Những thần tượng ở nhà dưỡng lão...

(TGĐA) - Gặp nhau ở Nhà dưỡng lão Thiên Đức, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã ôm lấy NSƯT Lịch Du và trách: “Chị trốn mọi người kỹ quá, nếu không quen biết giám đốc trung tâm, chắc chẳng ai biết chị ở nơi này…”. Không chỉ có diễn viên - NSƯT Lịch Du ở đây, hai ngôi sao một thời của điện ảnh Việt cũng chọn nơi này để an dưỡng tuổi già: NSND – chàng “A Phủ” Trần Phương và NSND Tuệ Minh - cô Hương trong truyện Vợ chồng anh Lực năm nào…

nhung than tuong o nha duong lao NSND Trần Phương: Những năm tháng sống cùng điện ảnh
nhung than tuong o nha duong lao
NSND Trần Phương - NSƯT Đức Lưu dường như không hết chuyện để kể

Những ngôi sao một thời

NSƯT Lịch Du sinh năm 1940, là diễn viên khóa I của trường Điện ảnh, cùng thế hệ với những nghệ sĩ như Trà Giang, Thế Anh, Lâm Tới, Ngọc Lan… và góp mặt trong hầu hết những tác phẩm thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Hai người mẹ, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Người về đồng cói, Bài ca ra trận, Chị Dậu, Kỷ niệm đồi trăng, Ngọn đèn trong mơ… Ngoài ra, bà còn là tác giả của nhiều kịch bản phim truyền hình mà trong đó nổi tiếng nhất là 8 tập Người Hà Nội – bộ phim từng ghi dấu ấn mạnh mẽ với khán giả truyền hình năm 1996 với diễn xuất của các diễn viên Hồng Sơn, Lê Khanh, Quyền Linh, Huệ Đàn, Minh Hằng.

NSND Tuệ Minh, sinh năm 1938, cũng xuất thân từ lớp diễn viên khóa I, từng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHPVN lần thứ II với vai Hương trong Truyện vợ chồng anh Lực. Không chỉ nổi tiếng là một diễn viên tài sắc vẹn toàn với nhiều bộ phim thời kỳ đầu như Một ngày đầu thu, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh… người ta còn nhớ tới bà với một giọng đọc trong trẻo và truyền cảm trong nhiều chuyên mục của Đài tiếng nói Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài ra, người ta còn nhắc tới bà bởi câu chuyện tình yêu dệt nên tình chồng vợ với nhà văn – nhạc sĩ tài hoa một thuở: Nguyễn Đình Thi.

nhung than tuong o nha duong lao
NSND Tuệ Minh thời trẻ

NSND Trần Phương, chàng A Phủ của Vợ chồng A Phủ ngày nào nay cũng đã gần cửu tuần. Sinh năm 1930, ông được coi là thế hệ diễn viên kỳ cựu và tài năng nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Với diễn xuất, ngoài vai diễn A Phủ, NSND Trần Phương xây dựng tên tuổi của mình qua hàng loạt vai diễn như anh Khoa trong Chị Tư Hậu, Khiêm trong Tiền tuyến gọi, Tiệp trong Ngày lễ Thánh, Lực trong Truyện vợ chồng anh Lực... Ngoài ra, khi chuyển sang làm đạo diễn, ông cũng nổi tiếng với nhiều tác phẩm đoạt giải cao như Tội lỗi cuối cùng (bộ phim làm nên tên tuổi của cố NSND Phương Thanh), Hy vọng cuối cùng hay Dòng sông hoa trắng. Không những thế, thời phim thị trường nở rộ, ông còn là tác giả của nhiều bộ phim ăn khách như SBC (Săn bắt cướp), Vụ án hồ con rùa… Ngoài danh hiệu NSND, ông còn được trao tặng giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật.

nhung than tuong o nha duong lao
NSND Trần Phương thời trẻ

Họ, những ngôi sao – thần tượng một thời, giờ quần tụ ở đây trong khuôn viên Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức, thuộc huyện Sóc Sơn, cách Hà Nội hơn 50km…

Chuyện ở nhà dưỡng lão

Chuyến thăm viếng những nghệ sỹ điện ảnh một thời diễn ra chỉ sau 1 tuần Hội điện ảnh Việt Nam biết tin. Ngoài nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam còn có các đồng môn như NSƯT Đức Lưu – cùng học khóa I, người nổi tiếng với vai diễn Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy cùng các đồng nghiệp, thế hệ nghệ sỹ kế tiếp như vợ chồng nhà biên kịch Lê Phương – Trịnh Thanh Nhã; NSND – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và vợ chồng nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh.

nhung than tuong o nha duong lao
NSƯT Lịch Du gặp lại nhà biên kịch Hồng Ngát - Phó chủ tịch thường trực HĐAVN, đồng thời là đồng nghiệp một thời ở Hãng phim truyện

Xã hội Việt Nam vốn chưa quen với việc người già ở nhà dưỡng lão. Đó cũng chính là tâm trạng của nhóm chúng tôi trên đường tới thăm 3 nghệ sỹ và cũng là lý do mà NSƯT Lịch Du không muốn nhiều người biết chuyện này. Khi nghe lời trách của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, NSƯT cười rổn rảng chia sẻ, bà có một đứa con gái thì ở bên nước ngoài, sống một mình cũng buồn nên bà khóa nhà lên đây vừa có bạn có bè, có người chăm sóc và coi như đi “trại sáng tác” vậy. Thậm chí, bà còn trách lại rằng: “Sao không báo trước rằng lên thăm, đột ngột thế này dễ đau tim lắm, tuổi già mà… Nãy phải uống một gói sâm mới đủ sức khỏe ra đấy”. NSƯT cũng khoe ngoài kịch bản đang nằm trên Hội điện ảnh, bà cũng vừa mới gửi cho Hãng phim Hội nhà văn một kịch bản nữa. Anh Tuấn Ngọc – GĐ Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức còn chia sẻ thêm, ngoài là cây văn nghệ chính của Trung tâm, NSƯT còn là người lên kịch bản, dựng hầu hết các tiểu phẩm trong các buổi biểu diễn, giao lưu của Trung tâm.

nhung than tuong o nha duong lao
NSND Trần Phương trong phút giây gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp
Cái giá để được ở Trung tâm không rẻ. Như chia sẻ của giám đốc Trung tâm thì mức của ba nghệ sỹ là 13 triệu/1 tháng/1 người. Đổi lại, họ được ở trong không gian rộng 5 hecta với không gian xanh, hồ bơi, hồ câu cá, sân tennis, bóng rổ, vườn di dạo, chim thú… được trò chuyện với bạn bè ở khu sinh hoạt chung, nơi xem tivi, các câu lạc bộ Thơ, khiêu vũ, giao lưu văn nghệ, triển lãm… Ngoài ra, họ được y tá điều dưỡng bác sĩ chăm sóc 24/24 với các phòng tập chức năng, lớp học về chăm sóc sức khỏe tuổi già… Ở trung tâm này, còn có cả một khu nghỉ dưỡng, nhà sàn dành cho con cháu các cụ lên thăm, ở lại chơi như một cuộc picnic cuối tuần. Ở nơi người già, nhưng toàn thấy những nụ cười.

“Hai vợ chồng anh Lực” (NSND Trần Phương và NSND Tuệ Minh đóng vai vợ chồng trong Truyện vợ chồng anh Lực) cũng có nhà, có con cái trưởng thành ở Hà Nội nhưng cũng chọn lên đây sống. NSND Tuệ Minh, sau cơn tai biến thì cũng khó khăn trong việc chăm sóc. Bà có hai người con gái, một ở nước ngoài, một ở Hà Nội. Nghệ sỹ có giọng đọc truyền cảm một thời giờ rất khó khăn trong việc phát âm khi nhìn thấy những bạn bè, đồng nghiệp thân quen tới thăm. Đối mặt với 4 bức tường ở Hà Nội với sự chăm sóc dù cực kỳ chu đáo của con cháu cũng không bằng không gian thoáng đãng ở đây, với những người đồng trang lứa và điều dưỡng, y tá, bác sĩ túc trực 24/24. Đây chính là điều nhiều người ít nghĩ tới cho người già khi chính mình bắt đầu bước tới tuổi cơ thể cần tới người khác chăm sóc. Còn NSND Trần Phương thì theo anh Tuấn Ngọc chia sẻ, ngày mới lên, ông gần như ít giao tiếp, thậm chí còn hơi lẫn nhưng sau một thời gian sống ở đây, có bạn có bè, có chăm sóc đầy đủ, có không gian trong lành với nhiều hoạt động phục hồi, ông đã hoạt bát trở lại. Khi chúng tôi tới thăm, dù phải ngồi xe lăn nhưng sự hoạt bát hài hước của ông khiến người ta nhớ lại rằng, chính người đàn ông kia, với phong thái này, đã một thời hào hoa phong nhã, làm đổ gục và đốn tim hàng ngàn cô gái trong suốt quãng đời oanh liệt của mình. Những câu chuyện làm phim ngày trước, những kỷ niệm và cả những chuyện tếu táo thời thanh niên sôi nổi được ông, NSƯT Đức Lưu và các đồng nghiệp kể lại trong những tràng cười như pháo rang. Cứ nhìn nụ cười của họ, nhìn “Thị Nở” và “A Phủ” rổn rảng cười, như thấy lại cả một thời huy hoàng, nhiệt huyết của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu.

nhung than tuong o nha duong lao
NSUT Lịch Du gặp lại người thầy của mình - nhà biên kịch Lê Phương
nhung than tuong o nha duong lao
NSND Tuệ Minh giờ cũng đã yếu, gần như không nói chuyện được

NSND chia sẻ, ông có 4 đứa con gái hàng tuần vẫn lên thăm và ở đây, ông cảm thấy rất thoải mái. Sắp tới, ông còn tham gia Triển lãm Chuyện tuổi già ở bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với việc chia sẻ những bức ảnh, những tâm sự về lứa tuổi để xã hội thêm hiểu đời sống của người già. Ông chia sẻ: “Hồi xưa tôi cứ nghĩ tuổi già để nghỉ ngơi thôi nhưng nghỉ hưu rồi tôi lại có nhiều thời gian để sáng tác. Khoảng chục năm nay tôi lẩm cẩm không làm gì được nữa nhưng tôi tự hào vì các cháu đã trưởng thành, học cao, hiểu rộng. Chúng nó đi theo con đường nghệ thuật của tôi, nhiều khi tôi sợ nói chuyện không phù hợp với bọn nó, thành ra thấy mình lúng túng trước bọn trẻ”. Đó là lý do ông lên đây, để có không gian mình thuộc về…

Gia Hoàng