(TGĐA) - Chúng ta không có bối cảnh những cánh đồng hoa trải dài tận chân trời trên phim nhưng không phải vì thế mà các nghệ sỹ điện ảnh không quan tâm đến những mùa hoa. Và trong phim Việt, tuy ít mùa hoa, nhưng không phải là không có. Đã có và rất đẹp nữa là khác.
Có những mùa hoa cải...
Những năm gần đây, đất nước ta mới xuất hiện nhiều những cánh đồng hoa. Còn trước đó, trên khắp mọi nơi, thường mênh mang những cánh đồng lúa, bãi ngô, đồi chè v.v… Đất nước có dân số đông, diện tích đất canh tác nông nghiệp không nhiều, đời sống người dân luôn vất vả, thì làm sao có những cánh đồng hoa đẹp như bên châu Âu, châu Mỹ? Khi nền kinh tế có những biến chuyển tích cực, nhu cầu tiêu thụ hoa của người dân tăng lên, kéo theo nhu cầu cung cấp hoa. Vì thế, một phần những đồng lúa, đồng màu đã chuyển đổi cơ câu cây trồng. Và những cánh đồng hoa ra đời.
Cũng tương tự như kinh tế, nền điện ảnh nước ta lúc đó lấy phương châm hoạt động chính là tuyên truyền và phục vụ đại chúng là chủ yếu nên những cảnh đẹp của thiên nhiên thường ít xuất hiện trong phim. Và đặc biệt là hoa. Chúng ta không có bối cảnh những cánh đồng hoa trải dài tận chân trời. Vì vậy, đi tìm những mùa hoa trong phim là công việc không dễ.
Những mùa sen như thế này đã từng làm mê mẩn người yêu phim Việt
Không chỉ trong phim mà đối với nhiều ngành nghệ thuật khác, tình trạng cũng không khá hơn. Các họa sỹ thường chỉ có thể vẽ lọ hoa, những bông sen hay cô gái bên hoa. Các nhà thơ, nhạc sỹ thường viết về một màu hoa, một loại hoa gắn với kỷ niệm chứ ít ai có thể tưởng tượng ra cánh đồng hay mùa hoa. Ngay cả làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng ngàn xưa, khi đi vào nhạc của nhạc sỹ Ngọc Khuê cũng phải gắn liền với làng lúa. Hay như Đà Lạt được mệnh danh là thành phố hoa nhưng cũng chưa có câu chuyện nào thật sự mang màu sắc cao nguyên. Người ta có thể nhắc đến Hải Phòng là “thành phố hoa phượng đỏ” trong nhạc, song cái màu hoa phượng ở những nơi khác cũng sâu đậm không kém thành phố cảng! Ngày Tết, người ta có thể mở đường hoa Nguyễn Huệ, đường hoa ở Cần Thơ… nhưng nới đó chỉ là nơi trình diễn hoa Tết mà thôi.
Nhưng không phải vì thế mà các nghệ sỹ điện ảnh không quan tâm đến những mùa hoa. Bởi dường như ai cũng biết, hoa là hiện thân của cái đẹp. Hoa là biểu tượng của tình yêu. Trong thần thoại Hy Lạp, những mối tình tan vỡ thường được nhân chứng hóa thân thành một loài hoa. Và trong phim Việt, tuy ít mùa hoa, nhưng không phải là không có. Đã có và rất đẹp nữa là khác.
Poster phim Ba mùa
Khán giả chắc không thể nào quên cảnh kết của phim Ba mùa (1999, đạo diễn Tony Bùi). Thân phận một cô gái làng chơi bị rẻ rúng, khinh miệt nhưng trong tâm hồn vẫn giữ cho mình một vùng ánh sáng của ước mơ. Một anh xích lô đem lòng yêu. Và trong tâm hồn anh xích lô vẫn nguyên vẹn một vùng cảm xúc lãng mạn. Cô gái ước một ngày được mặc bộ áo dài trắng, đi dưới một con đường ngập tràn hoa đỏ. Cái màu hoa tuổi học trò bao khát vọng. Màu trang phục tuổi thơ trinh trắng, nguyên sơ. Và anh xích lô âm thầm chế tạo cho cô ước mơ bé bỏng ấy. Cô gái di bước đi trên con đường ngập tràn niềm vui, những cánh hoa như khát vọng ngày nào âm vang như tiếng nhạc rơi đầy trên tóc, trên vai, trong ánh mắt sáng tươi. Đó là một trong những cảnh đẹp nhất trong phim Việt.
Trong bộ phim này, người xem còn được thưởng thức đầm sen rộng mênh mang. Và giữa hồ còn có ngôi nhà của một nhà thơ bị mắc bệnh nan y. Đó là hình ảnh mang tính ẩn dụ về thân phận con người và vẻ thanh cao của thiên nhiên, của tâm hồn. Khán giả còn được thưởng thức cảnh đẹp khác. Đó là hình ảnh những người nông dân vừa hái sen vừa ngân nga bài ca dao về hoa sen, cái cảnh đơn sơ ấy sao mà vừa lạ lùng vừa sâu lắng. Rồi cảnh cô gái nông thôn mộc mạc gánh sen đi bán trên đường phố Sài Gòn. Những hình ảnh đó được người Việt cũng như người nước ngoài vô cùng yêu mến. Bởi nó đích thực là chất Việt, là tâm hồn Việt.
Dàn dựng bối cảnh mùa hoa trong phim Chuyện của Pao
Cũng có thể nhắc tới hình ảnh hoa cải trong phim Chuyện của Pao (2005, đạo diễn Nguyễn Quang Hải). Với cánh đồng hoa cải làm bối cảnh, bộ phim đã mang đến cho người xem nhưng rung cảm về vẻ đẹp của miền núi Tây Bắc hùng vĩ. Màu hoa cải vàng tươi bên những vách núi ngàn năm, bên số phận trắc trở của những con người đôn hậu, cạnh những hàng rào đá hoang sơ… đã lột tả vẻ đẹp đặc trưng của đất đai và con người nơi đây. Cũng với màu hoa cải, bộ phim truyền hình Lời nguyền của dòng sông (1992, đạo diễn Khải Hưng) dựa theo truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều lại mang đến cho người xem cảm nhận khác về màu hoa cải. Đó là những rung cảm của trái tim, những âm thanh lãng mạn, mãnh liệt của tuổi trẻ trước hiện thực mới của cuộc đời. Các nhà làm phim đã kể một câu chuyện mang vẻ đẹp của con người Việt…