(TGĐA) - Roman Polanski - một huyền thoại đương thời của điện ảnh thế giới và bộ phim Rosemary’s Baby (1968) là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông. Báo chí ca ngợi nó mấy chục năm và bộ phim luôn lọt vào top “những bộ phim kinh dị hay nhất mọi thời đại” của mọi bảng xếp hạng uy tín, mặc dù bộ phim không có cảnh rùng rợn theo kiểu chúng ta vẫn đang chứng kiến...
Đúng mốt Hollywood: Từ sách lên phim
Rosemary’s Baby là một bộ phim kinh dị Mỹ được viết kịch bản và đạo diễn bởi Roman Polanski vào năm 1968, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên bán chạy nhất năm 1967 của Ira Levin. Nội dung phim kể lại câu chuyện của một cặp vợ chồng trẻ sống tại New York trong những năm cuối của thập niên 70, với sự khát khao có con của người vợ và khát vọng được nổi tiếng của người chồng. Sau bao nỗ lực, Rosemary (Mia Farrow) cũng đã có được điều mình mong muốn: có thai! Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ được chăm sóc một cách “tử tế” quá mức cần thiết của một cặp vợ chồng già là hàng xóm tầng dưới. Cùng lúc với việc Rosemary có thai sau bao cố gắng là sự nghiệp của chồng cô cũng đã có những dấu hiệu phát triển tốt đẹp. Và dấu hiệu đó đến từ một tai nạn với đối thủ của chồng cô, khiến anh chàng diễn viên kia bị mù. Mọi sự trùng hợp đến ngẫu nhiên và Rosemary luôn luôn có một nỗi sợ hãi rằng chồng cô đã có một cam kết với những người hàng xóm lập dị. Và đứa trẻ sắp chào đời sẽ là vật hiến tế trong nghi lễ huyền bí của họ - một nhóm phù thủy dạng hội kín - để đổi lấy thành công trong sự nghiệp diễn xuất của người chồng.
Cũng giống như sách, khi ra mắt, bộ phim lập tức gặt hái những thành thành công rất lớn về mặt thương mại, thu về hơn 33 triệu USD ở Mỹ trong khi kinh phí sản xuất hết sức khiêm tốn: 2,3 triệu USD. Ngoài chuyện đạt doanh thu lớn, Rosemary's Baby được tung hô trên toàn thế giới từ các nhà phê bình danh tiếng; nhận được nhiều đề cử và giải thưởng quan trọng. Viện Hàn Lâm khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã đánh giá bộ phim này ở vị trí thứ 9 trong danh sách "100 Yearrs .. 100 Thrills" của họ.
Cánh cửa đến với "giấc mơ Mỹ" của Roman Polanski
Khi nhận đạo diễn Rosemary’s Baby, Roman Polanski vẫn còn là một cái tên vô danh trên đất Mỹ, dù trước đó ông đã tạo dựng được danh tiếng tại châu Âu. Khi hồi tưởng lại quãng thời gian làm phim, Robert Evans - đại diện hãng phim Paramount - nhớ lại việc William Castle - một đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất phim đang rất nổi tiếng thời đó - mang đến cuốn sách gốc và hỏi ông về việc mua tác quyền dựng phim trước khi NXB Random House xuất bản tác phẩm này. Ngay lập tức, hãng phim đã nhận ra tiềm năng của dự án và đồng ý với gợi ý của Castle. Nhưng lúc này có một vấn đề: bộ phim sẽ được sản xuất với kinh phí rất thấp!
Đạo diễn Roman Polanski
Bởi kinh phí thấp nên việc chọn đạo diễn cũng rất vất vả. Lúc này, Evans nhớ tới Roman Polanski, người mà ông đã rất thích khi xem những bộ phim do Polanski đạo diễn và gây được tiếng vang ở châu Âu. Evans cho rằng, đây chính là cơ hội để Roman xây dựng danh tiếng của mình trên đất Mỹ nên bắt đầu tiếp xúc, gặp gỡ và thuyết phục vị đạo diễn tài ba này.
Cùng một lúc, Evans gửi cho Polanski kịch bản hai bộ phim Downhill Racer và Rosemary’s Baby, bởi ông hiểu Polanski cũng hứng thú với việc làm phim về thể thao và đồng thời như một cách thăm dò vị đạo diễn này. Tuy nhiên, sáng hôm sau Polanski đã gọi cho Evans và nói rằng ông hứng thú với dự án Rosemary’s Baby hơn, ông bày tỏ ý định muốn được viết kịch bản và làm đạo diễn cho phim này.
Có một điều hết sức thú vị là vì Polanski lần đầu chuyển thể nên không biết được rằng mình có thể thay đổi những chi tiết trong tiểu thuyết gốc, vì thế bộ phim đã truyền tải hoàn toàn đúng theo nội dung cuốn tiểu thuyết của Levin kèm nhiều câu thoại được trích nguyên. Sự “chung thủy” này được thể hiện ở cả việc trong một cảnh nhân vật Guy muốn mua một chiếc áo in hình tờ tạp chí The New Yorker và Polanski đã không thể biết được đó là số tháng mấy, phải gọi điện cầu cứu tác giả tiểu thuyết Levin. Nhưng sự thực thì lại đơn giản hơn rất nhiều khi Levin trả lời rằng không có chiếc áo nào như thế cả, vậy nên ông hoàn toàn có thể chọn bất kỳ một số nào của The New Yorker để làm hình in cho chiếc áo “đạo cụ” này.
Đạo diễn Roman Polanski lúc còn trẻ
Một vai diễn đổi một cuộc hôn nhân
Đó là trường hợp của nữ diễn viên Mia Farrow và có vẻ như bà cũng không quá ân hận vì quyết định này. Bởi vai Rosemary đã đưa tên tuổi Mia lên một tầm cao mới trong sự nghiệp.
Trong trí tưởng tượng của Polanski, nhân vật Rosemary là một phụ nữ khỏe mạnh, thân thiện và cởi mở. Hình dung về vai diễn như vậy nên Polanski đã nhắm đến Tuesday Weld hoặc chính vợ ông - Sharon Tate - vào vai này. Cuối cùng, Mia Farrow được chọn mặc dù cô có vẻ ngoài khá tiều tụy nhưng vô tình vẻ bề ngoài tiều tụy đó lại là “lợi thế”, vì Rosemary cần phải trông rất yếu trong suốt thai kỳ. Khi Mia được chọn thì chồng cô - Frank Sinatra - đã rất tức giận. Vì khi cưới nhau, ông đã buộc Mia phải từ bỏ sự nghiệp của mình và Mia đã đồng ý. Thế nhưng, nhà sản xuất Evans đã thuyết phục cô giữ vai vì rất có thể đây sẽ là vai diễn “chạm vào” Oscar, và sự thực đã diễn ra như vậy.
Hiện tượng đính kèm Rosemary's Baby - Đã từng có ý kiến làm lại phim Rosemary's Baby vào năm 2008 với nhà sản xuất dự tính là Micheal Bay, Andrew Form và Brad Fuller. Nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ vào cùng năm đó. - 30 năm sau khi viết Rosemary's Baby, Ira Levin viết tiếp Con trai của Rosemary, phần tiếp theo của tiểu thuyết, dành tặng cho Mia Farrow, ngôi sao của bộ phim. Tuy nhận được nhiều phản ứng trái chiều sau khi xuất bản nhưng tác phẩm cũng được liệt vào danh sách bestseller trên toàn thế giới. - Trong bộ phim truyền hình Look What's happened to Rosemary's Baby (tạm dịch: Hãy nhìn xem điều gì xảy ra với đứa trẻ của Rosemary) năm 1976, cảnh Rosemary bị quỷ Satan hãm hiếp được xếp hạng 24 trong danh mục ca ngợi 100 khoảnh khắc phim đáng sợ nhất. |
Phải công nhận rằng, để vào vai Rosemary, Mia đã hi sinh khá nhiều. Đầu tiên là mái tóc. Ở những cảnh phim đầu tiên, Mia Farrow đội kiểu tóc giả mà Sydney Guilaroff đã tạo dựng thương hiệu cho cô thông qua bộ phim truyền hình Peyton Place nổi tiếng trước đó.
Quá trình quay phim cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trong ngày đầu tiên ở trường quay, Mia nhận được đơn ly dị từ Frank Sinatra. Cô đã suy sụp và quỵ xuống sàn bếp mà khóc. Chứng kiến cảnh tượng này, Polanski quyết định sẽ hoãn các cảnh có Mia và quay các cảnh khác trước, nhưng Mia đã rất chuyên nghiệp khi quyết định sẽ tiếp tục quay và thời gian quay phim đã được đảm bảo.
Tiếp đó là cảnh Mia phải thể hiện rất khó khăn khi Rosemary đang mang thai và lang thang giữa đường phố Manhattan đông đúc và hỗn loạn. Mia đã mất bình tĩnh và thiếu tập trung bởi lượng xe cộ rất đông ở nơi này. Lúc ấy, Polanski tiến đến và chỉ vào cái bụng bầu giả của Mia để trấn an cô: “Sẽ chẳng có ai đâm vào một phụ nữ đang mang thai đâu!”. Cuối cùng, cảnh quay đã thành công với việc Mia đi vạ vật giữa đường phố đông đúc và điều thú vị ở chỗ chính Polanski đã dùng máy cầm tay để quay cảnh này… vì chẳng ai dám quay!
Giới phê bình nói gì?
Cảm giác của tôi khi xem phim khá dễ chịu. Dường như nó không đem lại cho tôi cảm giác sợ hãi và tối tăm theo kiểu của một bộ phim kinh dị thông thường. Có lẽ bởi phim có sự lột tả quá mức chân thực, với giả dụ về đời sống của giới trẻ gần như đúng với những gì chúng ta thấy, và ngay cả việc tìm đến những người hàng xóm già để dựa vào. Renata Adler ( NewYork Times).
Người hàng xóm phù thủy
Một bộ phim rùng rợn, thú tính, đầy cảm giác nguy hiểm không ngờ tới. Khá là kỳ lạ ở mức vừa đủ rằng nó có một chút gì đó hải hước cho đến tận kết thúc. Một bộ phim kinh dị chứa đầy những hiểm họa mà ta có thể tưởng tượng giữa đêm. Một bộ phim rất hay, hơn cả một câu chuyện đầy hồi hộp đến lo sợ. Sự thành công của bộ phim có được là nhờ tài đạo diễn Polanski đã lựa chọn một tình huống tưởng chừng như không tưởng và biến nó thành sự thật, ngay trước lúc kết thúc. Và theo tôi, về mặt này, ông ấy còn giỏi hơn Hitchcock. Roger Ebert (Chicago Sun Times).
Bộ phim là một phiên bản điện ảnh rất thành công, và truyền tải được nội dung cuốn tiểu thuyết kinh dị của Ira Levin. Đây chính là thành công quan trọng của bộ phim. Đạo diễn Polanski đã giành thẳng lợi vang dội trong hành trình chinh phục nước Mỹ. Bộ phim giữ được sự chú ý mà không nhất thiết có bạo lực hoặc máu me. Website chuyên về điện ảnh Rottrn Tomatoe nhận xét.
Ken
(Tổng hợp và lược dịch)