(TGĐA) - Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Liên Xô (1923 - 2023), Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) giới thiệu bộ phim tài liệu dài 2 tập mang tên Hồ Chí Minh - Con đường phía trước, biên kịch - đạo diễn Quang Thịnh, được phát sóng vào lúc 20h45 vào 2 ngày 31/8 và 1/9 trên HTV9.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam | |
Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147/SL |
Với độ dài 2 tập (20 phút/tập), bộ phim sẽ tái hiện một giai đoạn lịch sử khi Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”. Ở đó, câu chuyện sẽ khai thác về góc khuất và những giả thuyết về việc làm thế nào và bằng cách nào Nguyễn Ái Quốc có thể thoát khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp để bí mật đến Liên Xô tham dự Đại hội Quốc tế Cộng Sản V? Đi tìm câu trả lời cho “khoảng trắng” về quãng thời gian Nguyễn Ái Quốc lần đầu đặt chân đến Saint Petersburg, bởi đây là một trong ba “khoảng trắng” trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của Người và những tài liệu lưu lại còn rất ít ỏi.
Khi tìm hiểu và được nghe kể về quá trình hoạt động Cách mạng của Bác ở Liên Xô, chúng ta chỉ được nghe và được học nhiều về những hoạt động của Bác ở Moskva, nhưng còn ở Saint Petersburg thì vẫn là những khoảng trắng chưa tìm ra kết quả. Hay những câu hỏi như: Bác đã rời Pháp rồi đến Liên Xô như thế nào? Vì sao Bác có thể qua mắt được mật thám Pháp? Bác đã làm gì trong thời gian đầu ở Liên Xô? Làm gì ở Saint Petersburg?... Đó là những vấn đề mà bộ phim mong muốn tìm được câu trả lời. Có thể sẽ có những sự khác nhau trong những đáp án mà đoàn phim tìm thấy, nhưng chính sự khác nhau đó sẽ làm phong phú thêm những nguồn tư liệu về cuộc đời Cách mạng của Bác.
Trên hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc với kim chỉ nam là chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ vai trò người tìm đường đã trở thành người mở đường, dẫn đường cho cả dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tập 1: Khoảng trắng lịch sử
Câu chuyện bắt đầu từ dòng sông Neva ở thành phố Saint Petersburg, nơi có chiến hạm Rạng Đông oai hùng, nhìn về điện Smolny huyền thoại, nơi lưu dấu hình ảnh một vị lãnh tụ kiệt xuất của Liên Bang Xô Viết - Vladimir Ilyich Lenin - người đặt nền móng cho sự ra đời của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Từ Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách sang Đức, và trên con tàu Karl Liebknecht, Người đã lên đường đến Petrograd (nay là Saint Petersburg – cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại). Những tài liệu về quãng thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Petrograd không nhiều, những thông tin vẫn còn chưa rõ ràng trong những bộ hồ sơ được ghi chép. Có thể thấy, trong tập hồ sơ ấy lưu lại dấu thị thực nhập cảnh vào Petrograd ngày 30/6/1923...
Tập 2: Từ Liên Xô đến hành trình 100 năm
Từ Saint Petersburg đến Moskva là một chặng đường dài với hơn 500 km. Quãng đường ấy không phải là trở ngại với Nguyễn Ái Quốc, vì Lenin đang ở đây. Tuy mong ước được gặp lãnh tụ Lenin không thành, song chính tại đây, tư tưởng của Bác đã có sự nhận thức rõ ràng hơn dưới ánh sáng thành công của Cách mạng Tháng Mười.
Từ những ngày đầu ở Petrograd, Bác đến với Moskva và tiếp tục tìm hiểu, học tập cũng như nghiên cứu về tư tưởng Lenin. Tại Moskva vẫn còn những địa điểm mang dấu ấn, tên gọi của Bác – là minh chứng rõ nét cho tình cảm của người dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập phim này không chỉ nói về những hoạt động của Người ở Moskva, mà còn làm rõ được dấu ấn, tình cảm của Bác dành cho đất nước này cũng như của người dân Nga đối với Bác trên hành trình đi tìm con đường cứu nước vĩ đại của mình.
Đặc biệt trong chuyến đi lần này, ekip đoàn phim đã ghi lại buổi khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Saint Petersburg – đây là bức tượng thứ năm của Bác Hồ được đặt tại nước Nga vào ngày 30/6/2023. Bức tượng là thành quả từ ý tưởng và sự kết hợp của cộng đồng người Việt tại Nga nói chung và cộng đồng người Việt tại Thành phố Saint Petersburg nói riêng, được sự hỗ trợ của chính quyền tại thành phố này. Bức tượng là minh chứng cho sự đoàn kết của hai dân tộc Việt – Nga trong suốt hơn 100 năm qua với nền móng được đặt bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tuy chỉ vỏn vẹn 2 tập, nhưng nhà làm phim mong muốn khán giả sẽ có cái nhìn khái quát nhất, chân thật nhất về khoảng thời gian Bác ở Liên Xô. Những câu chuyện chưa từng được kể từ xứ sở Bạch Dương dần được giải mã qua các tài liệu, nhân chứng, bối cảnh và các nhân vật được phỏng vấn. Chính từ những dấu ấn lịch sử đó đã tạo nên mối quan hệ khăng khít trong tình hữu nghị Việt - Xô trước đây, Việt - Nga ngày nay, làm tiền đề cho những sự hợp tác, cùng phát triển trong những năm qua. Năm 2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ lần đầu đến Liên Xô, Tượng đài Hồ Chí Minh thứ hai ở Saint Petersburg đã được khánh thành để đáp lại niềm mong mỏi của người dân hai nước, đây cũng là bức tượng thứ 5 của Bác ở Liên bang Nga.
Bộ phim cũng đã có cuộc phỏng vấn các khách mời để làm rõ hơn hành trình của Bác đến với xứ sở Bạch Dương như: Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Minh Hồng – Khoa Lịch sử trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Dương Chí Kiên - Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga; ông Ngô Đức Mạnh - Đại sứ Việt Nam tại Nga (Nhiệm kỳ 2018 - 2021); ông Vyacheslav Kalganov - Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thành phố Saint Petersburg; bà Natalya Osennova - Giám đốc trường 488 Saint Petersburg.
Trailer Hồ Chí Minh - Con đường phía trước:
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (TGĐA) - Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, ... |
Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147/SL (TGĐA) - Sáng 31/3 vừa qua, Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức Lễ kỷ niệm ... |
Vũ Liên