Những người viết huyền thoại: Sức hấp dẫn của bộ phim về đề tài chiến tranh

(TGĐA) - Làm sao để tránh lối mòn khi làm một phim về chiến tranh? Làm sao để có một cách kể chuyện về con đường Trường Sơn một thời chống Mỹ, tưởng rất quen thuộc nhưng vẫn gợi được cảm xúc và thu hút được khán giả ngày nay? Điều kiện nguồn lực như thế nào để có thể làm được một bộ phim chiến tranh mang được hơi thở của thời đại và có sức sống thực sự? Có lẽ đó là những câu hỏi không hề dễ dàng gì đối với các đạo diễn trẻ, trong đó có Bùi Tuấn Dũng.

CSC_0200

Thế nhưng, cuối cùng bộ phim Những người viết huyền thoại đã ra mắt công chúng và thắng lớn khi đoạt được nhiều giải vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 18, ở Quảng Ninh. Và, đó cũng là một trong những lý do gợi cảm hứng cũng như gợi sự tò mò của khán giả, muốn thưởng thức tác phẩm, khi đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mang phim vào thành phố Hồ Chí Minh trình làng, qua hai suất chiếu ở rạp BHD vào đầu tháng 12 vừa qua. Phim sẽ chính thức phát hành trên toàn quốc và bắt đầu từ 10/1/2014.

Trước khi vào phim, đoạn trailer Những người viết huyền thoại đã gây được sự chú ý của khán giả qua bối cảnh không gian của một thời chiến tranh ác liệt, tái hiện hình ảnh miền Bắc bị địch ném bom phá hoại; còn chiến trường miền Nam đang đi vào giai đoạn cam go, rất cần sự chi viện lớn của hậu phương. Gian nan không kém gì kế hoạch vận chuyển vũ khí vào Nam trên những con tàu không số ở biển Đông, công việc xây dựng đường ống dẫn dầu, dọc theo đường Trường Sơn gặp vô vàn trở ngại, khó khăn; thậm chí rất nhiều tổn thất bởi sự đánh phá khốc liệt, liên tục của bom đạn Mỹ ở Khu Bốn và dọc theo tuyến đường Trường Sơn, trong những năm tháng chiến tranh!

DSC_0356

Những người viết huyền thoại được ê-kip làm phim dựa trên những chiến công lịch sử của binh đoàn 559 (mật danh xây dựng chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh). Bắt đầu từ hoàn cảnh bức bách của chiến trường miền Nam, tướng Đinh Đức Thiện (trong phim là tướng Dinh), một trong những lãnh đạo chủ chốt xây dựng chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho binh đoàn hạ quyết tâm thực hiện kế hoạch của trung ương, khá sáng tạo và táo bạo: đưa đường ống dẫn dầu vào Nam. Tướng Dinh đã đi thực tế để nhận định kịp thời tình hình chiến trường miền Nam và điều chỉnh kịp thời những sai sót, gây thiệt hại, tổn thất cho công việc xây dựng đường ống vận chuyển dầu. Cả nước đang lên đường đánh giặc. Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam thân yêu…Ngoài tướng Dinh, do diễn viên Hoàng Hải thủ vai khá chững chạc, các nhân vật chiến sĩ Nghĩa (do diễn viên Trương Minh Quốc Thái đóng), cô văn công Hà (do diễn viên Tăng Bảo Quyên đóng) luôn được đạo diễn chăm chút, khắc họa làm bật nổi tinh thần yêu nước, của một thế hệ trẻ anh hùng trong cuộc chiến tranh giữ nước. Nói một cách khác, khi sự kiện thật, con người thật được khái quát đưa vào thế giới nghệ thuật trên phim, dễ bị cho rằng là sự thách thức đối với những người làm phim. Nhưng thật may mắn, người xem đã tìm thấy sự thuyết phục ngay đầu phim khi bắt gặp trong không gian cuộc chiến ác liệt, đã xuất hiện những nhân vật như Nghĩa, chàng chiến sĩ trẻ chiến đấu thật ngoan cường; như Hà, cô văn công dũng cảm, gan lì dưới làn mưa bom đạn… Và sự đối nghịch đầy cảm xúc trong bối cảnh chiến tranh ác liệt ấy, chính là mối tình đẹp, nhẹ nhàng, lãng mạn của Nghĩa - Hà. Với họ, những cảm nhận giữa cái sống và cái chết nơi chiến trường, đã làm con người nhận ra biết bao điều đáng quý, đáng yêu, trân trọng niềm tin yêu, hy vọng hướng về tương lai, khi đất nước hết chiến tranh… Hạnh phúc đến với họ bừng sáng, rạng ngời. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc! Sau khi đoàn văn công từ giã các chiến sĩ binh đoàn để lên đường trở lại Hà Nội, Hà và một số anh em rơi vào bẫy mìn của địch bên bờ suối… Tất cả họ đều hi sinh! Tiết tấu trong phim lúc này quay chậm, tạo được cảm xúc tiếc nuối, bàng hoàng lan tỏa mãnh liệt trong lòng người xem. Sự tiếc nuối dành cho một tình yêu thật đẹp, lãng mạn vừa mới nhen nhóm đã bị chia lìa! Ở đây, nhân vật trong phim còn gợi cho người xem một chút cảm nhận, tưởng rất quen thuộc nhưng tươi mới hơn về biểu tượng đầy tình tự dân tộc qua hình ảnh cô văn công trong chiếc áo dài ba tà, cầm chiếc nón quai thao truyền thống, mang những câu hát quan họ đầy cảm xúc, mang hình ảnh mái đình, cây đa quê hương, theo cùng, vào chiến trường… Xuất hiện trong phim không nhiều nhưng Tăng Bảo Quyên đã thể hiện được hình ảnh đẹp, lãng mạn và khá kiên cường của một nữ thanh niên thời chiến tranh. Vai diễn của cô tương đối tạo được một nét mới, duyên dáng cho nhân vật cô gái văn công người Hà Nội.

IMG_0036

Về diễn viên Trương Minh Quốc Thái, khi nhập vai Nghĩa, một chiến sĩ giao liên đưa tướng Dinh vào chiến trường phía Nam, anh đã khắc họa được những nét anh hùng, gan dạ của người lính khi đối mặt với kẻ thù nhưng cũng rất chân tình với đồng đội, bạn bè và thật trầm tĩnh nén lại sự đau đớn mất mát người con gái mình thương yêu, biết biến đau thương thành sức mạnh để chiến đấu …Biết bao tình huống, tình cảnh thật trớ trêu của những con người trong chiến tranh! Để tạo được nét mới hơn cho hình tượng nhân vật, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã sử dụng tối đa những thủ pháp nghệ thuật, tạo bối cảnh sử thi hoành tráng, tạo tình huống căng thẳng, gay cấn, hồi hộp, âm thanh dữ dội, tiết tấu nhanh, qua những pha chiến đấu lăn lộn, bắn máy bay, những pha rải thảm bom B52, bom nổ chậm trên đường Trường Sơn; hoặc nếu trong tình huống áp sát, đánh “xáp lá cà”, các chiến sĩ, bộ đội sẽ có những pha bắn súng, đánh võ thuật với lính biệt kích địch. Cách bắn súng của Nghĩa thể hiện lòng căm thù nhưng không cần nhắm thẳng quân thù, chiến sĩ Nghĩa vẫn có thể “lia” cả tràng súng thật chính xác vào kẻ thù! Đó cũng là một trong những chi tiết “xé rào” của đạo diễn, có phần vay mượn phim Hollywood, để mang lại tính hồi hộp và hấp dẫn cho người xem.

Xây dựng tính hấp dẫn không chỉ thể hiện qua các pha đánh giặc, bắn súng mà còn lồng vào đường dây chủ đạo của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phim, là những nét dung dị rất đời thường, lãng mạn, lạc quan của vị thủ trưởng - “tướng Dinh”, của chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong… Những hình ảnh này, được đạo diễn mô tả tinh tế, đầy sức sống và đáng yêu. Pha trộn những chất bi, hài xảy ra trong chiến tranh, Bùi Tuấn Dũng luôn “dụng công” bằng những yếu tố tạo tình huống bất ngờ. Cho nên, mấy cô thanh niên xung phong mới nói nói, cười cười, trêu chọc nghịch ngợm, chỉ đường cho các chiến sĩ lái xe, chẳng ai ngờ được, trong phút chốc, trong gang tấc, sau một quả bom nổ ngay bên đường, họ đã biến thành… tro bụi!

Thế nhưng, trong một tình huống khác, chi tiết tướng Dinh truyền kinh nghiệm bắt cua đá cho chiến sĩ Nghĩa, cuối cùng thật éo le khi anh biến thành một “Chử Đồng Tử” bất đắc dĩ! Và rõ ràng, sự xuất hiện của Nghĩa trong tư thế khỏa thân vì say mê săn cua đá, đã làm anh em chiến sĩ một phen no cười sảng khoái; còn các cô gái thanh niên xung phong bất ngờ đi ngang bờ suối, buộc phải “chứng kiến” cảnh chàng “Chử Đồng Tử” cầm túi cua đá bỏ chạy, làm các nàng xấu hổ, đỏ mặt vừa la lối í ời, vừa cười tươi thật vui nhộn!

TUONG_DINH_DUC_THIEN_7

Phim còn hấp dẫn người xem qua những chi tiết đối nghịch nho nhỏ khác. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khá chú trọng công việc tạo ra những góc nhìn về chiến tranh qua mắt của nhiều nhân vật: từ vị tướng, những người mẹ, những người con trai, con gái ra trận và cả những em bé mồ côi… Nhiều góc nhìn nhưng họ đều có một điểm chung: yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc, của Tổ quốc, của những người thương yêu. Sức hấp dẫn lớn của Những người viết huyền thoại chính là điều cao quý muôn thuở ấy – tinh thần yêu nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân. Không ai chối bỏ sức hấp dẫn của bộ phim được dẫn dắt từ những đối nghịch đầy cảm xúc xâu chuỗi trên. Thế nhưng, trong cách lựa chọn làm nhẹ nhàng những giây phút căng thẳng không gian chiến tranh đầy chết chóc là nét vô tư của cậu bé trong phim, hoặc những hành động “hồn nhiên” tè lên một quả bom câm của cậu nhỏ, có phần còn gượng gạo, hơi tham chi tiết của đạo diễn. (Tất nhiên, điều này cũng có cái hay nếu thể hiện nhuyễn hơn, tương tự kiểu thể hiện đôi mắt một em bé gái qua khe cửa nhìn chiến tranh, nhìn tướng Kutozov trong một cuộc họp, trong bộ phim Chiến tranh và hòa bình, được dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên đồ sộ của nhà văn Tolstoi).

Tuy nhiên, có thể nói rằng sức hấp dẫn của Những người viết huyền thoại qua những điểm so sánh về sự đối nghịch ở trên, phần nhiều được thể hiện bằng những thủ pháp mới (kể cả hình ảnh, bối cảnh không gian rộng, hoành tráng, đầy chất sử thi, hiệu quả âm thanh tiếng nổ, khói lửa…). Điều ấy thực sự mang lại thành công lớn cho bộ phim. Đây là một “kỳ tích mới” về đề tài phim chiến tranh trong giai đoạn điện ảnh Việt đang chuyển mình hiện nay.

Kim Ửng