Sony xin hãy ‘dừng’ làm phim siêu anh hùng?

(TGĐA) - Sony vẫn đang là một “ông lớn” của ngành giải trí, nhưng với mảng điện ảnh, đặc biệt là dòng phim siêu anh hùng, Sony bị hứng không ít “gạch đá” với tầm nhìn “hạn hẹp” và thiếu tôn trọng tới khán giả?

Sony mua bản quyền chuyển thể ‘Tarzan’ Sony mua bản quyền chuyển thể ‘Tarzan’
'Madame Web' lập kỷ lục buồn cho dòng phim 'Spider-Man' của Sony 'Madame Web' lập kỷ lục buồn cho dòng phim 'Spider-Man' của Sony

Thời hoàng kim đã qua

Vào khoảng những năm 90 đầu 2000, Marvel lâm vào cảnh khốn khó, nên họ đã buộc phải bán đi bản quyền của không ít nhât vật nổi tiếng, trong đó có Spider-Man (Người Nhện) – nhân vật huyền thoại được tạo ra bởi đầu óc tài hoa của cố tác giả Stan-Lee được bán bản quyền làm phim cho Sony Pictures.

Tuy vậy, đây trở thành một trong những thương vụ nổi tiếng nhất của lịch sử điện ảnh, khi bộ phim điện ảnh Spider-Man mà Sony sản xuất năm 2000, với màn đóng chính của Tobey Maguire đã đem về doanh thu kỷ lục hơn 800 triệu USD.

Sony xin hãy ‘dừng’ làm phim siêu anh hùng?
Spider-Man mà Sony sản xuất những năm 2000

Phần 2 ra ra mắt 2004, thậm chí cũng đã mang về 789 triệu USD và còn được nhiều nhà phê bình hiện giờ vẫn đánh giá phim siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại. Đạo diễn Sam Raimi hoàn toàn biết cách nâng tầm nhân vật của Tobey Maguire để đem đến hành trình đầy bi thương và nỗi đau thấm sâu trong từng cảnh phim. Vượt lên trên tất cả, hình tượng Người Nhện của Tobey tỏa sáng rực rỡ, toát ra nguồn năng lượng mãnh liệt và tinh thần trượng nghĩa, càng làm cho người anh hùng vốn đã nổi tiếng trong truyện tranh càng thêm hoàn hảo trên phim.

Tuy nhiên đến phần 3 năm 2007, dù rằng mang về đến 895 triệu USD, nhưng bộ phim này được coi là dấu chấm hết không chỉ cho thương hiệu Spider-Man của Sony, mà gần như toàn bộ phim siêu anh hùng về sau của hãng nãy. Đạo diễn Sam Raimi tiết lộ với truyền thông rằng, các lãnh đạo của Sony quá mải mê về vấn đề lợi nhuận, mà quên đi mất giá trị cốt lõi của bộ phim, nhồi nhét quá nhiều tình tiết và nhân vật vô giá trị, bắt ép các đạo diễn theo ý họ.

Đến thập niên 2010, Sony cố gắng tìm lại hào quang với hai bộ phim The Amazing of Spider-Man ra mắt lần lượt vào các năm 2012 và 2014. Kể cả vậy, hai phim này vẫn chỉ có chất lượng ở mức bình thường, khiến khán giả không đọng lại nhiều trong đầu ngoại trừ mối tình đẹp như mơ giữa Peter Parker và Gwen Stacy vốn do Andrew Garfield và Emma Stone thể hiện.

Sony xin hãy ‘dừng’ làm phim siêu anh hùng?
The Amazing of Spider-Man 2 có thể coi là thất bại

Andrew Garfield được cho là đã làm mếch lòng phía Sony Pictures vì những chỉ trích cá nhân của anh. Garfield cho rằng, những bình luận xấu, ác ý chĩa về phía The Amazing Spider-Man 2 hoàn toàn do lỗi của Sony. Thậm chí nam tài tử này còn bất ngờ hủy bỏ bữa tối gặp mặt các sếp lớn của Sony mà chỉ thông báo trước không đầy 1 tiếng đồng hồ. Do vậy, nhà sản xuất đã quyết định sa thải Andrew Garfield và The Amazing Spider-Man 3 vĩnh viễn không được sản xuất.

Quãng thời gian tệ hại kéo dài

Sony sở hữu cho mình bản quyền một nhân vật có khả năng kiếm ra tiền tỷ như Spider-Man nhưng họ lại không có một người kiếm soát có tầm nhìn xa trông rộng như Kevin Feige – Chủ tịch của Marvel Studios. Chính Kevin Feige đã từng lên tiếng cảnh báo Sony rằng, đừng quá hấp tấp, vội vàng trong việc xây dựng những thứ to lớn trong Vũ trụ Người Nhện của hãng này. Nhưng kết quả thì trái lại, một loạt phim “thảm họa” được sản xuất như Venom, Morbius hay mới đây chính là Madam Webb.

Sony xin hãy ‘dừng’ làm phim siêu anh hùng?
Madam WebbMorbius là những bộ phim chất lượng kém

Trong số này, mặc dù bị giới phê bình chê tệ hại nhưng phần đầu của Venom vẫn thu về hơn 800 triệu USD còn MorbiusMadam Webb thất bại cả về nội dung lẫn doanh thu. Một cây viết quốc tế từng cho rằng, Madam Webb thậm chí còn là một nỗi nhục lớn đối với dòng phim siêu anh hùng, không phải cứ cho những mỹ nhân nóng bỏng mặc bộ đồ sát thì sẽ là một bộ phim hay. Biên kịch của phim là Matt Sazama và Burk Sharpless – bộ đôi đã tạo nên thất bại ê chề với Morbius, nhưng vẫn được Sony tin tưởng, điều đó cho thấy hãng này thiếu tầm nhìn trong việc sản xuất phim ra sao.

Chưa dừng lại ở đó, Sony còn tiếp tục có những quyết định “đi vào lòng đất”, khi tiếp tục triển khai thêm dự án phim ngoại truyện Spider-Man, tập trung về nhân vật Hypno-Hustler, một phản diện rất ít tiếng tăm của Người nhện trong truyện tranh, đồng nghĩa với việc khán giả đại chúng chưa từng biết tới sự tồn tại của nhân vật này.

Những thất bại của Sony trong việc khai thác các bộ phim về Spider-Man hay siêu anh hùng, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu hãng này có nên dừng làm phim về siêu anh hùng? Và dĩ nhiên câu trả lời là không!

Thỏa thuận với Marvel Studios liệu sẽ đến đâu?

Thỏa thuận khai thác nhân vật Spider-Man của Marvel Studios và Sony Pictures có lẽ không phải nhắc lại. Disney đầu tư 25% kinh phí sản xuất cho các phim tiếp theo Người Nhện. Họ sẽ hưởng phần lợi nhuận tương ứng từ phòng vé, cũng như tiếp tục kiểm soát toàn bộ doanh thu từ các vật phẩm ăn theo dự án điện ảnh.

Cũng theo hợp đồng, Sony sẽ lấy 75% doanh thu của bộ phim Người Nhện tiếp theo, nhưng chắc chắn rằng 75% (hoặc hơn) danh tiếng của nó sẽ bị cho là của Marvel Studios và Disney – điều này sẽ không có lợi cho các bộ phim của Sony sau này. Nhưng dù thế nào, Sony chắc chắn sẽ không từ bỏ làm phim về Spider-Man khi chí ít, bộ đôi phim hoạt hình Spider-Man: Into the Spider-Verse của Sony vẫn đang đem tới giá trị thương mại cao với doanh thu gần 1 tỷ USD, cùng 1 giải Oscar đạt được.

Sony xin hãy ‘dừng’ làm phim siêu anh hùng?
Phim hoạt hình Spider-Man: Into the Spider-Verse

Bên cạnh đó, chính vì giá trị của nhân vật Spider-Man vẫn rất cần thiết đối với Vũ trụ điện ảnh Marvel, nên Marvel Studios được cho rằng vẫn sẽ phải nhượng bộ trước Sony, để Người Nhện có thể tham gia vào các bộ phim quan trọng sắp tới, đặc biệt là loạt phim về Avengers.

Để mà Sony “buông tha” cho Người Nhện hay không làm phim siêu anh hùng nữa, có lẽ chỉ có cách là họ làm phim tiếp tục “lỗ” và đến khi đó dù muốn hay không, Sony vẫn phải để cho Marvel Studios can thiệp sâu vào quá trình sáng tạo hay ăn chia lợi nhuận từ các phim liên quan tới Spider-Man.

Bộ phim siêu anh hùng tiếp theo của Sony có tên Kraven the Hunter, dự kiến ra mắt vào tháng 8 này. Kraven vẫn được coi là một phản diện tiềm năng, đạo diễn của bộ phim là J.C. Chandor, từng nổi tiếng với tác phẩm A Most Violent Year (Năm bạo lực nhất) được giới phê bình đánh giá cao. Nhưng trong trường hợp Kraven the Hunter tiếp tục “lỗ”, dự là sẽ có một biến động không hề nhỏ giữa Sony, Marvel Studios, cũng như là Disney.

Sau thành công Homecoming (2021), Andrew Garfield đã được Sony mời đóng The Amazing Spider-Man 3 nhưng sau một thời gian suy nghĩ, nam tài tử đã từ chối vì không tin tưởng vào năng lực của lãnh đạo hãng này, anh cho rằng, nếu bộ phim được sản xuất, sẽ tiếp tục là một mớ “bòng bong” mà không có được một giá trị nào dành cho các fan Người Nhện.
'Madame Web' lập kỷ lục buồn cho dòng phim 'Spider-Man' của Sony 'Madame Web' lập kỷ lục buồn cho dòng phim 'Spider-Man' của Sony
'Madame Web': Chìa khóa mở ra đa vũ trụ cho 'Spider-Man' 'Madame Web': Chìa khóa mở ra đa vũ trụ cho 'Spider-Man'

Anh Vũ