(TGĐA) - Trong những năm vừa qua, xu hướng làm phim giải trí trở thành trào lưu chung của điện ảnh Việt Nam.
Trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX tại Đà Nẵng, hầu hết các phim tham dự đều là phim giải trí. Bởi tất cả các phim tham dự đều do các Hãng phim tư nhân sản xuất. Nhưng nên hiểu, phim giải trí cũng có nhiều loại. Có một vài phim đặt ra những vấn đề xã hội, song cách giải quyết vấn đề còn non nớt và áp đặt. Tuy vậy, nhìn lại những phim trong vài năm gần đây, tôi nhận thấy có thể xếp chúng vào những xu hướng sau.
Việt kiều về nước làm phim
Trên thế giới có nhiều loại kiều dân. Họ là người Nga, người Trung Quốc. Song tôi ít thấy các kiều dân Nga và Trung Quốc về nước làm phim, mà chỉ thấy Việt kiều. Trước đây, có Trần Anh Hùng. Nhưng nhiều bộ phim của đạo diễn này có những cái nhìn lệch lạc về con người Việt Nam, chịu ảnh hưởng và định kiến của phương Tây về một đất nước thuộc xã hội chủ nghĩa, nên không được công chúng hoan nghênh.
Những Việt kiều sau này về nước làm phim, chỉ tập trung ở Sài Gòn. Và hầu hết đều làm phim thương mại với mục đích kiếm tiền là trên hết. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ không am hiểu văn hóa cũng như lối sống của người Việt. Họ thường copy motip những cốt truyện của Hollyood, lấy bối cảnh Sài Gòn, rồi áp đặt câu chuyện của họ một cách sống sượng. Câu chuyện vô lý, tình tiết khiên cưỡng, chi tiết gượng ép, đối thoại kiểu Mỹ v.v…Tôi có nhận xét, phim Việt kiều chưa phải là phim Việt Nam. Dù họ quay ở Việt Nam và các nhân vật nói tiếng Việt.
Một điều nữa, phim Việt kiều rất khó xuất ngoại hoặc bán được ở nước ngoài. Một đạo diễn Việt kiều thú nhận: “Chúng tôi làm phim ở Sài Gòn nhưng chết ở Cà Mau’’. Dòng phim của các Việt kiều có giúp ích gì trong việc mang vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam ra nước ngoài không? Câu trả lời là còn quá ít. Ngoại trừ một vài phim như Mùa len trâu. Nhưng cũng cần phải ghi nhận, các nhà làm phim Việt kiều đã mang một luồng gió mới vào điện ảnh Việt Nam. Đó là cách dựng nhanh và mạnh, đẩy nhịp điệu và tiết tấu câu chuyện mang sức sống mới. Vấn đề quay phim và sử dụng kỹ xảo, âm thanh đã mang đến cho điện ảnh nhiều nét mới, song việc lạm dụng kỹ thuật trong nhiều phim đã gây nên những phản cảm. Nếu dòng phim Việt kiều không thay đổi cách nghĩ, cách làm thì sẽ không có tương lai.
| |
Poster phim Mùa len trâu được giới thiệu tại LHP Locarno 2004 |
Xu hướng phim làm lại
Xu hướng này không chỉ xuất hiện trong điện ảnh mà còn cả trong truyền hình. Dựa trên những kịch bản có cấu trúc vững chắc, được thử thách qua thời gian, những nhà làm phim Việt Nam đã mua những kịch bản này về làm lại. Trừ một vài phim thành công do có sự kèm cặp và hướng dẫn sít sao của các nhà làm phim ngoại quốc, đa phần những phim làm lại đều không thành công. Nguyên nhân do việc làm phim vội vàng, việc chuyển bối cảnh, các tình tiết cũng như xây dựng tính cách nhân vật làm cẩu thả, gượng gạo, không có chiều sâu; do các nhà chuyển thể còn thiếu vốn sống, vốn văn hóa, không tìm được những phương án tối ưu. Xu hướng làm phim kiểu này cũng không thể kéo dài trong thời đại internet. Người xem thích tiếp cận với bản gốc hơn. Và những bản làm lại không bao giờ hay hơn bản gốc.
| |
Bạn gái tôi là sếp - Một trong những phim mở màn cho trào lưu Phim làm lại kịch bản nước ngoài |
Làm phim để tham dự các Liên hoan phim nước ngoài
Đã xuất hiện một số nhà làm phim trẻ, được sự khích lệ của một số đạo diễn đàn anh có sở thích vọng ngoại, đã có những dự án xin tiền đầu tư của một số Festival phim quốc tế. Những Festival phim quốc tế này, để chứng tỏ mình quan tâm đến các nước đang phát triển, đến những vùng trũng trên bản đồ điện ảnh thế giới, đã bỏ ra một số tiền, tài trợ cho một số dự án của những nhà làm phim đến từ những nước thuộc thế giới thứ ba. Đây không chỉ đơn thuần là việc tài trợ kinh phí mà còn là những cuộc tài trợ về tư tưởng. Bởi đa phần những dự án làm phim nhận được tài trợ đều có nội dung phơi bày những mặt trái của các nước xã hội chủ nghĩa (điều mà các Festival phim phương Tây rất thú vị). Đương nhiên, khi đã nhận tiền của các ông chủ nước ngoài, thì các nhà làm phim trẻ cũng phải nhảy theo cây đũa chỉ huy của họ. Nếu nhảy tốt thì họ thưởng cho những phần thưởng tượng trưng. Nhảy chưa tốt thì họ cũng không có ý kiến gì. Các bạn tự phát hành. Và tiếp tục xây dựng dự án mới. Trong xã hội của các bạn còn nhiều vấn đề lắm! Làm tốt chúng tôi sẽ cho nhập quốc tịch phương Tây. Như một số “tấm gương đấu tranh dân chủ”. Hãy hy vọng và chờ đợi.
| |
Phim Chú chim vàng (A Yellow Bird) phản ánh hiện thực đất nước Singapore giành giải thưởng ASEAN tại LHP VN lần thứ XX |
Xu hướng sex, võ thuật, đồng tính, mại dâm trong các nhà làm phim trẻ
Trong quan niệm của nhiều nhà làm phim trẻ, kể cả việc làm phim ngắn, không thể thiếu những yếu tố trên. Nhiều bạn trẻ cho rằng, những yếu tố đó là trọng tâm bộ phim. Nhưng những yếu tố đó, không hề mang dấu vết xã hội và con người Việt Nam. Tất cả đều hầu như copy từ những phim nước ngoài. Những phim này, chưa xem đã biết kết thúc. Hoặc chỉ cần xem một phim, đoán ra mười phim. Chúng nghèo nàn về tất cả mọi mặt.
Xu hướng chung cho tất cả những xu hướng trên
Những xu hướng làm phim trên đều có một điểm chung. Đó là xu hướng tạo ra cuộc sống ảo. Một cuộc sống không có thật. Bởi tất cả những nhà làm phim Việt kiều hay những nhà làm phim trẻ, đều thiếu kiến thức văn hóa, kiến thức cuộc sống. Bởi tất cả họ đều sống trong thế giới internet. Rất ảo ảnh. Rất giả tạo. Và họ góp phần tạo ra một lớp khán giả của những Play game, của Facebook, của Zalo… Họ không có khả năng quan sát. Không có khả năng suy nghĩ và phân tích. Không có khả năng cảm nhận số phận con người cũng như vẻ đẹp tiên nhiên. Đặc biệt, không có khả năng liên tưởng những hình ảnh hay triết lý ẩn dụ. Điều đó, giết chết chính họ và giết chết điện ảnh.
Đoàn Tuấn