(TGĐA) - Hơn 20 năm làm nghề báo, với anh là cả một hành trình dài mà khi nhớ lại cũng chưa khỏi ngạc nhiên vì sao mình lại được làm cái nghề cao quý này.
Dàn nghệ sĩ rủ nhau đến chúc mừng triển lãm ảnh 'Nghĩa tình nghệ sĩ' của hai nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn và Lữ Đắc Long | |
Nhà báo Lữ Đắc Long: Hé lộ hậu trường làng phim |
Tính đến nay, anh đã đến với nghề ký giả kịch trường bao nhiêu lâu rồi?
Chính thức được đăng bài báo đầu tiên là năm 1999 ở Tạp chí Điện ảnh TP.HCM với bài viết: Mạc Thiếu Thông tung hoành trên phim trường Việt. Đó là bài viết sau khi hơn một chục bài tôi gửi về tòa soạn mà không được đăng, bởi thời đó tôi tự mày mò và và còn rất ngây ngô với đề tài mình viết.
Nhà báo Lữ Đắc Long |
Hơn 20 năm chuyên viết về mảng kịch trường, với anh, điều thú vị nhất ở mảng đề tài này? Có gì đặc thù, khác với những mảng khác?
Bước vào phim trường có hàng trăm câu chuyện thú vị. Ở đó có những câu chuyện về đồng đội của tôi là những chiến binh thầm lặng: Cascadeur. Rồi những cô chú anh chị em là những diễn viên, người mẫu, ca sĩ, Hoa hậu… vô vàn đề tài để tôi khai thác. Người viết phải trực tiếp ra tận hiện trường để có được những cảm xúc chân thực và bài viết như những câu chuyện hấp dẫn cứ dần dần được bật mí để nhiều người cùng chia sẽ ở những góc khuất mà không phải ai cũng biết được. Ở đó, câu chuyện làm nghề và những con người say mê nghề được tôi “trình bày” một cách tường tận nhất.
Từ một người đóng thế chuyên nghiệp chuyển sang một nhà báo, anh còn nhớ ai là những người thầy đầu tiên dìu dắt mình vào con đường làm báo?
Phải nói là rất nhiều vì tôi là dân không chuyên. Người đầu tiên tôi xin được nhắc tới là chú Phương Tấn - chủ bút của Tạp san Võ thuật. Chú động viên và tạo điều kiện cho tôi biết được cách thức “làm ra” một bài viết. Kế đến sếp Phạm Thùy Nhân và chị Bích Thủy - Thủ trưởng tờ Tạp chí Điện ảnh TP.HCM và quan trọng nhất là nhà báo Minh Tuyền đã bảo lãnh cho tôi ở tất cả các bài báo trước khi xuất bản được chỉn chu một cách hoàn hảo nhất. Đây là môi trường tôi được chấp cánh và bay cao trong nghề báo. Rồi từng lúc, tôi được gặp các cao nhân như anh: Trịnh Đình Sĩ, Đỗ Duy Ngọc, Giản Thanh Sơn, Hoài Sơn, Vũ Hải Sơn… rất nhiều anh chị đã giúp tôi không điều kiện để tôi được dấn thân vào nghề báo.
Xuất thân là một cascadeur, sự tiếp cận thông tin và cách chụp ảnh của anh có gì khác biệt với những nhà báo khác?
Tôi xuất thân là cascadeur nên hầu hết các phim trường tôi ra vào như cơm bữa, các diễn viên, nghệ sĩ có người xem tôi như là anh em trong nhà nên việc tác nghiệp của tôi được ưu tiên hơn nhiều phóng viên khác… Có lẽ đây là nét đặc thù của riêng tôi. Có những câu chuyện nóng bỏng tính thời sự, cần sự cảm thông và thấu hiểu thì tôi luôn được chọn mặt gửi vàng.
Với danh hài Bảo Chung |
Tôi nhớ hoài chuyện Hồ Ngọc Hà cần giãi bày câu chuyện của mình với truyền thông, tên tôi và vài nhà báo đã được tin tưởng chọn. Chuyện Quyền Linh dính scandal, trước nhà anh đã có nhiều nhà báo chờ sẵn để lấy thông tin, nhưng mấy ai biết tôi đã được anh mời vào ngõ sau nhà để tâm sự nhằm có bài báo chính xác thông tin nhất để bạn đọc hiều nhiều hơn về anh. Hoặc như đám cưới của một danh hài, bên ngoài gần 30 nhà báo săn tin, nhưng chỉ có tôi được đặc cách vào tác nghiệp vì họ tin tôi viết bài không làm hại đến ai. Hoặc như một đại võ sư bị thách đấu, thông tin cả làng đang… đói tin, vậy mà tôi và hai người bạn được đặc cách ngồi bàn danh dự để họ biểu diễn và trình bày vụ việc. Đó là những câu chuyện mà mỗi khi tôi nhắc lại, tôi cảm thấy tự tin hơn với nghề.
Chuyện hậu trường thì có vô số, anh thường thích khai thác những góc độ nào?
Góc khuất của những câu chuyện hậu trường. Góc khuất của những con người thầm lặng. Vì như những nghệ sĩ làm nghề trên 30 năm, bước ra đường ai cũng biết là diễn viên nhưng không ai nhớ tên người ấy. Tôi luôn tự hỏi tại sao, và âm thầm tích nhặt tin tức rồi làm nên những bài viết. Và sau đó phải thuyết phục mãi tòa soạn mới chịu đăng, vì không báo nào thích viết về những con người chưa ai biết nhiều. Và đến nay, những bài viết này tôi sẽ bổ sung thêm để ra đời cuốn sách thứ hai - Góc khuất người chưa nổi tiếng, đây là cuốn sách tôi ấp ủ khá lâu kể từ khi sách - Hậu trường phim ảnh của tôi ra đời năm 2018.
Ảnh Lữ Đắc Long chụp tại phim trường Ấn Độ |
Trước giờ, quá trình theo đuổi hậu trường của bộ phim nào là đáng nhớ nhất đối với anh?
Hơm 100 phim tôi tham gia, đó là cả kho tàng để tôi nhớ. Riêng bộ phim Người Mỹ trầm lặng tôi tham gia với hai tư cách: Cascadeur và viết báo. Ngày đó, hàng loạt báo săn tin nhưng không hề dễ vì ê kíp phim có những quy định rất khắt khe. Tôi như người “nội ứng” bên trong, chụp khá nhiều nên các báo dùng hình của tôi rất nhiều, với tôi đó là kỳ tích. Phim thứ hai là ở phim Người hai mặt ở phim trường… Ấn Độ. Ngày đó, làm gì có chuyện tôi được tác nghiệp ở phim trường Bolywood. Thế là bằng nhiều cách, tôi đã “mua chuộc” đạo diễn, quay phim, diễn viên… người Ấn bằng những tấm ảnh tôi “lén chụp” rất chuyện nghiệp. Từ thán phục đến cảm thông, họ đã bằng lòng cho tôi thoải mái ghi nhận lại tất cả những sự việc trên phim trường. Thế là tôi có một loạt bài và ảnh mà không có người thứ hai làm được.
Phóng viên mảng Văn hóa văn nghệ, nhiều người cho rằng khá thong thả, sung sướng. Nhưng thực tế có những bài báo nào anh phải theo đuổi, mất ăn mất ngủ?
Có người cho rằng phóng viên Văn hóa văn nghệ như công việc của người “ăn chơi nhảy múa”. Cũng đúng phần nào, nhưng viết bài về những đề tài như theo dõi cuộc thi Hoa hậu tầm thế giới thì mới biết cái cảnh: Ăn ngủ không hề yên. Phải lao tâm trên những hành trình dài của cuộc thi mới mới thấu hiểu nỗi lòng phóng viên. Rồi câu chuyện của những ngôi sao vướng nợ nần, dính scadal trốn thuế, Hoa hậu bán dâm… Lúc đó mới hiểu được: Không hề có chuyện nào dễ đối với một nhà báo, nhất là người luôn muốn khẳng định tay nghề của mình.
Mấy chục năm trong nghề, anh viết rất nhiều về những nghệ sĩ yêu nghề và chăm chỉ, nhưng lại ít tiếng tăm. Tại sao anh thích mảng đề tài này? Có những nhân vật nào anh quý nhất?
Đề tài nghệ sĩ “vô danh” thật ra rất thú vị. Có trò chuyện với họ, mới thấy được hàng trăm câu chuyện thú vị trong việc làm nghề của họ đầy gian nan vất vả. Trong một bàn cafe có đến 6 người, là đạo diễn, diễn viên tên tuổi, nói thật họ tiếp đãi tôi rất ân cần, nhưng tôi lại chọn một anh diễn viên phụ rất bèo, đóng hàng chục vai nghèo trên 20 năm… Và bài viết ra đời trong sự ngỡ ngàng của những người trong bàn cafe hôm ấy. Có người cứ thắc mắc là tôi đã nhận bao nhiêu tiền để có bài viết ấy. Nhưng khi đọc qua, người ta thấy anh này đã có một bề dày cống hiến, thì họ mới nhìn nhận là mình có cái nhìn rất khác.
Hậu trường bếp núc quá trình làm phim, cuộc sống đằng sau sân khấu của người nghệ sĩ là điều khán giả quan tâm. Nhưng với đạo đức của nhà báo, khai thác ở mức độ nào là phù hợp?
Nghề gì cũng cần có cái tâm, không ít lần tôi nhận đặt bài để khai thác chuyện đời tư nghệ sĩ, bởi những đề tài mặt trái nghệ sĩ thường được chú ý nhiều hơn. Biết từ chối một đề tài nhạy cảm khi tòa soạn cần là điều không hề dễ, nó đòi hỏi mình phải khéo léo bằng việc đăng ký một đề tài ít nhạy cảm hơn mà vẫn có lượt người xem nhiều hơn mới khó, nó đòi hỏi mình phải có nhiều kinh nghiệm thì mới mong hoàn thành nhiệm vụ.
Khi tiếp cận những góc khuất của người nghệ sĩ, mặt trái của sự nổi tiếng… anh có e ngại? Chọn cách khai thác như thế nào?
Rõ ràng những đề tài nhạy cảm rất cần sự tinh tế trong việc xử lý thông tin. Ngày trước mỗi khi scandal nào xảy ra, nhiều bạn đọc trông nhờ vào những bài báo có uy tín phân tích vấn đề để am tường mọi việc. Ngày nay, thời đại 4.0 đã hoàn toàn khác, lượt chia sẻ của hàng triệu bạn “gõ bàn phím” làm dấy lên những thông tin trái chiều. Đôi lúc những ý kiến đúng nhưng ngược chiều đã nhận hàng tá “gạch đá” một cách oan mạng. Phải nói là rất ngại, ngại đến độ mình chỉ biết quan sát, quan sát và chờ “thời cơ” mới có ý kiến của riêng mình để sự việc trở nên tốt hơn, chứ không cần phải minh chứng ai đúng ai sai. Vì đúng sai lúc này phải trông chờ vào pháp luật.
Bên cạnh việc thỏa mãn thị hiếu tò mò của độc giả, anh còn mong muốn chia sẻ điều gì qua những bài báo của mình?
Trước kia và bây giờ tôn chỉ của tôi là chỉ muốn kể lại những câu chuyện của nghề nhằm lan tỏa những thông điệp có ý nghĩa. Còn rất nhiều những tấm lòng của nghệ sĩ, những gương mặt cống hiến miệt mài hàng chục năm trong nghề nhưng không phải ai cũng biết. Tôi muốn mọi người nhìn nhận những điều tốt cho nhau, để cuộc sống này nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, vì lượng người đọc cho mỗi tờ báo với những tôn chỉ khác nhau, tôi phải luôn tuân thủ những chủ đề “nóng”, những tên tuổi đang được chú ý thì mới mong trụ được với nghề.
Trên đất Hàn Quốc |
Từ VĐV nhào lộn, thợ may, người đóng thế đến nhiếp ảnh gia và nghề báo… đã giúp anh có sự trải nghiệm thú vị. Với nghề báo, đã mang đến cho anh điều gì? Thay đổi anh như thế nào?
Có lẽ vì cuộc sống vốn khó khăn nên tôi buộc lòng phải thay đổi nghề liên tục. Riêng nghề báo tôi luôn phải cố gắng. Nghề báo cho tôi những mối quan hệ cực tốt với những người hơn tôi cả… trăm lần. Nghề báo cho tôi bay bổng khắp nơi từ trong và ngoài nước để có cái nhìn lớn hơn.
Cuối cùng, anh có những chia sẻ gì về nghề với những người trẻ làm báo?
Với nghề báo khi đã lao vào thì có rất nhiều thú vị, hãy mạnh dạn dấn thân, học hỏi. Trong suốt chặng đường mình đi sẽ luôn có sự hấp dẫn riêng biệt, nhất là áp lực công việc càng khó sẽ càng làm mình trưởng thành hơn. Nghề báo không dễ và không bao giờ khó với những ai biết nỗ lực hết mình. Cứ đặt chữ tâm và chữ tầm làm phương châm tự nhiên mình sẽ theo được nghề báo.
Dàn nghệ sĩ rủ nhau đến chúc mừng triển lãm ảnh 'Nghĩa tình nghệ sĩ' của hai nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn và Lữ Đắc Long (TGĐA) - Sáng 22/11, triển lãm ảnh 3D Nghĩa tình nghệ sĩ của hai tác giả Thái ... |
Nhà báo Lữ Đắc Long: Hé lộ hậu trường làng phim (TGĐA) - Phóng viên Lữ Đắc Long quê tại Cai Lậy, Tiền Giang, xuất thân ... |
Minh Thư