(TGĐA) - Đạo diễn Kore Eda Hirokazu (Nhật Bản), đạo diễn Kim Jee Woon và Chủ tịch danh dự HIFF Kim Dong Ho (Hàn Quốc) đã có cuộc gặp gỡ báo chí đầu tiên vào trưa 10/4 tại 2 khách sạn Le Meridien và Lotte Sai Gon.
TP.HCM thực sự năng động và có tiềm năng - đó là cảm nhận chung khi các ông đến Việt Nam tham dự Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024.
Đạo diễn Nhật Bản Kore Eda Hirokazu
Vị đạo diễn người Nhật luôn tỏ rõ sự thận trọng, khiêm nhường trước những câu hỏi của báo chí. Ông chân thành chia sẻ: Khi còn học đại học, ước mơ của mình sẽ là một nhà văn, nhưng sau đó đã từ bỏ định hướng này, bởi thích xem phim, nhất là sau lần xem được 2 bộ phim của Ý. Ông đã đặt ngay câu hỏi: Toàn bộ những hình ảnh trên màn chiếu chắc chắn là do người quay phim, chụp hình ghi lại. Vậy ẩn sau những hình ảnh ấy ai sẽ là người kể câu chuyện phim?
Song thực ra… ý tưởng viết văn của ông không hề chấm dứt mà hoàn toàn là nền tảng vững chắc khi ông chuyển hướng viết kịch bản phim. 30 năm làm nghề, từng thực hiện 16 phim, trong đó có tới 14 tác phẩm đều do ông viết kịch bản kiêm đạo diễn. Trong đó có 2 phim Broker (Người môi giới) và Monster (Quái vật) đã phát hành tại Việt Nam. Ông luôn quan niệm với một người sáng tác (cả 2 khâu biên kịch và đạo diễn) thì sự năng động, linh hoạt và tính thích ứng kịp thời luôn cần phải có. Câu chuyện phim sẽ không thể bê nguyên kịch bản giấy ban đầu cho đến cảnh kết của phim. Mà trong quá trình tiền quay, thực quay và hậu quay của mỗi ngày bấm máy, ông luôn điều chỉnh, sửa đổi, sáng tạo thêm trong kịch bản, cách dàn dựng cho những gì đạt hiệu quả cao nhất.
Vì vậy ông luôn kiên định về tư duy sáng tác trong một tác phẩm, không mô tả nghiêng hẳn về một thiên đàng hay địa ngục; Về cái thiện hay cái ác; Về cái xấu hay cái đẹp… theo ông những cái đó chỉ mang lại màu sắc đậm nhạt, nên tôi luôn tìm điểm giữa, sự trung tính đan xen trong tác phẩm. Phim của ông thường kể những câu chuyện ban đầu tưởng chừng dung dị, nhẹ nhàng, nhưng càng xem càng lắng sâu tính triết lý, vấn đề xã hội luôn hiện hữu trong cuộc sống con người.
Đạo diễn Kore Eda Hirokazu |
Từng đạt nhiều giải thưởng, được tôn vinh, khen ngợi, ông chỉ cảm ơn chân thành nhưng khẳng định phim sau sẽ làm theo xu hướng lời khen đó, mà phải bóc tách xem điều gì mình còn chưa chạm tới và nghiêm khắc tìm ra bài học kinh nghiệm để trải nghiệm cho các phim tiếp theo. Không chùn bước mà phải mở rộng bán kính, xông vào mọi góc khuất thực tế. Đặc biệt, ông hoàn toàn chưa đồng nhất với quan điểm: “Nếu điện ảnh được sản xuất ở địa phương nào, thì nơi đó sẽ phát triển về kinh tế - một cách tái sinh địa phương” theo ông đó là tư duy chưa hoàn thiện. Ngay cả ở Tokyo (Nhật Bản) là thành phố hoàn toàn không cho quay, thực hiện phim. Theo ông nếu thành phố, địa phương nào quan tâm - thân thiện với điện ảnh, sẽ thiết thực giúp tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển hơn.
Khi được hỏi theo ông thế nào là một bộ phim hay, ông chậm rãi trả lời: "Một bộ phim sẽ thực sự cuốn hút tôi là bộ phim đó không thể kết thúc khi mình rời khỏi rạp. Câu chuyện đó, nhân vật đó cứ ẩn hiện, day dứt kéo dài trong tư duy của tôi và có thể sẽ làm tôi thay đổi góc nhìn nào đó. Như vậy bộ phim đó mới thực sự có giá trị".
Với bề dày kinh nghiệm từng tham gia nhiều LHP quốc tế, theo ông trong lần tổ chức đầu tiên không nhất thiết mời, lựa chọn những tác phẩm nổi tiếng. Bởi qua hình thức LHP sẽ là nơi trực tiếp giao lưu, tiếp cận (nhất là với các bạn trẻ) hiểu rõ hơn về quy trình, bước đột phá sáng tạo ở rất nhiều khâu trong quy trình sản xuất, phát hành phim cả trong nước và quốc tế. Nhà nước rất cần nuôi dưỡng tiêu chí tổ chức sự kiện LHP lâu dài và phát triển. Qua mỗi Liên hoan phim giúp các nhà làm nghề, đặc biệt với các bạn đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim trẻ càng nâng tầm thêm hiểu biết để trải nghệm, sáng tạo thích ứng với tiêu chí từng quốc gia.
Đạo diễn Kim Jee Woon |
Đạo diễn Kim Jee Woon
Đạo diễn Kim Jee Woontạoấn tượng trong giới chuyên môn và khán giả qua các bộ phim The foul king (2000), 2 phim kinh dị A tale of two sisters (2003), và I saw the devil (2010). Đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Trong góc nhìn của ông, Hồ Chí Minh là một thành phố có tiềm năng để phát triển điện ảnh.
Ông khẳng định ngay khi biết ở TP.HCM hay ở Việt Nam có rất nhiều đạo diễn trẻ tiềm năng và sẵn sàng hợp tác làm phim nếu có kịch bản hay, phù hợp. "Thực ra tôi mong muốn học hỏi từ các bạn trẻ đến từ khu vực Đông Nam Á". Theo ông để xây dựng một Liên hoan phim quốc tế thành công rất cần có sự hỗ trợ của các lãnh đạo, cơ quan ban ngành nhà nước, nguồn ngân sách và nhân lực có kinh nghiệm. Ngoài những quy mô hoạt động hiện tại, thì LHP rất cần đội ngũ truyền thông báo chí, không chỉ thông tin, cập nhật, quảng bá cho người trong ngành mà còn cả xã hội, khán giả không chỉ trong nước, khu vực mà còn trên toàn thế giới. Về chọn tác phẩm dự thi hay trình chiếu phải bám sát tiêu chí để chọn ra phim tiêu biểu, phim hay của quốc tế, chính vì thế qua các tác phẩm, mới tạo động lực nuôi dưỡng ý tưởng làm phim trẻ trong nước. Nếu so với Hà Nội thì TP.HCM có tiềm năng phát triển điện ảnh hơn. Đó cũng là điểm mạnh lớn để quảng bá cũng như thu hút tài năng của các bạn trẻ yêu điện ảnh.
Chủ tịch danh dự HIFF Kim Dong Ho |
Ông Kim Dong Ho
Ông Kim Dong Ho - người sáng lập Liên hoan phim quốc tế Busan là Chủ tịch danh dự Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) 2024. Khi trả lời câu hỏi góp ý cho HIFF 2024, ông thảng thắn cho biết: "Rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ nhà nước và thành phố, đặc biệt về vấn đề ngân sách và nhân sự hoạt động. Nếu có ngân sách, LHP có thể mời những nhà làm phim có tầm ảnh hưởng hơn trên thế giới. Họ sẽ chia sẻ về điều bổ ích trong nghề, lại vừa chia sẻ về Liên hoan phim quốc tế TP.HCM và điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Hy vọng điều này sẽ được khắc phục cho những lần tổ chức tiếp theo". Ông cho biết thêm ở một Liên hoan phim Busan được biết, kinh phí đầu tư gần đây trung bình cần khoảng 10 triệu USD cho một lần tổ chức Liên hoan phim. Trong đó, nguồn lực từ thành phố Busan chiếm 60%. (Tùy tiêu chí mỗi năm sẽ thay đổi).
Buổi tối cùng ngày đông đảo những người làm nghề cùng khán giả TP.HCM được thưởng thức bộ phim Broker (Người môi giới) và giao lưu cùng đạo diễn Kore Eda Hirokazu. Dịp này, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM đã trao kỷ niệm chương cho đạo diễn Kore Eda Hirokazu.
Phim tài liệu 'Việt - Đức' của đạo diễn Nhật Kohei Kawabata công chiếu toàn cầu trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế lần 1 (TGĐA) - Tiếng vỗ tay vang lên vỡ òa trong xúc động khi hình ảnh ... |
Làm thế nào để phát triển công nghiệp điện ảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới? (TGĐA) - Đó là vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm đầu tiên ... |
Vũ Liên