(TGĐA) - Sự khởi sắc trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim Việt Nam trong thời gian gần đây được coi là tín hiệu vui đối người làm nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những con số thống kê về số lượng phim, doanh thu tiền vé, những cái tên mới vụt sáng, vẫn còn nhiều vấn đề nan giản của điện ảnh mà không dễ dàng giải quyết trong ngày một ngày hai. Dưới đây là những chia sẻ rất thẳng thắn của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về bức tranh điện ảnh Việt Nam hôm nay.
Điện ảnh Việt: Một con đường, mọi lối đi | |
Cục điện ảnh sơ kết công tác 6 tháng đầu năm ngành điện ảnh: Hướng tới LHPVN lần thứ 20! | |
Phim Việt nửa đầu 2017 nhìn lại: Chuyện của con số 18! |
|
Có thể nói đời sống điện ảnh nước nhà hiện nay khá sôi động, trung bình tháng có 1 đến 2 phim Việt ra rạp và đa số là phim giải trí. Dưới góc độ nhà quản lý và cũng là nhà sản xuất có nhiều năm lăn lộn với nghề, cảm nghĩ của bà?
Trước hết là mừng vì phim Việt ngày xưa rất ít, chỉ khoảng 10 phim/năm nên không đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Ngày nay, nhờ xã hội hóa điện ảnh, có hơn 100 hãng phim tư nhân, mạnh ai nấy làm. Hơn nữa khâu kịch bản không bị kiểm duyệt nên thành ra cứ yêu điện ảnh và có tiền là tôi làm được phim thôi. Chính vì thoáng như thế nên chúng ta rất mừng vì số lượng phim đã nhiều hơn. Nhưng tôi cho rằng nghệ thuật phải tinh chứ không thể tính về số lượng được. Thực tế hiện nay, số phim Việt ra rạp nhiều và không bị thiếu như trước, nhưng phim tốt rất ít. Chủ yếu là phim hài, ma, hành động còn những phim đau đáu với đời sống đương đại, chuyển tải những câu chuyện tâm lý, vấn đề bức xúc của xã hội trong đó không chỉ thể hiện sự đam mê của người làm nghề mà họ còn muốn gửi gắm một cái gì đó lớn hơn nữa qua tác phẩm của mình cho xã hội ví dụ như báo động sự thoái hóa về đạo đức, kinh tế thị trường sẽ bóp nghẹt con người ta như thế nào… vẫn rất ít.
Nói chung, ngày nay tính dự báo trong các tác phẩm điện ảnh Việt không có mà chỉ thuần túy giải trí, vui một chút, cuời chút rồi thôi. Tôi nhấn mạnh, ra nhiều phim rất tốt nhưng bên cạnh đó vẫn cần phải có phim nghệ thuật mang tầm tư tưởng cao, có sự nhắn gửi của những người làm phim, những điều tâm huyết, mà họ, thông qua bộ phim muốn nói với xã hội với những người trẻ tuổi… Và có như thế họ mới để lại dấu ấn trong sáng tác của mình, mới tạo được nhân vật có cá tính. Gần đây có một vài phim mà những người làm rất tâm đắc như Hồng Ánh có Đảo của dân ngụ cư, còn trước đó Nguyễn Hoàng Điệp có Đập cánh giữa không trung. Đó là điều đáng quý. Tôi rất trân trọng những sáng tác đó.
Trong xu hướng chung của kinh tế thị trường, điện ảnh trở thành ngành kinh doanh: làm phim bán vé kiếm lời mà có một vài đạo diễn biết nắm được đúng mục đích của điện ảnh và vượt lên tầm đại chúng, khẳng định cá tính của mình thì thật đáng quý. Đành rằng những tác phẩm đó vẫn còn mặt này mặt kia về mặt nghệ nghiệp nhưng họ đã dám dấn thân, dám làm cái gì đó của mình, cho ra đời những bộ phim có thể hay vừa hoặc chưa hay lắm nhưng có cá tính sáng tạo của họ, có đường đi riêng của họ không giống với người khác, không giống với đại trà. Tiếc rằng những hạt nhân đó không nhiều, trong số vài chục phim thì điểm ra chỉ được vài cái. Còn những phim đắt vé ăn khách đôi khi là vì yếu tố này yếu tố kia chứ cũng không hoàn toàn thật sự là đỉnh cao về mặt chuyên môn, khiến những người làm nghề thán phục.
Bà có suy nghĩ gì về những bộ phim ăn khách của điện ảnh Việt Nam thời gian qua?
Tôi thán phục những người làm ra các phim đó vì họ đã bắt được cái nhịp của tuổi trẻ. Tôi vừa có dịp xem ca sỹ Sơn Tùng M-TP biểu diễn. Từ Sơn Tùng, tôi nghĩ về điện ảnh, tại sao cậu ấy lại hút khán giả trẻ như vậy? 24 tuổi mà đã biết nắm được thị hiếu người nghe bằng những bản nhạc tình cảm, ca từ hóm hỉnh không sến, không chối tai, hợp với cảm xúc của giới trẻ, phong cách biểu diễn cũng làm cho người ta thích. Các nhà làm phim cũng đã làm như thế, cho nên Tôi thấy hoa vàng cỏ xanh hay Em chưa 18 và 1 số phim khác thành công là vì người làm tinh tường nắm được thị hiếu và họ thắng về doanh thu.
|
Các phim do Hãng phim Tư nhân sản xuất với đội ngũ làm phim có người được đào tạo chuyên về điện ảnh, có người chuyển từ diễn viên sang, có những người lần đầu tiên làm phim và chất lượng phim thì không đồng đều. Theo bà, điểm hạn chế của các hãng phim, nhà sản xuất phim mới hiện nay là gì?
Tôi cho rằng đã là người lăn lộn với điện ảnh rồi thì họ cũng sẽ biết được những cái khó nhọc của ngành này nên dù hoạt động ở lĩnh vực nào trước kia, quay phim hay diễn viên… thì khi đứng ra làm đạo diễn hay sản xuất, họ đều biết cách thâu tóm. Và đương nhiên nghề chính của họ thì họ am hiểu nhất. Ví dụ như tôi có làm nhà sản xuất thì chuyên môn chính vẫn là biên kịch. Cầm kịch bản trên tay, tôi sẽ nhìn thấy ngay nó còn khiếm khuyết gì, được gì, cần phải nâng cao, sửa chữa như thế nào? theo tiêu chí phim xin ngân sách nhà nước hay phim do tư nhân bỏ vốn. Phải rành rọt thế chứ không được lẫn lộn. Còn những nhà làm phim mới chưa thành công, có lẽ cái gốc văn học của họ chưa được chắc. Dù anh làm diễn viên, đạo diễn, quay phim hoặc họa sỹ thì cái gốc của nghề vẫn là văn học. Phải biết trân trọng văn học, biết thẩm thấu những cái hay của văn học để nuôi dưỡng cảm xúc. Bởi vì nếu như anh thẩm thấu được chất văn học ấy vào chính con người mình, biết xúc động trước những áng văn hay, câu chuyện đẹp, những câu chuyện chất chứa nỗi đau đớn cuộc đời, thân phận mà văn chương đã vạch ra thì anh mới có cái nền để có thể sáng tạo tiếp được trong lĩnh vực chuyên môn, mới hư cấu được sang lĩnh vực của anh là điện ảnh. Đấy là điều cần thiết. Những người ngoại đạo với văn chương như đạo diễn, quay phim thì càng cần phải đọc rất nhiều. Tóm lại, cái gốc của điện ảnh là văn học, không có gốc đó anh sẽ rất chơi vơi, khó có thành công lớn nếu anh không bắt nguồn từ nền tảng đó.
“Ngày trước, việc chọn lựa kịch bản đưa vào sản xuất rất kỹ, trong số mấy chục kịch bản mới chọn được 1, 2 cái để làm. Xong được khâu chọn kịch bản rồi thì lại chọn lựa đạo diễn xem người nào hợp với cái tạng này, tiếp đến là chọn diễn viên, rồi các bộ phận khác nữa như quay phim ánh sáng… Nói chung khâu nào làm cũng kỹ. Tôi may mắn được làm việc trong Hãng phim đầu ngành là Hãng phim truyện Việt Nam nên tôi thấy rằng tất cả anh chị em đều là những người có tay nghề, có chuyên môn cao, cho nên khi sáp vô thì cũng rất hòa hợp… Kết quả là mỗi bộ phim ra đều được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt, gây được tiếng vang, giành được giải trong nước cũng như quốc tế” (Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát). |
Giống như người có tiền nhưng không biết dùng đồng tiền vào đúng chỗ thì rất lãng phí…?
Đúng vậy, nên tôi cảm thấy rất tiếc khi có những người bỏ ra chục tỷ, 2 chục tỷ đầu tư cho điện ảnh mà lại không làm kỹ khâu văn học. Như vậy là lãng phí đồng tiền cũng như công sức của anh em và sau này phim ra rạp là lãng phí thời gian của khán giả nếu nó không hay. Thật sự, là khán giả ai cũng thế thôi, xem một bộ phim nhạt nhẽo sẽ cảm thấy rất phí thời gian. Trước khi làm được bộ phim hay tuyệt vời thì anh hãy làm được bộ phim sạch nước cản, không còn lỗ hổng nghề nghiệp. Hiện có quá nhiều người làm phim, ai cũng có thể trở thành đạo diễn. Người người đạo diễn, nhà nhà viết kịch bản, người đẹp xinh xắn một tý đóng một phim chạy qua màn bạc có thể trở thành diễn viên… thành ra chiều sâu của điện ảnh không còn nữa mà chỉ được chiều rộng, là bề mặt thôi. Phim ít nhân vật có số phận, tất cả cứ thẳng băng. Diễn viên cứ thông qua thoại để diễn tả tâm trạng chứ không diễn gì cả trong khi lợi thế của điện ảnh là hình ảnh, càng ít lời thừa càng quý.
Là người đã gắn bó lâu năm với điện ảnh, bà có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các nhà làm phim trẻ, mới đã, đang và sẽ dấn thân vào môi trường nghề nghiệp nhiều niềm vui nhưng cũng không ít gian khổ này?
|
Làm nghệ thuật rất công phu và cần tỉnh táo để biết cách thâu tóm những chắt lọc thông tin. Các bạn trẻ bây giờ tiếp cận với điện ảnh rất dễ, lên mạng là xem được đủ phim hay của thế giới nhưng xem không chỉ để giải trí mà còn học hỏi từ chính các bộ phim đó. Như tôi, tầm này tuổi vẫn phải học, vẫn phải cập nhật xem phim để biết thế giới người ta đang phim làm như thế nào, xem để biết nội dung và xem biết cách dàn dựng, trình độ kỹ xảo bây giờ đến đâu, tại sao họ lại làm được thế này, thế kia. Tôi cũng là thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Duyệt phim tuy vất vả nhưng tôi rất ít khi bỏ lỡ. Tôi nghĩ nên xem cả phim dở để biết tại sao nó dở? Dở ở chỗ nào chứ không phải cứ phim hay là xem đâu, xem cả cái dở. Tôi cũng là người hay “ngứa mồm ngứa miệng” nhất nên hay “Ô, sao nó lại thế này, sao nó không thế kia…” trước những cái khập khễnh của người làm ra bộ phim mà nếu làm kỹ thì sẽ tránh được. Thường Hội đồng Duyệt ít góp ý về chuyên môn, chỉ xem phim có sai phạm gì về nội dung không thôi. Thiết nghĩ nên bổ sung vào quy chế Hội đồng duyệt thêm một điều nữa là phim dở cũng có quyền không cho ra rạp. Nó không sai phạm gì chỉ sai nhất là nó dở. Nhiều phim nước ngoài dở tệ nếu không cho nhập, không cho chiếu thì ngăn được nhiều rác. Tôi nghĩ thế! Tôi cảm thấy buồn, nói thật, cũng may là sắp hết đời rồi, còn cứ nhiệt huyết như này rồi cũng ốm!
|
Bức tranh phim Việt trong 2 năm qua thiếu hẳn những phim chiến tranh, hậu chiến… các đề tài mà trước đây được coi là độc quyền của các hãng phim Nhà nước. Sự thiếu hụt này là điều đáng tiếc. Bà có thể cho biết lý do? - Khó làm do các nhà làm phim Tư nhân thiếu vốn sống, trải nghiệm; Đề tài không hút khách lại tốn kém?
Lý do tạo ra lỗ hổng này nhìn là thấy được ngay. Thứ nhất, thể loại này từ trước đến nay chỉ do các Hãng phim Nhà nước trước đây, nay họ đã cổ phần chưa xong nên cũng chưa biết như thế nào. Mà hiện nay họ còn đang xộc xệch. Nhà nước còn chưa có cơ chế cụ thể, rõ ràng để cho họ hoạt động. Nguyên nhân thứ 2 nhà nước cho rằng thị trường phim Việt hiện nay dồi dào rồi, có tới 40, 50 phim/năm rồi cần gì phải bỏ ngân sách đầu tư nữa. Ngân sách càng đỡ chi nhà nước càng mừng vì đỡ tốn kém. Cũng bởi quan niệm rằng đầu tư cho điện ảnh là đầu tư mất chứ không lãi. Họ chỉ nhìn lãi “tiền tươi thóc thật” ngoài rạp chứ không nghĩ tới cái lãi lớn ở tinh thần vốn không đong đo đếm được. Tôi nói điều này có thể nhiều người chưa biết, những phim miền núi tuy được làm với kinh phí rất ít ỏi nhưng đem lên chiếu ở vùng cao, bà con nhân dân kéo đến xem như trảy hội. Có một sự thật là dân phía Bắc rất thích xem phim Bắc sản xuất mà phim Bắc bây giờ thì lấy đâu ra? Mấy năm nay không sản xuất được một bộ phim nào. Tình trạng này quả thật là rất đáng buồn.
Bộ phim truyện Người yêu ơi là dự án điện ảnh mới nhất của công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) do Cục Điện ảnh đặt hàng sản xuất. Kịch bản Người yêu ơi của tác giả Đỗ Bích Thúy được lựa chọn trong số các kịch bản của các tác giả tham dự Trại sáng tác Tam Đảo năm 2014 nói về đời sống của người H’mông, và có những nhân vật là người ở vùng xuôi sống ở vùng trung du. Bối cảnh chính của phim được thực hiện tại Hà Giang. “Trong kịch bản, chợ Tình chính là đầu mối giải quyết rất nhiều vấn đề thú vị, lãng mạn, cuốn hút người xem với cuộc sống của người H’mông vô cùng trong trẻo, hồn nhiên, ở nơi môi trường có thể nói “sạch” nhất mà đôi khi trong sự phát triển của đô thị, của đất nước hiện nay, những điều đó đã bị lãng quên”, đạo diễn – NSƯT Vương Đức cho biết. Đạo diễn của Người yêu ơi là NSƯT Bùi Trung Hải. |
Điện ảnh Việt: Một con đường, mọi lối đi | |
Phim Việt nửa đầu 2017 nhìn lại: Chuyện của con số 18! | |
'Em chưa 18' và 'Có căn nhà nằm nghe nắng mưa' - 2 phim 'lạ' của điện ảnh Sài Gòn |
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát: Phim ăn khách đâu phải chỉ nhờ bạo lực và tình dục? |
Vân Thảo