(TGĐA) - Điện ảnh Cách mạng Việt Nam bắt đầu bằng phim tài liệu. Hãy cùng nhìn lại ngôn ngữ điện ảnh tài liệu Việt Nam qua các kỳ Liên hoan phim và phim tài liệu hiện nay.
Những tác phẩm đầu tiên của Điện ảnh Tài liệu nhận được sự đánh giá cao qua Liên hoan phim Quốc gia lần I,II, III và IV như Chiến thắng Tây Bắc, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh Linh, Du kích Củ Chi, Đường ra phía trước, Một ngày trực chiến, Làng nhỏ ven sông Trà, Những người săn thú trên núi Daksao, Nhũng cô gái Ngư Thủy, Hà Nội bản anh hùng ca, Thành phố lúc rạng đông... mang phong cách chiến đấu. Những người làm phim tài liệu tìm mọi cách tiếp cận với tài liệu, đi đến, chốt ở những điểm gay go ác liệt nhất, người nghệ sỹ dùng máy quay như vũ khí chiến đấu, trực tiếp ghi chép những hình ảnh chân thực làm cho các bộ phim có sức thuyết phục mạnh mẽ và sức khái quát cao. Lời bình của các phim thường mang tính chính luận sắc bén, mạnh mẽ sử dụng lời bình luận, giải thích đi kèm những hình ảnh sinh động tạo sức thuyết phục. Chất thơ trong các tác phẩm là điều đặc biệt trong các phim tài liệu Việt Nam ngay từ thuở ban đầu, các tác giả đã biến chất thơ đó thành đối tượng để thể hiện con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, về cuộc chiến tranh mà họ phải đối đầu.
| |
Cảnh trong phim Những cô gái Ngư Thủy |
Thành công của các phim làm về lãnh tụ như Đường về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Việt Nam - Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh chân dung một con người, Hồ Chí Minh hình ảnh của người, Hồ Chí Minh với Trung Quốc... trong các Liên hoan phim lần thứ V,VII, IX,XI là việc sử dụng thành công tư liệu tạo nên linh hồn sống động cho bộ phim, các tác giả làm sống lại những tư liệu lịch sử bằng cách đối chiếu tài liệu với nhân chứng thực tế, với những loại tư liệu khác nhau, sử dụng nhiều cách suy nghĩ mới, thủ pháp nghệ thuật mới.
Tại LHP Việt Nam lần V, trong thể loại phim chính luận, bộ phim Phản bội đã dùng cách quay và ghi âm đồng bộ, dùng thủ pháp đối chứng giữa lời nói và việc làm, giữa hình ảnh và nhân vật giữa sự kiện và nhân chứng tạo nên cách làm, suy nghĩ mới trong thể loại phim chính luận.
Cái mới của phim Đường dây lên sông Đà trong LHP VI là phim không có lời bình, tạo dựng được hình tượng nghệ thuật không căng cứng, phô trương, tự nhiên như cuộc sống bình dị hàng ngày diễn ra, người lao động được máy quay quan sát, ghi lại một cách chân thực, rất gian khổ, nhưng lại rất lãng mạn, hào hùng.
| |
Cảnh trong phim Đường dây lên sông Đà |
Trong LHP VII, phim 1/50 giây cuộc đời là một bước tiến mới trong thể loại phim chân dung, ở đây cái tôi của người nghệ sỹ được nổi lên bằng cách sử dụng thế mạnh của ánh sáng, giàu chất thơ; hàm xúc và cô đọng trong lời bình.
Hà Nội trong mắt ai trong LHP VIII và Chuyện tử tế sau này là những bộ phim tạo được dư luận xã hội rất lớn, bằng thủ pháp sử dụng lời dẫn, lời bình, kết hợp khéo léo với hình ảnh, bộ phim tạo được câu chuyện hấp dẫn buộc người xem phải suy ngẫm cùng tác giả. Bộ phim không áp đặt, tác giả tạo khoảng không gian, tạo con đường để người xem cùng đồng hành, suy ngẫm để tự có kết luận của chính mình.
Bộ phim Trở lại Ngư Thủy trong LHP XII cũng đã tạo được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội nhưng bằng con đường khác, tác giả đi sâu vào đời sống tình cảm của các nhân vật, trực diện phản ánh những bất cập của hoàn cảnh xã hội sau cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài.
| |
Hình ảnh trong phim Đỉnh cao chiến thắng |
Các bộ phim Chị Năm Khùng, Di chúc của những oan hồn, Thang đá ngược ngàn, Còn lại với thời gian, Những nẻo đường công lý, Đất lạnh, Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc, Một cơ hội bị bỏ lỡ, Đỉnh cao chiến thắng... là những phim thành công trong các LHP gần đây có những điểm mới trong việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh, phối hợp giữa việc sử dụng lời trực tiếp của các nhân vật, lời dẫn, tự sự, lời bình, tiếng động. Các nhân vật trong phim thường là những nhân vật cụ thể, các phim đi sâu vào suy nghĩ, vào nội tâm của các nhân vật.
Hiện nay, phim tài liệu phần lớn do các đài, trung tâm truyền hình và các hãng phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc xã hội hóa. Các phim có các mảng đề tài phong phú, đa dạng góp phần gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Trước hiện thực bề bộn, nhiều vấn đề nóng, phức tạp của cuộc sống, các nhà làm phim đã có nhiều cố gắng vượt lên, đổi mới cách nghĩ, cách làm để tiếp cận với ngôn ngữ điện ảnh hiện đại để làm ra những tác phẩm mang tính Chân - Thiện - Mỹ, đậm chất nhân văn và đem lại hiệu quả xã hội.
| |
Phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng |
Đặc điểm có thể thấy rất rõ trong các tác phẩm được đánh giá cao gần đây là việc lựa chọn được đề tài, nhân vật thú vị là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Một trong những bài toán nan giải của phim tài liệu là phải động chạm đến những vấn đề mà xã hội quan tâm, đi đến tận cùng điều mà khản giả quan tâm; sử dụng thế mạnh “báo chí” của thể loại phim tài liệu, một số tác giả, đặc biệt các tác giả của các đài truyền hình đã sử dụng người thật, sự kiện thật để tạo nên những phim tài liệu khiến khán giả xúc động, các nhà làm phim đã thu thập tư liệu sáng tác với vai trò một nhà báo thật sự.
Nhưng cũng còn không ít những bộ phim có thể "làm khán giả hờ hững với phim tài liệu" vì nhiều phim khai thác đề tài không mới, tiếp cận thực tế một cách đại khái, chung chung không chạm đến sự quan tâm của khán giả, thực sự vấn đề ở đây là trách nhiệm của người làm phim, ý thức của họ đối với những vấn đề của cuộc sống.
Về ngôn ngữ nghệ thuật, điều dễ nhận thấy là phim tài liệu gần đây đã có nhiều cố gắng của các nhà làm phim tìm tòi cách thể hiện mới gần gũi hơn với ngôn ngữ điện ảnh tài liệu thế giới.
| |
Cảnh trong phim Chuyện ngày hôm qua |
Việc sử dụng lời bình như thành tố chính yếu, duy nhất của phim tài liệu, người làm phim dùng hình ảnh mang nội dung chung chung, ghép các cảnh vào nhau rồi sử dụng lời bình như một phương tiện cứu cánh để chuyển tải nội dung, thể loại "radio phim" này đã giảm đi rõ rệt và thường không được đánh giá cao.
Đã xuất hiện xu hướng sử dụng lời bình một cách hạn chế, có chừng mực cố gắng khai thác tối đa hiệu quả của hình ảnh; nâng thêm một nấc mới trong việc phối hợp lời thực, hành động thực của các nhân vật trong cách thể hiện các đoạn, trường đoạn của phim. Có nhiều phim hoàn toàn không sử dụng lời bình, chỉ sử dụng đối thoại hoặc độc thoại của nhân vật, sử dụng các thiết bị thu thanh đồng bộ theo xu hướng làm phim hiện đại là cách làm cần được khuyến khích, tuy nhiên các phim thật sự xuất sắc theo cách làm này còn chưa nhiều. Việc chỉ ném ra các thông tin cần thiết để chuyển tải nội dung mà quên mất công cụ cơ bản của nghệ thuật là tính kịch (dramaturgie), thiếu việc đầu tư cho những yếu tố cơ bản của tính kịch như thắt nút, mở nút... khiến bộ phim trở nên đều đều dễ làm cho khán giả nhàm chán.
Yếu tố âm thanh trong phim tài liệu gồm lời nói, tiếng động và âm nhạc đã có những bước tiến rõ nét. Các tác giả đã quan tâm nhiều hơn đến việc xử lý âm thanh, đặc biệt là kỹ thuật xử lý và nghệ thuật sử dụng tiếng động và âm nhạc. Đây là hai yếu tố âm thanh đóng vai trò quan trọng trong các tác phẩm tài liệu thành công, tiếng động đã được dùng để phản ánh một cách đồng bộ với hình ảnh, bổ sung phần thiếu của hình ảnh, góp phần làm tăng cảm xúc, tính chân thực của các đoạn, trường đoạn trong phim. Việc sử dụng nhạc trong nhiều bộ phim vẫn còn là điểm yếu, nhạc chưa được sử dụng như một phương tiện biểu cảm, tạo cảm xúc cho phim, vẫn còn nhiều phim sử dụng quá nhiều nhạc, nhiều khi âm nhạc được sử dụng để thay thế tiếng động, chạy dài theo phim.
| |
Phim Đỉnh cao chiến thắng |
Về hệ thống ngữ pháp hình ảnh - thủ pháp dựng phim (montage) cần nghiên cứu để thay đổi thích ứng với ngôn ngữ điện ảnh hiện đại của thế giới nói chung. Trong phần lớn các phim của chúng ta hiện nay, chủ yếu vẫn dùng các thủ pháp dựng phim của phim ngắn trước đây khi chưa có âm thanh đồng bộ, khi mà khán giả xem phim đón nhận các sự kiện trong phim nội dung phim như người đứng ngoài một cách thụ động. Xu hướng chung của điện ảnh thế giới hiện nay là Montage có nhiệm vụ bố cục tác phẩm thành những câu hình ảnh và những trường đoạn tương đối dài để dẫn dắt người xem tham gia vào các sự kiện, sống, cảm xúc chung cùng với các nhân vật theo ý tưởng của tác giả bộ phim.
Hiện nay, một số bộ phim tài liệu như Chuyện ngày hôm qua, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đáng sống... được phát hành thành công tại rạp. Đó là những tín hiệu vui của phim tài liệu Việt Nam. Những tín hiệu này phù hợp với xu hướng chung của điện ảnh tài liệu thế giới là sản xuất những phim tài liệu có độ dài đủ chiếm trọn một buổi chiếu để tổ chức phát hành tại rạp. Xu hướng này cần được các nhà sản xuất phim nghiên cứu và phối hợp với các nhà phát hành nhằm đưa phim tài liệu ra rạp có tính đến những đặc thù của việc phát hành, phổ biến phim tài liệu.
Với những tín hiệu vui ban đầu của thể loại phim tài liệu, khoa học chúng ta hy vọng có những tác phẩm ngày một tốt hơn trong thể loại này góp phần gìn giữ, xây dựng, phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập cùng sự phát triển chung của điện ảnh thế giới.
Lê Hồng Chương