Những vật cản chống lại nhân vật

(TGĐA) - Trong cuộc sống hàng ngày hay trong nghệ thuật, chúng ta thường hay gặp phải những vật cản - những khó khăn. Cái khác nhau giữa cuộc sống và nghệ thuật là nghệ thuật phải biết thể hiện cái khiếm khuyết đó như thế nào trong hoàn cảnh cụ thể nào cho thuyết phục công chúng.

nhung vat can chong lai nhan vat 'Mối tình đầu của tôi' khép lại với cái kết đẹp như mơ dành cho các nhân vật
nhung vat can chong lai nhan vat Clint Eastwood sẽ đạo diễn bộ phim nói về một nhân vật đặc biệt tại Olympics Atlanta 1996
nhung vat can chong lai nhan vat
Cảnh trong phim Giải cứu binh nhì Ryan

Vật cản trong đời sống hàng ngày

Mỗi con người, trong hoạt động, dù là lúc đi đứng, nói năng hay ngủ, nghỉ hầu như đều không thuận buồm xuôi gió mà thường gặp những khó đơn, trắc trở. Dễ như chuyện ăn mà cũng có khi bị nghẹn, bị lúng túng khi làm khách. Hoặc dễ như chuyện uống mà có lúc bị sặc, bị say… Hoặc khi ngủ có khi gặp ác mộng hay bị ngã xuống đất. Quả là trong cuộc sống, mỗi người đều gặp và phải đối phó với những khó khăn hàng ngày hàng giờ.

Hơn nữa, “nhân vô thập toàn”. Ai mà chẳng có những điểm yếu hay khiếm khuyết của mình. Chàng Asin trong thần thoại Hy Lạp nổi tiếng không chỉ người có sức khoẻ vô song mà còn vì chàng có tử huyệt nằm ở gót chân của mình. Cái tử huyệt nằm ở chỗ mà ngỡ như không có chỗ nào có thể kín hơn, nhưng dù sao đó vẫn là tử huyệt để đối phương có thể nhằm vào mà kết liễu số phận chàng. Hay như tướng quân Từ Hải “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thâm mười thước cao” từng “Giang hồ quen thói vẫy vùng/ Gươm đàn nửa gánh ra sông một chèo” tài ba thao lược “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, thế mà vẫn phải chết đứng vì nghe lời chiêu dụ của nàng Kiều! Ai cũng có những vấn đề riêng của mình. Cái khác nhau giữa cuộc sống và nghệ thuật là nghệ thuật phải biết thể hiện cái khiếm khuyết đó như thế nào trong hoàn cảnh cụ thể nào cho thuyết phục công chúng.

Đồng thời, trong cuộc sống, để sinh tồn, con người phải luôn làm việc, chiến đấu. Những công việc này luôn không hề dễ dàng. Đứa trẻ sơ sinh lần đầu tiên ngậm vú mẹ, chàng trai lần đầu tiên hò hẹn với người yêu, một kẻ hiền lành lần đầu tiên vô tình phạm tội giết người… tất cả những diễn biến các sự việc trên đều rất khó khăn. Quan điểm “không có việc gì khó” của cổ nhân đưa ra nhằm khích lệ lòng kiên trì của con người không phải không có lý. Song vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Điều quan trọng là phải xác định được vấn đề “làm bất cứ việc gì cũng khó” để giúp con người có cái nhìn tôn trọng và có trách nhiệm với công việc. Ngay cả trong thần thoại của người Việt chúng ta cũng đâu coi mọi việc dễ dàng. An Dương Vương xây thành Cổ Loa đâu phải xây được ngay. Ông vua này còn bị con gà trống phá hoại bằng tiếng gáy ban đêm. Hay như huyền thoại Thánh Gióng, đâu phải sinh ra đã thành người khổng lồ. Phải mất ba năm nằm im “chẳng nói chẳng cười trơ trơ” rồi sau đó ăn liền một lúc “bảy nong cơm ba nong cà/ Uống một hơi nước cạn đà khúc sông” mới lớn nhanh được. Nói vậy để thấy một điều, con người luôn phải vượt qua nhiều “chướng ngại vật” trong đời thường.

Đặc biệt, trong mối quan hệ giữa con người với con người lại luôn nảy sinh những mâu thuẫn và xung đột. Người ta thường nói vui chuyện tiếu lâm sau: “Cứ ba người Anh thì thành lập được một nghị viện; cứ ba người Ixraen sẽ thành lập được một diễn đàn; còn cứ ba người Việt thế nào chũng có chuyện chen nhau”. Mâu thuẫn luôn tồn tại giữa cha mẹ và con cái, giữa giàu và nghèo, giữa đạo đức và lòng tham v..v… Đây là nguồn tài nguyên vô tận để các nghệ sỹ sáng tạo.

Các loại vật cản trong phim truyện

nhung vat can chong lai nhan vat
Cảnh trong phim Bệnh nhân người Anh

- Vật cản về địa hình – không gian: Đây là loại vật cản thường được các nhà làm phim khai thác, sử dụng không gian ngoại cảnh và ánh sáng mặt trời. Những yếu tố như sông, suối, đồi, núi hay sa mạc, đầm lầy v.v… thuộc loại vật cản này. Trong phim Bài ca người lính, ta thấy anh lính Aliôsa, trên đường về phép, phải vượt qua một con sông. Nhưng trên sông lúc đó không có tàu thuyền nào. Để vượt qua dòng sông, Aliôsa phải dùng một mảng bè. Hoặc trong phim Hòn đảo trụi (Nhật Bản), ta chứng kiến cảnh hai vợ chồng người nông dân Nhật Bản phải vất vả và thận trọng thế nào khi gánh nước lên đảo tưới cây. Người vợ bặm môi, nín thở, bấm chân gánh nước, không đi thẳng mà đi ngang để hai thùng nước song song với từng bậc cầu. Từng bước, từng bước một. Và đây là cảnh chị gánh nước lên đồi. Ban trưa, đồi dốc, mệt mỏi, bỗng chị trượt chân, ngã xuống. Thùng nước đổ. Người chồng đã không đỡ vợ dậy mà còn trừng mắt, tặng cho vợ cái tát. Còn trong phim Titanic, ta thấy con tàu khổng lồ này đang băng băng trong biển đêm đã va phải dải đá ngầm ra sao. Hay như trong Bệnh nhân người Anh, ta được chứng kiến cặp tình nhân Anmasy – Dorothy đang say sưa lãng mạn ngắm sao trời trong đêm trên cát, bỗng bão cát nổi lên, vùi lấp cả xe ô tô của họ. Sáng hôm sau, họ khó khăn lắm mới mở được cửa xe, thoát ra ngoài. Họ còn bới cát, cứu được những người Ả-rập cùng đi cũng bị cát vùi trong một chiếc xe khác. Rồi khi người phụ nữ bị thương, phải nằm một mình trong hang có những hình vẽ “người đang bơi” lạnh lẽo, nhân vật Anmasy lên đường, tìm xe đưa người tình đến viện quân y. Anh đã đi bộ, vượt qua sa mạc một mình suốt ngày đêm. Khi gặp quân Anh, Anmasy lại gặp vật cản khác. Những người lính gác đòi kiểm tra giấy tờ. Anh không có gì mang theo. Những người lính Anh lại hỏi tên. Anmasy xưng danh. Những người Anh nghi ngờ về cái tên lạ hoắc, không có chút gì “Ăng-lê”. Họ liền tống Anmasy vào ngục, mặc cho anh ta kêu gào, van nài xin một chiếc xe đi cứu tình nhân của mình.

nhung vat can chong lai nhan vat
Cảnh trong phim Titanic

- Vật cản thời gian: Tham khảo phần “Áp lực thời gian lên nhân vật” (TGĐA số 3/2006)

- Vật cản về thời tiết: Những yếu tố như nắng, mưa, bão, lũ lụt bão tuyết, sương mù,v..v.. thuộc loại vật cản này.

Trong phim Người thứ 41 (Nga) có trường đoạn, sau khi các chiến sỹ Hồng quân vượt qua sa mạc, đến bờ biển Aran. Nữ chiến sỹ Mariutka và hai chiến sỹ Hồng quân được lệnh dùng thuyền buồm dẫn giải tên sỹ quan Bạch vệ Govorukha Otrok về ban tham mưu bằng đường biển. Họ lên một chiếc thuyền. Nhưng giữa đường, một cơn bão lớn đã nhấn chìm chiếc thuyền. Hai chiến sỹ Hồng quân hy sinh. Còn Mariutka và viên sỹ quan Bạch vệ Otrok dạt lên một hòn đảo. Hoặc như trong phim Giải cứu binh nhì Ryan (Mỹ), ta thấy đại đội lính Mỹ phải vượt qua địa hình đầy băng tuyết và bom đạn ra sao để tiếp cận được mục tiêu. Hay như trong phim Titanic, con tàu khổng lồ này, sau khi gặp vật cản đá ngầm, đã bị những cơn bão biển tràn vào các khoang ra sao, hành khách trên tàu hoảng loạn thế nào v..v..

- Vật cản về tâm lý: Những sự nhầm lẫn, quên, những kiêng kỵ cho do tôn giáo của nhân vật, những day dứt về lỗi lầm, những lo sợ bị trả thù, nỗi sợ do độ cao hay vực sâu v..v… thuộc loại vật cản này. Trong phim Đàn sếu bay (Nga), ta thấy cảnh Bôrít, trước lúc lên đường, đến tặng người yêu là Veronika món quà con sóc cõng gùi hạt dẻ. Không gặp Vêronika, Borít đưa món quà cho bà ngoại của cô. Khi Veronika về, người bà đưa cô món quà của Bôrít. Vì quá vội vã, lại tức giận vì Bôrít không viết thư, Veronika không phát hiện ra bức thư của Bôrít được giấu một cách lãng mạn và tinh tế dưới những hạt dẻ trong gùi. Hoặc trong phim Bài ca người lính, trường đoạn trên tàu, khi Aliôsa trong những phút đầu gặp cô gái Sura. Quá bất ngờ và sợ hãi, Sura ngờ Aliôsa là kẻ xấu. Trong cơn hốt hoảng, cô đã ném túi đồ của mình ra ngoài và định nhảy tàu nếu Aliôsa động đến cô. Hay như trong phim Ngôi nhà trong sương mù (Mỹ). Khi cô gái Kathy định tự sát trong cơn say rượu, cô được ông đại tá Iran phát hiện, đưa vào nhà. Cô đi tắm cho rã rượu. Bất ngờ cô phát hiện trong buồng tắm của vợ chồng người Iran có lọ thuốc ngủ. Cô uống hết vì muốn chết. Cô lại được vợ chồng người Iran cứu. Nhưng khi người tình của cô là viên cảnh sát Burton đến thấy cô nằm thiếp đi. Burton đã hiểu nhầm lòng tốt của vợ chồng người Iran, cho rằng họ là thủ phạm. Burton đã nhốt cả hai vợ chồng và đứa con 17 tuổi của họ vào toilet. Đây là loại vật cản có tên “lòng tốt bị hiểu nhầm” thường được các nhà làm phim sử dụng để làm tăng thêm tình huống kịch.

- Vật cản về sức khoẻ: Tuổi già, sự kiệt, sức mệt mỏi, đói, khát, bị thương v.v… thuộc loại vật cản này.

- Vật cản về tiền bạc, tài chính: Thường trong các phim về một người thành đạt nào đó hay trong các phim thuộc thể loại tiểu sử, các nhà làm phim thường khai thác giai đoạn tuổi trẻ của họ với những khó khăn về tiền bạc, ngăn cản họ thực hiện ước mơ.

- Vật cản thuộc loại khuyết tật cố hữu của nhân vật. Người này thọt chân, người kia nói lắp, có người mang một dị tật nào đó. Nhưng yếu tố này được các nhân vật thể hiện vừa như sở đoản, lại vừa như sở trường của mình. Nhân vật trong phim Thằng gù nhà thờ Đức Bà (Pháp) là một ví dụ. Hoặc người ta thường nhắc đến nhân vật anh nông dân Lennie trong phim Của chuột và người (Mỹ). Anh này có tật thích chơi chuột. Lúc nào trong tay cũng cầm con chuột. Anh ta mân mê nó cho đến chết. Khi chuột chết rồi vẫn để trong túi tiếp tục mân mê. Khi đến một trang trại làm thuê, anh ta mê cô vợ trẻ của ông chủ. Và anh ta cứ ngỡ cái cổ mềm mại, trắng ngần của bà chủ là con chuột, mâm mê cho đến lúc mãnh liệt, bóp chết bà chủ mà vẫn không hay biết.

- Ngoài ra còn một số vật cản khác như những bất ngờ xuất hiện như bỗng dưng một viên đạn lạc gây chết người, đột nhiên bị ngã, gãy chân, bỗng mất tiền vì một kẻ lừa đảo mà bề ngoài tử tế v..v…

Những yêu cầu đối với vật cản

nhung vat can chong lai nhan vat
Cảnh trong phim Thu Cúc đi kiện

- Vật cản phải hợp lý. Các vật cản đưa ra phải phù hợp với không gian của câu chuyện, phù hợp với thời điểm câu chuyện diễn ra, phù hợp với tính cách nhân vật, phù hợp với bối cảnh thống nhất của tác phẩm. Trong phim Thu Cúc đi kiện (Trung Quốc), các vật cản về cơ chế hành chính quan liêu của các cấp xã và huyện cũng đủ làm cho nhân vật chính phải nỗ lực vượt qua. Các tác giả không lạm dụng các yếu tố khác như có thể buộc Thu Cúc phải qua sông qua đò, trèo đèo lội suối, phải nhỡ xe hay do đi lại nhiều mà xảy ra chuyện động thai này nọ v..v… Bởi nếu các phương án này đưa ra nó sẽ giảm tính chân thực của câu chuyện và nó càng gây ảnh hưởng không tốt đến trọng tâm của câu chuyện. Các vật cản cũng phải hợp lý ở mức độ ngày càng tăng cao của những khó khăn. Điều này buộc các nhà làm phim phải tính toán, lựa chọn các vật cản, tìm phương án đặt chúng ở phần nào trong câu chuyện cho thích hợp nhất, hiệu quả nhất.

Sự hợp lý ở đây cần liên quan đến thể loại phim. Trong phim hài, phim hành động hay phim chính kịch, các loại vật cản phải phù hợp với tính chất, giọng điệu của bộ phim.

- Các vật cản phải đảm bảo độ tin cậy: khi chúng ta đặt ra các vật cản cũng có nghĩa là đặt nhân vật trước hàng loạt thử thách. Những khó khăn này tạo ra những xung đột đầy kịch tính. Và chúng ta cũng không nên tạo ra các vật cản đổ lên đầu nhân vật một cách vội vàng đề nhân vật không xử lý kịp. Điều quan trọng không phải tạo ra cái gì mà phải làm sao cho khán giả thấy nhân vật vượt qua cái này như thế nào. Và khi khán giả đã sống cùng nhân vật, tham gia hoạt động cùng nhân vật thì họ sẽ có chung nhịp đập với nhân vật. Để đến mức nhân vật gặp khó khăn hay nguy hiểm, khán giả thấy thương đau và muốn lao vào cứu giúp. Điển hình là chi tiết Juliet uống ly thuốc ngủ trong vở kịch và bộ phim bất hủ Romeo và Juliet. Khi Romeo quay lại, ngỡ Juliet đã chết, chàng cầm ly thuốc độc (thật) lên uống để thoả ước nguyện chết cùng người yêu. Nhiều khán giả bồn chồn, đau tức, muốn hét lên, khuyên can chàng đừng uống. Nhưng tất cả đành phải đau đớn chứng kiến kết cục đau buồn của bi kịch. Điều đó cho thấy, khi vật cản có độ tin cậy cao, không những tạo ra cao trào của kịch tính mà còn giúp cho khán giả được sống trong không khí và nhịp đập của nhân vật và tác phẩm.

Độ tin cậy của vật cản cũng liên quan đến yếu tố thể loại phim. Tuy không có nguyên tắc chặt chẽ, song sử dụng thế nào cho hiệu quả lại phụ thuộc vào tài năng từng người. Ví dụ, trong các phim hành động, để đảm bảo yếu tố tâm lý khán giả, các nhà làm phim vẫn sử dụng các vật cản có tính hài hước…

- Các vật cản phải hợp với nhân vật. Điều này có nghĩa các vật cản đưa ra phải tính đến hoàn cảnh sinh sống, môi trường và điều kiện sinh hoạt, lứa tuổi và giới tính của nhân vật. Trong phim Bài ca người lính, nếu các nhà làm phim để nhân vật Aliôsa là một anh lính thành phố, tán gái giỏi, gặp Sura là “máu” liền thì tính cách đó sẽ phá hỏng nhân vật và tác phẩm.

Tác dụng của vật cản

- Thúc đẩy nhân vật hành động, đẩy xung đột ngày càng tăng.

- Thúc đẩy câu chuyện vận động về phía trước, làm tăng nhịp điệu, tiết tấu của câu chuyện cho hấp dẫn hơn.

- Khám phá tính cách nhân vật một cách tự nhiên, rõ ràng và thú vị.

nhung vat can chong lai nhan vat 'Mối tình đầu của tôi' khép lại với cái kết đẹp như mơ dành cho các nhân vật

(TGĐA) - Gắn bó với khán giả suốt 60 tập phim, bộ phim Mối tình đầu ...

Đoàn Tuấn