(TGĐA) - Tiếng vỗ tay vang lên vỡ òa trong xúc động khi hình ảnh Nguyễn Đức cùng âm thanh từ đôi chân “nạng” của anh. Anh thoăn thoắt sải những bước nạng dài trong bộ áo dài xanh nổi bật bước vào Nhà hát Thành Phố tối 8/4, khi công chiếu phim tài liệu Dearest Viet (Việt – Đức) trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất.
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất quy tụ hơn 400 phim dự thi | |
Làm thế nào để phát triển công nghiệp điện ảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới? |
Phim tài liệu Dearest Viet do anh Kohei Kawabata (Nhật Bản) đạo diễn, nhà sản xuất Yoshie Ruth Linton thực hiện nhằm tri ân 35 năm cuộc phẫu thuật mổ tách đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao 2 nước Nhật Bản - Việt Nam. Phim ghi lại khá chân thực những sinh hoạt đời thường của Nguyễn Đức bên gia đình như đưa 2 con song sinh Phú Sĩ và Anh Đào (14 tuổi) đi học trên chiếc xe máy 3 bánh, bữa ăn trong không gian nhỏ hẹp với những câu thoại ngắn xen lẫn có cả tiếng cười trẻ thơ và nét suy tư của ngươi ba tật nguyền; Những tấm thiệp mừng sinh nhật ba của các con do sự tư vấn ẩn chứa đầy tình thương của chị Tuyền, người vợ, người mẹ, người đồng hành thật tinh tế, một cán cân thăng bằng cho tổ ấm của gia đình; Một chuyến đi xa về cội nguồn gặp lại cha mẹ, hay tham quan khu lưu niệm nơi có hình ảnh bác Việt, người anh sinh đôi của Đức. Và vỡ òa trong hình ảnh đầy lạc quan chơi thể thao đá bóng của anh. Hình ảnh thật ấn tượng là bước chân của Đức trên cây nạng leo thoăn thoắt từng bậc thang, hết tầng này lên tầng khác để làm việc…
Và có lẽ cảm xúc người xem hoàn toàn lắng xuống trước hình ảnh 2 lần vợ thay ống nhựa vết thương ở vùng bụng… lúc đó mới nghe tiếng la đau đớn của anh, rất nghị lực, kiên cường… Bạn bè, người thân và người xem luôn chỉ đón nhận từ anh một tinh thần thép, một sự lạc quan đầy tích cực lại hóm hỉnh. Đạo diễn không sử dụng lời bình, ít thoại mà chú ý tới những tự sự ngắn, khá hiệu quả của Đức (tuy đôi lúc nghe không rõ), song cũng có thể đấy là dụng ý của đạo diễn về ngôn ngữ nói của Đức cũng ẩn chứa bao điều… qua 73 phút phim tài liệu đong đầy bao cảm xúc.
Đạo diễn Kohei Kawabata chia sẻ: "Tôi muốn quay cuộc sống bình thường, nhưng lại bao hàm đầy triết lý sống từ Đức. Đức luôn truyền cảm hứng. Đức là con người mạnh mẽ lạc quan. 35 năm trước Đức nổi tiếng cả ở Việt Nam và Nhật Bản. Tôi muốn mọi người nhớ tới Đức sau 35 năm phải vượt muôn vàn khó khăn để có cuộc sống bình thường. Thông điệp của phim thể hiện thực sự cuộc chiến tranh ở Việt Nam chưa thể kết thúc khi hệ quả tàn khốc của chất độc da cam với người dân Việt Nam. Hòa bình là gì? Hòa bình là hạnh phúc, là thời gian".
Hình ảnh cảm động khi bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một trong những người mổ tách hai anh em Việt – Đức cùng Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM Dương Cẩm Thúy từ hàng ghế khán giả bước lên sân khấu ôm chầm lấy Đức - cuộc hội ngộ bất ngờ đầy nước mắt không chỉ giữa 2 mẹ con, mà còn cả ekip phim và cả khán phòng, nhất là nữ phiên dịch đã khóc nghẹn khi mấy lần không thể dịch trọn nội dung.
Nhà sản xuất Yoshie Ruth Linton chia sẻ: "Tôi gặp Đức lần đầu năm 2012 khi tham gia nhiều chương trình tọa đàm của nhân vật tại Nhật. Đến năm 2022, khi có thông tin về một số chiến sự nổ ra trên thế giới, tôi nhớ tới Nguyễn Đức - Việt Nam, là nạn nhân chất độc da cam, luôn có tinh thần tích cực đấu tranh vì hòa bình. Từ đó nảy sinh ý tưởng làm phim tài liệu về Đức".
Trên sân khấu, bác sĩ Ngọc Phượng gọi Nguyễn Đức là "bé Đức" và chia sẻ: "Đức năm nay đã 43 tuổi, nhưng với tôi, con vẫn là bé Đức như ngày tôi bế trên tay, rồi qua Nhật thực hiện tiếp nhiều ca phẫu thuật. Tôi yêu thương Đức như con ruột, lo việc làm, lo lập gia đình cho Đức, nhận 2 cháu con Đức là cháu nội. Đức là chàng thanh niên bản lĩnh, đầy nghị lực, luôn có những định hướng tích cực. Khi qua Nhật chữa bệnh, sau những ca mổ, Đức chăm học tiếng Nhật, tham gia nhiều tọa đàm chủ đề hòa bình, luôn giúp đỡ người có cùng hoàn cảnh, chỉ mong con sống khỏe mạnh được dài lâu".
Còn Nguyễn Đức xúc động nghẹn ngào trong nước mắt chia sẻ: "Đây là bộ phim ghi lại chân dung đời thường mà tôi thích nhất. Tôi muốn dành tặng anh Việt. Anh đã hy sinh cho tôi để có ngày hôm nay. Tôi chỉ muốn nỗ lực hết mình, lan tỏa giá trị tốt đẹp và tích cực cho xã hội cùng làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha. Tôi mong có thêm sức khỏe. Tôi tri ân đến tất cả mọi người đã cho tôi được sống, được làm con người bình thường và được cống hiến…".
Được biết, phim Dearest Viet dự kiến sẽ được ra mắt tại các rạp ở Nhật Bản trong thời gian tới.
Ngày 25/2/1981 cặp song sinh dính liền vùng bụng, chung đôi chân Việt - Đức ra đời tại Sa Thầy, Kon Tum. 2 bé đều bị nhiễm chất độc da cam, bị bỏ lại trạm xá xã. Ca đại phẫu tách rời hai anh em sau 17 tiếng đồng hồ thành công của ekip bác sĩ Nhật – Việt diễn ra ngày 4/10/1988 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tạo dấu ấn lớn trong lịch sử y học Việt và ghi danh vào sách kỷ lục Guinness. Năm 2007, Việt qua đời do viêm phổi, xuất huyết đường tiểu và suy thận. Hiện, Đức là Đại sứ hòa bình Việt Nam tại Nhật, ủy viên ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Nhật tại TP.HCM, là người sáng lập kiêm giám đốc tổ chức phi lợi nhuận NPO Duc Nihon - Vì một thế giới đẹp tươi. |
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất quy tụ hơn 400 phim dự thi (TGĐA) - Tối ngày 6/4, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 năm 2024 ... |
Làm thế nào để phát triển công nghiệp điện ảnh ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới? (TGĐA) - Đó là vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm đầu tiên ... |
Vũ Liên