(TGĐA) - Mưa trên cánh bướm của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh đã nhận hai giải trong hạng mục "Tuần lễ phê bình phim quốc tế", một phần thuộc khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 81, diễn ra ở Ý. Mang “nhãn” của dòng phim tác giả, nhưng tác phẩm không quá khó để tiếp cận người xem khi trình chiếu tại quê nhà đầu tháng 1 vừa qua.
Một Hà Nội náo nhiệt nhưng đầy thơ mộng qua lăng kính Dương Diệu Linh trong 'Mưa trên cánh bướm' | |
'Mưa trên cánh Bướm' tổ chức buổi ra mắt tại Hà Nội, sẵn sàng ra rạp dịp đầu năm mới |
Giữa một Hà Nội ồn ã nhưng vẫn đầy chất thơ, đâu đó vẫn còn những tâm hồn cằn cỗi và héo úa theo thời gian như bà Tâm (Tú Oanh) – nhân vật chính của Mưa trên cánh bướm, người phụ nữ làm nghề tổ chức sự kiện lễ cưới, luôn tất bật với công việc hàng ngày đến mức chẳng còn chăm chút bản thân. Con gái của bà Tâm là Hà (Nam Linh) luôn trong trạng thái chán nản và uể oải, nuôi ước mơ du học để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Thành viên còn lại là chồng bà Tâm (Lê Vũ Long) – người đàn ông lầm lì và chẳng nói quá hai câu, không biết có điều gì chất chứa trong lòng hay không.
Diễn biến phim thay đổi là khi bà Tâm phát hiện ra chồng mình ngoại tình với một cô gái trẻ, thậm chí là ngay trên sóng truyền hình trực tiếp. Thay vì trách cứ chồng hay thậm chí là đi tới quyết định ly hôn, bà lại đi tìm tới thầy đồng để cầu cách nào đó hóa giải.
Phim Mưa trên cánh bướm |
Sơ qua nội dung, nhiều người cho rằng Mưa trên cánh bướm là bộ phim phê phán nạn mê tín dị đoan trong xã hội hiện đại. Có thể điều đó đúng, nhưng đó chỉ là nét chấm phá để phản ảnh sự chia cắt các thành viên trong gia đình bà Tâm, hay nói đúng hơn là những mâu thuẫn thường gặp trong hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con cái. Không sử dụng quá nhiều ngôn ngữ điện ảnh “đao to búa lớn”, Mưa trên cánh bướm của Dương Diệu Linh gây bất ngờ với cách thể hiện giản đơn và dễ thấm, thông qua những hình ảnh ẩn dụ dễ dàng ăn sâu vào não.
Từ trần nhà bị dột nhưng chỉ có mình bà Tâm để ý tới điều này, lo lắng hứng những giọt nước, như một cách ẩn đụ đơn giản cho gánh nặng lo toan nhà cửa của phụ nữ Á Đông. Hay ngay tại căn hộ tập thể cũ kỹ đó, nội thất gỗ màu nâu đậm và cồng kềnh, cùng giấy dán tường có hoạ tiết, nhằm tạo một bầu không khí nặng nề, ứ đọng.
Bởi theo Dương Diệu Linh, bà Tâm dường như luôn mắc kẹt trong một nhà tù, vậy nên các góc quay thường dồn nhân vật này vào một góc không gian, hoặc bó hẹp qua các khung cửa, trong một không gian chật chội, ngột ngạt. Ngay cả khi không ở nhà thì bà Tâm vẫn luôn luôn bị nhét vào giữa những bối cảnh đông người, xe cộ chạy qua lại và nhiều yếu tố di chuyển trong khung hình.
Nỗi đau phụ nữ là chủ đề chính của phim |
Dù là đạo diễn trẻ, nhưng Dương Diệu Linh thể hiện một sự quan sát không hề “nông”, gửi vào bộ phim nhiều nét châm biếm và đậm chất bi hài kịch. Người ta hay nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người mẹ, người vợ trong gia đình Việt Nam từ lâu đã được ví như ngọn lửa ấm áp, âm thầm cháy, giữ cho tổ ấm luôn tràn đầy tình yêu thương và hạnh phúc. Người mẹ, người vợ chính là trái tim của gia đình. Nhưng thành ra, điều đó lại tạo nên một áp lực tự thân cho phụ nữ, khiến họ không còn nghĩ tới bản thân mà chọn những cách gìn giữ gia đình cực đoan và bế tắc.
Bà Tâm là hiện diện tiêu biểu cho một thế hệ phụ nữ cam chịu nhưng ngược lại cô con gái Hà chính là lứa tuổi Gen Z cá tính, nổi loại và không thỏa hiệp. Duy nhất trong nhà, căn phòng của Hà là nơi ngập tràn ánh sáng vì ở đó khán giả còn nhìn thấy hi vọng được thoát ra khỏi tình cảnh bí bách và túng quẫn.
Khó thể không nhắc tới nhân vật người chồng, người cha do Lê Vũ Long thủ vai, y như một bóng ma lầm lũi trong nhà, đó là người đàn ông gặp phải khủng hoảng tuổi trung niên, khi chẳng còn nhiều sức lực, niềm vui hay tiếng nói trong gia đình.
Dương Diệu Linh còn thể hiện sự táo bạo của mình, khi hình ảnh hoá những diễn biến phức tạp trong tâm lí và cảm xúc nhân vật, đào sâu các khoảng tối khó có thể miêu tả qua hành động hay biểu cảm bằng loạt chi tiết rùng rợn và kỳ ảo, được xử lý tương đối ổn bằng kỹ xảo tròn trịa. Dù vậy, đây hoàn toàn có thể là “con dao hai lưỡi” vì không phải ai cũng hiểu được tính kết nối giữa thực và ảo như vậy.
Ngoài ra, phim còn là món quà cho những tâm hồn “mê mẩn” Hà Nội. Vì dẫu cho Hà Nội có xô bồ và đổi thay thế nào, những nét cổ kính, thơ thẩn vẫn còn đâu đó. Khán giả có thể bắt gặp những hình ảnh “điển hình” cho nhịp sống Hà Nội: tiếng các cô bác dậy sớm tập thể dục, tiếng các cô hàng quán bắt đầu í ới, và cả tiếng bát đũa bữa sáng từ các căn hộ trong khu tập thể…
Dương Diệu Linh cho biết: “Mưa trên cánh bướm là Hà Nội trong kí ức của tôi, cả quá khứ lẫn hiện tại. Các bối cảnh được lựa chọn với ý đồ tái hiện lại nhịp sống dồn dập, hỗn độn của một Hà Nội hiện đại, nơi người ta hiếm khi có thể tìm thấy một khoảnh khắc yên tĩnh để chậm lại và đối thoại với chính bản thân mình”.
Ngay cả bối cảnh chính của phim, chính là hai căn hộ trên tầng 5 của một khu tập thể cũ kỹ. Cô cho biết: “Bối cảnh căn hộ tập thể mù mờ thiếu ánh sáng trong phim được lấy cảm hứng từ chuỗi căn hộ be bé được phân cho các cán bộ cơ quan, nơi tôi sinh ra và lớn lên”.
Là phim đầu tay, nên Dương Diệu Linh vẫn còn những điểm chưa có trọn vẹn, cũng như bộc lộ sự non tay trong cách xử lý tình huống. Nhất là đoạn kết phim, sự lưng chừng có thể làm khán giả đặt ra nhiều câu hỏi thú vị về phim, nhưng phải chăng là chưa đủ để đặt một nốt lặng khiến ta khắc khoải về số phận những nhân vật trong phim.
Kể cả vậy vẫn có thể tìm thấy điểm cộng khác, đặc biệt là phần diễn xuất. Tú Oanh cho thấy bản thân vẫn là một diễn viên dày dạn kinh nghiệm, khi thể hiện những mảng miếng diễn xuất vừa phải, cho thấy ảo tưởng mộng mơ của phụ nữ trong nhiều trạng thái từ cam chịu cho tới hoảng loạn tinh thần.
Lựa chọn Tú Oanh để dẫn dắt những xúc cảm chính của người xem tới với sự chênh vênh, rối bời trong một mớ bòng bong của những xung đột, định kiến giới và sang chấn liên thế hệ, là một trong những quyết định sáng suốt nhất đạo diễn Dương Diệu Linh.
Có thể nói, Mưa trên cánh bướm là một thử nghiệm mới mẻ, chưa thể được ví như một bộ phim có một không hai, nhưng cho thấy một sự tận tâm muốn phá vỡ khuôn mẫu không phải phim dự Liên hoan phim là khó thưởng thức, khó tiếp cận. Và khó thể phủ nhận rằng, dù tác phẩm này là phim dòng tác giả, nhưng vẫn có sự đối thoại và lắng nghe tới khán giả, khiến họ tìm thấy nhiều sự kết nối với nhân vật, dẫu cho rất ít khoảnh khắc chúng ta nhìn thấy sự cân bằng.
Một Hà Nội náo nhiệt nhưng đầy thơ mộng qua lăng kính Dương Diệu Linh trong 'Mưa trên cánh bướm' | |
'Mưa trên cánh Bướm' tổ chức buổi ra mắt tại Hà Nội, sẵn sàng ra rạp dịp đầu năm mới |
Vũ Anh