(TGĐA) - Những năm gần đây, “phượt” nổi lên như một trào lưu được giới trẻ yêu thích. Họ đơn giản là xách balo lên và đi bằng sự ngẫu hứng, họ bị thu hút bởi sự mạo hiểm của những cung đường lang bạt hay đơn giản muốn thêm một dấu ấn vào "passport trải nghiệm". Nhưng trong phim Rừng thế mạng, tưởng chừng chuyến đi sẽ là một hành trình mới vô tư của tuổi trẻ, bắt đầu lộ ra những sai lầm cơ bản đã khiến nhóm bạn trẻ phải trả cái giá cực đắt.
'Rừng thế mạng' – Hành trình sinh tồn của những người trẻ đam mê điện ảnh | |
Nếu Dũng 'Mắt biếc' là lời chào sân, thì Bách của 'Rừng thế mạng' là sự khẳng định của Trần Phong |
Rừng thế mạng là cái bắt tay thứ hai của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân sau thành công của Bắc Kim Thang. Đây cũng là dự án điện ảnh đầu tiên của Việt Nam về đề tài sinh tồn được đánh giá là ứng cử viên sáng giá của điện ảnh Việt mở màn cho mùa phim hè này. Phim gây chú ý vì nội dung mới lạ, nhất là ở cung đường nguy hiểm với những tai nạn có thật đã vô cùng nổi tiếng, mà cảnh giới thiệu phim cũng đã hé lộ những cảnh quay vô cùng kỳ công ở vùng rừng núi, thác nước. Trong phim, một nhóm bạn gồm Kiên (Huỳnh Thanh Trực), Bách (Trần Phong), Khanh (Thùy Anh), Ngọc (Thùy Dương) và Phước (Nguyễn Phước Lộc), Hoàng (Lê Quang Vinh) đi phượt ở Tà Năng - Phan Dũng, cung đường nổi tiếng với dân phượt Việt Nam.
Trước khi phượt “hay” hãy hiểu “đúng” về phượt
Phải chăng vì phượt trở thành một xu hướng của giới trẻ, vì những lời răn đe “không đi là phí mất nửa đời người” hay những câu hát "ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng", "mình thích là mình đi thôi", nhiều người đã và đang hiểu sai về phượt và cụ thể là việc đi vào rừng. Họ nghĩ rằng chỉ cần đi vào rừng, vượt vài ngọn đèo là đã trở thành “phượt thủ”. Trên thực tế trải nghiệm đi rừng có đến 3 dạng khác nhau - Walking - Trekking - Hiking, hãy ngồi xuống chúng ta cùng nhau bóc tách những sự thật về các loại hình này nhé!
Đầu tiên, Walking hiểu đơn giản là hoạt động di chuyển của đôi chân trên địa hình mặt đất bao gồm tất cả hoạt động đi chơi, dã ngoại, đi dạo. Còn trekking là hoạt động khám phá, thám hiểm của những “trekker”, đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng sinh tồn cao trong những vùng xa xôi hẻo lánh. Trekking nguy hiểm hơn cả, các trekker phải xuyên qua đường rừng bằng chính đôi chân của mình. Tương tự như Trekking, nhưng Hiking thường chỉ đi những đoạn đường mòn có sẵn và ít đi vào đường lạ hay khu vực quá lạ lẫm và có điểm đến rõ ràng.
Trong Rừng thế mạng, chuyến vào rừng đi trốn của nhóm bạn Kiên và Bách là một cuộc Trekking đúng nghĩa. Cung đường Tà Năng - Phan Dũng hùng vĩ qua nhiều dạng địa hình từ bằng phẳng cho đến những con đường mòn dốc đứng, những chiếc ba lô của đám bạn và đêm cắm trại trên đồi cao, Rừng thế mạng đem tới những trải nghiệm trekking rất chân thật. Chuyến trekking tưởng chừng sẽ trọn vẹn vào khoảnh khắc cả bọn hào hứng ngắm hoàng hôn trên đỉnh Phan Dũng, nhưng chẳng biết vì những biến số nào đã phá hủy cả kế hoạch hay. Bởi chính sự tự tin quá đà vào cái tôi “đủ kinh nghiệm Trekking” của Kiên hay vì những yếu tố tâm linh nào khác đã làm cho chuyến đi rẽ lối vào những ngày “đấu tranh sinh tồn” giữa Tà Năng - Phan Dũng của Bách và Kiên.
Trekking không có chỗ cho sai lầm
Sai lầm lớn nhất và tai hại nhất chính là việc đã không tôn trọng tinh thần "all in one" trong một nhóm trekking. Nguyên tắc "không tách đoàn" đã bị Bách và Kiên phá vỡ. Cuộc hành trình có lẽ sẽ dễ dàng hơn biết bao nếu Bách không biến mất sau đêm mâu thuẫn cao trào đỉnh điểm. Đi tiếp hay ở lại, hay đi tìm? Nỗi thấp thỏm lo lắng của "những người ở lại" đã không trở thành hoảng loạn nếu Kiên không rẽ vào lối biết là sai đường để đi tìm Bách. Mọi sự chỉ vì tách đoàn mà ra.
Lật ngược lại đầu phim, cuộc hành trình của nhóm "bạn đã từng rất vui vẻ" cho tới khi những mâu thuẫn bắt đầu len lỏi vào giữa họ và bộc lộ vấn đề của từng người trong đoàn. Mọi thứ từ ban đầu đã không an toàn, kế hoạch cho một cung đường sinh tử chỉ là một file word, không có tấm bản đồ, không la bàn… Đó chính là sự thiếu sót của Hoàng - Lead non tơ lần đầu dẫn tour trong chuyến Trekking vào một trong những cung đường hùng vĩ và nguy hiểm nhất của Việt Nam. Không những thế, Hoàng đã vô cùng chủ đoan khi cho phép các thành viên "không đủ điều kiện" sức khỏe tham gia hành trình theo kiểu đi theo cho vui, năn nỉ để được đi theo. Trekking là một môn thể thao đòi hỏi thể lực, dẻo dai nhưng Phước không đáp ứng được tiêu chí nào. Động lực tham gia của Phước chỉ đơn giản là “cả đám đi sao dám bỏ mình lại” mà không chút nghĩ ngợi về những rủi ro cho bản thân. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn trong rừng, chặng đường vừa dài vừa nắng trước một sức khỏe yếu đã đánh bại anh ngay trong đêm cắm trại đầu tiên, đánh bại cả cuộc vui.
Muốn đi xa thì đi cùng nhau, muốn đi trekking thì đừng bốc đồng
Rừng thế mạng đã nhẹ nhàng bóc trần phần “con” của con người một cách rất tinh tế. Phải chăng khi trở lại với thiên nhiên phần “con” cũng trở nên mạnh mẽ hơn? Nhân vật Kiên sẵn sàng thể hiện phần gai góc nhất của mình, anh gây hấn với mọi người trong đoàn, thậm chí với cả người yêu và người bạn thân nhất của mình. Chính điều đó đã gián tiếp khiến cả Kiên và Bách (bạn thân của Kiên) phải chịu cảnh đi lạc trong rừng thiêng nước độc không có lối về.
Phim đề cao sự thử thách và giác ngộ, đề cao tình yêu thương và sự chữa lành tự thân trong hành trình lạc lối của Kiên khi vừa phải đối mặt với những thương tổn quá khứ, vừa phải đấu tranh giành giật lấy sợi dây sự sống đang rất mong manh. Rõ ràng Huỳnh Thanh Trực đã có một màn trình diễn rất ấn tượng và ít có diễn viên trẻ nào đủ khả năng “cân” được sức nặng tâm lý và độ xả thân cho nhân vật này. Được biết Huỳnh Thanh Trực đã phải ép cân, nhịn ăn, hạn chế ngủ suốt khoảng thời gian quay để có ngoại hình và thần thái kiệt sức như nhân vật, hòng lột tả được chính xác nhất tinh thần của vai diễn rút sức này.
Nhân vật Bách (Trần Phong) và Khanh (Thùy Anh) cũng rất tròn vai khi đã cùng nhau đẩy diễn biến phim lên cao trào, khiến chuyến đi dần dần rơi vào bế tắc và tạo tiền đề cho bi kịch xảy ra.
Đặc biệt là Trần Phong, anh chàng đã thật sự thoát được vai diễn chàng badboy trong Mắt biếc, chính thức ghi tên vào danh sách diễn viên trẻ triển vọng với một vai diễn khiến tất cả khán giả phải rưng rưng.
Bộ phim Rừng thế mạng chính là bức tranh sinh động, chân thực về trào lưu phượt theo cảm hứng của giới trẻ. Trong bức tranh đó, ta hoàn toàn có thể nhận ra, bản thân mình đôi khi cũng đã từng đầy háo hức như Phước, đầy tự mãn như Kiên và thực tế cũng đã không ít trường hợp đi lạc như Bách và Kiên. Hãy nhớ rằng phượt cũng có "phượt this" và "phượt that", hãy tìm hiểu kỹ những nguyên tắc đi trekking và tuân thủ nó như một tiêu chí tiên quyết để bảo vệ chính mình. Nên nhớ rằng, mọi sai lầm trong rừng đều có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình hoặc của bạn mình.
Rừng thế mạng khởi chiếu toàn quốc từ 31/12/2021.
'Rừng thế mạng' – Hành trình sinh tồn của những người trẻ đam mê điện ảnh (TGĐA) - Rừng thế mạng là bộ phim có chủ đề sinh tồn đầu tiên ... |
Nếu Dũng 'Mắt biếc' là lời chào sân, thì Bách của 'Rừng thế mạng' là sự khẳng định của Trần Phong (TGĐA) - Từ sau bộ phim Mắt biếc, Trần Phong được khán giả yêu quý, ... |
Mi Ty