; chú Mã – doanh nhân giả vờ thiền định để trốn tránh hiện thực khởi nghiệp thất bại; Hồ Hữu Ngư – ca sĩ/nhạc sĩ ‘tông điếc’ hễ cất tiếng hát là nhận lại những điệu cười trừ an ủi và Na Na – cô phục vụ quán cà phê sợ ống kính vì quá khứ bị bạo lực mạng.
Hứa Hồng Đậu - cô gái từ bỏ công việc lương cao nơi thành thị để đi du lịch |
Có thể nói, tiểu viện Hữu Phong tập hợp toàn những hình tượng điển hình của lớp thanh niên ở thành phố lớn ngày nay: kẻ mải kiếm tiền đến mức không có cuộc sống riêng, sợ giao tiếp, tự bào mòn tinh thần, người không thể chấp nhận sự tầm thường của bản thân, gục ngã sau thất bại… Họ tìm về một nơi không ai quen biết, được các thím thôn Vân Miêu khen: “Người ở tiểu viện Hữu Phong đều giỏi giang cả”, nhưng nội tâm lại hiểu rõ hơn ai hết sự bất tài vô dụng của bản thân. Phải chăng sự tầm thường, vô dụng này là điều khán giả thích thú?
Bên cạnh Hồng Đậu, còn có nhiều nhân vật đáng chú ý khác |
Câu trả lời là đúng. Khán giả nhìn thấy mình qua các nhân vật bị đè nặng dưới áp lực phải giàu có, phải xuất sắc, phải cố gắng không ngừng… của xã hội hiện nay. Biên kịch thành công xây dựng các tuyến nhân vật chính phụ phong phú, ai cũng có câu chuyện riêng để góp phần vẽ nên bức tranh xã hội lớn, thay vì các nhân vật phụ nhàm chán, chỉ nhằm thúc đẩy nam nữ chính yêu đương khiên cưỡng như nhiều bộ phim Hoa ngữ dạo gần đây. Kịch bản phim còn thú vị hơn ở chỗ đi ngược lại những thuyết giáo đao to búa lớn, mà để nhân vật thản nhiên chấp nhận khuyết điểm của bản thân và dũng cảm dừng lại để thay đổi. Điều này nói dễ làm thì khó, mà muốn thành công thì cần chất xúc tác hiệu quả.
Chất xúc tác đó có lẽ là thiên nhiên tươi đẹp ở Vân Nam, nơi các nhân vật rời xa guồng quay thành thị xô bồ để tĩnh tâm nhìn lại chính mình; cũng có thể là dũng khí của Tạ Chí Dao – chàng thanh niên bỏ thành phố lớn về xây dựng quê hương, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" đủ chuyện lông gà vỏ tỏi làng trên xóm dưới; hay Hoàng Hân Hân – cô cán bộ thôn trẻ sống xa gia đình, nhưng vẫn hạnh phúc với lý tưởng mang lại cuộc sống mới cho người dân địa phương.
Nhưng Lưu Diệc Phi từng nói: “Mọi điều kiện bên ngoài chỉ hỗ trợ, người thực sự cứu vớt bản thân là chính mình, quan trọng phải dũng cảm hành động để vượt qua khúc mắc trong lòng". Khi phim càng đến gần hồi kết, khán giả mới ngỡ ra bỏ việc hay không không quan trọng, quan trọng là "dừng lại" những rối ren xô bồ để tự nhìn nhận bản thân. Đi chơi hay không cũng không quan trọng, quan trọng là dũng cảm đối mặt với thất bại và đứng dậy bước tiếp. Các nhân vật trong phim vẫn tiếp bước trên con đường họ từng thất bại, có chăng là dũng cảm thay đổi thân phận hoặc tâm thế để đối diện với khó khăn. Như Tạ Chí Dao từng hỏi Hứa Hồng Đậu “Bạn đã tích lũy đủ dũng khí để bắt đầu lại chưa?”.
“Bạn đã tích lũy đủ dũng khí để bắt đầu lại chưa?” |
Diễn như 'bay' trong 'Đi đến nơi có gió' Lý Hiện được cả UNESCO khen ngợi | |
'Đi đến nơi có gió': Chỉ một tấm hình cũng chứng tỏ Lý Hiện hợp với vai Tạ Chí Dao ra sao? |
Chi Trịnh