Phim Tết trong ký ức xưa của 9X

(TGĐA) - Phim Tết ngày xưa trong ký ức của nhiều người, không phải là những bộ phim được đầu tư hàng chục tỉ đồng, không phải là những câu chuyện tưởng như quá xa vời, nhưng những bộ phim đó vẫn để lại một khoảng trời ký ức không thể nào quên.

Nhập hội đường đua phim Tết 2023, 'Đường về nhà xa quá 3' 'lột xác' ấn tượng Nhập hội đường đua phim Tết 2023, 'Đường về nhà xa quá 3' 'lột xác' ấn tượng
'Nhà bà Nữ' là phim Tết có lượng vé bán trước cao nhất mọi thời đại 'Nhà bà Nữ' là phim Tết có lượng vé bán trước cao nhất mọi thời đại

Mỗi dịp Tết đến, thị trường phim Việt lại nhộn nhịp, người người đổ ra rạp xem phim với đủ món lựa chọn. Đó đều là những bộ phim được đầu tư hàng chục tỉ đồng, đề tài đa dạng, từ tâm lý – hài cho tới hành động, thậm chí còn có kinh dị. Tuy nhiên, nội dung thì gây tò mò, hình ảnh lẫn diễn viên đều đẹp nhưng không nhìn thấy cái gọi là không khí Tết đâu cả! Chẳng thấy nồi bánh chưng, chẳng thấy gia đình quây quần bên nhau, mà tất cả thay vào đó là những tình tiết tạo drama, những mảng miếng hài vô tri, hay những mối quan hệ yêu đương phức tạp.

Với một khán giả 9x như tôi, những bộ phim đó chỉ dừng lại ở sản phẩm giải trí, còn để mà nói là phim Tết thực sự, mang cái hồn của sự đầm ấm, của tình người, của những khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ qua năm mới, có lẽ đã là những bộ phim từ rất lâu rồi!

Hiện giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của 3 cậu bé trong bộ phim Quà năm mới do Hãng phim truyền hình Việt Nam sản xuất năm 2000. Câu chuyện phim xoay quanh 3 cậu bé Hiếu (Hoàng Duy), Duy (Phạm Đỗ Nguyên), Đản (Lý Bá Vũ). Hiếu và Duy là con nhà có điều kiện, sinh ra đã được ba mẹ yêu chiều. Ngược lại, Đản có cuộc sống khốn khó phải tự mình mưu sinh từ tấm bé, đã thế còn phải gánh trên vai trọng trách giúp đỡ gia đình. Tuy Hiếu và Duy sống trong cảnh sung túc, nhưng luôn cô đơn vì ba mẹ bận rộn. Khi tình cờ quen Đản, hai cậu bé nhà giàu mới được biết những phong tục truyền thống của người Việt, như luộc bánh chưng hay hái lộc đầu năm.

Phim Tết trong ký ức xưa của 9X
Cảnh trong phim Quà năm mới

Đó là bộ phim mà mỗi dịp Tết đến, có lẽ tôi cứ xem đi xem lại mà chẳng hề biết chán, nhất là hình ảnh của cố NSƯT Hoàng Yến trong vai bà của Đản, toát ra nét dung dị và gần gũi lạ kỳ, khiến bất cứ ai đều nhớ về cái Tết đoàn viên, có bố mẹ, có ông bà bên cạnh.

Tết tuy là phong tục phương Đông nhưng có một nhạc phẩm phương Tây được người Việt vô cùng ưa chuộng trong dịp năm mới, nhất là đêm giao thừa, chính bài hát của Happy new year của nhóm nhạc ABBA. Những giai điệu kinh điển đó từng được dùng trong cảnh kết thúc của bộ phim Vị khách lúc giao thừa (1997).

Phim Tết trong ký ức xưa của 9X
Bộ phim Vị khách lúc giao thừa

Phim kể về một nghệ sĩ thổi kèn say xỉn (Quốc Trọng) vào nhầm nhà khác tầng trong khu tập thể là một phụ nữ mới bỏ chồng (NSND Minh Hòa). Người nghệ sĩ này vào nhà đêm giao thừa, tự coi mình là chủ nhà để bóc bánh, mời trà mẹ con chủ nhà. Sau khi phát hiện ra nhầm lẫn, mẹ con chủ nhà đã mời vị khách ở lại cùng đón giao thừa. Kết thúc phim đầy bất ngờ khi người nghệ sĩ thổi kèn rủ mẹ con đi du xuân và đến gặp gỡ chồng cũ để gia đình đoàn tụ.

Trước đó, có một cảnh phim làm tôi vô cùng ấn tượng, đó là khi 3 nhân vật lên chuyến xe đầu tiên của năm mới và nhận được lời chào thân tình của bác tài xế: “Chúc mừng năm mới, xin chào những vị khách đầu tiên!”. Khoảnh khắc tường như đơn giản đó, nhưng lại đầy ắp tình người, bởi lời chúc năm mới dường như có thể gắn kết bất cứ con người nào, dù có xa lạ ra sao.

Nói về phim truyện dài, chắc chắn không thể không nhắc tới Tết này ai tới xông nhà (2002) của đạo diễn Trần Lực. Dù bộ phim đã ra mắt được 20 năm, nhưng thế hệ 8x hay 9x chúng tôi mỗi lần được ai đó hỏi thế nào là phim Tết, chắc chắn Tết này ai tới xông nhà luôn đứng đầu danh sách. Phim kể về hành trình đi tìm ý chung nhân của một anh kỹ sư mắc bệnh keo kiệt do NSƯT Quốc Khánh thủ vai. Chẳng cần phải diễn viên quá lộng lẫy, chẳng cần trang phục cầu kỳ và bắt mắt, nhưng câu chuyện hối thúc dựng vợ gả chồng trong mỗi dịp Tết đến xuân sang lại được truyền tải một cách chân thực và gần gũi. Cảnh cuối phim, NSƯT Quốc Khánh chở NSND Chí Trung trên chiếc moto Lifan, trên nền nhạc Quà tặng con tim của ca sĩ Khánh Linh, theo tôi chắc chắn sẽ là một trong những cảnh phim kinh điển mà khán giả sẽ nhớ mãi.

Phim Tết trong ký ức xưa của 9X
PhimTết này ai tới xông nhà

Dĩ nhiên, câu chuyện dựng vợ gả chồng không chỉ khiến cho người trưởng thành đau đầu, mà còn là nỗi lo kiếm tiền tiêu Tết, làm thế nào để mỗi cái Tết không còn vất vả, không còn những lo toan bộn bề. Trong phim chiếu Tết Thế mới là cuộc đời (2004) của đạo diễn Trọng Trinh, có một cảnh phim làm tôi không khỏi suy ngẫm, đó là khi người sếp khoe sổ tiết kiệm 1,5 tỉ đồng cho nhân viên và nói rằng: “Tôi yêu lao động, yêu công việc, tiền chỉ là một nhẽ, nó luôn giữ vị trí rất thấp trong đời người. Người nào không có tình yêu lao động, thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì cả!”.

Thế rồi từ những năm 2006 - 2007 trở đi, dòng phim thị trường phía Nam bắt đầu lên ngôi. Mỗi dịp Tết đến là sự cạnh tranh không nhỏ của các hãng phim phía Nam ở rạp chiếu. Trong trí nhớ của tôi, phim tốt cũng có nhưng phim dở, phim thảm họa cũng chẳng thiếu. Tôi không có quá nhiều những ký ức về khoảng thời gian cách đây hơn 1 thập kỷ về phim rạp chiếu Tết, nhưng khó mà quên được 2 bộ phim, đó là Nụ hôn thần chết (2008) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Cô dâu đại chiến (2011) của đạo diễn Victor Vũ.

Phim Tết trong ký ức xưa của 9X
Phim Tết trong ký ức xưa của 9X

Nụ hôn thần chết có đề tài hài, lãng mạn và pha thêm giả tưởng nhưng cách thể hiện không hề bị “lố” như một số phim thảm họa bây giờ. Còn Cô dâu đại chiến, có lẽ nhiều người sẽ phải công nhận với tôi rằng, đây sẽ luôn là số ít phim hay nhất của đạo diễn Victor Vũ từ trước tới nay, với một kịch bản thông minh, đột phá và tạo tính bất ngờ cao…

Dĩ nhiên, phim Tết không nhất thiết phải mang không khí Tết nhưng có thể nói chính vì các nhà sản xuất mải chạy theo lợi nhuận, nên phim Tết không còn giữ được phong vị như xưa, cũng như chúng ta hay ca thán rằng: “Tết này sao mà khác Tết xưa vậy?”. Mong rằng một ngày nào đó không chỉ tôi, mà còn nhiều khán giả khác sẽ phần nào tìm lại được niềm vui và sự hân hoan của không khí Tết xưa, nhất là trong những bộ phim Việt bây giờ.
Nhập hội đường đua phim Tết 2023, 'Đường về nhà xa quá 3' 'lột xác' ấn tượng Nhập hội đường đua phim Tết 2023, 'Đường về nhà xa quá 3' 'lột xác' ấn tượng
'Nhà bà Nữ' là phim Tết có lượng vé bán trước cao nhất mọi thời đại 'Nhà bà Nữ' là phim Tết có lượng vé bán trước cao nhất mọi thời đại

Quỳnh Anh