Phim Việt: Bắt đầu làn sóng remake?!

(TGĐA) - Thành công của Em là bà nội của anh với doanh thu cán mốc 102 tỷ (tính đến 2/2016), trở thành bộ phim nội ăn khách nhất trong lịch sử phim Việt không chỉ là “cú hích” lớn cho CJ tiếp tục đầu tư những “phiên bản làm lại” ở thị trường này mà còn là cứu cánh cho nhiều nhà sản xuất Việt Nam chọn hướng đầu tư an toàn. Tháng 12 này, Bạn gái tôi là sếp của đạo diễn Hàm Trần, remake lại phim ATM Errak Error của Thái Lan sẽ ra mắt khán giả. Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng vừa công bố Việt hóa bộ phim ăn khách Sắc đẹp ngàn cân (200 pounds beauty) của Hàn Quốc. Chưa hết, trong bài phỏng vấn mới nhất, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chia sẻ, năm 2017, anh sẽ đảm nhận đạo diễn một bộ phim remake lại của Hàn, do tập đoàn CJ sản xuất. Phim Việt, bắt đầu làn sóng remake?  

phim viet bat dau lan song remake Bùng nổ phim remake
phim viet bat dau lan song remake
Bạn gái tôi là sếp ra rạp tháng 12 này cũng remake lại bộ phim ATM Errak Error của Thái Lan

Bây giờ remake “chính chuyên”!

Nói vậy bởi không phải bây giờ phim Việt mới… remake lại những bộ phim ăn khách trên thế giới. Đã có nhiều bộ phim Việt ra đời, khi mà bị phanh phui, so sánh giống phim này phim kia thì đều lấp liếm bằng cách “phóng tác theo”, “lấy ý tưởng”, “trùng quan điểm”, “tham khảo”… hay thậm chí còn im lặng. Cũng định nhắc lại một vài tựa phim của một vài đạo diễn, thậm chí đang nổi đình nổi đám nhưng thôi, thời buổi thế giới phẳng, remake phim ở… Venezuela khán giả còn tìm ra thì google một cái là cũng có thể giải đáp ngay điều này, khỏi mất công nhiều người phải đỏ mặt.

phim viet bat dau lan song remake
Bộ phim ăn khách 200 pounds beauty của Hàn Quốc năm sản xuất 2006 cũng sẽ được nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh mua bản quyền làm lại ở Việt Nam

Và có vẻ, nhiều nhà sản xuất nhận ra điều này hoặc có thể, hoặc sợ bị khán giả “tẩy chay”, hoặc chuyện công bố làm lại bản quyền những phim đã gây sức hút trước đó có lợi cho câu chuyện PR nên thời điểm gần đây, remake có công bố đàng hoàng. Ví dụ như Không nói được của đạo diễn Trần Việt Anh công bố làm lại từ My name is love của Thái Lan; Yêu của Việt Max chia sẻ làm lại từ The love of Siam cũng của Thái Lan; Em là bà nội của anh của Phan Gia Nhật Linh làm lại từ Ngoại già tuổi đôi mươi (Miss Granny); Bạn gái tôi là sếp của đạo diễn Hàm Trần, remake lại phim ATM Errak Error của Thái Lan và sắp tới là Sắc đẹp ngàn cân (200 pounds beauty) do hãng phim của Trương Ngọc Ánh sản xuất, dự kiến James Ngô đạo diễn. Đó là chưa kể dự án vừa tiết lộ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như lời khẳng định của đại diện tập đoàn CJ sau thành công của Em là bà nội của anh hay là cơ hội cho nhiều nhà sản xuất Việt Nam khác.

Lại một trào lưu Việt hóa?

phim viet bat dau lan song remake
Phim The love of Siam của Thái Lan - phiên bản gốc của Yêu do đạo diễn Việt Max thực hiện

“Việt hóa” không phải là một cụm từ xa lạ. Ví như các chương trình truyền hình, nhan nhản đến mức nhiều bài báo đã phải giật tít rằng “bao giờ có chương trình thuần Việt” và nhà sản xuất nào có một fomat thuần Việt hẳn sẽ lu loa lên ầm ĩ như bắt được vàng. Phim truyền hình cũng vậy, một thời “Việt hóa” rầm rộ mua bản quyền khắp nơi như Cô gái xấu xí (mua bản quyền phim Betty la Fea của Colombia); Váy hồng tầng 24 (phim Unbeatable 1 của Đài Loan); Cô nàng bất đắc dĩ (phim Lalola của Argentina); Những người độc thân vui vẻ (phim Ngôi nhà mới trong nắng của Trung Quốc); Vòng xoáy tình yêu, Niềm đau chôn dấu (Thái Lan), Nhật ký Vàng Anh (Bồ Đào Nha)… và một loạt phim ăn khách của Hàn Quốc kể không hết như Ngôi nhà hạnh phúc (Full House), Người mẫu (Model), Gia đình là số 1 (High Kick), Có lẽ nào ta yêu nhau (The Twins), Anh em nhà bác sĩ (Medical Brothers), Cầu vồng tình yêu (Family Honor)… Có phim thành, nhưng phần nhiều là bại khiến phim “Việt hóa” mất dần sức hút trong mắt khán giả, ít dần đi, thậm chí vắng bóng. Có nhiều nguyên do nhưng đa phần được lý giải là kinh phí thấp, Việt hóa khiên cưỡng về văn hóa ứng xử cũng như tay nghề yếu kém cộng với thói “nhà nhà làm phim” nhanh nhiều, tốt, rẻ và… ẩu. Còn bây giờ, là Việt hóa phim điện ảnh.

Phim Việt bước vào thời thị trường với phần nhiều là những kịch bản dễ dãi, mông lung không định hướng và dò đường. Đã qua thời khán giả đi xem “tấu hài” trên màn ảnh và xem kiểu “ủng hộ phim Việt”. Phim Việt giờ nhiều hơn, tịnh tiến chóng mặt, từ thời điểm vài tháng mới có một phim tới hàng tuần và thậm chí có cạnh tranh thời điểm trùng ngày. Khán giả thì ngày càng khó tính hơn và các nhà sản xuất cũng loay hoay hơn với bài toán thị hiếu, từ mở rộng đề tài, thể loại, phong cách làm phim, update công nghệ đến đào xới đặt hàng kịch bản hấp dẫn.

phim viet bat dau lan song remake
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tưởng như không ăn thua vì thiếu “hài sốc sex đấm đá” thì lại cực ăn khách

Thị trường phim Việt quả là khó đoán. Sau thành công của Hương ga, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh kỳ vọng vào một phim đánh đấm na ná là Truy sát nhưng thất bại. Charlie Nguyễn tưởng tên tuổi và phong cách sẽ thành công với Fan cuồng thì cũng ngậm đắng nuốt cay. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tưởng như không ăn thua vì thiếu “hài sốc sex đấm đá” thì lại cực ăn khách… Và thành công của Em là bà nội của anh như viên thuốc giải tỏa đau đầu cho phần lớn nhà sản xuất về một hướng đi có vẻ an toàn, ít nhất là thời điểm này.

“Remake phim, xét dưới góc độ nghề nghiệp, đó là chuyện hết sức bình thường nhưng ở góc độ cá nhân, mình cảm thấy hơi tự ái. Vì làm phim là để kể câu chuyện của mình, cái đồng cảm của mình” - Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ vậy và ngay cả Phan Gia Nhật Linh lúc đầu nhận phim cũng từng suy nghĩ tương đồng. Đây cũng là suy nghĩ chung của một vài đạo diễn trẻ mà TGĐA đặt câu hỏi. Tất nhiên, bài toán thị trường và câu chuyện nghệ thuật là hai phạm trù ranh giới rất mong manh. Chỉ mong, remake “Việt hóa” chỉ là một giải pháp chứ không phải là một con đường… khi mà Gái nhảy của Lê Hoàng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vẫn có thể ăn khách bằng kịch bản Việt, nền tảng văn học Việt chứ không phải mãi “trên vai người khổng lồ” nào đó…

Nội dung đã được thẩm định qua thị trường, có lượng fan nhất định của phim, sự tò mò của khán giả cũng như giá bản quyền mềm mại hơn kịch bản đặt hàng mà chưa biết có “ăn thua” không rõ ràng là cái lý để các nhà sản xuất cân nhắc. Một loạt dự án kể trên là ví dụ và có thể, sẽ còn nhiều cái tên nữa được công bố vào thời gian sắp tới.

Con dao hai lưỡi!

Chuyện remake phim nhan nhản trên thế giới. Thế giới không chỉ làm lại của phim Mỹ mà ngay cả Hollywood, cường quốc số một về điện ảnh mà mỗi năm sản xuất hàng ngàn phim trong lịch sử cũng remake lại rất rất nhiều những bộ phim đình đám của thế giới và thành công như Fistful of Dollars, The Rings (làm lại phiên bản Nhật), The Departed (làm lại Vô gian đạo của Hồng Kông), 12 monkey (làm lại của Pháp), The Eye (Thái Lan) … hay gần đây nhất là vừa thương thảo mua xong bộ phim The man from Nowwhere – tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất của Hàn Quốc năm 2010 với doanh thu hơn 40 triệu đô. Tuy nhiên, Hollywood cũng chịu không ít thất bại từ những phim remake đó, ví dụ như gần đây nhất là My sassy girl, làm lại từ Cô nàng ngổ ngáo của Hàn Quốc.

phim viet bat dau lan song remake
Em là bà nội của anh là một phiên bản Việt remake thành công

Ở Việt Nam, bài học “Việt hóa” truyền hình vẫn còn nóng hổi, nguyên nhân cũng được mổ xe và các nhà làm phim rút kinh nghiệm được bao nhiêu lại là một câu chuyện thực tế hoàn hoàn khác. Thành công của Em là bà nội của anh phần lớn nhờ truyền thông tốt nhưng không thể phủ nhận cái “tài” trong cách Việt hóa của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Kinh phí ít hơn, phải tuân thủ “công thức” thành công ở từng nội dung, khuôn hình nhưng Phan Gia Nhật Linh khá chau chuốt cho tác phẩm, thổi được vào đó hình ảnh chân thật gia đình Việt (mà anh thừa nhận bê cảm hứng từ gia đình mình, mẹ mình), từng con đường, góc phố Sài Gòn thân thuộc và cả việc xử lý diễn xuất của diễn viên sao cho “không Hàn quá”. Nó thật sự thuần Việt chỉ trừ “tiểu sử Hàn Quốc đã làm” và ngay cả chính đại diện CJ cũng thừa nhận: Nó hay hơn bản gốc. Đó chính là mấu chốt mà không biết có còn tồn tại ở nhiều phim sau nữa không?

phim viet bat dau lan song remake Bùng nổ phim remake

Thuận Nhân