Phim truyền hình Việt cùng hệ quả của 'lạm dụng' drama

(TGĐA) - Phim truyền hình Việt gần đây, nhất là những phim do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, vẫn đang là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của nhiều khán giả mỗi tối trong khung giờ vàng. Tuy nhiên “món ăn” đó liệu còn giữ được hương vị ngon lành, hay đang gây không ít khó chịu?

'Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ' tập 15: Giang tức điên khi Mai Anh mù quáng vì tình yêu với Vũ 'Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ' tập 15: Giang tức điên khi Mai Anh mù quáng vì tình yêu với Vũ
'Bão ngầm' bất ngờ kết thúc sớm hơn dự kiến, số tập ban đầu lên tới hơn 80? 'Bão ngầm' bất ngờ kết thúc sớm hơn dự kiến, số tập ban đầu lên tới hơn 80?
Mối lương duyên 'chị - em' trên màn ảnh của Đình Tú & Lan Phương Mối lương duyên 'chị - em' trên màn ảnh của Đình Tú & Lan Phương
1 - Sự quyến rũ của người vợ - bộ phim drama từng gây bão khắp châu Á
Sự quyến rũ của người vợ - bộ phim drama từng gây bão khắp châu Á

Phim có tình tiết “drama”: Trào lưu trên thế giới du nhập vào Việt Nam

Dòng phim truyền hình có nhiều tình tiết “drama” vốn đã khá quen thuộc với khán giả. Những mối quan hệ phức tạp, những tình tiết rối như tơ vò, các nhân vật hãm hại nhau, trả thù, lừa dối, cãi vã, hay thậm chí là xô xát…, luôn là “đặc sản” của các bộ phim drama.

Trước đây, khán giả Việt chỉ biết tới phim drama từ Hàn Quốc, qua những cái tên đình đám như Sự quyến rũ của người vợ (2008), rồi trước đó lâu hơn là Nấc thang lên thiên đường (2003), Giày thủy tinh (2002)… Các bộ phim này đều có điểm chung là kéo dài nhiều tập, nhân vật chính bị “hành” liên miên, lấy đi vô số nước mắt người xem.

2 - Nàng dâu câm - một trong những phim mở đường cho thể loại drama, nhiều tình tiết gây ức chế
Nàng dâu câm - một trong những phim mở đường cho thể loại drama, nhiều tình tiết gây ức chế

Hay có người lại cho rằng, Đài Loan mới là nước có nhiều phim drama nhất, với đỉnh cao là Nàng dâu câm (2005) - bộ phim từng phát sóng ở Việt Nam là ví dụ tiêu biểu cho dòng phim “cẩu huyết”. Nhân vật chính từ nhỏ đã mắc bệnh câm, phải đi làm dâu để trả nợ, nhưng đó lại là khởi nguồn của những bi kịch khi cô em họ của chồng tìm cách hãm hại, mẹ chồng hiểu lầm, ngược đãi…

Ở Việt Nam, khi điều kiện làm phim truyền hình còn hạn hẹp, chưa cho các nhà làm phim mơ xa tới những đề tài mới lạ, thì phim nhiều tình tiết drama lại là “món ăn tinh thần” chủ yếu trên sóng màn ảnh nhỏ.

“Mệt mỏi” với nhiều phim truyền hình Việt gần đây!

Như đã nói trên, khán giả Việt mỗi tối gần như đều có dịp thưởng thức dòng phim drama trên truyền hình. Ban đầu là sự háo hức chờ đợi nhưng càng về sau, lại kéo theo cảm giác mệt mỏi, chán nản khi theo phim cả chặng đường dài.

3 - Hương vị tình thân từng khiến khán giả chán nản khi theo dõi
Hương vị tình thân từng khiến khán giả chán nản khi theo dõi

Nói đến trường hợp này, không thể không nhắc tới Hương vị tình thân (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng) – phim truyền hình “quốc dân” năm 2021 với tỷ suất người xem cao ngất ngưởng, độ bàn tán lên tới hàng top trên mạng. Phim kể về hành trình đi tìm cha của cô gái mồ côi Phương Nam (Phương Oanh). Với cá tính mạnh mẽ nhưng có tâm hồn lương thiện, Nam đã lọt vào mắt xanh của Hoàng Long (Mạnh Trường) – chàng công tử con nhà tài phiệt. Hành trình cả hai tới với nhau kéo theo nhiều mâu thuẫn, rắc rối cho gia đình đôi bên, dẫn đến nhiều sự trả thù, ganh ghét và đố kỵ…

Ở phần 1 của Hương vị tình thân, nhân vật Nam là “tâm điểm” của những màn hãm hại từ tuyến phản diện. Kết thúc phần đầu với số tập “kỷ lục” lên tới 71, khán giả của bộ phim phần nào “thở phào” khi Nam và Long rốt cuộc cũng đã thành vợ chồng. Nhưng hóa ra, đây chỉ là khởi đầu của những tình huống phim được giải quyết lộn xộn, bế tắc, hay thậm chí là cố tình câu giờ.

Nhân vật phản diện được “tẩy trắng” trong vòng một nốt nhạc, nhân vật chính mang bầu vẫn xông vào hang ổ của bọn cướp để cứu em dâu... Đó là chưa kể, khán giả vẫn còn nhớ tình tiết cái 'nốt ruồi' của Diệp (em gái Nam) từng chiếm cả hơn nửa tập phim, rồi mỗi lần Long và Nam gặp nhau, ôm hôn quá nhiều cũng gây nhàm chán… Tất cả tạo thành một “mớ” hỗn độn, minh chứng cho hệ quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào tình tiết gây drama, còn đường dây xuyên suốt câu chuyện thì luôn bị bỏ quên.

4 - Thương ngày nắng về đang lặp lại sai lầm của nhiều phim truyền hình Việt
Thương ngày nắng về đang lặp lại sai lầm của nhiều phim truyền hình Việt

Hay mới đây chính là Thương ngày nắng về của bộ đôi đạo diễn Nguyễn Trường Khoa và Bùi Tiến Huy. Từ một phim gây được nhiều thiện cảm, Thương ngày nắng về bỗng chốc lập lại sai lầm quen thuộc của nhiều phim truyền hình Việt trước đó.

Nhân vật chính là bà Nga "béo" bán bún riêu, tuy xuất thân nghèo khó nhưng bà chưa bao giờ để cho 3 cô con gái phải khổ cực, thậm chí có cô còn học hành giỏi giang, trở thành người có vị trí cao trong xã hội. Ba cô con gái nhà bà Nga mỗi người một hoàn cảnh, mục tiêu và lý tưởng. Tuy vậy, cả ba người đều có điểm chung là mỗi khi gặp phải khó khăn thì người mẹ chính là điểm tựa về tinh thần lớn nhất, luôn cùng các con vượt qua giông bão.

Trong các tập gần đây, diễn biến phim tập trung nhiều vào gia đình của Khánh, khi cô cùng chồng mình là Đức (Hồng Đăng) đi vay tiền để trả nợ cho chị dâu Thương (Thu Hà). Khi Thương vỡ nợ, ngoài việc ép bố mẹ bán nhà trả nợ cho mình, Thương còn xúi giục mẹ dọn sang nhà em dâu, em trai ở với âm mưu chiếm đoạt cả căn nhà. Ở tập phim mới nhất, Thương thản nhiên ăn bát cháo hầm mà Khánh (Lan Phương) để dành cho các con. Khi bị em dâu nhắc nhở, Thương không chỉ tỏ thái độ ngang ngược mà còn nhổ thẳng miếng cháo trong miệng vào bát.

Người dùng YouTube Trúc Giang Nguyễn nhận xét về bộ phim: “Coi phim thật ức chế, đi làm về chỉ muốn xem phim xả stress nhưng rốt cuộc lại ‘tăng xông’ với bộ phim này. Phim càng ngày càng lạc đề, ban đầu tập trung vào nhân vật Vân Trang, nay lại trở thành phim ‘Sống chung với mẹ chồng’ mà Vân Khánh không khác nào nhân vật chính”.

Dễ dàng có thể nhận thấy giống với Hương vị tình thân, biên kịch Thương ngày nắng về đang để câu chuyện của mình trở nên “lạc lõng” và thiếu sự nhất quán với những gì đã hướng tới ban đầu.

Lối đi nào cho phim truyền hình để khán giả không còn “ném đá”?

Trả lời về những tranh cãi, biên kịch Thương ngày nắng về từng bày tỏ trước truyền thông: “Nhẹ đô hay nặng đô sẽ là tuỳ cảm nhận của từng người. Nhưng với tôi, Thương ngày nắng về luôn có chuyện để xem, và ở từng tuyến nhân vật đều có thứ để suy nghĩ. Khán giả rất đa dạng, mỗi người sẽ có những tiêu chuẩn về sự hấp dẫn riêng. Người thích kịch tính cao trào, người thích sự sâu lắng giản dị, người thích hài hước vui vẻ. Còn là người làm phim, trước khi mong muốn thu hút, thuyết phục được khán giả, chúng tôi phải thuyết phục được chính chúng tôi đã. Chúng tôi phải khẳng định được rằng đây là một câu chuyện xứng đáng để làm và đây là bộ phim chắc chắn có thứ để xem…”.

Dù có thể hiểu và thông cảm cho những áp lực của biên kịch hay đạo diễn, khi luôn nỗ lực để làm ra một tác phẩm hay, nhưng nói riêng về phim truyền hình Việt hiện giờ, việc làm dụng tình tiết drama đã bắt đầu để lại những hậu quả.

5. Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ không được đón nhận như mong đợi
Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ không được đón nhận như mong đợi

Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ – bộ phim nghe tên đã sặc “mùi” drama của đạo diễn Vũ Trường Khoa mới lên sóng tháng trước, có sự tham gia của dàn diễn viên toàn gương mặt “vàng” của VFC, như: Việt Anh, Lã Thanh Huyền, Chí Nhân…, lại không được khán giả đón nhận. Nội dung phim bị cho là không có gì mới khi hai nhân vật chính gặp nhiều khó khăn với vợ cũ, người yêu cũ. Những chiêu trò tạo rắc rối cũng xuất hiện nhiều trong các phim Việt trước đó, như con riêng của nam chính đòi về ở cùng, bạn trai cũ và nữ chính bỗng dưng làm chung công ty…

6. Lối về miền hoa là bất ngờ lớn nhất của màn nhỏ Việt trong năm nay
Lối về miền hoa là bất ngờ lớn nhất của màn nhỏ Việt trong năm nay

Thực tế cho thấy, vẫn không ít phim từng lên sóng đem đến dư vị mới lạ cho khán giả, như phim Lối về miền hoa của đạo diễn Vũ Minh Trí. Phim không hề “lạm dụng” drama, không chiêu trò câu khách, cũng không có dàn diễn viên nổi tiếng, chủ yếu là gương mặt mới lại được đón nhận nồng nhiệt, nhất là cách khai thác tâm tư và lý tưởng sống của người trẻ trên con đường lập nghiệp. Thế mới thấy, có rất nhiều lựa chọn để “chiều” khán giả, mà không nhất thiết phải tìm đến mãi một lối mòn…

'Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ' tập 15: Giang tức điên khi Mai Anh mù quáng vì tình yêu với Vũ 'Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ' tập 15: Giang tức điên khi Mai Anh mù quáng vì tình yêu với Vũ

(TGĐA) - Trong trích đoạn giới thiệu tập 15 phim Chồng cũ, vợ cũ, người ...

Gặp gỡ dàn diễn viên 'trai xinh gái đẹp' vừa quen vừa lạ của 'Trại Hoa Đỏ' Gặp gỡ dàn diễn viên 'trai xinh gái đẹp' vừa quen vừa lạ của 'Trại Hoa Đỏ'

(TGĐA) - Trại Hoa Đỏ quy tụ dàn diễn viên trẻ tiềm năng như Trâm ...

Quỳnh Anh