'Truyền thuyết về Quán Tiên chưa phải là bộ phim hoàn hảo'

(TGĐA) - Có hai chi tiết trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ được một vài khán giả lớn tuổi phản hồi là chưa đúng là “thời chiến tranh, lính Trường Sơn làm gì mua bán bằng tiền” và “cây lớn lên mang theo võng người chết trận vì sốt rét lên cao không chính xác”. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ có ý kiến phản hồi trên facebook cá nhân.

truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao 'Truyền thuyết về Quán Tiên': Bản năng và sự thanh tẩy
truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao Chuyện kỳ lạ về con vượn bí ẩn trong phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên'

Gần 20 ngày tính từ ngày khởi chiếu Truyền thuyết về Quán Tiên, chắc chắn đây là bộ phim do tôi đạo diễn nhận được nhiều góp ý, đánh giá nhất trong quá trình 7 năm làm nghề của mình. Tôi cố gắng đọc hầu hết những bài báo, những bình luận của những quý khán giả, cả những người có chuyên môn về điện ảnh và cả những người xem không làm trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Có nhiều ý kiến khiến tôi bất ngờ bởi sự thấu hiểu từ những điểm "được", đến những điểm "chưa được" của phim. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khiến tôi phải dừng lại và tự hỏi bản thân rằng: Liệu mình có gì sơ sót trong quá trình làm bộ phim này hay không?

Trước hết, tôi phải khẳng định Truyền thuyết về Quán Tiên được tôi làm với tinh thần tôn trọng tuyệt đối nguyên tác văn học của cố nhà văn Xuân Thiều. Dù chưa bao giờ được diện kiến Ông, nhưng qua nhiều truyện ngắn, truyện dài của Ông, tôi thấy và cảm nhận được góc nhìn rất độc đáo và đi sâu vào những thân phận con người thời chiến và hậu chiến của nhà văn. Đặc biệt, cách kể chuyện, giọng văn của ông không hoa mỹ, rất trực diện nhưng luôn để lại nhiều ám ảnh cho người đọc.

truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ trên trường quay Truyền thuyết về Quán Tiên

Tôn trọng nghĩa là tôi gần như tận dụng tất cả những chi tiết, những câu chữ trong truyện ngắn này. Tất nhiên không phải tôi bê nguyên mọi thứ lên màn ảnh, mà sự "tận dụng" ở đây còn ở những KIẾN THỨC về CHIẾN TRANH ở trong truyện ngắn.

Bởi vậy, khi phim được giới thiệu đến khán giả, tôi tin rằng mình cùng ekip đã thực sự nghiên cứu, tìm tòi vô cùng kỹ lưỡng đến những chi tiết nhỏ nhất thuộc về thời chiến. Tuy nhiên, tại sao vẫn có nhiều ý kiến về một số điểm chưa chính xác của phim?

Tôi xin lấy hai ví dụ sau để tham chiếu và phân tích.

1. Có TỒN TẠI hay không TIỀN TRƯỜNG SƠN?

Về điểm này, trong nguyên tác có đoạn sau: "Còn Quỳnh thì chén xong xôi hoặc bánh chưng, trả xong mấy đồng giấy bạc Trường Sơn rồi, vẫn còn nấn ná, mặc dù lệnh của binh trạm trưởng không cho phép lái xe nào được dừng ở quán quá 15 phút, Mùi phải nhắc nhở hoặc thân mật xua đuổi Quỳnh mới chịu đi." (Truyền thuyết về Quán Tiên - tác giả Xuân Thiều).

Như vậy, trong truyện ngắn, nhà văn - đại tá Xuân Thiều đã gián tiếp khẳng định rằng trên tuyến đường vận tải Trường Sơn này, các chiến sĩ có sử dụng tiền Trường Sơn. Tôi thấy đây là một chi tiết rất thú vị và ít người biết. Bản thân tôi khi đọc cũng rất thắc mắc về chi tiết này. Bởi vậy, trước hết tôi đã hỏi những người từng trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có thiếu tướng Phan Khắc Hải - cố vấn quân sự cho bộ phim của tôi và GĐSX Nguyễn Thị Hồng Ngát. Mọi người đều khẳng định là: "Có!". Tôi cũng nghiên cứu thêm trong các tài liệu thì loại tiền này được đề cập đến rất nhiều. Trong đó, có một bài viết rất cụ thể như sau:

"Khi ấy, bộ đội vào Nam chiến đấu vẫn được hưởng các chế độ lương và sinh hoạt phí như các đơn vị ở miền Bắc, nhưng không thể đưa tiền mặt vào Nam giới tuyến. Vì vậy, việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho cán bộ và chiến sĩ, việc thanh quyết toán với cấp trên, tránh trùng lĩnh, trùng phát là rất khó khăn.

Nhận thấy những bất cập trong việc lĩnh các chế độ của cán bộ chiến sỹ đi B, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn về việc thanh toán chế độ qua các phiếu bách hóa, Cục Tài vụ (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức in và đưa vào lưu thông trong lực lượng bộ đội Trường Sơn ở phía Nam sông Bến Hải loại “tiền Trường Sơn”.

Tiền Trường Sơn có 4 mệnh giá, kích thước 3,5 x 7,3 cm (loại 1 đồng), 4 x 8,1 cm (loại 2 đồng), 4,5 x 9,1 cm (loại 5 đồng), 4,9 x 10,1 cm (loại 10 đồng). Mặt trước in hoa văn tương đối dễ nhìn, phía trên có chữ Trường Sơn, bên dưới là chữ Phiếu bách hóa, dưới cùng là số mệnh giá, mặt sau để trống.

truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao

Các chiến sĩ Trường Sơn dùng một loại tiền đặc biệt để mua bán hàng hóa trên tuyến đường này

Trong hồi ức của mình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn khẳng định, việc đưa tiền Trường Sơn vào lưu thông như một hình thức thanh toán đã tạo rất nhiều tiện lợi, giúp các đơn vị tiết kiệm được thời gian, đơn giản hóa các thủ tục chứng từ, tem phiếu, sổ theo dõi của cả hai bên xuất và nhập hàng. Đặc biệt, các đơn vị, bộ phận hậu cần đã tiết kiệm được nguồn nhân lực đáng kể, giảm chi phí kho lán ở từng đơn vị, do đó hạn chế thương vong cho cán bộ, chiến sĩ trên đường đi phân phối nhu yếu phẩm.

“Tiền Trường Sơn đưa vào sử dụng không chỉ rất thuận lợi trong chi tiêu, mà còn giảm được việc gùi thồ mang vác hàng hóa, vật dụng cá nhân cồng kềnh. Khi có tiền Trường Sơn là có thể mua các mặt hàng nhu yếu phẩm như thuốc lào, kẹo bánh ở các cửa hàng bách hóa tại các binh trạm dọc đường. Đó là dấu ấn khó phai, gắn liền trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn trên dãy Trường Sơn”, ông Hy nói."

(Trích từ bài viết “Tiền Trường Sơn” - hiện tượng độc đáo trong lịch sử tiền tệ - Tác giả Duy Anh - infomoney)

Các bạn có thể xem ảnh ở dưới bài viết của tôi để hình dung rõ hơn về loại tiền này.

truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao
Tiền Trường Sơn gắn liền trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn trên dãy Trường Sơn

Điều tôi muốn nói ở đây không phải là "phản bác" những ý kiến cho rằng loại tiền này không tồn tại. Tôi chỉ muốn khẳng định một lần nữa, những gì chúng tôi đưa lên phim đều được xem xét vô cùng kĩ lưỡng, không phải từ một mà từ nhiều nguồn, bằng chứng cụ thể, từ những con người cụ thể từng trải qua cuộc chiến. Trường Sơn vô cùng rộng lớn, và những hy sinh của những bậc cha anh là rất lớn lao. Nhưng chắc chắn rằng, không phải ai cũng có thể đi hết toàn bộ các tuyến đường Trường Sơn, cũng có nghĩa là sẽ có những điều mà ngay cả những cựu chiến binh cũng chưa từng nhìn thấy. Bởi vậy, điều tôi mong muốn là khi xem một bộ phim chiến tranh, mong các khán giả, các bác, các cô chú có thể rộng lượng và mở lòng hơn, coi như đây là một trải nghiệm về cả những điều mình đã từng thấy và chưa từng thấy ở Trường Sơn vĩ đại! Làm phim chiến tranh với bọn trẻ như chúng tôi là một sứ mệnh rất thử thách, và nếu không có được sự ủng hộ từ những người đi trước, thì thực sự rất khó để chúng tôi hoàn thành được sứ mệnh này.

2. Cây mọc từ NGỌN hay mọc từ GỐC?

Có lẽ rất nhiều khán giả xem Truyền thuyết về Quán Tiên còn nhớ phân đoạn Ku Xê cùng Phượng đi trong rừng, tình cờ phát hiện ra một chiếc võng nằm trên cao. Họ cảm thấy vô cùng kì lạ. Và Ku Xê đã leo lên cao, nhìn vào chiếc võng. Anh đã bị sốc thực sự khi bên trong là một bộ xương của một chiến sĩ...

Ku Xê đã phỏng đoán: "Chắc đồng chí ấy bị sốt rét. Đêm, đơn vị hành quân đi mà không biết. Và thế là cứ ngủ mãi... Hai cái cây lớn dần, mang đồng chí ấy lên cao...".

Đây là chi tiết tương đối gây tranh cãi, vì nhiều người chiểu theo kiến thức sinh học thì cây chỉ lớn lên ở phần ngọn chứ ko mọc cao lên từ gốc.

Bản thân tôi cũng rất đắn đo liệu mình có nên đưa chi tiết này vào trong phim? (Đây là một sáng tạo của nhà biên kịch Đoàn Tuấn - cũng là một cựu chiến binh, và không có trong truyện ngắn).

Cuối cùng, tôi quyết định mình sẽ sử dụng chi tiết này và sử dụng đến tận cùng. Tôi tưởng tượng ra một người lính không may bị mất trên đường hành quân vì căn bệnh sốt rét quái ác. Linh hồn anh cứ lang thang ở đó, chẳng thể đi đâu. Bởi vì sao? Bởi vì anh lo cho thân thể mình vẫn nằm trong võng, dưới thấp. Anh lo thú rừng sẽ đến bất cứ lúc nào và cơ thể sẽ chẳng còn nguyên vẹn.

Và việc hai cái cây lớn lên, đưa võng lên cao, đó như một sự tâm linh và cũng là một mong mỏi của những người hậu thế như chúng tôi, mong muốn người lính đó được an nghỉ.

Nếu các bạn để ý, sẽ thấy có một con chim lớn vỗ cánh dẫn Phượng và Ku Xê tới chỗ chiếc võng. Và khi Ku Xê nói xong lời "phỏng đoán" trên, con chim vỗ cánh bay đi, rất nhẹ nhàng, thanh thản. Sau này, người lính cũng một lần hiện về để cảm ơn Phượng và động viên cô trong lúc cô cũng đang bị cơn sốt rét hành hạ.

Mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết điện ảnh, chúng tôi đều cố gắng gửi gắm điều gì đó. Đôi khi, nó vượt ra khỏi những kiến thức thực tế. Nhưng nó là mong muốn, là sự tri ân của chúng tôi đằng sau đó và chẳng phải trong tự nhiên vẫn luôn có những điều ta không thể lý giải sao?

truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao

Cảnh trong Truyền thuyết về Quán Tiên

Kết lại, Truyền thuyết về Quán Tiên chưa phải là một bộ phim hoàn hảo, nó vẫn có nhiều lỗi về kĩ thuật mà thực sự chúng tôi chưa đủ sức khắc phục, nhưng tôi tin, chúng tôi đã làm phim bằng tất cả trí tuệ, sức lực và sự cống hiến của gần 300 con người trong suốt gần 2 năm trời. Và với cá nhân tôi, tôi cũng lớn lên rất nhiều sau bộ phim này.

truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao 'Truyền thuyết về Quán Tiên': Bản năng và sự thanh tẩy
truyen thuyet ve quan tien chua phai la bo phim hoan hao Chuyện kỳ lạ về con vượn bí ẩn trong phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên'

Đinh Tuấn Vũ