(TGĐA) - Mùa len trâulà một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam do đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh thực hiện. Bộ phim được sản xuất năm 2003, phát hành 2004 và từng đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá. Nhân số báo Tết xuân Tân Sửu, Thế giới điện ảnh đã tổng hợp lại những câu chuyện “có 1-0-2” mà đoàn phim “giờ mới kể”. Thì ra, không chỉ trâu mà bất cứ “diễn viên” đặc biệt nào khi lên phim cũng đều mang đến nhiều câu chuyện thú vị đến vậy!
Những xu hướng vận động của điện ảnh hiện nay | |
Hồng Thy: Chuyện của cô diễn viên từng hụt vai Mùa len trâu! |
Tìm trâu… mất ăn mất ngủ
Nếu ai đã từng xem phim Mùa len trâu đều sẽ nhớ ngay đến đại cảnh có sự xuất hiện của gần 300 “em trâu”. Đây là sự đầu tư vô cùng “chịu chơi” của ekip đoàn phim. Để thực hiện được phân cảnh này, đoàn phim phân tán đi khắp các tỉnh miền Tây để “gom” trâu. Kiếm trâu thì không khó, nhưng yêu cầu đạo diễn đưa ra là em nào em nấy phải mập mạp, tròn trịa, mà năm đó kinh tế khó khăn tìm đâu ra số lượng trâu mập nhiều đến vậy. Điều này khiến cho tổ chủ nhiệm và anh phó đạo diễn mất ăn mất ngủ… đi tìm trâu! May thay, cuối cùng khán giả cũng được mãn nhãn với các đại cảnh hoành tráng với trâu trên phim.
300 con trâu được tuyển chọn từ khắp nơi làm diễn viên cho phim |
Quay phim với trâu, sợ trâu… đến già
Diễn viên Kiều Trinh – người đóng vai Bân trong phim kể rằng, có một đại cảnh mà mỗi lần nhắc đến đều khiến đoàn làm phim ám ảnh. Đó là phân đoạn lùa đàn trâu qua cánh đồng ngập nước, tuy nhiên đàn trâu này có có số lượng lên đến 300 con được gom ở nhiều vùng khắp miền Tây. Mỗi vùng đều có một con trâu đầu đàn. Khi xếp gần 300 con trâu trong một khuôn hình đã khổ, ai dè “chúng” lại còn choảng nhau. Thì ra mấy con trâu đang phân quyền thắng bại. Trâu chạy tán loạn, người trong đoàn phim cũng chạy tán loạn tạo nên một không khí vô cùng hỗn loạn. Diễn viên Kiều Trinh kể, lúc đó, mạnh ai nấy chạy, cắm đầu cắm cổ chạy chứ để bị sừng trâu chém thì chỉ có tiêu đời. Sau một hồi đấm đá và bị các chủ nhân hò hét khản tiếng thì mọi việc cũng êm xuôi, trâu cũng đi vào hàng lối để tiếp tục quay phim.
Đại cảnh với 300 con trâu |
Quay phim bị lột da, bỏng rộp
Diễn viên Thế Lữ - Đảm nhận vai Kìm của Mùa len trâu vốn từ nhỏ đã biết bơi, tuy nhiên để chuẩn bị thể lực tốt nhất khi quay, cũng như để quen với mùi sông nước và để da đen xạm đi, nam diễn viên đã dành thời gian tập bơi, phơi nắng gió ở tận Thủ Thiêm. Ấy vậy mà sau ba ngày quay đầu tiên, Thế Lữ cũng bị lột da, bỏng rộp cả người. Thế nhưng, đau mấy thì đau vẫn phải cố gắng tiếp tục quay phim và không làm ảnh hưởng đến đoàn làm phim.
Lê Thế Lữ và Kiều Trinh trong Mùa len trâu |
Dù mặc váy vàng vẫn bị… húc
Đây là một kỷ niệm mà sau 18 năm, diễn viên Kiều Trinh khẳng định vẫn sẽ nhớ đến già. Có một cảnh quay trong phim ngoài Kiều Trinh còn có... 2 con bò (theo kịch bản thì ngoài trâu phải có bò cho... phong phú cảnh quê). Chạy vạy mãi đoàn phim cũng mượn được 3 con bò của dân địa phương (gồm 1 bò mẹ và 2 bò con). Tuy nhiên, khi ra set quay, đạo diễn chỉ cần 2 con bò, nên tổ sản xuất phải dắt một con bò con đi ra xa khỏi khung hình. Tuy nhiên khi máy vừa chạy, Kiều Trinh đang chìm đắm trong cảm xúc thì thấy mọi người chạy toán loạn vì bò mẹ... đuổi. Vì đúng gần con bò con nhất nên Kiều Trinh cùng chung số phận, “đắng cay” nhất là bò mẹ cứ nhắm Trinh mà... húc. Đến giờ Kiều Trinh vẫn không thể hiểu tại sao cô bị húc trong khi hôm đó cô mặc áo màu vàng, không phải đỏ???
Thoát chết trong gang tấc
Một kỷ niệm khác cũng khiến diễn viên trong phim “không thể nào quên”. Đó là phân cảnh Kìm (Thế Lữ) đưa xác cha về trên chiếc ghe nhỏ, trời âm u và sông gợn sóng, đúng như ý đồ bộ phim. Thế nhưng, có một chiếc ghe của hai người dân địa phương đi ngang bị lật úp, canô của đoàn phải đổ xô đến cứu. Trái ngang là cùng lúc ấy, cái ghe của Thế Lữ cũng bị sóng xô nhào. Anh bị vọp bẻ, không thể nào bơi được. Thế Lữ cứ vùng vẫy và la hét, hốt hoảng. May là lúc đó có người trông thấy nên đã đưa nam diễn viên vào bờ. Không chỉ Thế Lữ mà cả đoàn phim cùng thở phào nhẹ nhõm.
Lê Thế Lữ đã phải hy sinh nhiều để thể hiện tốt vai Kìm trong phim |
Nói chuyện với trâu… bằng tiếng Khơ-me
Một câu chuyện nghe cứ tưởng như đùa này lại vô cùng có lý. Bởi trâu trong Mùa len trâu được đoàn phim huy động từ nhiều địa phương miền Tây, đặc biệt đây là khu vực toàn người Khơ-me sinh sống, muốn điều khiển trâu phải biết nói tiếng Khơ-me. Do đó khi đoàn phim nói tiếng Kinh, trâu... không hiểu! Do nhiều lần bị trâu rượt nên đoàn phim phải “nhập gia tùy tục”, học tiếng Khơ-me cấp tốc để điều khiển trâu đóng phim.
“Dỗ trâu… hơn dỗ người yêu”
Đây là câu khẳng định của Thế Lữ sau khi đóng xong cảnh quay này được đoàn kể lại. Trong phim có một cảnh Thế Lữ dẫn trâu qua đồng. Máy quay chuẩn bị xong, thì trâu nhất quyết không chịu đi dù cho Thế Lữ và đoàn phim có làm gì thì trâu cũng quyết không nhúc nhích. Sau nhiều lần bấm máy không được, đạo diễn quyết định chuyển cảnh để trâu nằm ăn cỏ. Đạo diễn vừa hô “diễn” thì trâu đứng dậy đi khiến đoàn phim hoang mang, ai nấy cũng thì thào “phải trâu ghét đóng phim nên tìm cách phá không?”. Sau cùng Thế Lữ phải mất thời gian dỗ ngon dỗ ngọt, vuốt ve thì trâu mới chịu hợp tác để hoàn thành cảnh quay. Vừa quay xong Thế Lữ liền phán: “Dỗ trâu… hơn dỗ người yêu”.
Mùa len trâu là bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được khởi quay tháng 9 năm 2003. Bộ phim có kinh phí khoảng hơn 1 triệu USD. Chuyện phim dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề “len trâu”, đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ. Và ở gia đình của Kìm, cha mẹ anh cũng không còn giạ lúa nào trả tiền công thuê người đi “len trâu” suốt một mùa nước lên vì thế cậu bé Kìm 15 tuổi đã dắt hai con trâu, gia nhập đám giang hồ hảo hớn len trâu. Sau mùa len trâu thứ nhất, cậu bé đã vỡ vụn thành những mảnh vỡ của người đàn ông, nhuốm tất cả thói quen giang hồ của những kẻ len trâu hung dữ và mông muội. Đến mùa thứ hai, sau cái chết của người cha, một mình chèo thuyền giữa mưa đầy trời, mênh mang nước nổi không bến bờ, cậu bé Kìm đã ngộ ra nhiều điều, đã đi hết một vòng tròn số phận và đã quay về với người đàn bà mà cậu đã đem lòng yêu... Cuộc vỡ vụn và trưởng thành của nhân vật chính liên quan đến tất cả những cuộc vỡ vụn và trưởng thành của tất cả các nhân vật khác trong phim, và đặc biệt không một trường đoạn nào mà không liên quan đến nước, với triết lý nhân bản của nó, đúng là đã xuyên suốt Mùa len trâu, đúng là đã thành một thứ ngôn ngữ phim truyện riêng, thật độc đáo của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
|
'Tuần phim Việt trên VTVTGo' trở lại với chùm phim Tết 'đỉnh của đỉnh' (TGĐA) - Tuần phim Tết của Tuần phim Việt trên VTVGo bắt đầu từ 21h00 ... |
'Bom tấn' 175 tỷ đồng 'Tiệc trăng máu' công chiếu online vào ngày 30 Tết (TGĐA) - Nếu chưa kịp ra rạp để xem các tác phẩm chất lượng trong ... |
Bảo An