(TGĐA) - Người môi giới (Broker) là tác phẩm hướng về chủ đề nhức nhối trong xã hội, nhưng được nhìn dưới con mắt dung dị và thấm thía của nhà làm phim người Nhật Hirokazu Koreeda.
Trong 30 năm sự nghiệp của mình, Hirokazu Koreeda đã định hình rõ rệt phong cách làm phim riêng biệt. Từ những Nobody Knows, Like Father, Like Son hay Our Little Sister…, đều là những bộ phim mang chủ đề dung dị về gia đình, tạo nên thông điệp thấm thía về sự gắn kết giữa người với người, dù bối cảnh ông tạo ra có bất ổn và nhức nhối ra sao.
Người mối giới (Broker) không khỏi khiến người ta nhớ tới Shoplifters (Kẻ trộm siêu thị), bộ phim đã giúp Hirokazu Koreeda mang về giải Cành cọ vàng năm 2018 cho Phim điện ảnh hay nhất, khi hai phim đều mang đến câu chuyện về những con người xa lạ, nhưng vì hoàn cảnh nghiệt ngã mà gắn kết nhau như một gia đình.
Người môi giới (Broker) - tác phẩm trở về từ Liên hoan phim Cannes ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 24/6 |
Bộ phim mở đầu với cảnh bà mẹ trẻ So Young (IU) ôm đứa con mới lọt lòng ngẩn ngơ trước nhà thờ, nơi được thiết kế chiếc “hộp em bé” đặt bên ngoài cửa nhằm giữ ấm cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Sau đó So Young bỏ đi và chỉ để lại một dòng chữ: “mẹ sẽ quay trở lại!”.
Đằng xa, có hai người đàn ông lặng lẽ quan sát, đó là Sang Hyeon (Song Kang Ho) và Dong Soo (Kang Dong Won), đều là những kẻ làm nghề buôn bán trẻ em. Cả hai chỉ có một điểm duy nhất khác với bọn tội phạm, đó là luôn chịu khó tìm những gia đình nền tảng tốt để gửi gắm các sinh linh bé bỏng. Chứng kiến thêm một đứa bé bị bỏ rơi, Dong Soo liền thốt lên rằng: “Hộp em bé chỉ làm cho những phụ nữ như cô ta hư đi”, giống như chút gì đó gợi mở cho thông điệp hay thực trạng mà tác phẩm muốn hướng tới.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà So Young quay trở lại tìm con. Để tránh rắc rối, Sang Hyeon và Dong Soo đành cho bà mẹ trẻ tham gia vào vụ mua bán chính con trai mình. Cả 4 rong ruổi trên chiếc xe “cà tàng”, với mong muốn tìm thấy cặp vợ chồng tốt để tiến hành việc mua bán. Họ đều không biết rằng hành động này đã được phía cảnh sát theo dõi, cụ thể là nữ thanh tra Soo Jin (Bae Doona) và cộng sự của cô (Lee Joo Young).
Chuyến xe gắn kến những tâm hồn lạc lõng |
Hirokazu Koreeda từng tâm sự rằng: “Có những đứa trẻ đã luôn tự hỏi rằng mình được sinh ra trên đời có là một điều tốt không? Có ích gì khi cứ lặp đi lặp lại những lời an ủi sáo rỗng chứ? Liệu tôi có thể thực sự tuyên bố với các em rằng không ai trên Trái đất này là không xứng đáng được sinh ra…?”. Dĩ nhiên, câu hỏi này không chỉ dành riêng cho những đứa trẻ, khi vấn đề mà Người môi giới đưa ra không hề mới, nhưng cách dàn dựng lại đưa khán giả tới những góc nhìn mới mẻ từ nhiều phía.
Vân đề phim đặt ra không dễ để trả lời |
Trên chuyến xe đó, trong khi So Young là bà mẹ buộc phải đem con đi bán vì hoàn cảnh ngặt nghèo, thì Dong Soo lại lớn lên ở cô nhi viện, với thứ duy nhất mẹ để lại cho anh cũng chỉ là mảnh giấy viết rằng sẽ quay lại đón anh. Trong khi đó Sang Hyeon dù đã có gia đình nhưng lại bị vợ con xa lánh. Chuyến xe bất đắc dĩ này còn có sự tham gia bất chợt của Hae Jin, cậu bé cũng bị bỏ rơi từ tấm bé có ước mơ trở thành Son Heung Min thứ 2.
Thay vì dành thời gian mô tả hoàn cảnh hay tâm lý từng người một, Koreeda lại khôn khéo tận dụng chiếc xe như một không gian dù chật hẹp, nhưng đủ ấm cúng để gắn kết những tâm hồn lạc lõng. Ông tạo cho các nhân vật những đoạn hội thoại tinh tế và tràn ngập cảm xúc, phô bày những khoảng tối bên trong con người họ, như muốn nói rằng dù xuất thân hay lựa chọn của họ ra sao, thì ai cũng xứng đáng được cảm thông một phần nào đó.
Bộ phim đem đến sự thức tỉnh cho mỗi chúng ta |
Sự gắn kết đầy nhân văn này đã khiến bản thân nhân vật hay mỗi khản giả xem phim chợt tỉnh thức, bởi nếu muốn nhận được sự tha thứ, chúng ta phải tự tha thứ cho chính mình trước tiên.
Kể cả vậy, nếu chỉ bấy nhiêu đó thông điệp cũng không thể đủ để Người môi giới gây ấn tượng tại Liên hoan phim Cannes năm nay. Koreeda còn tô điểm cho tác phẩm của ông những mảng màu sáng tối trong cách sắp xếp hình ảnh và bố cục một cảnh phim. Như trong đoạn đối thoại giữa So Young với Sang Hyeon trên tàu điện ngầm. Mỗi khi cô gái mang trên mình mặc cảm tội lỗi bày tỏ tâm trạng không muốn xa con trai bé bỏng, màu phim lại chuyển thành đen khi đoàn tàu đi vào hầm, như một cách phơi bày tinh tế nỗi lòng sâu thẳm bên trong nhân vật.
Màu sắc hay bố cục mỗi cảnh quay đều được sắp xếp tinh tế |
Điều đó phần nào cho thấy Người môi giới thực sự là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, nhưng không vì thế mà quá khó xem. Phim vẫn có những trường đoạn gây cười nhẹ nhàng, khiến ta suy ngẫm về những trớ trêu trên dòng đời lắm bi thương. Nếu tinh ý nhận ra, Koreeda còn thêm vào phim một số phong cách hài hước hay lãng mạn đặc trưng của phim Hàn Quốc, làm nhiều người không khỏi khen ngợi vị đạo diễn đầu tư ra sao.
Về phần diễn xuất, nam tài tử Song Kang Ho vẫn cho thấy đẳng cấp của một tên tuổi lớn được thế giới công nhận. Nhưng có lẽ ấn tượng và bất ngờ hơn cả, chính là màn thể hiện của “em gái quốc dân” IU, khi nữ ca sĩ hoàn toàn phá bỏ định kiến idol đi đóng phim để trình diễn một nhân vật xuất sắc cả về thần thái lẫn diễn xuất. Ánh mắt của sự chán chường, cô đơn hay căm phẫn trước một xã hội bất công đều được IU thể hiện tròn trịa qua vai bà mẹ trẻ đáng thương hơn đáng trách. Hai ngôi sao Bae Doona và Kang Dong Won đều có đóng góp vừa đủ để khiến bộ phim có thêm nhiều gam màu đối lập.
IU gây bất ngờ với diễn xuất của mình |
Nếu ở Kẻ trộm siêu thị, Hirokazu Koreeda vẽ nên bức tranh khu ổ chuột và cuộc sống của những người ở dưới đáy xã hội, qua đó trả lời thay cho khán giả câu hỏi: "Điều gì tạo nên một gia đình?". Thì với vấn đề mà ông đặt ra cho Người môi giới, nó chẳng dễ dàng chút nào để tìm kiếm lời giải đáp.
Bởi như từng giới thiệu, Koreeda lấy hình ảnh “hộp em bé” làm nguồn cảm hứng chính cho bộ phim, nhưng nếu là chúng ta hay bất cứ ai, liệu có đủ dũng cảm để mở chiếc hộp ra và đưa những sinh linh nhỏ bé tới nơi an toàn hay ấm áp hơn? Rồi đến khi nào xã hội mới không cần dùng những chiếc hộp này nữa? Quả thực khó ai dám chắc...
Có lẽ xem xong Người môi giới, mỗi khán giả sẽ có riêng cho mình sự tỉnh thức và câu trả lời cho bản thân…
“Hộp em bé” là những chiếc hộp được đặt gần các bệnh viện, nhà thờ, hay trung tâm bảo trợ xã hội, là nơi chứa những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Chiếc “hộp em bé” cung cấp một không gian với nhiệt độ đủ giữ ấm cho trẻ sơ sinh, bên ngoài có gắn chuông để các bà mẹ rung lên khi họ rời bỏ đứa trẻ. Lee Jong Rak – mục sư tại Nhà thờ Cộng đồng Jusarang là người đã tạo ra “hộp em bé” trước thực trạng trẻ em sơ sinh ở Hàn Quốc bị vứt bỏ ngày càng nhiều. |
Doona Bae – Nàng thơ của đạo diễn Kore-eda Hirokazu và lần thứ 2 hợp tác trong 'Người môi giới' | |
'Người môi giới' đạt top 1 doanh thu phòng vé nội địa ngay ngày đầu tiên khởi chiếu |
Anh Vũ
Ảnh: CJ Entertainment