(TGĐA) - Xem những bộ phim nước ngoài làm về lứa tuổi thần tiên, tôi luôn có thắc mắc: Tại sao họ làm được những bộ phim hay như thế, còn mình thì chưa? Ngày tháng qua đi, song những bộ phim đó vẫn lưu lại trong tôi những ký ức tuyệt vời.
Nhớ thời nước Nga mở cửa, các rạp chiếu phim ở Matxcova tưng bừng chiếu gần 100 phim bị cấm. Hầu hết là phim nước ngoài. Sinh viên chúng tôi cũng hớn hở chạy đi xem.
Poster phim Yesterday |
Trong dịp này, tôi được xem bộ phim Yesterday (1984) của Ba Lan (ĐD Radoslaw Piwowarski). Ngỡ bộ phim được làm theo một ca khúc nổi tiếng của Beatles, nhưng không. Cái hay của bộ phim này, trước hết, nội dung đi thẳng vào một vấn đề gai góc.
Những bộ phim trong bài viết đều có điểm chung là, kịch bản được viết rất kỹ. Có nhiều phim được chuyển thể từ tiểu thuyết. Các kịch bản đều được viết trong khoảng vài năm. Không như ở Việt Nam, kịch bản viết rất nhanh. Chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần. Xem tiểu sử các đạo diễn cũng vậy. Hầu như, vài năm họ mới làm một phim. Còn chúng ta, một đạo diễn có năm làm vài ba phim. Diễn viên của họ cũng vậy. Đóng phim nào ra phim ấy. Còn trong phim Việt Nam, lấy đoạn của diễn viên này đóng trong phim A lồng vào phim B, khán giả vẫn không nhận ra vì họ đóng phim nào cũng giống nhau. Hình như người Việt Nam làm cái gì cũng vội vã. Bao giờ người Việt có tâm thế bình yên và ổn định để làm một cái gì đó cho ra hồn? |
Trong khi cả trường đang tập múa hát một bài hát ca ngợi Valentina - nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới – thì ở sau sân khấu, một nhóm học sinh nổi loạn đang làm những trò trái ngược. Một thầy giáo trong ban lãnh đạo nhà trường xuất hiện. Thầy tóm được chiếc quần lót của một nữ sinh. Không trả, thầy mang về nhà. Cô nữ sinh này là người yêu của một chàng trai trong nhóm và nhóm này đặc biệt yêu thích nhạc Beatles.
Và nhạc Beatles lại đang bị cấm ở Ba Lan hồi đó. Làm sao lấy lại được “vật nguy hiểm” bị thầy giáo tịch thu? Cô gái phải đích thân đến nhà thầy vào buổi tối. Nhìn người yêu đi vào hang thú, chàng trai đau đớn tột độ, anh lội ra hồ, cứa ven tay tự tử. Nhưng may sao, anh còn đeo chiếc trống… Câu chuyện còn tiếp diễn nhiều. Đó chỉ là một đường dây. Song bộ phim đã gây ấn tượng mạnh. Nó là những gì mà trong lòng ta khao khát. Dù cho cuối phim là phòng xử án. Đôi bạn trẻ ly hôn. Nhưng ai cũng nhớ, những kỷ niệm mối tình đầu của thời chiến tranh lạnh. Nó khó gọi tên chính xác là gì. Nhưng nó làm xao động tâm hồn.
To Sir, With Love |
Trước đó, tôi cũng được xem bộ phim Mỹ To Sir, With Love (1967, Gửi thầy, với cả tình yêu) của đạo diễn James Clavell. Phim nói về một lớp học bất trị ở London (Anh). Những học sinh này là con cái của những gia đình nghèo khó, cha mẹ ít quan tâm.
Trong lớp, chúng không thích học, chỉ thích bày ra những trò nghịch, không ai muốn dạy. Một thầy giáo trẻ tên là Thackeray xuất hiện. Điều đặc biệt, thầy là người da mầu. Tất nhiên, bọn trẻ coi thường. Nhưng thầy không lúng túng.
Cảnh trong To Sir, With Love năm 1967 |
Thầy không dạy theo sách giáo khoa hay những quy định của trường. Thầy dạy bọn trẻ những gì chúng thích. Thậm chí, có cô học sinh muốn tấn công tình cảm, thầy cũng tìm cách giải quyết ổn thỏa. Còn nhiều chuyện khác nữa.
Và khi thầy đã chinh phục được bọn trẻ, chính là lúc năm học kết thúc. Thầy được nhận công việc mới ở một doanh nghiệp mà thầy đã gửi đơn xin việc từ trước khi về trường.
Bọn trẻ có để thầy ra đi không? Thầy ứng xử thế nào? Bộ phim đen - trắng, tuy cũ, nhưng để lại trong lòng người xem những suy nghĩ tích cực về nhiều vấn đề của xã hội. Bộ phim trở nên gần gũi với người xem ở bất cứ nơi nào. Phải chăng, đó chính là môt đặc điểm của Hollyood ?
Cũng trong những năm tháng học ở Nga, tôi được xem một bộ phim trong lành như sương mai với cái tên rất đẹp Một trăm ngày sau tuổi thơ (Sto dney posle detstva, 1975, ĐD Sergey Solovyev).
Cảnh trong Một trăm ngày sau tuổi thơ |
Các nhà làm phim Nga, nhất là các biên kịch và đạo diễn, thường rất yêu thơ. Nhiều người là nhà thơ trước khi học điện ảnh. Điều đó lý giải nhiều điều. Tên phim họ đặt thường mang nhiều chất thơ và trong những bộ phim của họ, tính trữ tình rất đẹp.
Người Nga có câu tục ngữ “Tình yêu đầu tiên, trò chơi cuối cùng”. Một trăm ngày sau tuổi thơ là câu chuyện về mối tình đầu trong một kỳ cắm trại tại một hòn đảo thơ mộng của một nhóm học sinh lứa tuổi 15-16.
Cảnh trong Một trăm ngày sau tuổi thơ |
Những biến đổi tâm lý tinh tế và sâu sắc của lứa tuổi đầy mộng mơ được các nhà làm phim thể hiện vô cùng sinh động. Các diễn viên có gương mặt thiên thần với những đôi mắt của nàng thơ đã vào vai diễn của chính mình khiến người xem như chạm vào được các nhân vật.
Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng bộ phim đã dừng lại khoảnh khắc rung động đầu đời cho bao lớp khán giả. Cái hay của bộ phim này là đã khắc họa thành công những cảm xúc khó nắm bắt, đã “chụp ảnh” được mùi hương của những rung động trắng trong. Và dường như chỉ có “tâm hồn Nga” mới làm được điều kỳ diệu này.
Cảnh trong Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi |
Những năm gần đây, một bộ phim của điện ảnh Trung Quốc nhan đề Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (You Are the Apple of My Eye, 2011, ĐD Cửu Bá Đao) cũng khiến tôi xúc động.
Vẫn là chuyện về những học sinh nghịch ngợm cùng yêu một hoa khôi của lớp, nhưng tình yêu của những cậu học trò phương Đông, tuy mạnh mẽ, nhưng thường thầm kín. Các cậu làm mọi cách để thể hiện mình, ganh đua, thậm chí đấu võ với nhau nhằm được người đẹp Thẩm Giai Nghi để ý.
Cảnh trong Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi |
Nhưng cuối cùng, thiên thần đã bay sang chân trời khác. Những chàng trai hào hoa phong nhã đó đều mang một vết thương đau đớn, tái tê. Song vết thương đầu đời ấy khiến các chàng trai trưởng thành về nhiều mặt. Hầu như ai xem phim cũng thấy mình trong đó. Ai cũng tiếc những mối tình trong sáng của tuổi thanh xuân. Nhưng những gì đánh mất trong cuộc đời lại chính là những viên ngọc trong tâm hồn.../
Phụng Công