(TGĐA) - Thật khó hình dung ra việc khán giả xem một bộ phim bom tấn hấp dẫn trong rạp tại Mỹ lại không cầm một giỏ bắp bung bự chảng thơm mùi bơ, muối và đường để vừa nhâm nhi vừa xem phim. Thậm chí, ngày 19/1 còn được chọn là Ngày Bắp bung Quốc gia (National Popcorn Day) ở Mỹ. Và sau bắp bung, là một ly đồ uống đi kèm cũng trở nên thông dụng. Nhưng mới đây, một cuộc kiểm tra do tổ chức giám sát công dân Watchdog tiến hành tại ba cụm rạp chiếu phim lớn nhất ở Anh cho thấy, thức uống bán tại đây có hàm lượng vi khuẩn đạt đến mức 'không thể chấp nhận' được.
Tại sao bắp bung trở thành món ăn vặt “mặc định” tại rạp chiếu phim ở Mỹ?
Bắp bung đã trở thành món ăn phổ thông từ những năm thập niên 1850 tại các rạp xiếc, hội chợ và carnival khi những chiếc máy làm bắp bung dùng hơi nóng bắt đầu thông dụng. Lúc đó phim ảnh chưa có. Nhưng khi phim ảnh đã có, bắp bung vẫn chưa xuất hiện tại các rạp chiếu phim mà phải mất thêm hơn nửa thế kỷ nữa. Lý do, trong suốt thời kỳ phim câm, rạp chiếu phim là nơi dành cho những bậc trưởng giả, có học, nhà giàu cần sự im lặng để thưởng thức bộ phim không có lời thoại nên tiếng ồn ào của bắp nhai trong miệng là không thể chấp nhận được. Văn hóa rạp chiếu phim không có cửa cho bắp bung len lỏi vào.
Việc xem phim với một giỏ bắp bung là hình ảnh cực kỳ quen thuộc ở bất kỳ rạp phim nào |
Nhưng đến năm 1927, khi phim có tiếng nói bắt đầu xuất hiện, tiếng ồn của bắp bung không gây phân tâm như trước nữa. Số rạp chiếu phim tăng nhanh, giá vé giảm, thành phần khán giả xem phim cũng đa dạng hơn. Đi xem phim trở thành thú vui bình đẳng với tất cả mọi người. Đây cũng là thời kỳ Đại trì trệ (Great Depression) của nước Mỹ khi người dân Mỹ muốn tìm đến một loại hình giải trí rẻ tiền để quên đi thực tế u ám. Rạp chiếu phim là nơi họ tìm đến.
Vì lúc đó các chủ rạp chưa trang bị máy làm và bán bắp bung nên những người kinh doanh đường phố chiếm lĩnh ngay khoảng trống. Họ đưa xe bán bắp bung đến trước các rạp và doanh thu tăng gấp đôi gấp ba. Nhận thấy nguồn lợi này, một số chủ rạp bắt đầu tự trang bị máy làm bắp và bán tại sảnh chờ. Chủ rạp nào chậm thay đổi bị vuột mất cơ hội thu về một nguồn lợi mà sau này trở thành nguồn thu quan trọng tại các rạp chiếu phim để bù vào lượng khán giả giảm. Có chủ rạp còn hạ giá vé để cho những khán giả mua thêm bắp bung mang vào rạp.
Nhờ vậy, các rạp chiếu phim mới tồn tại được trong thời kỳ suy thoái và khán giả được thưởng thức món ăn vặt họ thích, bán ngay bên trong rạp. Trong Thế chiến 2, lượng bắp bung bán ra còn tăng hơn nữa khi kẹo và nước ngọt ít đi, vì đường phải ưu tiên cho tiền tuyến, bắp bung là chọn lựa thay thế lượng đường thiếu hụt của nhiều dân thường. Bước sang năm 2018, bắp bung và rạp chiếu phim vẫn là mối tình “bất ly thân” tại Mỹ kèm theo ly nước giải khát (tùy hãng) và cuộc hôn phối này rất bền vững theo thời gian.
Từ người lớn tới trẻ em, combo xem phim gồm bắp bung và nước uống |
Kết quả kiểm tra khác với cam kết của các cụm rạp
Quay lại nước Anh, 30 rạp chiếu phim thuộc các cụm rạp Cineworld, Odeon và Vue (mỗi cụm 10 rạp) là đối tượng cuộc điều tra của Watchdog. Các mẫu thu thập được gửi đến “siêu phòng thí nghiệm” (superlab) của Đại học London Metropolitan University để phân tích. Kết quả thật bất ngờ: 7/30 rạp có mẫu nước uống chứa số vi khuẩn vượt mức cho phép. Chuyên viên y tế môi trường Tony Lewis xem phát hiện mới là “chỉ dẫn cho sự thất bại trong hoạt động kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các doanh nghiệp của chính quyền”. Vi khuẩn salmonella có thể gây ra ngộ độc thực phẩm được tìm thấy trong 2 loại nước uống bán cho khán giả tại các rạp của Odeon. Vi khuẩn listeria cũng được tìm thấy trong khay đựng nước uống. Chương trình truyền hình Watchdog cho biết, vi khuẩn có hại cũng được tìm thấy trong sợi dệt ở ghế ngồi và bên ngoài ly đựng kem. Theo Watchdog, trong số 7 rạp bị đưa vào diện cảnh báo có 4 rạp của Cineworld, nơi nước uống có hàm lượng vi khuẩn cao gấp 70 lần giới hạn cho phép; một rạp của Vue có mức vi khuẩn cao gấp 100 lần giới hạn và 2 rạp của Odeon có hàm lượng vi khuẩn cao gấp 10.000 lần giới hạn cho phép.
Ông Lewis, trưởng phòng chính sách của Viện Sức khoẻ môi trường (Chartered Institute of Environmental Health) nhận định: “Đây là mức cao nhất tôi từng thấy. Điều này có nghĩa là những bình đựng nước ngọt và bao bì, chai, ly chứa chúng không sạch như yêu cầu. Kết quả thật đáng lo”. Vi khuẩn Salmonella có thể gây nôn mửa, co thắt bao tử và sốt. Lewics cho biết hàm lượng quá cao trong nước uống bán tại các rạp chiếu phim là đáng quan tâm vì chúng được tiêu hóa trực tiếp nên hậu quả luôn xảy ra tức thì với người uống.
Nghiên cứu của Watchdog cho thấy, nhiều đồ uống ở các rạp chiếu phim nhiễm khuẩn vượt mức cho phép |
Đáng quan tâm hơn nữa là ngay cả ly giấy hay nhựa đựng kem bán tại 9 rạp được kiểm tra cũng bị nhiễm khuẩn nặng: 1.000 vi khuẩn/1 ml. 4 rạp của Cineworld, 2 rạp của Vue và 3 rạp của Odeon xảy ra tình trạng này. Mức vi khuẩn cao nhất trong kem, 10 triệu/1 ml được phát hiện tại một rạp của Odeon. Đây cũng là rạp có hàm lượng vi khuẩn cao nhất trong những mẫu nước uống mang về phân tích. Watchdog cũng lưu ý đến vi khuẩn ở ghế ngồi, trên khay đựng và bên ngoài bao bì, dù khả năng chúng đi vào miệng không cao.
Các chủ rạp chống chế
Khi được thông báo kết quả kiểm tra, cả ba cụm rạp chiếu phim đều khẳng định họ luôn xem trọng vấn đề vệ sinh tại các rạp cơ sở của mình và đã áp dụng nhiều biện pháp thích đáng để bảo đảm an toàn cho khán giả khi họ mua đồ uống tại rạp. Odeon và Cineworld cam đoan, ghế ngồi, khay đựng nước uống và bình đựng nước uống đều được làm vệ sinh hàng ngày. Còn các máy làm kem được xúc sạch và tiệt trùng hàng tuần. Đại diện của Odeon nói: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và bất mãn trước phát hiện của Watchdog.
Ngay lập tức, chúng tôi tiến hành cuộc kiểm tra riêng; và nếu sự thật giống như Watchdog phát hiện, chúng tôi sẽ tiến hành ngay những bước đi bổ sung cần thiết để tăng cường biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm tại tất cả các rạp chiếu phim trên khắp nước Anh”. Cineworld cũng khẳng định tất cả các rạp bị Watchdog đưa vào diện cảnh báo đều vừa nhận được mức cao nhất, 5 sao, trong thang điểm vệ sinh an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương. “Những quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng tôi được áp dụng tại tất cả mọi chi nhánh, không từ chi nhánh nào. Đây là mệnh lệnh bắt buộc” – ông nói.
4 rạp của Cineworld trong khảo sát của Watchdog |
Đại diện cụm rạp Vue cũng bác bỏ kết quả điều tra và khẳng định “Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm được làm hàng ngày theo đúng qui định của cụm rạp. Ngoài ra, Vue còn tiến hành thường xuyên việc kiểm tra độc lập do các chuyên viên sinh học và chuyên viên về nước uống có giấy chứng nhận cấp quốc gia đảm trách. Họ thuộc “bên thứ 3” và kết quả kiểm tra của họ là chính xác vì không có sự can thiệp của chúng tôi”./
“Không chỉ những quầy bán đồ uống mà cả bộ phận quản lý rạp chiếu phim, chủ rạp cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Nhiễm khuẩn nước uống tại rạp chiếu phim phải được xem là ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe người dân của chính quyền” - Lewis, trưởng phòng chính sách của Viện Sức khỏe môi trường (Chartered Institute of Environmental Health) nhận định. |
Trung Nguyên