Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!

(TGĐA) - Bình minh đỏ do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất, ra mắt khán giả nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) đã đưa người xem ngược dòng thời gian, trở về quá khứ để cảm nhận sự hy sinh anh dũng, tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm của những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Đảm nhận vai nữ chính trong bộ phim là diễn viên trẻ Quỳnh Anh – cô gái Sài Gòn được đạo diễn Thanh Vân lựa chọn vào phút cuối. Là một người trẻ sinh ra trong thời bình, lần đầu vào vai chính, diễn viên Quỳnh Anh cho biết cả hai lần đọc kịch bản phim cô đều khóc.

'Bình minh đỏ' - Phim về trung đội nữ lái xe Trường Sơn anh hùng ra mắt khán giả Hà Nội 'Bình minh đỏ' - Phim về trung đội nữ lái xe Trường Sơn anh hùng ra mắt khán giả Hà Nội
Bảo Hân: Làm điều gì tôi cũng đặt yếu tố 'an toàn' lên hàng đầu! Bảo Hân: Làm điều gì tôi cũng đặt yếu tố 'an toàn' lên hàng đầu!

Với một diễn viên trẻ như Quỳnh Anh việc giao trọng trách nữ chính trong một dự án điện ảnh về chiến tranh đã mang đến bạn những áp lực như thế nào?

Quỳnh Anh áp lực khủng khiếp, vì thứ nhất tôi là người Sài Gòn và cũng trong vai vế nhỏ tuổi nhất đoàn làm việc ở môi trường ngoài ấy. Chỉ sợ mình làm gì chưa đúng, đoàn phim sẽ nghĩ người Sài Gòn làm việc thiếu chuyên nghiệp. Nên tôi luôn cố gắng tập trung hết 200% sức lực để tất cả cảnh quay được thể hiện và truyền đạt trên màn ảnh tốt nhất. Thứ hai là vì là phim chiến tranh, tôi phải gạt bỏ hết những kiểu cách hiện đại, vì thời xưa cách bộc lộ cảm xúc cũng rất khác so với bây giờ - ở thời điểm chiến tranh đã đi qua quá xa nhường lại cho mọi công nghệ phát triển mạnh mẽ, Quỳnh Anh đã đọc và xem thật nhiều tư liệu về lịch sử để lấy cảm xúc. Đọc và nghiên cứu kịch bản liên tục để tìm cách “nhả thoại” và lấy cảm xúc cho hợp lí. Những cảnh chạy xe xuyên qua quả nổ là lúc tôi áp lực nhất, bởi cảnh quay chỉ được làm một lần, nếu diễn sai hay lái xe lệch hướng, tôi sẽ cảm thấy có lỗi với cả đoàn đã set up mấy tiếng đồng hồ. Lúc ấy, Quỳnh Anh cứ ngồi trong cabin xe cầu nguyện mình làm thật tốt và không ai trong đoàn mình bị thương, thậm chí tôi còn nói chuyện với chiếc xe để động viên nhau nữa cơ (cười lớn). Thật may mắn nhờ tất cả sự vất vả và tập trung cao độ của cả đoàn phim mà những cảnh quay ấy đã rất đẹp và chân thật.

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!
Diễn viên trẻ Phạm Quỳnh Anh

Đâu là phân cảnh khiến Quỳnh Anh nhớ nhất?

Đó là cảnh hi sinh của nhân vật Hân. Quả nổ thực sự diễn ra trước mắt cả 3 chị em Bảo Hân (vai Sa), Phương Anh (vai Thương) và tôi. Xong phân đoạn dù lúc ấy đạo diễn đã hô “cắt”, 3 chị em tôi ngồi phịch xuống vẫn khóc không ngừng đến nửa tiếng sau mới xả được vai. Lúc ấy Quỳnh Anh mới cảm nhận rõ rệt nhất nỗi kinh hoàng mà chiến tranh đem lại.

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!
Phạm Quỳnh Anh tâm sự: "Tôi luôn cố gắng tập trung hết 200% sức lực để tất cả cảnh quay được thể hiện và truyền đạt trên màn ảnh tốt nhất"

Có kỷ niệm nào với đoàn phim mà bạn nhớ nhất?

Quỳnh Anh nhớ hôm ấy đoàn đã đến rừng set up rất sớm, tôi, Bảo Hân và Phương Anh đã vào vị trí để chuẩn bị bấm máy. Vừa lúc ấy một đàn ong vò vẽ bay đến và làm náo loạn cả đoàn phim, từ các anh quay phim, hay âm thanh ánh sáng và Phương Anh (vai thương) đều bị đốt, người ít thì 2 vết, người nhiều thì kín cả lưng và tất cả phải đưa đi trạm xá. Lúc ấy ai cũng lo lắng vì nghe nói ong có độc. Đoàn phải hoãn quay buổi sáng hôm ấy và thật may không ai bị thương quá nặng, vì lịch trình căng thẳng nên đến chiều vẫn phải tiếp tục quay. Vất vả thế đấy, nhưng ai cũng cố gắng. Quỳnh Anh vẫn còn cả tỷ kỉ niệm buồn vui lẫn lộn suốt 2 tháng lên rừng xuống biển, nhưng kể ra hết ngày mất (cười).

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!
Quỳnh Anh trong một phân đoạn phim

Thông qua vai diễn này, Quỳnh Anh muốn gửi gắm điều gì đến các bạn trẻ?

Tôi may mắn có một trải nghiệm “tham gia vào thời chiến” không thể nào quên. Nhờ đó Quỳnh Anh hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, sự anh dũng của dân tộc cùng những tâm tư thầm lặng của biết bao thế hệ thời chiến đang canh cánh trong lòng rằng không biết ngày mai còn được sống không? Vì thế tôi mong thế hệ trẻ như Quỳnh Anh đã được hưởng tất cả sự cống hiến đó hãy luôn sống hết mình, sống có ích, luôn nỗ lực phát triển, mang thật nhiều giá trị đến đất nước nói chung và bản thân nói riêng để không phụ lòng những chiến sĩ đã ngã xuống vì bảo vệ mảnh đất này.

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!

"Tôi may mắn có một trải nghiệm 'tham gia vào thời chiến' không thể nào quên", Quỳnh Anh nói

Quỳnh Anh là diễn viên duy nhất trong đoàn là người miền Nam, khi lên phim phải lồng tiếng Bắc. Khán giả tỏ ra nuối tiếc khi không được nghe giọng thật của bạn. Bạn nói gì về điều này?

Ban đầu đây cũng điều trăn trở của Quỳnh Anh. Tôi đã xin đạo diễn hãy để cháu tự tập giọng Bắc, thế nhưng gần đến ngày bấm máy Quỳnh Anh tự cảm thấy mình bị phân tâm khi vừa phải nhấn nhá đài từ theo giọng miền Bắc vừa phải diễn xuất, điều đó làm tôi mất tập trung thể hiện cảm xúc nhân vật. Thấy không ổn Quỳnh Anh đã trao đổi với 2 đạo diễn và xin được lồng tiếng để được tập trung vào diễn xuất hơn. Quỳnh Anh nghĩ đây là phần trách nhiệm tôi đã không làm tròn được cho Châu. Nhưng thật may mắn khi diễn viên lồng tiếng cho Châu đã làm rất tốt điều đó.

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!
Quỳnh Anh trong buổi công chiếu phim tại Hà Nội

Trong phim nhân vật Châu của Quỳnh Anh có nhiều phân đoạn cảm xúc lấy nước mắt khán giả. Xin bạn có thể chia sẻ đôi chút?

Vì quá nhiều cảnh bi thương, nên tôi cũng tự tìm cách để những bi thương đó phải được thể hiện theo từng chiều sâu khác nhau. Chứng kiến quá nhiều sự tàn khốc liên tục nên bề dày về cảm xúc nhân vật cũng phải được nâng lên theo. Tôi muốn khán giả xem phim sẽ cảm nhận chuẩn xác nhất nỗi đau của phân đoạn đó chứ không phải phân đoạn bị luỵ nào cũng thấy khóc là đau lòng là buồn bã, không đọng lại được gì. Mong rằng xem xong phim khán giả sẽ thương Châu, hiểu Châu và yêu Châu như Quỳnh Anh yêu Châu vậy (cười).

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!
"Tôi muốn khán giả xem phim sẽ cảm nhận chuẩn xác nhất nỗi đau của phân đoạn đó chứ không phải phân đoạn bị luỵ nào cũng thấy khóc là đau lòng là buồn bã, không đọng lại được gì", Quỳnh Anh tâm sự

Nhìn góc nghiêng của Quỳnh Anh, tôi thấy bạn có nét giống nữ diễn viên Son Ye Jin của Hàn Quốc. Đã ai đó từng nói với bạn trước đó chưa?

Quỳnh Anh rất vui khi được nói giống nét đẹp của một nữ minh tinh màn ảnh Hàn Quốc cơ chứ. Mong rằng Quỳnh Anh sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều vai diễn khác nhau hơn nữa để thể hiện nhiều hơn khả năng diễn xuất của bản thân. Vì lỡ có nét đẹp giống rồi thì cũng phải giỏi giống chị ấy chứ (cười).

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!
Nhìn góc nghiêng của Quỳnh Anh có nét giống nữ diễn viên Son Ye Jin của Hàn Quốc

Bên cạnh công việc diễn xuất Quỳnh Anh có nghĩ rằng mình sẽ lấn sân sang ca sĩ hay một công việc nghệ thuật nào đó không?

Quỳnh Anh mê âm nhạc và vẽ vời lắm, tôi thiết nghĩ cuộc sống sẽ quá nhàm chán nếu thiếu âm nhạc và màu sắc. Bản thân Quỳnh Anh cũng rất thích hát, cũng từng là Dancer của trường từ hồi cấp 3 nên âm nhạc gần như ngấm trong cơ thể Quỳnh Anh rồi. Vì thế nên biết đâu được, Quỳnh còn trẻ mà, bóng mà lăn tới chân thì sân nào Quỳnh Anh cũng đá (cười).

Phạm Quỳnh Anh: Tôi may mắn trải nghiệm một 'thời chiến' không thể quên!
Quỳnh Anh và đạo diễn đang bàn bạc về một phân đoạn phim

Xin Quỳnh Anh chia sẻ một vài dự định cho năm 2022?

Sắp tới tôi được vào một vai diễn truyền hình của đài VTVcab. Quỳnh Anh cũng có những dự án ấp ủ riêng của bản thân nhưng chưa phải lúc thích hợp để tiết lộ. Tôi vẫn đang trên con đường tìm hiểu bản thân, học hỏi và trau dồi nhiều hơn nữa. Mong rằng khán giả sẽ luôn theo dõi và đón nhận Phạm Quỳnh Anh nhé!

Cảm ơn Phạm Quỳnh Anh đã chia sẻ!

Bình minh đỏ được hai đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành dựng từ kịch bản của Nguyễn Thị Minh Nguyệt, một kịch bản lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn.

Chuyện phim xoay quanh bốn nhân vật - Châu (Quỳnh Anh), Hân (Hoàng Bích Phương), Sa (Bảo Hân), Thương (Hà Phương Anh). Họ là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương.

Bộ phim đã từng đoạt Giải thưởng Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22.

'Bình minh đỏ' - Phim về trung đội nữ lái xe Trường Sơn anh hùng ra mắt khán giả Hà Nội 'Bình minh đỏ' - Phim về trung đội nữ lái xe Trường Sơn anh hùng ra mắt khán giả Hà Nội
Bảo Hân: Làm điều gì tôi cũng đặt yếu tố 'an toàn' lên hàng đầu! Bảo Hân: Làm điều gì tôi cũng đặt yếu tố 'an toàn' lên hàng đầu!

Hà Thu