(TGĐA) - Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm “vàng” cho dòng phim chiến tranh – lịch sử, khi thế hệ ngày nay hoàn toàn có thể đưa ra những cách thể hiện độc đáo, những góc nhìn khác về lịch sử thông qua điện ảnh
![]() | Diễm Hằng Lamoon dần khẳng định vị trí là một gương mặt triển vọng của điện ảnh Việt |
![]() | Diễm Hằng Lamoon: Tài năng biến hóa từ ca sĩ đến diễn viên đầy triển vọng |
Điểm khác biệt lớn nhất trong dòng phim chiến tranh từ năm 1990 đến nay, chính là các nhà làm phim phần nào đã có sự giãn cách thời gian, để nhìn và chiêm nghiệm chiến tranh từ những góc khuất, thể hiện bi kịch và tình cảm con người phía sau chiến thắng vẻ vang của dân tộc, hơn là cách mô tả trực diện thường thấy trong các bộ phim kinh điển thời đó.
Những tác phẩm thể hiện rõ nhất xu hướng này, có thể kể tới như Lưới dao, Ai xuôi vạn lý, rồi Bến không chồng, Ngã ba Đồng Lộc hay Mùi cỏ cháy…
Năm 2019, có một phim được đánh giá là đột phá trong cách thể hiện nội tâm con người trong thời chiến, đó là Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. Giữa điều kiện khắc nghiệt, hiểm nguy rình rập, chuyện phim kể về ba cô gái sẽ phải sống sót nơi hang động giữa rừng Trường Sơn khắc nghiệt, tồn tại ra sao với nỗi cơ đơn hiện hữu có thể đánh bật ý chí của họ bất cứ lúc nào.
Chất liệu từ tác phẩm của cố nhà văn Xuân Thiều rõ ràng đầy hiện thực và cay đắng, phản ảnh những thân phận thảm thương, những khóc khuất đằng sau những nữ Thanh niên xung phong ngày ấy, nay có thêm cái nhìn đa chiều dưới ngôn ngữ điện ảnh táo bạo, xúc cảm của Đinh Tuấn Vũ.
![]() |
Truyền thuyết về Quán Tiên với góc nhìn chiến tranh từ đạo diễn trẻ |
Tuy vậy, có thể nói bộ phim ra đời “không đúng thời điểm”, bởi ngoài vấn đề phim nhà nước đầu tư vốn chưa được đẩy mạnh về khâu quảng bá, thì lúc bấy giờ mạng xã hội chưa có sự phát triển mạnh mẽ và dẫn đến những hạn chế về hiệu ứng truyền miệng.
Trường hợp may mắn của Đào, Phở và Piano chắc chắn không cần phải nói quá nhiều, khi nhờ có hiệu ứng tốt trên mạng xã hội, bộ phim đã trở thành một trong những hiện tượng chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt, khi một phim tưởng như chiếu xong đem “cất kho”, lại tạo ra hiệu ứng ngoài mong đợi tại rạp. Nếu không nói riêng về mặt chất lượng, thì Đào, Phở và Piano chắc chắn là một trong những nguyên do đầu tiên, tạo nên sự vực dậy của dòng phim chiến tranh.
Nên khuyến khích những cách thể hiện mới
Những bộ phim chiến tranh của điện ảnh Cách mạng sẽ mãi là nguồn cảm hứng lớn lao cho các nhà làm phim hiện nay, bởi những tác phẩm ngày đó mặc dù còn thô sơ về điều kiện làm phim, nhưng cái tài và cái tâm chính là giá trị quý báu nhất mà các bậc cha chú để lại cho chúng ta. Để rồi nay điện ảnh trong thời kỳ mới, các nhà làm phim có động lực để làm ra những tác phẩm tốt phục vụ cho đối tượng khán giả cũng như bối cảnh của thời đại này – thời đại kinh tế thị trường.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa ra mắt đầu tháng 4 vừa qua, đã nhận về những phản hồi tích cực của đa phần khán giả. Bộ phim đưa khán giả quay trở về năm 1967, khi chiến trường Bình An Đông, Củ Chi bạc màu khói từng đợt dội bom như trút của Mỹ hòng phá hủy bức tường thành kiên cố bảo vệ Sài Gòn.
![]() |
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đang nhận về nhiều khen ngợi |
Nếu chưa bàn tới nội dung, thì Địa đạo Củ Chi - công trình quân sự khoa học kỳ vĩ đã khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử phải kinh ngạc, được tái hiện trong phim một cách chân thực đến bất ngờ trong bộ phim với kinh phí đầu tư lên tới 50 tỷ, hầu hết đến từ vốn tư nhân.
Đầu tư phim ảnh vốn dĩ luôn là một canh bạc rủi ro, nhưng ngoài ra còn là phim chiến tranh lại càng thêm nhiều nghi ngại khi thực tế cho thấy, doanh thu đem về của dòng phim này chưa bao giờ là an tâm, nhưng sự đầu tư mạnh tay với Địa đạo có vẻ đã chứng minh một thực tế khác, khi dòng phim chiến tranh dường như không khó để có thể kêu gọi vốn tư nhân hay xã hội hóa, nhất là khi khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ đang ngày càng muốn thể hiện và lan tỏa tình yêu nước, tinh thần dân tộc.
Địa đạo không nhấn mạnh chất hào hùng và sự bi tráng thường thấy của phim chiến tranh, mà tác phẩm này đề cập và mô tả nội tâm con người và cuộc sống khổ cực của những người du kịch Củ Chi, khiến cho bộ phim cũng gặp phải không ít những luồng ý kiến trái chiều, nhưng về mặt tích cực, những bộ phim như Địa đạo tạo cho khán giả sự tò mò và ham muốn được tìm hiểu lịch sử, cũng như cảm giác đau đớn của chiến tranh ra sao, qua các thủ pháp nghệ thuật đậm chất điện ảnh.
Tuy vậy, giá như có thêm sự đầu tư mạnh mẽ, có chăng bộ phim sẽ làm tốt nhiều hơn ở các phân cảnh hành động cũng như cháy nổ.
Năm 2010, đạo diễn Hữu Mười khi thực hiện phim Mùi cỏ cháy từng chia sẻ, với hơn 3 tỉ đồng kinh phí, anh đã phải đối diện với thách thức quá lớn khi thực hiện Mùi cỏ cháy. Đoàn phim không biết sẽ phải căn chỉnh tài chính như thế nào trong việc dựng lại bối cảnh trận chiến - vốn cần đến rất nhiều tiền.
Thế nhưng, khi ngồi đọc tài liệu lịch sử, đọc những bức thư gửi gia đình của các liệt sĩ trước khi hy sinh trong trận đánh ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, đạo diễn đã bật khóc. Nỗi xúc động chạm đến tâm can, khiến đạo diễn Hữu Mười thấy mình cần có trách nhiệm phải hoàn thiện dự án phim này để như một nén tâm hương tri ân thế hệ cha anh đã ngã xuống, thế hệ những sinh viên 19 - 20 tuổi đã gửi lại tuổi trẻ của mình dưới lòng sông Thạch Hãn.
Về mong muốn Nhà nước có nhiều sự ủng hộ và ưu đãi về chính sách để các đạo diễn theo đuổi dòng phim chiến tranh, lịch sử - đã được bày tỏ rất nhiều từ các nhà làm phim tên tuổi.
Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan của HK Films – đơn vị tham gia đồng sản xuất phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối nói rằng, làm một tác phẩm về lịch sử có rất nhiều cơ hội để tạo nên một sản phẩm có giá trị. Ở Việt Nam có một bề dày lịch sử với những vấn đề, những nhân vật, sự kiện lớn và rất hấp dẫn. Từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn, đến chống Pháp, chống Mỹ, rất nhiều đề tài đặc biệt để khai thác tạo ra sản phẩm giá trị và mang lại sự quan tâm từ công chúng.
Đề tài về lịch sử là một đề tài quan trọng, có thể là tạo ra một sản phẩm giá trị rất lớn. Thế nhưng để thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử.
Sắp tới Bộ phim Mưa đỏ sản xuất bởi Điện ảnh Quân đội Nhân dân sắp ra mắt, tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.
![]() |
Phim Mưa đỏ |
Đây là một trong những trận chiến ác liệt nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với sự hy sinh to lớn của cả dân tộc để bảo vệ từng tấc đất, từng công trình văn hóa lịch sử. Trước mắt, bộ phim nhận về những phản hồi tích cực từ trailer, cho thấy sự quan tâm không nhỏ của công chúng dành cho dòng phim chiến tranh ngày một lớn. Với bối cảnh đầu tư, cùng dàn diễn viên sáng giá, hi vọng bộ phim sẽ tiếp tục tạo nên dấu ấn cho dòng phim lịch sử thời đại mới.
![]() | 'Truyền thuyết về Quán Tiên chưa phải là bộ phim hoàn hảo' |
![]() | Quảng bá điện ảnh Việt Nam: Cần những yếu tố nào? |
Vũ Anh