| Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang | |
Xu hướng hoài niệm
Ra mắt từ 24/3, Dạ cổ hoài lang kể về ông Tư Lành và ông Năm Triều, thân thiết từ thời trẻ trâu, từng là tình địch và giờ là hàng xóm cùng tha hương trên đất Mỹ. Từ những lát cắt của hiện tại, phim đưa câu chuyện của hai người bạn già về với những ký ức của thời trẻ nít, của những buổi hát đình và chuyện tình tay ba trong sáng. Liệu những ký ức tuyệt đẹp, tình yêu thương trong trái tim hai ông già có đủ sức để chống chọi nghịch cảnh, kết nối những đứa con xa quê trở về nguồn cội? Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được đánh giá cao bởi kịch bản phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của NSƯT Thanh Hoàng đã diễn hơn 1.000 suất và rất “ăn khách” trên sân khấu TP.HCM và ở hải ngoại.
| Cảnh trong phim Lô tô | |
Với người Nam Bộ và Nam Trung Bộ, lô tô là một nét văn hóa, nó như những gánh hát cải lương xưa. Chỉ khác gánh cải lương có đào, có kép, có tuồng tích diễn, có khi là gia đình giàu có thì các đoàn lô tô là những “cô đào” trai giả gái ăn mặc diêm dúa, vừa gọi dò xổ số vừa giễu hài bằng đủ mọi loại hình âm nhạc dân gian. Trong ký ức nhiều người, các đoàn lô tô luôn mang đến nỗi buồn, sự mạo hiểm và đôi khi bất chấp cuộc đời “trôi sông lạc chợ”. Và lần đầu tiên lô tô - gánh hát hội chợ “đặc sản” ngày xưa ấy cùng những mảnh đời “đào-kép” được tái hiện trong bộ phim Lô tô của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, công chiếu vào 31/3.
| Cảnh trong phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa | |
Dự kiến công chiếu vào đầu tháng 5 tới, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa thông qua câu chuyện về người mẹ suốt 30 năm đằng đẵng ngồi bên song cửa sổ chờ con trai trở về, đưa chúng ta trở về với những điều xưa cũ để mỗi người như được sống lại những năm tháng đầy tình cảm yêu thương, gắn bó và bi thương, xúc động. Khởi chiếu vào tháng 7, Cô gái đến từ hôm qua, có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đong đầy hoài niệm, khi đưa khán giả trở về với thời thơ ấu của những thập niên 1980 - 1990, với những câu chuyện của học trò dung dị, gần gũi cùng những kỷ niệm buồn vui đáng nhớ.
Trước các bộ phim này, xu hướng hoài niệm đã thấp thoáng trong một số tác phẩm đã ra mắt khán giả như: Sài Gòn anh yêu em với nghệ thuật cải lương được lồng ghép đầy tính nhân sinh thông qua cặp đôi nghệ sĩ về chiều (NSND Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Nam đóng) đã trở thành điểm nhấn hút hồn khán giả; Em là bà nội của anh có nhiều hình ảnh nhắc nhớ về thời trang Sài Gòn xưa; Cuộc đời của Yến tái hiện không gian làng quê Bắc Bộ trước 1945 với nhiều hủ tục lạc hậu và cả những giá trị truyền thống chưa tàn phai; hay trong Chạy đi rồi tính có những phân đoạn cô con gái nhớ về người mẹ là ca sĩ phòng trà một thời mặn mà với bolero qua giọng ca Bảo Yến… Ở thời điểm này, ê kíp của Lý Minh Thắng (phim Sài Gòn anh yêu em, Lô tô) đang chuẩn bị bấm máy phim Mẹ chồng. Tuy chọn đề tài mẹ chồng - nàng dâu muôn thuở, song Mẹ chồng tập trung khai thác giá trị văn hóa đặc trưng như cải lương hát gánh, hát ru, những món ăn trong đám giỗ xưa của miền Tây Nam Bộ. Ê kíp của Ngô Thanh Vân cũng sắp khởi quay phim Cô Ba Sài Gòn lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1960 - 1970 với nội dung về chiếc áo dài truyền thống, thông qua đó phục dựng cách ăn nói, hành xử của người Sài Gòn thời ấy… được lồng khéo léo trong câu chuyện giữa hai gia đình, giữa các bà mẹ và con cái của họ, giữa một nhà may và một tiệm bán vải với đầy đủ những hỉ nộ ái ố kịch tính… Còn đạo diễn trẻ Luk Vân ấp ủ mong muốn được chuyển thể Truyện Kiều lên phim…
“Đổi màu” cho phim Việt!
Sau cả chục năm chỉ làm phim giải trí dành cho số đông khán giả trẻ, khi được hỏi vì sao lại chọn làm Dạ cổ hoài lang, một bộ phim từ cái tên đã có vẻ “kén” người xem, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Trong thời điểm mà theo tôi, điện ảnh Việt đang thiếu những câu chuyện có cảm xúc chân thật, tôi muốn có một bộ phim sâu lắng hơn, chạm vào trái tim người xem hơn. Hơn nữa, hiện nay lượng người xem mà phim Việt hướng đến là khán giả trẻ, thành ra từ nhân vật, đề tài cho đến diễn viên đều trẻ trung. Người trung niên, lớn tuổi thì chỉ ở nhà xem các show giải trí, phim truyền hình thôi”. Đạo diễn - nhà sản xuất Lý Minh Thắng cũng chia sẻ rằng: “Thời hiện đại, khán giả có tâm lý thích trở về với những hoài niệm xa xưa. Bản thân tôi cũng muốn gợi lại cho người xem nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, mà theo năm tháng người ta có thể dần quên lãng”.
| Cảnh trong phim Sài Gòn anh yêu em | |
Trên thực tế, mặt bằng chung của phim điện ảnh Việt mấy năm nay cho thấy, người xem đã chán ngán những bộ phim hài vô thưởng vô phạt, hay phim hành động làm không tới, trong khi các phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Sài Gòn anh yêu em, Em là bà nội của anh, Cuộc đời của Yến… rõ ràng tạo được hiệu ứng khá tốt với sức lắng đọng, khơi gợi những hoài niệm xưa về con người, về những giá trị văn hóa. Bởi thế, khi chọn những giá trị văn hóa riêng để khai thác, hy vọng Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng… sẽ mang đến sự “đổi màu” cho thị trường điện ảnh Việt năm nay và được tiếp nối trong các năm tới. Tất nhiên, hoài niệm không có nghĩa là chỉ đủ để khán giả luống tuổi nhớ thương, hay nuối tiếc quá khứ, lý tưởng hóa thời gian đã qua, mà phải làm sao để cả khán giả trẻ yêu thích, cảm thấy gần gũi, và có được thái độ gìn giữ, trân trọng những vẻ đẹp sắp bị mai một dần?
| Poster phim Cô Ba Sài Gòn | |
Xu hướng làm phim hoài niệm không có nghĩa là chỉ đủ để khán giả luống tuổi nhớ thương, hay nuối tiếc quá khứ, lý tưởng hóa thời gian đã qua, mà phải làm sao để cả khán giả trẻ cũng yêu thích, cảm thấy gần gũi và có được thái độ gìn giữ, trân trọng những vẻ đẹp sắp bị mai một dần. Đó là thách thức cho các nhà làm phim Việt! |
Chia sẻ lý do chọn đề tài tôn vinh áo dài truyền thống cho Cô Ba Sài Gòn, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: "Từ khi về Việt Nam làm việc, cách đây hơn 17 năm, tết nào tôi cũng mặc áo dài. Khi dự sự kiện tại nước ngoài, tôi vẫn ưu tiên chọn áo dài để nói lên sự tự tin của bản thân lẫn đất nước mình. Tết Đinh Dậu vừa qua có nhiều tranh cãi quanh áo dài, tôi nhận thấy có nhiều bạn trẻ không hiểu về áo dài và phần nào tình cảm dành cho áo dài vơi đi. Từ đó tôi và nhà thiết kế Thủy Nguyễn ấp ủ làm sao đem lại áo dài thời xưa lên màn ảnh rộng để thấy sự đẹp đẽ, mộng mơ của một người phụ nữ với áo dài như thế nào”.
| Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang | |
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết thêm, nếu trước đây vở kịch Dạ cổ hoài lang được kể lại với góc nhìn của những người già xa xứ, thì giờ đây, thông qua phim này, anh muốn mang đến một góc nhìn khác với tâm hồn của một người trẻ. Ngoài việc khơi gợi cảm xúc nhớ quê của người xa xứ, phim còn xoay quanh mâu thuẫn giữa hai thế hệ già và trẻ, giữa những tư tưởng hiện đại Tây phương và những quan niệm truyền thống Việt Nam. Qua đó, hy vọng bộ phim chạm được tới trái tim của các khán giả trẻ, nhắc nhớ họ gìn giữ mối quan hệ với người thân - cha mẹ - ông bà, để chúng không bị cuốn đi, phai nhạt trong guồng quay của nhịp sống thời hiện đại vội vã, vô cảm với công nghệ số “thay lời muốn nói”.