(TGĐA) - Vừa qua, bộ phim Mưa trên cánh bướm của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh đã nhận hai giải trong hạng mục "Tuần lễ phê bình phim quốc tế", một phần thuộc khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 81, diễn ra ở Ý. Chỉ trong vòng ba tháng kể từ khi ra mắt, bộ phim cũng đã kịp chu du tới 21 LHP lớn nhỏ trên toàn thế giới và giành thêm hai giải thưởng nữa, trước khi chính thức được trình chiếu tại Việt Nam từ ngày 3/1. Hãy cùng TGĐA trò chuyện với đạo diễn Dương Diệu Linh để hiểu thêm về ý tưởng cũng như những dòng xúc cảm khi thực hiện tác phẩm này.
(Review) 'Mưa trên cánh bướm: Góc nhìn rùng rợn và đầy cảm thông về thân phận phụ nữ | |
Những lý do không thể bỏ lỡ 'Mưa trên cánh Bướm': Phim Việt độc đáo và chất lượng 'mở bát' năm mới thành công |
Bạn có thể cho biết ý tưởng bộ phim đến từ đâu và thời điểm nào, bạn quyết định thực hiện hóa nó?
Ba phim ngắn ra mắt năm 2019 của tôi đều mang chút hài hước và châm biếm với chính những người phụ nữ trung niên đang tự cho mình là nạn nhân nhưng lại tìm mọi cách để né tránh việc phải đối diện với vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên tôi cảm thấy thời lượng của các phim ngắn (dưới 20 phút) chưa đủ để có thể truyền tải hết những tư duy của tôi về những sang chấn liên thế hệ cũng như những định kiến và khuôn mẫu tồn tại như những gánh nặng với cả hai giới nam và nữ.
Khi đem phim ngắn Mẹ, con gái và những giấc mơ đi trình chiếu tại chương trình Open Doors của LHP Locarno năm 2019, tình cờ có một cuộc thi dành cho các dự án phim dài đang trong giai đoạn phát triển, phần thưởng là hai tuần lưu trú tại trại sáng tác ở Pháp. Tôi viết một trang đề cương dựa trên những ý tưởng tích cóp từ vài năm trước đó, và may mắn đoạt giải. Vì đã… lỡ đoạt giải rồi nên không còn cách nào khác là phải làm phim thôi (cười). Mưa trên cánh bướm đã ra đời như vậy!
Đạo diễn Dương Diệu Linh |
Nội dung tác phẩm dường như là về một người phụ nữ mê tín dị đoan hay đời sống tâm linh người Việt. Khi đưa tác phẩm này đi dự thi quốc tế, bạn nghĩ khán giả nước ngoài có hiểu hết những yếu tố dường như rất “bản địa”?
Có lẽ vì chủ đề phim khá gần gũi với khán giả ở bất cứ nơi đâu nên trong quá trình đưa phim đến các quốc gia khác nhau, ekip chưa nhận được lời phàn nàn nào (cười), có chăng là một sự tò mò và mong muốn tìm hiểu thêm về những hệ tư tưởng truyền thống và đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Ngoài ra, trong một cuộc chuyện phiếm với những người bạn làm phim trong khu vực Đông Nam Á gần đây, chúng tôi có nói bông đùa với nhau, khi xem những bộ phim nước ngoài mình phải cất công tìm hiểu hệ thống tôn giáo và biểu tượng của họ, thế thì tại sao khi đổi vế ngược lại, chúng mình lại phải tìm đủ mọi cách để đơn giản hóa những chi tiết về văn hoá của chúng mình chỉ vì… sợ họ không hiểu? Đã đến lúc bạn bè quốc tế cần biết đến Việt Nam như một quốc gia với bề dày lịch sử văn hóa rực rỡ và một xã hội đang trên đà phát triển với những chủ đề phức tạp cần được khám phá, chứ không chỉ có áo dài, nón lá và phở (cười).
Đính chính thêm một chút là chủ đề phim không phải về mê tín dị đoan, nó chỉ là phương thức để truyền tải thông điệp của bộ phim về sự mất kết nối giữa những cá nhân trong một gia đình. Mời các bạn xem phim để hiểu thêm nhé!
Cảnh trong phim |
Tại sao bạn lại mời Tú Oanh vào vai chính, có phải đó là diễn viên khiến bạn tìm thấy điều gì đó đặc biệt?
Tôi bị thu hút bởi phong thái và năng lượng tích cực của diễn viên Tú Oanh. Ngoài ra trong quá trình hợp tác cho bộ phim ngắn Ngọt, Mặn trước đó, chị đã chinh phục tôi bởi khả năng diễn xuất cũng như tinh thần làm việc hết sức chu đáo, chuyên nghiệp và tỉ mẩn.
Thông thường, người ta có suy nghĩ phim nghệ thuật sẽ khó xem, theo bạn điều đó có đúng với thời đại phim ảnh hiện giờ?
Tôi muốn làm ra những tác phẩm có giá trị và ngôn ngữ điện ảnh, đồng thời có khả năng tiếp cận được với cảm xúc của khán giả. Tôi cũng muốn phá vỡ khuôn mẫu rằng phim đi dự LHP thì khó tiếp cận, khó “cảm”, khó xem. Một câu chuyện có thể chạm đến trái tim của người xem là một câu chuyện xứng đáng được kể. Tôi kể câu chuyện qua ngôn ngữ nghệ thuật của mình, một cách tỉ mẩn nhất trong khả năng của mình, thành thật với mình và không cố gắng uốn nắn nó theo “gu” của bất cứ ai. Tôi tin rằng sự chân thành trong cuộc sống cũng như nghệ thuật là thứ không thể làm giả.
Những giải thưởng quốc tế phim đạt được có ý nghĩa thế nào đối với cá nhân bạn. Tiền thưởng có đủ để bù lại kinh phí làm phim?
Tôi vui và có một chút tự hào nhưng có một điều mà tôi thấy ít ai nhắc đến, đó là niềm vui khi được đối thoại với khán giả đến từ mọi nơi trên thế giới nhưng đều có chung một sự đồng cảm và kết nối với nhân vật, với tác phẩm. Đối với tôi giải thưởng lớn nhất, khiến tôi hạnh phúc nhất là khi mình có thể chạm tới chiều sâu cảm xúc của khán giả.
Ê-kíp hiện diện ở LHP quốc tế |
Theo như lời giới thiệu, tác phẩm còn có sự kết hợp của yếu tố kỳ ảo, bạn có thể bật mí một chút về điều này?
Tôi có niềm yêu thích đặc biệt với “hiện thực huyền ảo” (magical realism) trong văn chương và điện ảnh, vì vậy chúng đến với tôi một cách khá tự nhiên trong quá trình viết kịch bản phim. Nghe thì có vẻ mơ hồ vậy thôi, nhưng nếu nói đơn giản ra thì nó là cách tôi hình ảnh hoá những diễn biến phức tạp trong tâm lí và cảm xúc nhân vật, đào sâu các khoảng tối khó có thể miêu tả qua hành động hay biểu cảm. Nếu bạn đọc sách nhiều thì có thể đã bắt gặp thủ pháp này trong những tác phẩm của Haruki Murakami, Franz Kafka hay Neil Gaiman.
Cá nhân bạn cho rằng, sự phức tạp từ mối quan hệ gia đình và truyền thống văn hóa của người châu Á vô hình chung khiến con người ta chịu áp lực ra sao và điều đó có phải là yếu tổ chủ đạo của phim?
Có lẽ những đứa trẻ sinh ra vào khoảng đầu những năm 90 như chúng tôi khá may mắn vì được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội, cách những giá trị truyền thống dần bị lép vế trước sự xâm nhập của lối sống phương tây, cách Internet mở lối cho những chân trời kiến thức mới nhưng cũng dẫn đến sự rối loạn về các hệ giá trị.
Người phụ nữ dường như được trao nhiều quyền lực hơn, được làm chủ cuộc đời mình, được cạnh tranh với đàn ông trên nhiều lĩnh vực. Vậy thì tại sao họ không có vẻ hạnh phúc hơn mà trái lại, dường như đang phải gồng gánh quá nhiều gánh nặng và mâu thuẫn, cả ngoài xã hội lẫn trong chính gia đình của mình? Những người phụ nữ trong phim của tôi không phải là mẫu người cam chịu, để mặc cho số phận đưa đẩy. Tuy nhiên họ vẫn bị rối trong một mớ bòng bong của những xung đột, định kiến giới và sang chấn liên thế hệ - hậu quả tất yếu của bối cảnh chuyển giao như tôi đã đề cập phía trên.
Nó không chỉ ảnh hưởng đến người phụ nữ mà tất nhiên cả những người đàn ông, lớn lên trong xã hội phụ hệ với những khuôn mẫu về “phái mạnh” đã vô tình khiến họ mất đi kết nối và tiếng nói trong chính gia đình của mình.
Nữ diễn viên Tú Oanh |
Có thể cái nhìn của tôi vẫn còn chưa đầy đủ, nhưng những điều tôi cố gắng truyền tải trong phim đều xuất phát từ những quan sát hàng ngày và đúc kết của cá nhân tôi.
Gần đây, có nhiều đạo diễn thành công ở các giải thưởng quốc tế, như Hà Lệ Diễm, Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân. Bạn đã xem phim của họ chưa và có cảm nhận cá nhân thế nào?
Tôi may mắn được xem hầu hết các bộ phim đó và vẫn luôn thấy rất vui mừng và tự hào vì càng ngày điện ảnh Việt Nam càng được nhắc đến nhiều hơn tại những Liên hoan phim lớn không chỉ ở phương tây mà ngay cả trong khu vực, như một thị trường đầy tiềm năng và giàu chất liệu cho sáng tác điện ảnh. Hi vọng đây sẽ là bước đệm để mời gọi thêm nhiều nhà đầu tư và các dự án chất lượng đến với Việt Nam.
(Review) 'Mưa trên cánh bướm: Góc nhìn rùng rợn và đầy cảm thông về thân phận phụ nữ | |
Những lý do không thể bỏ lỡ 'Mưa trên cánh Bướm': Phim Việt độc đáo và chất lượng 'mở bát' năm mới thành công |