(TGĐA) - Cu li không bao giờ khóc là một trải nghiệm điện ảnh khác thường tại rạp, với những điểm nhấn xoay quanh sự trải nghiệm về mặt thẩm thấu hơn là những yếu tố giải trí. Tuy vậy, tác phẩm của Phạm Ngọc Lân không quá khó tiếp cận nếu khán giả có một tinh thần thoải mái đón nhận trước khi bước vào rạp.
Trẻ em khuyết tật hào hứng khi xem trích đoạn phim 'Cu li không bao giờ khóc' | |
Tài tử Thương Tín gây xúc động trong phim 'Cu Li không bao giờ khóc' |
Cu li không bao giờ khóc là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân - gây tiếng vang lớn khi giành giải Phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin 2024. Ngoài ra, tác phẩm này cũng lên ngôi Phim châu Á hay nhất tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng 2024. Phạm Ngọc Lân không còn là cái tên xa lạ với cộng đồng làm phim ngắn, qua những bộ phim như Giòng sông không nhìn thấy hay Một khu đất tốt. Đạo diễn sinh ra tại Hà Nội theo đuổi thứ điện ảnh thuần túy và mộc mạc, luôn đưa người xem tới những trăn trở, dằn vặt về sự đeo bám của quá khứ.
Xem phim của Phạm Ngọc Lân, khán giả sẽ thấy sự liên hệ, hay những vấn đề của cá nhân với lịch sử cùng sự đổi thay của xã hội. Thành ra, nếu nói riêng về Cu li không bao giờ khóc - đây thực sự là một trải nghiệm điện ảnh tương đối khác thường đối với khán giả tại rạp, cũng bởi tác phẩm của Phạm Ngọc Lân đòi hỏi một sự đồng thuận để cảm nhận và đi sâu vào những ý niệm mà đạo diễn mang đến.
Cu li không bao giờ khóc - bộ phim đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Berlin |
Chuyện phim xoay quanh bà Nguyện (NSND Minh Châu đóng), một phụ nữ lớn tuổi luôn cố giữ sợi dây gắn kết với quá khứ. Lo tang xong cho chồng cũ tại châu Âu, bà Nguyện trở về Việt Nam cùng với hũ tro và một con cu li do ông để lại. Giữa lúc tâm trí rối bời vì những kỷ niệm, bà nhận tin cô cháu gái (Hà Phương) phải làm đám cưới "chạy bầu" với người bạn trai kém nhiều tuổi. Trong lúc lớp trẻ tất bật lo cho hiện tại, bà Nguyện mắc kẹt trong hoài niệm. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với cậu trai trẻ (Hoàng Hà) tại phòng trà thường lui tới giúp bà Nguyện có cơ hội giải quyết xung đột bên trong tâm hồn mình, cũng như cho bà động lực để đi tìm lại những người bạn ngày xưa.
Nhân vật bà Nguyện qua sự thể hiện của NSND Minh Châu, qua hình ảnh đôi mắt mở to, thất thểu và đầy hoang mang của người phụ nữ trở về quê hương cảm thấy choáng ngợp và chưa kịp thích nghi với đổi thay của một Hà Nội cổ kính. Phạm Ngọc Lân từng chia sẻ rằng, cảm hứng của anh khi làm ra bộ phim này đến từ những năm tháng thơ ấu gần gũi bên người bà, nên đạo diễn trẻ hẳn luôn có những trân trọng và muốn tìm thấy vẻ đẹp của những nhân vật đã luống tuổi, hay nói đúng hơn đó là một thế hệ bị mắc kẹt ở giữa sự biến chuyển thời đại. Có lẽ trong tâm tưởng của họ luôn có một hành trình vượt thời gian và không gian vì còn vương vấn năm tháng xưa cũ.
Bà Nguyện với hành trình vượt thời gian trong tâm tưởng |
Màu phim đen trắng mượn vỏ của những tác phẩm kinh điển, cũng như bài nhạc được sử dụng trong phim như Đất nước trọn niềm vui, rồi Thiên Thai đã phần nào nói lên được tâm tư cùa bà Nguyện. Với diễn xuất của NSND Minh Châu, sẽ có người không mấy thích sự rệu rã, vô hồn của một cá thể lạc lõng giữa thời đại mới. Nhưng có chăng khi chứng kiến những người như vậy ngoài cuộc đời, chúng ta mới cảm nhận được sự đè nén và day dứt từ họ. Rất lâu rồi, điện ảnh Việt mới có một tác phẩm khai thác điều này kể từ những phim như Tướng về hưu chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Và dĩ nhiên, nếu ai đã xem phim đều thấy rõ hình ảnh cô cháu gái Vân chính là xung đột bên trong nội tâm bà Nguyện. Hình ảnh Vân luôn vùng vẫy và khó chịu trong căn nhà oi bức cùng người dì của mình, như một cách để "ẩn dụ" cho sự đối nghịch với thế hệ cũ của người trẻ, hay phải chăng chính là con người của Phạm Ngọc Lân với thứ điện ảnh mà anh mang đến, vì để đạt được những cột mốc trong sự nghiệp, anh đã phải gắng phá bỏ đi những khuôn mẫu thông thường?
Cô cháu gái chính là những xung đột trong nội tâm của bà Nguyện |
Bộ phim ngập tràn những khung hình của sự cô đơn, nhất là khi Phạm Ngọc Lân để cho bà Nguyện có một hành trình đi tìm câu trả lời mình có thuộc về thời đại này? Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với cậu trai trẻ (Hoàng Hà) tại phòng trà thường lui tới giúp bà Nguyện phút chốc buông mình với sự mỏi mệt từ con tim. Để rồi, khi tiến tới chặng cuối chính là nhà máy thủy điện - nơi bà đã có những năm tháng rực rỡ, nhân vật của nghệ sĩ Minh Châu mới nhận ra đến lúc cần phải cho đi mặc cảm và nhìn về phía trước.
Theo quan điểm cá nhân, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã sáng suốt khi chọn nhà máy Thủy điện Hòa Bình là điểm dừng chân cuối cùng của bà Nguyện, cũng bởi ngoài những con sóng dữ dội tượng trưng cho sự giải phóng về tinh thần, thì Thủy điện Hòa Bình là một trong những công trình lịch sử kỳ vĩ, mang tính biểu tượng quan trọng về quá trình hình thành và phát triển đất nước, đưa vào trong phim mang hàm ý thế hệ người Việt đã vượt qua những mất mát, đau thương để ngày càng vững vàng trước thời đại đổi thay.
Cũng khá nhiều khán giả thắc mắc tại không phải con vật nào khác mà lại là Cu li? Đơn giản vì Phạm Ngọc Lân thấy rằng đôi mắt mở to của Cu li giống với nghệ sĩ Minh Châu trong phim, một đôi mắt vô hồn, ngơ ngác nhưng cũng đầy dấu hỏi. Cu li luôn theo nhân vật bà Nguyện, giống như quá khứ đeo bám chẳng rời, những nhân vật khác chê Cu li hôi hám, thậm chí còn tưởng nó là con khỉ, vì đó sự khác biệt trong suy nghĩ của mỗi độ tuổi, khi không dễ để hiểu tâm tư của người già.
Bởi với người già, thời gian đẹp khi là những ký ức, nhưng cũng thật nghiệt ngã, giống như khi bà Nguyện có dịp gặp lại và làm lành với người đàn ông từng có hiềm khích với mình năm xưa, do nghệ sĩ Thương Tín thể hiện. Nghệ sĩ Minh Châu từng tâm sự rằng, bà đặt hết xúc cảm vào cảnh này, bởi ngoài đời bà và Thương Tín quen biết nhau, Minh Châu đau đớn khi nhìn thời gian rút gần cạn sức lực người bạn của mình.
Như đã nói, Cu li không bao giờ khóc là một trải nghiệm điện ảnh khác thường, một món ăn không dễ để hợp khẩu vị nhưng nếu chuẩn bị một tâm thế cởi mở và thoải mái, có lẽ bộ phim sẽ là một sự chiêm nghiệm lạ kỳ và độc đáo cho bất cứ độ tuổi nào.
Cu li không bao giờ khóc vẫn còn nhiều điểm chưa ổn, như phần thoại đôi chỗ hơi nhiều tự nhiên, nhiều đoạn còn hơi dàn trải nhưng cũng giống như bà Nguyện, chúng ta có thể sẽ nghi hoặc hay thích ứng, cũng như đầy những dấu hỏi về bộ phim, có lẽ đó mới là sự thú vị từ thứ điện ảnh của Phạm Ngọc Lân?
Vũ Anh