(TGĐA) - Đã lâu rồi, người hâm mộ điện ảnh mới được chứng kiến một thời đại mà đôi khi, nghĩ tới phim “bom tấn” họ lại cảm thấy chán nản và không thấy có sức hấp dẫn bằng các phim kinh phí thấp hay ít được quảng bá.
Đầu tiên, tôi sẽ bắt đầu vào giai đoạn đầu năm 2019, có khi bạn sẽ mong chờ những phim Mỹ thể loại siêu anh hùng như Captain Marvel hay mòn mỏi chỉ mong nhanh tới tháng 4 để được xem Avengers: Endgame. Thế nên, dù một phim đầu tư hoành tráng, kịch bản về thế giới sau tận thế hấp dẫn như Alita: Battle angel thì cũng không ai thèm để ý khi ra mắt giữa tháng 2, dù có sự nhúng tay sản xuất của đạo diễn đại tài James Cameron.
Alita: Battle angel kể về tiến sĩ Dyson Ido (Christoph Waltz) nhặt được bộ não cùng lõi tim năng lượng của một robot mà sau này được đặt tên là Alita tại bãi phế liệu phía dưới hố rác của thành phố Zalem – nơi được khắc họa sâu sát và sống động với một thế giới tràn ngập rác thải của những cư dân thấp kém. Kỹ xảo trong phim thực sự ấn tượng, những biểu cảm máy móc của Alita thật sinh động, chạm tới trái tim khán giả và vĩ mô hơn, chính là thông điệp một con người có hơn một cỗ máy nếu cỗ máy đó biết yêu? Đầu tháng 3, Alita: Battle angel bị quên lãng nhanh chóng bởi Captain Marvel. Sau này, rất nhiều người quay lại bộ phim với sự hối hận. Khi xem lại, họ bỗng dưng thấy hay không tưởng vì so với phim nữ anh hùng của Marvel, Alita: Battle angel có kịch bản chắc và thông điệp rõ ràng gấp nhiều lần.
Alita: Battle angel có bối cảnh câu chuyện đặc sắc |
Tương tự với số phận của Alita: Battle angel, Fighting with my family cũng đã bị nhiều người nghĩ là một phim “xoàng xĩnh” khi ra mắt đầu năm, xoay quanh đời thật của nữ đô vật Paige – người mà trước đó vì vướng vào các bê bối tình ái nên nhận về nhiều sự coi khinh. Và bộ phim nói về cuộc đời của Paige suýt chịu chung số phận nếu không nhờ hàng loạt bài phê bình khen ngợi phủ sóng không ngớt qua sự bất ngờ tới từ một phim tiểu sử vừa kiểu cục mịch, đúng chất các đô vật nhưng cũng hóm hỉnh, duyên dáng.
Fighting with my family là một phim tiểu sử thú vị |
Tua nhanh một chút tới tháng 6, mọi thứ có vẻ yên ổn cho tới khi một phim “lạ hoắc” có tên là The nightingale tràn ngập các báo qua dòng tiêu đề “Khán giả bỏ về, la hét vì phim có nhiều cảnh cưỡng hiếp”. Cụ thể tại Liên hoan phim Sydney, The nightingale của đạo diễn Jennifer Kent được chiếu thử và không ít người đã bỏ về vì không thể chịu đựng được sự trần trụi rất chi “nặng đô” của phim. Đạo diễn từng làm nên phim kinh dị đình đám The Babadook (2013) lấy bối cảnh cho tác phẩm kể trên ở hải đảo Tasmania thời còn nằm dưới ách đô hộ của Vương quốc Anh. Nhân vật chính là một phụ nữ bản địa (Aisling Franciosi) có chồng con bị sát hại và còn bị cưỡng bức nhiều lần. Cuối cùng, cô quyết định ra tay trả thù những kẻ đã gây ra thảm cảnh cho mình. “Tôi phải đi về ngay lập tức khi chứng kiến cô ấy bị cưỡng hiếp đến hai lần” – một khán giả tại LHP cho hay. Về sau, cái nhìn về The nightingale thay đổi rõ rệt khi Kent chia sẻ bà nhận được nhiều tin nhắn từ các nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, họ trân trọng sự trần trụi trong cách tác phẩm khắc họa nỗi đau.
The nightingale |
Tháng 7 kế tiếp thường sẽ nóng hơn rất nhiều nhưng chưa hề là gì với sức nóng mà phim truyền hình siêu anh hùng The boys mang lại. Nếu không đọc trước truyện tranh gốc, nhiều người sẽ nghĩ đám anh hùng trong The boys chỉ là “phiên bản nhái” của biệt đội Justice League. Quả thực rất đúng, không những nhái mà The boys còn là một phim “phản siêu anh hùng” cực kỳ đáng xem. Siêu anh hùng cũng chỉ là con người, cũng đều có những dục vọng hay sự đê tiện, hèn hạ bên trong và bộ phim của đài Amazon đã khiến công chúng sốc nặng qua mỗi tập phim. Bạn có bao giờ tự hỏi siêu anh hùng có phải ra hầu tòa vì những tai nạn họ gây ra, vô tình cướp đi mạng sống người vô tội lúc thực thi nhiệm vụ? Chàng trai nhút nhát Hughie, tay cảnh sát bí ẩn Billy Butcher cùng nhóm The boys sẽ giải đáp cho bạn điều đó.
The boys với đột phá mới lạ trong thể loại siêu anh hùng |
Cũng trong thời gian này, thị trường phim kinh dị trở nên ảm đạm sau thành công của phim Us hồi tháng 3. Bất ngờ, một phim ban đầu tưởng như sẽ bị dán mác hạng B nổi lên và được đánh giá cực cao. Đó là Crawl hay còn được gọi là Địa đạo cá sấu tử thần. Đề tài cá sấu tưởng như cũ kỹ nhưng phim đã đem lại cho khán giả một trải nghiệm xứng đáng, nhất là nhân vật chính do Kaya Scodelario thủ vai. Ngôi sao từng nổi lên qua phim Maze runner chứng minh bản thân là một “nữ cường” thực thụ của phim kinh dị, không hề chùn bước trước nghịch cảnh phải sống sót trong tầng hầm đầy nước sau cơn bão - nơi những con cá sấu luẩn quẩn và khát máu.
Địa đạo cá sấu tử thần |
Ở những giai đoạn tiếp theo năm 2019, nếu tinh ý bạn sẽ phát hiện ra mình bỏ lỡ khá nhiều phim độc lập hay ho và rất có thể, Uncut gems sẽ nằm trong số đó. Đơn giản vì nhắc tới một cái tên Adam Sandler, nhiều người chỉ muốn tránh xa một nam diễn viên chứa đầy nhà giải Mâm xôi vàng.
Adam Sandler vốn luôn được biết tới là một cái tên "dở tệ"! |
Cuộc đời khó thể biết trước điều gì xảy ra, Adam Sandler từng đứng trước thảm cảnh bị người đời lãng quên với những vai hài “nhạt như nước ốc”. Vậy mà trong một phim kinh dị, giật gân như Uncut gems, anh lại thực sự quá xuất sắc. Để rồi khó tin làm sao khi có bài báo nêu quan điểm anh xứng đáng được đề cử Oscar. Adam Sandler nhập vai một người đàn ông chuyên buôn bán kim cương, ông ta đang “nợ đìa” vì cờ bạc. Nhân vật này vừa tham vọng, vừa có chút ngốc nghếch và không thể nào thoát ra khỏi lối sống tự hủy diệt chính mình.
Cuối năm 2019, phim Star wars: The rise of Skywalker ra mắt, được coi là phần cuối cùng trong bộ ba phim làm lại của Star wars (Chiến tranh giữa các vì sao) từ năm 2015. Được chỉ đạo bởi J. J. Abrams – đạo diễn phần đầu tiên mang về hơn 2 tỷ USD cho Disney nhưng không hiểu vì sao, chất lượng của Star wars: The rise of Skywalker lại đi xuống thậm tệ, bị cả fan và giới phê bình đánh giá kém cỏi. Có chăng, Disney không hề viết tiếp trang sử hoành tráng của Star wars mà chỉ đang “giết” nó mà thôi. Thế mới biết, dù cạn ý tưởng đến mức phải đào lại cáicũ, Disney nói riêng hay toàn bộ Hollywood nói chung trở nên một màu và nhạt nhòa. Khán giả lại phải tìm đến những phim kinh phí thấp, hay ít tên tuổi để xem và hiệu quả họ nhận lại có khi còn thích thú hơn một phim như Star wars: The rise of Skywalker. |
Trang đánh giá phim ‘khó tính’ Rotten Tomotoes công bố 10 phim hay nhất 2018 | |
10 phim Hollywood đáng nhớ nhất về trại hè |
Vũ Anh