(TGĐA) - Đó là vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm đầu tiên về phát triển điện ảnh TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất (HIFF 2024) vào ngày 7/4/2024.
Triển lãm 'Vẻ vang 77 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam': Tôn vinh những thành tựu rực rỡ của điện ảnh nước nhà | |
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất quy tụ hơn 400 phim dự thi |
Tham dự tọa đàm gồm có ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cùng đông đảo các nhà làm phim, sản xuất và phát hành phim trong nước và quốc tế…
Tọa đàm Phát triển điện ảnh TP.HCM do bà Ngô Bích Hạnh – Đồng sáng lập/ Phó chủ tịch BHD điều phối có 3 phiên thảo luận gồm: Ngoại giao văn hóa qua điện ảnh - Điện ảnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia - địa phương gồm các diễn giả: ông Marc E. Knapper - Đại sứ Mỹ/US Ambassador, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser – TLS Pháp/General Consulate France Embassy; ông Kim Donghyun – đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC)/Representative from Kofic, diễn viên Đỗ Hải Yến, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch.
Đối thoại giữa nhà làm phim và các nhà làm chính sách gồm các diễn giả: Đại diện Ngân hàng Nhà nước; bà Hồ Thị Quyên - Phó TGĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), ông Nguyễn Quang Thanh - Phó giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), ông Nguyễn Hoàng Hải - Đại diện CGV, Will Vũ - Nhà sản xuất, CEO Muse Films; Đối thoại giữa TP. HCM với các nhà làm phim, gồm các diễn giả: TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM, bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, bà Manijeh Fata - Giám đốc điều hành San Francisco Film Commision.
Các khách mời đã lần lượt chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp và Hàn Quốc. Ngoài ra họ còn cùng nhau bàn bạc về điện ảnh Việt Nam có thể đóng vai trò thế nào cho việc xây dựng - quảng bá thương hiệu quốc gia nói riêng và TP. HCM nói chung. Điện ảnh không chỉ là một nền công nghiệp mang lại việc làm, doanh thu, lợi nhuận và thuế mà còn mang một phần xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển du lịch và các sản phẩm của quốc gia đó.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Dương Anh Đức nêu rõ: “Tại Việt Nam, để phát triển điện ảnh thì TP.HCM là một trong những vùng đất tốt. Với điều kiện đó, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và coi đó là trọng tâm. Khi chúng ta đặt trọng tâm và muốn điện ảnh phát triển chúng ta phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có, kêu gọi các nguồn lực bên ngoài, phối hợp với nguồn lực tại chỗ để phát triển nhanh nhất, bền vững nhất”.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM |
GS-TS. Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông chia sẻ: "Trong nền tảng của cơ chế thí điểm hiện nay thành phố sẽ có định hướng và lộ trình tối ưu cho việc hội nhập quốc tế để phát triển nền văn hóa nói chung, văn học và điện ảnh nói riêng. Khi văn hóa, điện ảnh cất cánh và khi điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn sẽ là động lực đưa tâm thức con người lên, đưa kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch. Điện ảnh có sứ mệnh tiên phong, có sứ mệnh quảng bá đất nước. Chúng ta nhớ phim Đông dương đã giúp thế giới biết vẻ đẹp kiều diễm của Hạ Long. Phim Người Mỹ thầm lặng đã một phần nhắc đến vẻ đẹp xưa của Sài Gòn. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã giúp Phú Yên đón nhiều khách du lịch. Hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ coi điện ảnh, coi văn hóa ngang với kinh tế và có đầu tư, có kế hoạch, đặc biệt có cơ chế phù hợp để phát triển và hội nhập, để không chỉ trong chúng ta làm phim về thành phố mà thế giới cùng chúng ta làm phim về thành phố".
TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra một số giải pháp để phát triển công nghiệp điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới: "Theo Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt kế hoạch xây dựng đề án phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất năm 2025 trở thành thành phố sáng tạo về điện ảnh. TP.HCM sẽ hỗ trợ vay vốn sản xuất phim, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh.
Cần có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính dẫn dắt trên lĩnh vực điện ảnh từ đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên, kinh doanh điện ảnh... Để từ đó, xây dựng nên các thế hệ làm điện ảnh chuyên nghiệp, đáp ứng và cạnh tranh với thị trường điện ảnh thế giới. Rà soát, đề xuất danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế, cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho sự phát triển của ngành điện ảnh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển các cụm rạp chiếu phim, tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại. Quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí, phim trường đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư".
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Công ty BHD cho biết một số thông tin tổng quan về hoạt động điện ảnh. Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 sau Indonesia. Doanh thu phòng vé Việt Nam cũng cao hơn 2,5 lần so với doanh thu phòng vé Thái Lan - quốc gia có nền điện ảnh phát triển trong khu vực. Năm 2023, trong top 10 phim ăn khách ở Việt Nam có đến 6 phim Việt, 2 phim Hollywood và 2 phim Nhật Bản.
Hiện có khoảng gần 50 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phim, nhưng trong đó có trên 50% doanh nghiệp chỉ sản xuất 2 phim. Kinh phí sản xuất trung bình một phim điện ảnh từ 5 tỷ đến hơn 50 tỷ đồng. Song thực tế nếu một bộ phim đầu tư dưới 20 tỷ đồng thì khó có chất lượng tốt.
Nhà sản xuất - đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền cho biết: "Từng sản xuất 16 phim điện ảnh và truyền hình với nhiều thể loại trong đó có cả cổ trang, lịch sử, song điều đáng tiếc nhất ở Việt Nam là nhà nước quá thiếu việc đầu tư xây dựng các phim trường. Nếu thực hiện được khâu này sẽ tiết kiệm chi phí cho đoàn phim, ngoài ra còn có khả năng tái đầu tư và tái sử dụng cho các đoàn phim khác và tạo địa điểm tham quan…".
Trước những băn khoăn để phát triển công nghiệp điện ảnh tại TP. HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đã nêu ra một số giải pháp và nhận được nhiều sự tán thành. Đó là TP.HCM cần cụ thể hóa chính sách xã hội hóa điện ảnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển ngành điện ảnh để góp phần tạo ra nguồn lực mạnh, để điện ảnh tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng về nội dung cũng như hình thức, nâng cao chất lượng nền điện ảnh TP.HCM, như chính sách ưu đãi cần có về thuế, cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh… Để đưa các sản phẩm điện ảnh đến với công chúng một cách nhanh chóng, cần tiếp tục xây dựng và tinh gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, duyệt phim để hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ cấp phép phổ biến phim. Bà Thúy cũng cho biết định hướng của TP.HCM là biến bán đảo Thanh Đa thành nơi xây dựng phim trường trong tương lai.
Triển lãm 'Vẻ vang 77 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam': Tôn vinh những thành tựu rực rỡ của điện ảnh nước nhà (TGĐA) - Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm ... |
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất quy tụ hơn 400 phim dự thi (TGĐA) - Tối ngày 6/4, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 năm 2024 ... |
Vũ Liên
Photo: Dũng Phương