Sự bứt phá của các hãng phim trẻ Hoa ngữ

(TGĐA) - Siết chặt quy trình nhập mua phim ngoại, điện ảnh Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng nâng tầm thị trường nội địa. Giữa bối cảnh các “ông lớn” Legendary, Hoa Nghị Huynh Đệ, Alibaba, Điện ảnh Anh Hoàng… ngày càng phô trương thanh thế với nhiều bom tấn chi phí đắt đỏ, kỹ xảo hoành tráng và diễn viên hạng sao, một số hãng phim nhỏ cũng ấp ủ nhiều dự án mang theo tư duy sáng tạo mới và tinh thần làm phim trẻ. Bài viết này sẽ đề cập tới thị trường điện ảnh trẻ của hai khu vực lãnh thổ Hong Kong và Trung Quốc, gọi chung là thị trường điện ảnh xứ Trung.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu Chân Tử Đan làm phim học đường 'Đại sư huynh'
su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu 10 bộ phim điện ảnh Hoa ngữ được chờ đón năm 2018

Dự án nhỏ dư sức thắng lớn

Mùa phim hè 2018, Trung Quốc đón nhận một kỳ tích trên màn ảnh rộng mang tên Dying to survive (Tôi không phải dược thần).Tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Văn Mục Dã có chi phí sản xuất 15 triệu NDT (51 tỉ VNĐ) và chi phí truyền thông 60 triệu NDT (hơn 204 tỉ VNĐ) xuất sắc thu về hơn 3 tỉ NDT (hơn 10,2 ngàn tỉ VNĐ) chỉ sau 20 ngày công chiếu.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu
Dying To Survive trở thành hiện tượng của mùa phim hè Trung Quốc 2018, đang được dự đoán chiếm giữ doanh thu phòng vé nước này trong năm nay.

Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một người đàn ông nhập mua lậu thuốc trị bệnh bạch cầu từ Ấn Độ về Trung Quốc, bán với giá bằng 1/80 giá lưu hành trên thị trường. Người dân coi anh ta là người hùng, trong khi chính quyền thì truy bắt và khởi tố anh ta. Dying to survive nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng và cả đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và báo chí.

Dirty Monkeys Studio – đơn vị sản xuất Dying ro survive sau sáu năm thành lập vẫn luôn nổi tiếng là hãng phim của những dự án chi phí eo hẹp mà dư sức thắng lớn. Số tiền cao nhất công ty này từng chi cho một tựa phim là 75 triệu NDT (hơn 255 tỉ VNĐ) với Breakup Buddies (Tâm Hoa Lộ Phóng).Phim cán mốc doanh thu hơn 1,17 tỉ NDT (gần 4 ngàn tỉ VNĐ), giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng phòng vé nội địa Trung Quốc năm 2014.

Trước đó, So Young (Gửi tuổi thanh xuân mà chúng ta đã mất)do Triệu Vy đạo diễn, sở hữu doanh thu 710 triệu NDT (hơn 2,4 ngàn tỉ VNĐ). Trừ đi nguồn vốn sản xuất và truyền thông 60 triệu NDT (hơn 204 tỉ VNĐ) và chi phí dành cho rạp chiếu, công ty đầu tư vẫn dằn túi số lãi lên đến 260 triệu NDT (884 tỉ VNĐ).

Tại Hong Kong, hiện tượng này cũng xảy ra với Ten Years (10 Năm) - tác phẩm đình đám đoạt ngôi Phim xuất sắc nhất tại LHP Kim Tượng năm 2016, song bị bài xích tại đại lục do đề cập tình hình chính trị, xã hội của Hong Kong dưới tác động của chính quyền Trung Quốc. Theo trang tin HK01, Ten Years được đầu tư 500 ngàn HKD (1,48 tỉ VNĐ), nhưng kiếm tới 3 triệu HKD (gần 8,9 tỉ VNĐ), trở thành phim độc lập doanh thu cao nhất của Hong Kong cho tới nay.

Sản xuất gian nan, phát hành trở ngại

Với kinh phí đầu tư quá thấp cùng ekip sản xuất non trẻ, đạo diễn chưa có tiếng tăm, các dự án phim trẻ Hoa ngữ không tránh khỏi nhiều trở ngại trong quá trình sản xuất và phát hành. Hoa đán Triệu Vy từng tâm sự, nguồn tiền sản xuất của So Young vốn đã chi tiêu hết từ khi đoàn vẫn còn 25 ngày bấm máy theo dự kiến. Nữ đạo diễn đành bỏ tiền túi cá nhân để hoàn thành tác phẩm.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu
So Young của Triệu Vy là tựa phim thành công trong làn sóng phim thanh xuân của Trung Quốc

U-Beat Magazine cho hay, nữ đạo diễn Hứa Nhã Thư ở Hong Kong thậm chí còn lận đận từ giai đoạn huy động vốn, trải qua bốn năm mới hoàn thành Pseudo Secular (Phong Cảnh).Phim từng lọt vào danh sách Dự án điện ảnh của Hội đầu tư điện ảnh châu Á Hong Kong (HAF), tiếp xúc với nhiều hãng sản xuất nhưng vẫn “trắng tay”, vì đạo diễn không đồng ý cắt bỏ nội dung liên quan đến phong trào biểu tình dân chủ. Việc xin vốn của chính quyền thành phố cũng không dễ dàng. Hứa Nhã Thư ròng rã gửi hồ sơ trong một năm mới xin được giấy phép đầu tư của Cục Phát triển nghệ thuật Hong Kong. Song, chị chỉ nhận được được 200 ngàn HKD (593 triệu VNĐ), tương đương một phần ba chi phí dự kiến.

Từ tựa phim Ten Years, hai nhà sản xuất Ngũ Gia Lương và Thái Liêm Minh đã thành lập Công ty Điện ảnh 10 Năm, trực tiếp sản xuất và phát hành bộ phim này. Thực tế, từng có công ty đề nghi phát hành Ten Years, song đôi bên không đi tới thống nhất, bởi Công ty Điện ảnh 10 Năm không bằng lòng thỏa hiệp với chính sách phát hành độc quyền từ phía nhà rạp.

Đây là cơ hội để đoàn làm phim dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khác giả, không chỉ dưới hình thức rạp chiếu truyền thống, mà còn thông qua các sự kiện chiếu phim lưu động, chương trình giao lưu, khóa học điện ảnh tại các trường học… Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu khiến đoàn làm phim chịu thiệt thòi trong việc lưu hành phim trên thị trường.

Chỉ sau một tháng ra mắt, Ten Years bị Trung tâm Điện ảnh Broadway dừng chiếu, dù đó là đơn vị đầu tiên công chiếu. Đến sát mùa phim Tết, bộ phim tiếp tục bị nhiều cụm rạp xóa tên, trong khi cơn sốt vé vẫn chưa hạ nhiệt. Nhà sản xuất Thái Liêm Minh cho rằng, các cụm rạp luôn ưu tiên giờ chiếu nhiều, suất chiếu đẹp cho các dự án họ trực tiếp phát hành. Đồng thời, họ cũng muốn giữ quan hệ với các cơ quan kiểm duyệt tại Trung Quốc. Anh cũng dự đoán, sau Ten Years, các nhà rạp sẽ khó tính hơn với dòng phim chính trị nhạy cảm.

Những sự trùng hợp nho nhỏ này phản ánh tinh thần điện ảnh sôi nổi, quyết liệt, tự chủ và không thỏa hiệp của thế hệ nhà làm phim trẻ ở nhiều nước châu Á, dù cho chủ đề, dòng phim mà họ lựa chọn không giống nhau.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu
Ten Years vượt thoát khỏi lãnh thổ Hong Kong, thực hiện ba phiên bản quốc tế

Nghệ sĩ cũng phải biết tính toán

Khởi nguồn là văn phòng làm phim riêng của đạo diễn Ninh Hạo, Dirty Monkeys Studio ôm mộng khuếch trương tên tuổi, trở thành hãng phim tầm cỡ tại Trung Quốc. Công ty này đưa đường lối sản xuất phim thương mại vô cùng rõ ràng và nghiêm túc. CEO Vương Dịch Băng kể, trước mỗi dự án, anh đều phải tiên liệu những rủi ro thị trường mà đề tài phim có thể đối mặt, cũng như con số đầu tư cần thiết để cân bằng thu – chi cho công ty và nguồn huy động vốn khả thi. Tới khi có được chi phí làm phim, họ tiếp tục cân nhắc phương thức sản xuất, diễn viên, ekip phù hợp. Ngay cả kế hoạch truyền thông, phát hành cũng được dự tính ngay trong giai đoạn tiền kỳ.

Trang Cine Hello ghi nhận, phim kinh phí thấp đòi hỏi tư duy tính toán của đạo diễn, biên kịch ngay trong quá trình viết kịch bản. Họ cần mường tượng trước với khoản tiền có được, mỗi tình huống nên dàn dựng ra sao để đạt hiệu quả tốt trên màn ảnh, mà không bị làm khó bởi kinh phí hạn hẹp. Đây là một đòi hỏi khắt khe, nhưng đồng thời cũng là yếu tố kích thích sức sáng tạo vô biên của người làm phim. Đạo diễn Ninh Hạo – người đồng sáng lập của Dirty Monkeys đồng tình với quan điểm này: “Đạo diễn giống như một khúc gỗ. Khi làm phim, anh ta phải định hướng sẵn trong đầu, mình đóng một chiếc bàn hay một chiếc ghế”.

Nhờ cú đột phá hơn 100 triệu NDT doanh thu (hơn 340 tỉ VNĐ) Crazy Race xác lập năm 2009, Ninh Hạo là gương mặt thứ tư số đạo diễn nội địa Trung Quốc có phim vượt mốc trăm triệu, sánh ngang với bộ ba lão luyện Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu
Crazy Race làm nên tên tuổi của đạo diễn – nhà sản xuất Ninh Hạo năm 2009

Theo nguồn tin từ BBC, ý tưởng phim mường tượng Hong Kong của 10 năm sau cho Ten Years được Ngũ Gia Lương và Thái Liêm Minh khởi xướng từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, chi phí eo hẹp 500 ngàn HKD không cho phép hai nhà sản xuất thực hiện phim dài. Cái khó ló cái hay, họ liền nghĩ tới cấu trúc năm phim ngắn ghép thành một phim dài, do năm đạo diễn viết kịch bản và dàn dựng. Sau khi gây sốt tại bản địa và một số LHP quốc tế, Ten Years tiếp tục được tái ngộ khán giả với ba phiên bản quốc tế: Ten Years Thái Lan, Ten Years Đài Loan Ten Years Nhật Bản.

Nhà sản xuất Thái Liêm Minh tiết lộ với U-Beat Magazine: “Nhiều người hỏi chúng tôi về việc sản xuất phần kế tiếp, song chúng tôi không muốn trùng lặp một tứ phim tại Hong Kong. Cùng lúc đó, các nhà sản xuất nước ngoài rất hứng thú với phương thức kể chuyện của Ten Years, ngỏ ý hợp tác cùng kể câu chuyện mang hơi thở bản địa của họ. Ba đất nước chúng tôi lựa chọn đều ở khu vực châu Á, hình thái xã hội, văn hóa có nhiều điểm tương đồng với Hong Kong, người dân Hong Kong và người dân nước họ có sự tiếp xúc tương đối nhiều”.

Thái Liêm Minh và Ngũ Gia Lương là giám đốc sản xuất của chùm ba dự án, Công ty Điện ảnh 10 Năm đầu tư một khoản kinh phí, còn lại do công ty sản xuất riêng tại mỗi quốc gia phụ trách. Cấu trúc phim vẫn duy trì năm câu chuyện nhỏ do năm đạo diễn trẻ thực hiện. Trong đó, phiên bản Thái Lan có sự tham gia của nhà làm phim siêu thực nổi tiếng Apichatpong. Ba phiên bản mới đã lần lượt khởi động vào cuối năm 2017.

Cách làm của Ten Years cũng được áp dụng cho phim Trivisa (Thụ Đại Chiêu Phong)do một trong các đại thụ làng điện ảnh Hong Kong – Đỗ Kỳ Phong - đảm nhận vai trò giám đốc sản xuất. Với kịch bản kể về ba trùm cướp khét tiếng tại Hong Kong trước năm 1997, bộ phim chia thành ba giai đoạn sản xuất, ba đạo diễn Hứa Học Văn, Âu Văn Kiệt, Huỳnh Vĩ Kiệt chỉ đạo ba phần truyện tương ứng ba tuyến vai.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu
Trivisa quay lần lượt từng câu chuyện, thay vì sử dụng đồng thời ba tổ quay

Đối với một số cảnh quay xuất hiện cả ba nhân vật, ba đạo diễn cùng hợp sức dàn dựng. Đạo diễn Hứa Học Văn lý giải với báo điện tử iFeng: “Sở dĩ chúng tôi không thể quay cùng lúc ba câu chuyện vì không có nhiều chi phí. Chúng tôi chỉ đủ tiền chi trả cho một tổ quay phim và một tổ mỹ thuật. Với 5 triệu HKD cho toàn bộ dự án, mỗi phần truyện được đầu tư 1,5 triệu, số còn lại dùng làm chi phí dự phòng”. Thông qua cuộc đời ba trùm cướp để khắc họa diện mạo Hong Kong trong thời điểm trao trả về Trung Quốc, Trivisa bị cấm vận hoàn toàn tại đại lục, ngay từ khâu kiểm duyệt kịch bản.

Điều này khiến đoàn làm phim khá đau đầu vì phim yêu cầu một số khung hình không gian nhà xưởng tại Trung Quốc (không có diễn viên xuất hiện). Đạo diễn Âu Văn Kiệt thú nhận với iFeng, anh đã đánh liều quay “chui”. Vị đạo diễn này cùng quay phim của mình đã trà trộn vào một đoàn phim có bối cảnh ở Quảng Đông của đạo diễn Đỗ Kỳ Phong, rồi lén lút tìm kiếm công xưởng phù hợp. “Chúng tôi từng bị bảo vệ tại đó phát hiện và đuổi đi, nhưng may mắn là vẫn ghi hình lại được. Quá trình đó vừa căng thẳng vừa tuyệt vời. Chúng tôi biết làm vậy là phạm pháp, nhưng vì muốn khai thác độ chân thực của câu chuyện, chúng tôi chấp nhận”, Âu Văn Kiệt kể lại.

Gọi vốn cộng đồng

Đó là phương thức sản xuất mà đạo diễn Hứa Nhã Thư lựa chọn cho bộ phim Pseudo Secular được nhắc tới ở trên. Từng huy động được 120 ngàn USD (2,8 tỉ VNĐ) cho dự án Hong Kong tam bộ khúc, Đỗ Kỳ Phong gợi ý cho nữ đạo diễn họ Hứa hướng đi này. Không có visa và cũng không có mối quan hệ để sang Mỹ, song bù lại, do từng hợp tác với LHP Phương Nam Đài Loan, nên Hứa Nhã Thư quyết định gọi vốn tại đây. May mắn, chị huy động được hơn 200 ngàn HKD (ước tính 593 triệu VNĐ). Đạo diễn cho rằng, đề tài chính trị khiến phim gặp trở ngại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, nhưng đây cũng chính là yếu tố giúp phim gọi vốn cộng đồng thành công.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu
Pseudo Secular là tác phẩm lận đận của đạo diễn Hứa Nhã Thư

Dự án được giới thiệu không lâu sau cuộc “cách mạng ô vàng”, công chúng tò mò về cách điện ảnh khai thác vấn đề này. Nhận vốn đầu tư từ cộng đồng, đoàn phim Pseudo Secular phải chấp nhận lượng công việc tăng gấp ba, thường xuyên thông báo tiến độ sản xuất qua mail cho hơn 300 người đầu tư, đồng thời phải in bưu thiếp, làm các sản phẩm ăn theo phim gửi tặng họ.

Trước sự lên ngôi như vũ bão của nhiều hãng phim sừng sỏ, các công ty, ekip làm phim trẻ của Hong Kong và Trung Quốc không tránh khỏi loay hoay khi đối diện cảnh tượng cạnh tranh khốc liệt. Dù vậy, tinh thần làm phim tỉ mỉ và đam mê luôn giúp họ trụ vững với các sản phẩm chất lượng, nhiều thành ý. Khán giả xứ Trung ngày càng khắt khe hơn trong việc đánh giá phim. Trong khi nhiều dự án kinh phí thấp điềm nhiên thắng lớn cả doanh thu và phê bình, thì không ít bom tấn chấp nhận cảnh “ngã ngựa”. Gần đây nhất là siêu phẩm Asura (A Tu La) do hãng Alibaba của tỉ phú Jack Ma đầu tư sản xuất bị dừng chiếu chỉ sau ba ngày ra rạp, bị khán giả chỉ trích dữ dội vì có nội dung lộn xộn, nhảm nhí và phần kỹ xảo kém đẹp.

su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu Chân dung thầy giáo sư huynh trong 'Đại sư huynh' của các cô cậu học trò bất hảo
su but pha cua cac hang phim tre hoa ngu Dương Thái Ni trở lại màn ảnh sau 3 năm vắng bóng

Phong Kiều