(TGĐA) - Đã nhiều năm qua, phim hoạt hình Việt Nam vẫn được Hội Điện ảnh Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trại sáng tác hằng năm của Hội, trại nào cũng có một số tác giả viết kịch bản cho phim hoạt hình. Ngoài ra, còn có những trại viết riêng, những lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ riêng dành cho kịch bản phim hoạt hình.
Mở Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình năm 2019 | |
Xưởng phim hoạt hình duy nhất ở Việt Nam khai trương cửa hàng đồ chơi đầu tiên tại TP. HCM |
Năm nay, lại đặc biệt có hai chuyên gia điện ảnh Hàn Quốc, được Hội Điện ảnh Việt Nam mời sang hướng dẫn nghiệp vụ ngắn ngày cho nghề viết kịch bản phim hoạt hình Việt Nam. Đó là nhà biên kịch kiêm đạo diễn Xoang Giang Min (Song Joong Min) và nhà làm phim, kiêm giám đốc doanh nghiệp điện ảnh Li Cung Hô (Lee Jyung Ho).
Nhưng chúng ta đã biết, bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam ra đời vào năm 1959 - phim Đáng đời thằng cáo. Đến nay, đã hơn nửa thế kỷ qua, phim hoạt hình Việt Nam, đã có nhiều thầy, nhiều thợ cả trong và ngoài nước đào tạo, hướng nghiệp và hỗ trợ về mọi mặt để hình thành và phát triển "nghề" viết kịch bản phim hoạt hình Việt Nam. Có cả nhiều người, của nhiều thế hệ khác nhau, được nhà nước cử đi đào tạo nghề viết kịch bản phim hoạt hình chính quy ở các trường điện ảnh tiếng tăm thế giới, như Trường VGIK của Liên Xô, trường điện ảnh của Pháp, Mỹ...
| |
Đáng đời thằng cáo là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam ra đời vào năm 1959 |
Có lẽ vì vậy mà bây giờ, có người ngỡ ngàng, không hiểu tại sao ở cái lớp "nâng cao nghiệp vụ viết kịch bản phim hoạt hình" này lại đông đến thế? Lại có cả những người đã có vài ba chục kịch bản làm phim, cả đời làm công tác quản lý sáng tác và giảng dạy nghề viết kịch bản làm phim, lại có cả những nhà biên kịch điện ảnh đã ở tuổi "cổ lai hy" cũng tham dự và thực sự đam mê học hỏi. Bởi vậy, có người không hiểu đùa hay thật đã hỏi rằng: Đây cũng là một hiện tượng "ngộ lắm phải không anh?".
Sự thật thì chẳng hề "ngộ" tý nào. Bởi vi đối với nghệ thuật, không phải chỉ có nội dung và thủ pháp thể hiện mà ngay cả những nguyên lý cơ bản về lý luận cũng không phải mãi mãi định hình, bất biến mà vẫn phải được bổ sung phát triển theo thực tế xã hội, theo nhu cầu của người thưởng thức nghệ thuật. Đó là một thực tế, một biện chứng tất yếu của chân lý nghệ thuật. Có như vậy, nghệ thuật mới thực sự thể hiện được cái chân, thiện, mỹ của cuộc sống con người và mới mang được dấu ấn chân thực của xã hội đương đại, nhất là đối với "điện ảnh - một loại hình nghệ thuật phải bám sát thực tế cuộc sống hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào lại càng phải như vậy. Đúng như người xưa đã nói: "Lý luận thì xám xịt, chỉ có cấy đời là mãi mãi xanh tươi". Bởi vậy, việc học chẳng bao giờ thừa, hơn nữa ở lớp nâng cao nghiệp vụ này lại đề cập đến những vấn đề mà kịch bản phim hoạt hình Việt Nam chưa đề cập tới bao giờ: Như việc làm phim hoạt hình cho trẻ em từ 3 - 6 tuổi, làm phim hoạt hình dài đến hàng trăm tập và làm phim mục đích cho doanh thu cao đến hàng chục, hàng trăm triệu đô la USD như Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước đã và đang làm... (Nhật Bản có phim hoạt hình SpirTed Away của đạo diễn Mifdraky thu đến 160 triệu đô la USD.
| |
Phim hoạt hình SpirTed Away do Nhật Bản sản xuất thu về 160 triệu USD |
Dám nhìn thẳng vào mình, dám nhận ra phần khiếm khuyết, chậm chạp của mình để học hỏi, để bổ sung, bù đắp cho mình, cho nền nghệ thuật dân tộc là một cách nhìn thức thời, hiện đại của cả người lãnh đạo tổ chức và người đam mê học tập cho mình.
Đến lớp học này, khi nghe nói đến thủ pháp nghệ thuật viết kịch bản phim hoạt hình dài, nhiều tập đã làm cho các nhà biên kịch hoạt hình Việt Nam thấy mới mẻ, ngỡ ngàng. Vì hơn nửa thế kỷ qua, hầu như phim hoạt hình Việt Nam chưa có phim dài, nhiều tập. Trước đây có đạo diễn Hồ Quảng làm một phim 3 - 4 tập và từ 1993 - 2002 đạo diễn Nhân Lập làm bộ phim dài 6 tập. Đó là các phim Cái đầu cái đuôi cái tai cái mắt, Đi một ngày đàng, Quán thỏ Rô - ti, Trời sập và Coi trời bằng vung theo kịch bản của một tác giả học nghề biên kịch ở trường VGIK Liên Xô về. Và hôm nay, chính tác giả ấy đang ngồi đây cũng thấy những điều nhà biên kịch Xoang Giang Min nói thật mới mẻ, thật bất ngờ với những điều mình đã học, đã làm hơn 30 năm qua.
| |
Phim Cái đầu cái đuôi cái tai cái mắt |
Điều đó cũng dễ hiểu, bởi xưa nay theo định hướng XHCN, mục đích của phim hoạt hình và nghệ thuật nói chung là phục vụ dân sinh chứ không phải kinh doanh kiếm lời. Đến bây giờ mới giật mình nhận ra rằng: Phục vụ dân sinh mà cứ phải dựa vào nguồn kinh phí quá lớn của nhà nước mãi thì làm sao tồn tại được, chứ chưa nói đến sự phát triển lâu dài. Còn người ta, những người như ông Xoang Giang Min thì làm phim phải có nhiều người xem và phải thu được thật nhiều tiền. Đó mới chính là mục đích cao nhất của nghệ thuật mới là mục đích cao đẹp nhất của nghệ thuật, là phục vụ dân sinh. Nhưng nếu nghệ thuật ấy lại phải chi quá nhiều tiền của nhà nước mà lại không hấp dẫn được "dân sinh" thì có nên tồn tại ở một quốc gia có nền kinh tế thị trường và có được coi là định hướng XHCN hay không?
Không biết có ai ngạc nhiên khi nhìn ông Xoang Giang Min vừa cười khà khà vừa nói trên bục giảng: Làm phim hoạt hình hơn trăm tập, tôi thu được quá nhiều tiền và không biết có ai muốn hỏi ông ta rằng: Ông đã đi đúng mục đích cao cả của nghệ thuật hay chưa?
Để tạo được sự hấp dẫn khán giả theo dõi cả hàng trăm tập phim hoạt hình thì nghệ thuật "nuôi dưỡng nhân vật chính" và tạo tình huống này đẻ ra tình huống kia, tạo tính cách nhân vật này đón đợi nhân vật khác, tạo những "nút thắt, nút mở" để buộc người xem phải tò mò, phải chờ đợi... đó không chỉ đúng với phim hoạt hình nhiều tập mà với nghệ thuật nói chung cũng cần vậy. Chỉ tiếc rằng, nhiều nhà biên kịch trẻ ở lớp này, cứ nhìn cái vẻ ngơ ngác của họ với những câu hỏi "chất vấn thầy giáo" bị lạc đề, buộc thấy phải nhiều lần trả lời rằng: "Đó là vấn đề quá nhỏ không đáng quan tâm... đã thấy hình như họ chưa hiểu được những logic của vấn đề "thủ pháp nghệ thuật" mà người thầy muốn nói.
| |
Phim Coi trời bằng vung |
Một vấn đề nữa, cũng làm cho những người đã có nhiều năm viết kịch bản cho phim hoạt hình Việt Nam phải ngạc nhiên là phim hoạt hình dành cho lứa tuổi 3 - 6. Bởi xưa nay, không chỉ Việt Nam mà cả văn học nghệ thuật của cả thế giới, có ai nghĩ sáng tác nghệ thuật giành cho lứa tuổi này? Ấy vậy mà ở Hàn Quốc, người ta đã làm những phim hoạt hình dài hàng trăm tập cho lứa tuổi này!
Một bộ phim hoạt hình chỉ có 5 nhân vật, tuổi từ 3 - 6 lại là loại phim búp bê khó làm chứ không phải như phim hoạt họa hay cắt giấy - chỉ có 5 nhân vật là năm cậu bé con mối đứa một tính cách rất khác nhau: Đứa thì cái gì cũng biết, đứa thì cái gì cũng sợ, đứa thích bay vút lên cao, đứa lại thích luôn bò sát đất... từ một hành tinh xa xôi về thám hiểm trái đất. Mà chuyện của trái đất thì kể đến bao giờ cho hết? Bộ phim 100 tập chứ đến 1.000 tập cũng vẫn thỏa sức vẫy vùng. Vậy là 5 chú bé kia tóm được đủ mọi chuyện của trái đất này rồi.
Trèo lên bóng bay trở về với hành tinh xa xôi của mình. Còn tác giả phim cần chủ đề gì cứ thỏa sức trao cho các nhân vật này mang lại cho người xem.
Đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có 66 năm hình thành và phát triển, nhưng có lẽ chưa bao giờ khó khăn, bế tắc như hiện nay? Mà cái khó khăn lớn nhất lại không phải là vấn đề xã hội chính trị gì to tát mà chính là tiền làm phim nhà nước cứ chi hết chục tỷ này, trăm tỷ kia cho việc làm phim, để rồi chẳng có mấy ai chịu xem phim nhà nước, thì làm sao nhà nước cứ tiếp tục chi mãi tiền làm phim cho nghành điện ảnh? Bởi vậy, có lẽ, trước nguy cơ suy sụp, ngành điện ảnh Việt Nam, hãy tự cứu mình trước khi trời cứu, như lời một lãnh tụ cách mạng nào đã nói. Hãy tự định hướng XHCN cho mình trong nền kinh tế thị trường bằng mục đích làm phim phải có nhiều người xem và phải thu được nhiều tiền.
Lớp học "Nâng cao nghiệp vụ viết kịch bản phim hoạt hình" này, tuy còn rất ngắn ngủi những đã gợi được một nét gì mới mẻ, táo bạo cho điện ảnh Việt Nam đang trên đường tìm tòi, phát triển một hướng làm phim mới mẻ để tự cứu mình và phát triển điện ảnh dân tộc.
Xưởng phim hoạt hình duy nhất ở Việt Nam khai trương cửa hàng đồ chơi đầu tiên tại TP. HCM | |
Ba sự thật thú vị ít ai biết đằng sau siêu phẩm hoạt hình ‘Công viên kỳ diệu’ |
Đinh Tiếp