(TGĐA) - Điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ nằm ngoài sự quan tâm của công chúng bất kể trong giai đoạn thăng trầm. Năm 2017, các sự kiện liên quan đến ngành nghệ thuật thứ 7 đều thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trong đó phải kể đến những phát ngôn ấn tượng, tâm huyết, thể hiện mong muốn của các nhà quản lý, các nghệ sỹ, những người làm phim trên cả nước cho một nền công nghiệp điện ảnh phát triển rực rỡ trong tương lai trên nền quá khứ rất đỗi tự hào.
NSND, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên (Trả lời phỏng vấn báo TTVH ngày 31/5/2017):
NSND Vương Duy Biên cùng các nghệ sỹ điện ảnh tham dự Triển lãm Dấu ấn điện ảnh Việt Nam qua 20 kỳ LHP |
Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi, vì sao Việt Nam có nhiều bối cảnh đẹp thế mà lên phim chưa đẹp, phải chờ đến khi nước ngoài vào chúng ta mới nhận thấy bối cảnh của mình đẹp thế nào qua phim của họ. Chúng ta vẫn còn phải học hỏi rất nhiều, và đây sẽ là một quá trình dài. Ngoài ra cũng cần phải tìm hiểu ngôn ngữ điện ảnh quốc tế, xu hướng làm phim, cách xuất khẩu phim ra thế giới. Phải tìm hiểu vì sao phim được công chúng và các nhà chuyên môn nước mình thích mà ở nước ngoài không đánh giá cao, và phim mình không đánh giá cao thì nước ngoài lại thích…
Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh (Phát biểu tại Lễ bế mạc LHP Việt Nam lần thứ XX): Chúng ta đã có một kỳ Liên hoan Phim Việt Nam với tinh thần và diện mạo mới mẻ, chuyên nghiệp, hấp dẫn theo nhịp độ phát triển của điện ảnh, nhưng đồng thời rất trân trọng hướng về quá khứ.
Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh (trái) trong buổi lễ bế mạc LHP Việt Nam lần thứ XX |
Chương trình tuyển chọn 20 bộ phim truyện từng đạt giải cao nhất tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam cùng những cuộc gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ điện ảnh là thần tượng của nhiều thế hệ khán giả; hội thảo chủ đề “Liên hoan Phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc”; triển lãm mang tên “Dấu ấn điện ảnh Việt Nam qua 20 kỳ Liên hoan Phim” đã trở thành nơi gặp gỡ và tôn vinh những giá trị vàng của điện ảnh Việt Nam.
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát – PCT Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam (Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thế giới điện ảnh):
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát trong khuôn viên Hội Điện ảnh Việt Nam 51 Trần Hưng Đạo - nơi bà là Phó Chủ tịch Thường trực |
Dù anh làm diễn viên, đạo diễn, quay phim hoặc họa sỹ thì cái gốc của nghề vẫn là văn học. Phải biết trân trọng văn học, biết thẩm thấu những cái hay của văn học để nuôi dưỡng cảm xúc. Bởi vì nếu như anh thẩm thấu được chất văn học ấy vào chính con người mình, biết xúc động trước những áng văn hay, câu chuyện đẹp, những câu chuyện chất chứa nỗi đau đớn cuộc đời, thân phận mà văn chương đã vạch ra thì anh mới có cái nền để có thể sáng tạo tiếp được trong lĩnh vực chuyên môn, mới hư cấu được sang lĩnh vực của anh là điện ảnh.
NSX Jimmy Nghiêm Phạm (Trả lời phỏng vấn tạp chí Thế giới điện ảnh):
Làm phim như chơi những canh bạc lớn, đầy mạo hiểm, nếu không cẩn thận sẽ mất cả chục tỉ trong chớp mắt. Chúng tôi xém mất mấy căn nhà vì lấy tiền nhà ra để làm phim. Nhưng may mắn là cũng có vài bộ phim thắng, nên cũng không đến nỗi phải bán nhà để trả nợ.
Nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm |
Trong những ngày đầu khởi nghiệp làm phim tại Việt Nam, tôi chỉ biết làm những gì mình thích nên những phim tôi thực hiện cho Chánh Phương đều có rất nhiều giải thưởng, song cũng chính là những bộ phim mà các chủ rạp không chịu nhận chiếu. Nếu họ đồng ý thì cũng chỉ rất ít suất chiếu. Lúc đó, tôi và vợ phải đi năn nỉ từng rạp để họ nhận chiếu phim của mình. Khi đi đến rạp nào chúng tôi đều nhận được một lời khuyên từ chủ rạp - đó là “làm phim nghệ thuật, làm phim đam mê thì phải chịu cực khổ như vậy. Còn nếu anh làm phim cho khán giả thì chúng tôi sẽ mời phim anh vào rạp chúng tôi chiếu, anh không cần phải năn nỉ nữa.”
PGS. TS. Trần Luân Kim (Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thế giới điện ảnh về xu hướng phim làm lại):
PGS - TS Trần Luân Kim, trưởng ban giám khảo phim truyện điện ảnh phát biểu trong buổi tọa đàm |
Để có được những kịch bản phù hợp nhu cầu chế tác phim hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến khâu sáng tác kịch bản từ nhiều phương diện khác nhau: từ tập hợp đội ngũ đến cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ. Nên chú trọng khai thác (chuyển thể, phóng tác….) kho tàng văn học qua các thời kỳ cổ- cận- đương đại. Cần phát động không mệt mỏi các đợt sáng tác có trọng điểm trong đội ngũ biên kịch cùng các nhà văn chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh hơn việc hợp tác cũng như cung cấp dịch vụ làm phim quốc tế, nhằm đạt mục tiêu tăng cường giao lưu hội nhập, đồng thời nâng cao số lượng sản phẩm đáp ứng thị trường.
Diễn viên NSX Ngô Thanh Vân (Trả lời phỏng vấn tạp chí Thế giới điện ảnh):
Bản thân Vân luôn luôn yêu thích và hứng thú với những điều thuần Việt và đậm tính văn hoá Việt.
Diễn viên Ngô Thanh Vân học may áo dài khi làm phim Cô Ba Sài Gòn |
Việc làm mới câu chuyện cổ tích Tấm Cám hay mang lại hơi thở của Sài Gòn xưa về hình ảnh của chiếc Áo dài trong Cô Ba Sài Gòn và cả bối cảnh Tết của người Việt sẽ được xây dựng trong Về quê ăn Tết - bộ phim vừa được công bố, tất cả đều cho thấy sự khao khát và đam mê của Vân với kho tàng truyện cổ tích nước ta, những chất liệu văn hoá Việt Nam.
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long (Ban giám khảo phim truyện điện ảnh giải Cánh diều 2016):
Đa số những phim dự thi với những màn đấm đá quay cuồng kiểu Truy sát hay Vệ sĩ Sài Gòn… nếu lồng tiếng Hàn, Hồng Kông, Đài Loan thì nó sẽ trở thành phim Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc.
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long |
Nói như thế để cho thấy trình độ làm phim, công nghệ kỹ xảo của các đạo diễn trẻ hiện nay đã không còn chênh lệch với các cường quốc điện ảnh châu Á. Vấn đề hạn chế ở đây là đề tài, là nội dung, là sự gắn kết với con người, với văn hóa của chính đất nước mình để làm nên những bộ phim Việt Nam thuần bản sắc Việt. Và tôi cho rằng chỉ có thế Việt Nam mới có thể ra biển lớn được…
NQP Nguyễn Tranh (Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thế giới điện ảnh về xu hướng phim làm lại):
Nhà quay phim Nguyễn Tranh |
Điều khó khăn và áp lực rất lớn là mình làm lại phim của người khác đã làm rất thành công, nếu làm lại mà không bằng bản gốc là thất bại hoàn toàn. Làm được như họ là đã tốt rồi, nhưng cũng chưa có gì để nói, vì nếu chúng ta có làm tốt hơn họ thì cũng mất đi cái cảm giác khác ở khán giả, vì hầu hết khán giả đã biết được câu chuyện, biết nhân vật…
NSƯT – Đạo diễn Nguyễn Đức Việt (Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thế giới điện ảnh xung quanh câu chuyện CPH Hãng phim truyện Việt Nam):
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt |
Cơ chế mới thì con người cũng phải đổi mới. Bắt đầu từ lãnh đạo phải đổi mới rồi các cán bộ, nghệ sỹ cũng phải năng động, tìm tòi và học hỏi để tự nâng cao trình độ, đủ năng lực đáp ứng với thị trường mới. Thậm chí, Hãng phải mời thêm các bạn trẻ có chuyên môn tốt về làm những bộ phận mà Hãng làm kém hoặc chưa có như truyền thông, bán hàng... Nếu cơ chế tốt, con người tốt và mọi người thực sự nắm tay nhau vì Hãng thì tôi nghĩ căn bệnh nan y này vẫn có thể chữa được.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thế giới điện ảnh xung quanh câu chuyện CPH Hãng phim truyện Việt Nam):
NSND - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân |
Đất nước không thiếu những người có tiền, có tâm và có tình. Và tôi vẫn luôn hy vọng! Bởi cái tâm đó phải được hỗ trợ từ một năng lực tài chính mạnh mẽ mới nhằm thay đổi được hoàn cảnh của các nghệ sĩ hiện nay. Còn một khi, vừa hành xử thiếu tình, lại vừa không có tâm, không có tầm chỉ với mục đích để Hãng phim biến mất một cách tức tưởi là không thể chấp nhận được. Cách ứng xử của ban lãnh đạo công ty sau khi cổ phần với anh em là thiếu sự tôn trọng.
Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm (Nói về thành công của phim Em chưa 18):
Với thành công của Em chưa 18, chúng ta phải ghi nhận tình yêu điện ảnh của các nhà làm phim tư nhân rất đáng biểu dương, khích lệ và nên tạo điều kiện để họ phát huy hơn nữa.
Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm |
Điều đáng mừng ở bộ phim này là cho dù đã phá vỡ kỷ lục doanh thu nhưng hiện vẫn kéo khán giả đến rạp xem lại 2, 3 lần nữa, thậm chí có người xem đến lần thứ 5. Bởi vậy, tôi muốn nói rằng hai bên cần có sự học tập lẫn nhau. Bên tư nhân cần học tập nhà nước ở sự chỉn chu trong nghề nghiệp và ngược lại nhà nước cũng cần tiếp thu ở tư nhân ở chỗ họ có thể lôi cuốn được khán giả đến rạp không chỉ một lần.
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng (Nói về thành công của phimEm chưa 18):
Nhìn chung phim Việt trong hai năm qua vẫn thiếu vắng những tác phẩm mang tính tìm tòi, có dấu ấn cá nhân, thừa những bộ phim giải trí chất lượng thấp (cả về nội dung, hình thức thể hiện và thị hiếu của người sáng tác), đã có phim giải trí lành mạnh đạt doanh thu tốt nhưng số lượng vẫn rất khiêm tốn.
Đạo diễn - NS ƯT Vũ Xuân Hưng |
Tôi cho rằng nhà nước vẫn cần đầu tư cho điện ảnh theo một cách khác. Ví dụ, ở các nước có nền điện ảnh phát triển như Pháp, Hàn Quốc... Quỹ điện ảnh của họ khá dồi dào vì thế những người làm nghề có thể tìm đến và nhờ hỗ trợ để thực hiện dự án của mình. Vì vậy, hình thành Quỹ điện ảnh là điều thực sự cần thiết nếu chúng ta muốn điện ảnh Việt Nam phát triển. Hiện nay, theo tôi biết nhà nước đang đề nghị phải bảo toàn vốn. Điều này là thách thức khó vượt qua đối với người quản lý và người làm phim. Thiết nghĩ, nhà nước không nên bắt buộc phải bảo toàn vốn mà nên học tập Pháp, nếu bộ phim trước thắng lợi về mặt doanh thu thì anh sẽ nhận được sự ưu đãi và đầu tư nhiều hơn ở bộ phim tiếp theo.
Nhà văn Chu Lai (Phát biểu tại cuộc gặp gỡ với báo chí ngày 21/9/2017 tại Hội ĐAVN về vấn đề CPH Hãng phim Truyện Việt Nam):
Nhà văn Chu Lai |
Có những đạo diễn, biên kịch lang thang dưới mưa, đi suốt đêm để rồi lóe lên ý tưởng vô giá. Đó là sự lao động âm thầm và cô đơn, không phải lao động sủi bọt trên sông nước.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: “Quả thực, mỗi năm, điện ảnh nước ta vẫn sản xuất được khoảng 40-50 phim. Nhưng đa số là những phim thương mại, giải trí.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn |
Nội dung quá hời hợt. Bạo lực trong phim quá dễ dãi. Các màn đấu võ, bắn nhau chẳng vì lý do gì. Bối cảnh trong phim toàn resort, khách sạn. Các nhân vật hào nhoáng, nói năng như những siêu nhân trên mây…Không thấy bóng dáng người công nhân, nông dân hay những người lính đang gìn giữ núi rừng, biển khơi. Và doanh thu của những phim đó đều được các phương tiện truyền thông thổi lên đến hàng chục tỷ đồng. Ai không tin thì nghe mãi cũng gật gù. Phải chăng chúng ta đang có một loại điện ảnh không đi trên mặt đất mà đang lượn bay trong thế giới ảo? Phải chăng chúng ta đang có một loại điện ảnh không cần đến những người cần lao?
Diễn viên – NSX Lương Mạnh Hải (Trả lời phỏng vấn Thế giới điện ảnh về việc Hotboy nổi loạn 2 là phim Việt đầu tiên dán nhãn C 18 khi ra rạp:
Lương Mạnh Hải |
“Tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của Cục điện ảnh. Việc phân loại độ tuổi khán giả giúp cho Hotboy nổi loạn 2 giữ được trọn vẹn tinh thần của đạo diễn và nhà sản xuất mong muốn - điều này phù hợp với một nền điện ảnh văn minh và hiện đại. Hơn thế nữa, nó còn là động lực để giúp cho các nhà làm phim sau này tự tin sáng tạo hơn khi thực hiện các đề tài mang tính xã hội một cách thẳng thắn và trực diện”.
P.V