Nhìn lại phim truyện dự giải Cánh Diều vàng 2012: Phim không hay vì làm ẩu

(TGĐA) - Khi xem phim nước ngoài, thường là phim Mỹ, từ những phim trung bình, người xem có thể bấm nút “dừng hình’’ (pause) để tìm hiểu những cái hay, cái đẹp trong khuôn hình, trong cảnh. Nhưng khi xem phim Việt, ngay cả những phim của các đạo diễn nổi tiếng và đoạt giải, rất khó dừng hình để thấy cái hay . Nếu có dùng hình, người ta chỉ có thể chỉ ra những lỗi sơ đẳng. Nguyên nhân thứ nhất là người làm phim không nắm ngữ pháp kể chuyện. Nguyên nhân thứ hai là người làm phim đã làm cẩu thả, cốt làm cho xong chuyện.

Cnh_trong_phim_am_m_ca_o_din_Phi_Tin_Sn

Cảnh trong phim Đam mê - đạo diễn Phi Tiến Sơn

1- Cách kể chuyện vừa vất vả vừa sơ lược

1.1 . Quá chú trọng đến đề tài

Lâu nay, chúng ta làm không sai nhưng chưa đủ. Bằng chứng là người xem, sau khi xem phim, chỉ nhớ những nhân vật hay những hành động ấn tượng. Một bộ phim hay không chỉ vì có vấn đề hay. Nhưng căn bệnh này đã ăn sâu vào cách suy nghĩ của các nghệ sỹ từ lâu nên không thể sớm sửa chữa. Điển hình cho cách kể này là những phim như Đam mê, Cát nóng, Lạc lối. Những phim này, người xem không thấy nhân vật mà chỉ thấy vụ việc. Mà những vụ việc được đặt ra khiến người xem không thấy gì mới lạ hoặc đặc biệt mà đều ở trong tầm hình dung của đa số. Cũng thật lạ, vấn đề các bộ phim đặt ra đều lớn lao nhưng khi kết thúc phim, các nhân vật đều thất bại. Có nghĩa là vấn đề vẫn không được giải quyết. Trong khi đó, tâm lý người xem không thích những nhân vật yếu kém.

2.1. Kể chuyện vất vả và sơ lược

Một khuynh hướng kể chuyện khác không đi vào vấn đề to lớn mà đi vào đời thường. Nhưng những phim này thường rơi vào hai cách kể trái ngược nhau. Một là rất vất vả. Hai là rất sơ lược. Những tác giả của cả hai cách kể này đều không tôn trọng ngữ pháp của câu chuyện.

Cụ thể là cấu trúc . Đơn giản là khi nào nhân vật chính xuất hiện? Họ rơi vào tình huống ở phút thứ mấy? Các bước ngoặt diễn ra thế nào? Cao trào ở đâu?...Chính vì không hình dung được sơ đồ câu chuyện nên nhiều phim khiến người xem như chui vào bụi rậm, rắc rối một cách không cần thiết. Điển hình cho cách kể này là phim Lấy chồng người ta. Ngay cách đặt tên của bộ phim cũng không sáng sủa. Cách giải quyết xung đột hầu như giậm chân tại chỗ. Khi xem phim, người xem có cảm giác rơi vào một căn phòng không thoáng khí.

Ngược lại, có những phim mà cách kể lại quá dễ dãi, đơn giản. Điển hình là những phim Dành cho tháng SáuNhà có năm nàng tiên. Những tình tiết ngẫu nhiên, tình cờ “hơi bị nhiều’’ khiến các nhân vật trong phim thiếu sức nặng bên trong. Những vấn đề của nhân vật như đời sống tâm, sinh lý, các mối quan hệ xã hội không được khai thác khiến các nhân vật chỉ gây được cảm xúc thoáng qua với những người nhẹ dạ.

2. Cách dàn dựng không gây được lòng tin

Khán giả bây giờ xem phim không chỉ xem theo mạch câu chuyện như trước nữa mà họ còn xem cách dàn dựng của đạo diễn. Qua cách dàn dựng, người xem có thể đọc được nhiều điều về đạo diễn, nghề đạo diễn. Thật đáng lo ngại trong tình hình hiện nay là vai trò đạo diễn trong việc dàn dựng hầu như không tồn tại nữa! Những bài học về dàn cảnh (mise en sce’ne) được các đạo diễn thông minh thể hiện bằng cách lợi dụng các biệt thự, trang trại, khu nghỉ mát…Chính sự thông minh này khiến các đạo diễn ngày càng lười suy nghĩ. Mà khi sự suy nghĩ bị “tự mình chặn lại của chính mình’’ thì đó là nỗi buồn chứ không phải là niềm vui “tiết kiệm được tiền’’. Người ta mất tiền để được suy nghĩ, đằng này mình bớt tiền để được không phải nghĩ. Quả là cách nghĩ về làm phim hơi bị ngược đời!

Điều lo ngại thứ hai hiện nay là để đánh gia tài năng một đạo diễn, người ta chỉ căn cứ vào tốc độ anh hoàn thành một phim trong bao lâu? Câu khẩu hiệu tồn tại trước đây trong sản xuất là “nhanh nhiều tốt rẻ’’ hoàn toàn phản khoa học. Nhanh thì không thể tốt. Nhiều cũng không thể tốt. Và đồ rẻ cũng không bao giờ có chất lượng tốt. Nhưng tiếc thay, câu khẩu hiệu đó đang được các nhà làm phim chứng minh hiệu quả. Phim Đam mê được quay hầu như ở một trang trại nuôi hổ. Cho nên hổ “xài’’ hết thời gian của đam mê múa và đam mê chim. Và người ta chỉ thấy hổ chứ không thấy sự đam mê chúa sơn lâm của ông chủ. Còn trong phim Cát nóng, người xem có cảm giác khu nghỉ dưỡng được dựng từ lâu hơn rất nhiều so với ngôi nhà của hai chị em. Việc dàn dựng đám cháy từ ngôi nhà lan sang khu nghỉ dưỡng quá dễ dãi khiến khán giả nghi ngờ. Còn trong phim Lạc lối, người xem muốn nhìn thấy trong ngôi nhà (dẫu là nhà trọ) của anh hát xẩm thế nào? Muốn xem anh ta chăm sóc cây đàn, cái râu, cái tóc của mình ra sao? Muốn nhìn thấy trong đôi quang gánh của chị đồng nát có những gì v.v…Có thể còn kể ra rất nhiều phim mắc những lỗi tương tự. Song liệt kê ra thì người viết chắc chắn sẽ bị nhiều người ghét thêm mà thôi. Song biết làm sao. Cái nghề phê bình phim buộc phải nói như thế. Nên có ai ghét thì người viết bao biện rằng, nghề nói chứ không phải tôi nói.

3. Các nhân vật mang tính khái niệm

Các nhân vật của chúng ta thường mang tính khái niệm, ít có da thịt. Người Mỹ gọi một cách hình ảnh đó là những nhân vật thiếu máu. Mà thiếu máu tức là không có sức sống. Thiếu sức sống thì làm sao lay động được tình cảm người xem? Chính vì chúng ta chỉ nghiên cứu nhân vật theo mạch hành động của nó mà không quan sát những mặt khác, những mối quan hệ xã hội, những thú riêng của họ nên các nhân vật mà chúng ta tạo ra thường khó đi vào lòng người xem. Điều này đã có nhiều ý kiến chỉ rõ, các nhân vật chỉ mang tính minh họa cho ý đồ của các nghệ sỹ.

4. Dòng phim Việt Kiều

Phim_Thin_mnh_anh_hng_nhn_gii_Cnh_diu_Vng_ti_L_trao_gii_Cnh_diu_2012

Đoàn phim Thiên mệnh anh hùng nhận giải Cánh diều Vàng

Giải năm nay. Đạo diễn Victor Vũ được Ban Giám khảo Báo chí và Ban Giám khảo phim truyện nhất trí trao Giải đạo diễn và phim xuất sắc nhất. Trong sự chính xác này, người viết thấy cần trao đổi một số ý kiến.

Poster_phim_Ci_ngay_ko_l


Thứ nhất, các phim của các đạo diễn Việt kiều hầu hết đi vào dòng phim thương mại, giải trí. Nhưng điều rất đáng học tập ở các đạo diễn Việt kiều là họ dàn dựng phim khá kỹ lưỡng. Tôi có cảm tưởng là khi xem đoạn cuối phim Cưới ngay kẻo lỡ, đoạn đôi tình nhân nhảy dưới ánh đèn với những đối thoại có vẻ như bông đùa nhưng thật nhiều ý nghĩa. Họ bông đùa được vì họ thấy làm phim ở Việt Nam dễ dàng quá! Họ bông đùa được vì họ thấy phim của các đạo diễn trong nước không hay hơn là mấy! Câu thoại “Chúng tôi làm phim có thể không hay nhưng không bao giờ làm phim ẩu’’ có thể coi như tuyên ngôn của những nhà làm phim Việt kiều.

Thứ hai, dòng phim thương mại Việt kiều có công lớn trong việc dẹp bớt những đạo diễn làm ra những phim thị trường mà nội dung vớ vẩn, hình thức hời hợt. Mấy năm trước, một số phim mà giới truyền thông gán cho tên gọi “thảm họa’’ còn kiếm được tiền của những khán giả dễ tính. Năm nay, những phim này vẫn ra thị trường nhưng khán giả đã “nghỉ chơi’’.

Canh_trong_phim_Thien_menh_anh_hung_cua_dao_dien_Victor_V

Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng

Thứ ba, tuy phim Thiên mệnh anh hùng được giải, song nghĩ lại, một điều ai cũng nhận ra là “phim này Tàu quá!’’. Đó là cách gọi của giới làm nghề chứ người viết không có ý gì ở đây. Đương nhiên, phim dã sử thì tha hồ tưởng tượng. Nhưng từ cách ăn nói kiểu phim truyền hình Trung Quốc, cách diễn cũng ảnh hưởng nhiều của phim truyện Hồng Kông đến trang phục và những màn đấu võ cũng “sặc mùi Hồng Kông’’ thì đó là vấn đề.

Đoàn Tuấn