(TGĐA) - Vì những cống hiến và thành tựu không nhỏ cho nghệ thuật thứ 7 suốt gần 30 năm, nhà quay phim Lý Thái Dũng được phong tặng danh hiệu NSND năm 2016. Với đồng nghiệp, anh được trìu mến gọi là tay máy vàng của điện ảnh Việt Nam. Tại LHP Việt Nam lần thứ XX vừa qua, anh tiếp tục “nối dài” thành công trong sự nghiệp với giải thưởng Quay phim xuất sắc (phim Đảo của dân ngụ cư – đạo diễn Hồng Ánh). Đầu xuân năm mới, NSND Lý Thái Dũng trải lòng với Thế giới điện ảnh về giải thưởng, về chuyện nghề của mình…
Đảo của dân ngụ cư, Cha cõng con – hai bộ phim anh tham gia với vai trò DOP đều đoạt giải tại LHP Việt Nam XX. Có thể nói, thành công của những bộ phim này có sự đóng góp, tâm huyết không nhỏ của anh?
Là một nhà quay phim chuyên nghiệp, tôi cho rằng phim nào cũng là tâm huyết, cũng phải cống hiến hết mình cho dù là Cha cõng con hay Đảo của dân ngụ cư. Cả hai phim này đều là phim đầu tay của đạo diễn, họ đồng thời là nhà sản xuất nên tôi hiểu áp lực lên họ rất lớn với những khó khăn cả về tiền bạc lẫn đề tài. Do vậy, tính chuyên nghiệp cũng như sự nỗ lực của họ phải tăng gấp đôi, đương nhiên tôi cũng phải cố gắng gấp đôi. Và, bạn thấy đấy, kết quả đã không phụ lòng chúng tôi khi đó là sự ghi nhận của BGK cũng như của đồng nghiệp dành cho hai bộ phim, còn riêng tôi là giải cá nhân. Tuy nhiên đến giờ, với tôi giải thưởng đã có nhiều rồi, nó không còn quan trọng nữa mà quan trọng nhất là sự hài lòng của đạo diễn và đóng góp của mình phục vụ tốt cho bộ phim. Đó là mong muốn lớn nhất của tất cả những nhà làm phim cũng như những người quay phim như tôi.
| |
NSND Lý Thái Dũng |
Giải thưởng lần này đã để lại dấu ấn gì trong cuộc đời sự nghiệp của anh?
Bạn tôi, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn đã nói vui với tôi rằng bây giờ được chứng kiến học sinh của mình lên nhận giải có lẽ hạnh phúc hơn. Tôi nghe và trầm tư một chút, nhưng có lẽ bạn tôi nói đúng, thời điểm này tôi chờ mong những nhà làm phim, những người quay phim, những đồng nghiệp trẻ - học trò của tôi trưởng thành và nhận giải nghề nghiệp, đó là hạnh phúc của tôi.
Bạn nhận được nhiều hay ít giải thưởng, trên con đường nghệ thuật, công việc, sự nghiệp, nếu nỗ lực bạn sẽ được đền đáp. Sự nỗ lực luôn luôn được ghi nhận.
Cảm xúc của anh về 2 bộ phim mà anh tham gia sản xuất cùng đoạt giải tại LHP Việt Nam lần thứ XX?
Cả hai bộ phim tôi tham gia ở LHP lần này (Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư) đều là hai phim độc lập. Sự dũng cảm của nhà làm phim, người đạo diễn, của nhà đầu tư đều cần phải được ghi nhận bởi đó là những đề tài vô cùng khó khăn và đặc biệt, vấn đề ở đây là họ đã phải chịu sức ép quá lớn về việc phải thu hồi vốn cũng như phải thể hiện năng lực nghề nghiệp. Cho nên, việc Cha cõng con của Lương Đình Dũng được ghi nhận bằng giải Bông sen Bạc và bộ phim Đảo của dân ngụ cư của Hồng Ánh được ghi nhận bằng Giải quay phim xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, tôi nghĩ đó là những cảm xúc rất mạnh, là sự động viên rất lớn dành cho những người làm phim. Chúng tôi hoàn toàn có thể biết được là mỗi phim có thể được giải ở LHP này nhưng không được giải ở LHP khác, đó là điều hoàn toàn bình thường.
| |
Cảnh trong phim Cha cõng con |
Ấn tượng chung của anh về Điện ảnh Việt Nam 2017?
Tôi sẽ không nhận định là điện ảnh Việt Nam năm qua tốt hay chưa tốt một cách chính xác tuyệt đối bởi biểu đồ thay đổi của điện ảnh cũng giống như sự thay đổi của xã hội, đó là chuyện rất bình thường. Với một người làm nghề điện ảnh lâu năm, tôi nhìn thấy có rất nhiều gạch đầu dòng nguyên nhân của sự thay đổi đó. Ví dụ ở môi trường giáo dục, tôi thấy học trò của mình sẽ dần lười học đi và không còn đặt tình yêu, niềm đam mê vào điện ảnh. Thị trường hiện nay đang hiện đang “chiều” lòng giới trẻ khi các hình ảnh thường xuyên được ghi lại trên smart phone, máy tính bảng hay máy tính… cộng với tất cả các công cụ hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật làm cho họ dễ thỏa mãn và chỉ đạt đến cái tầm bình dân, dễ dàng xem được thôi. Đương nhiên, trước cơn sóng gió và quy luật tất yếu của thị trường, người thầy phải định hướng cho học sinh của mình. Nhưng về mặt quản lý nhà nước, nếu đầu tư tốt, từ khâu giáo dục cho đến các hãng phim nhà nước còn giữ lại như hãng phim truyện, hãng phim hoạt hình hay bộ phận nào đó thuộc về điện ảnh cũng không phải là kinh phí quá lớn, nó sẽ duy trì tốt một đội ngũ, một dòng phim nào đó tôi nghĩ rằng rất cần thiết đối với bất kể một quốc gia nào.
| |
Cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư |
Liên hoan Phim Việt Nam vừa qua vắng bóng hoàn toàn phim nhà nước tham gia trong khi đó phim tư nhân lại khởi sắc không chỉ ở phim dòng thương mại mà còn có bóng dáng của cả phim nghệ thuật. Anh nghĩ sao về điều này?
Bạn vừa nói đến hai bộ phim tương đối khó xem, tương đối độc lập hiếm hoi của điện ảnh tư nhân tham gia LHP vừa qua là Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư. Là người trong cuộc, tôi thấy rằng niềm đam mê, khó khăn cũng như thuận lợi của các nhà làm phim rất cần được sự đầu tư hỗ trợ, định hướng của điện ảnh nhà nước để có thể giúp cho phim của họ tốt hơn rất nhiều. Cả hai phim trên đều đầu tư từ 10 đến 20 tỷ, nhà sản xuất xác định chắc chắn rằng sẽ không thu được hết số tiền bỏ ra nhưng tất cả với họ chỉ là việc thỏa mãn niềm đam mê được làm phim tác giả của họ. Nhà nước, Cục Điện ảnh đã hỗ trợ việc xã hội hóa và đầu tư tương đối thành công cho một số phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... Hy vọng kế hoạch phát triển điện ảnh tầm nhìn 2020 – 2030 sẽ được thực hiện một cách bài bản, hỗ trợ trực tiếp cho điện ảnh.
Xin cảm ơn và chúc anh một năm mới thành công, nhiều niềm vui!
Phương Hà