(TGĐA) - Tưởng chừng đề tài thời chiến sẽ khó thu hút được giới trẻ nhưng Đinh Tuấn Vũ đã có nhiều hướng đi táo bạo để làm ra một bộ phim không chỉ chiều lòng thế hệ cũ.
5 chi tiết bí ẩn hại não của ‘Truyền thuyết về Quán Tiên’ | |
'Truyền thuyết về Quán Tiên': Bản năng và sự thanh tẩy |
Truyền thuyết về Quán Tiên được giới chuyên môn cùng nhiều khán giả đánh giá là một trong những phim Việt tốt nhất 10 năm trở lại đây. Thêm vào đó, bằng nhiều hướng đi táo bạo, Đinh Tuấn Vũ đã xoá mờ đi định kiến về dòng phim nhà nước chỉ nặng tính tuyên truyền mà thay vào đó, anh truyền tải một câu chuyện có sức hút riêng, khiến khán giả trẻ say mê khó rời.
Truyền thuyết về Quán Tiên có nhiều hướng đi táo bạo |
Cách dẫn dắt tinh tế, khác biệt
Truyền thuyết về Quán Tiên lấy bối cảnh năm 1967, kể về số phận của ba nữ thanh niên xung phong Mùi (Thúy Hằng), Phượng (Hồ Minh Khuê) và Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh) sống ở một hang động được gọi là “quán Tiên”, nằm giữa cao điểm rừng Trường Sơn, ngày ngày làm nhiệm vụ đón tiếp các anh lính lái xe tới nghỉ chân.
Mọi thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể “giết chết” họ bất cứ lúc nào, không phải vì bom đạn mà là nỗi cô đơn, thiếu hơi ấm phái mạnh.
Ngay từ đầu, Đinh Tuấn Vũ không coi ba nhân vật chính đang làm nhiệm vụ, mà chàng đạo diễn 8x muốn họ hiện ra trước mắt khán giả như những cô tiên hay công chúa ở một xứ sở kỳ diệu chẳng hề có thật, qua câu thoại nhiềm ý niệm, nặng sức tò mò của thủ trưởng Lâm (Nguyễn Minh Anh): “Ba cô công chúa bị thả vào rừng sâu, chỉ được vua cha trao cho một ngọn lửa, ông giao hẹn, ba cô phải giữ bằng được ngọn lửa đó …”
Sự đơn độc có thể giết chết các cô gái bất cứ lúc nào |
Ngọn lửa đó chính là hơi ấm nồng đượm của tình người, của những khát khao được yêu thương, nhưng nếu phải kìm nén quá lâu vì tình cảnh nước nhà, không chỉ họ mà bất cứ ai cũng sẽ trở nên “mục rữa” ngày qua ngày.
Không còn đó chủ nghĩa anh hùng, yêu nước mà chỉ còn lại diễn biến trong tâm lý mỗi nhân vật, mô tả cách mà họ sống và sinh tồn qua nghịch cảnh ra sao. Chỉ riêng khác biệt này cũng là yếu tố thu hút cực lớn.
Câu chuyện đầy xúc cảm, nhân vật có chiều sâu
Các nhân vật trong Truyền thuyết về Quán Tiên dù chính hay phụ cũng đều có vai trò riêng, không chỉ để đấy cho có. Người xem lớn tuổi sẽ thấy đồng cảm, say mê Thúy Hằng diễn cô Mùi là một người đàn bà đầy nghị lực nhưng luôn giày vò bản thân vì nỗi đau xa cách người yêu 5 năm, bỗng có mối liên kết kỳ lạ với con vượn thích đeo bám mình. Hay một thủ trưởng Lâm đầy toan tính và có tài lãnh đạo.
Ngược lại, người xem trẻ tuổi lại tìm thấy hình bóng ở những nhân vật như Phượng. Phượng thoát ra bản chất của con gái thời xưa, trở thành nàng thiếu nữ tuổi teen gần gũi thời đại, biết khuấy động nơi chiến trường buồn tẻ bằng sự tinh nghịch cùng những trò đùa tai quái.
Phượng là nhân vật "có một không hai" ở phim thời chiến Việt |
Tuyết Lan do Hoàng Mai Anh đóng tuy xuất hiện ít nhưng lại làm khán giả trẻ tò mò về căn bệnh Hysteria (thèm đàn ông), từng khiến không ít đàn bà thời bấy giờ gục ngã vì quá thiếu thốn tình cảm. Những trường đoạn Tuyết Lan lên cơn điên loạn, vùng vẫy vì chứng bệnh quái ác này làm ai nấy đều không khỏi xót xa lẫn ám ảnh, dù có sinh ra trong thời chiến hay không.
Cách mà ba cô gái phát triển tình cảm với ba anh lính Ku Xê (Leo Nguyễn), Thiệt (Trần Việt Hoàng) và Quỳnh (Lê Hoàng Long) đều được diễn tiến trơn tru, có đầu đuôi và cho ta những cảm nhận riêng.
Đặc biệt, mối quan hệ của Tuyết Lan và Ku Xê lẫn Phượng và Quỳnh đều hình thành trong nghịch cảnh, lấy cảm hứng rất nhiều từ đời thực, nhưng không vì thế thoại phim theo kiểu văn vở mà trái lại, mang hơi hướng trẻ trung, hài hước, duyên dáng và quyến rũ một cách khó cưỡng, cho ra đúng chất đời lính mà chúng ta đã từng say mê ở bất cứ câu thơ, câu văn nào thời đi học.
Hơn thế nữa, với việc âm nhạc được đầu tư lên tới tiền tỷ, mạch cảm xúc được hòa vào những ca khúc lúc có âm hưởng hào hùng, bi tráng, lúc lại trở nên lắng đọng và da diết. Nói không ngoa, từ giờ cho đến sau này, chắc chắn sẽ rất khó bộ phim nào sử dụng âm nhạc hòa hợp tốt với cảnh phim như Truyền thuyết về Quán Tiên, nhất là các cảnh đặc tả tâm trạng, thiếu thốn đến cùng quẫn của đàn bà thời chiến.
Gây tranh cãi cũng là một lợi thế
Nhân vật con vượn được đưa vào phim có thể là yếu tố câu khách, nhưng cũng không ngoại trừ lại là một sự tranh cãi để khán giả có thể nhớ mãi về Truyền thuyết về Quán Tiên.
Nó không chỉ là con quái thú được đồn thổi trong truyền thuyết “khỉ bắt đàn bà về làm vợ” mà nó còn mang đến số phận riêng. Những ai thưởng thức phim xong, đều không thể không ngậm ngùi, đấu tranh với chính mình, rằng tại sao bản thân lại suy nghĩ, đắn đo nhiều về một con thú đến vậy, nhất là ở đoạn kết.
Các trang mạng xã hội, các diễn đàn, fanpage về phim mọc lên ngày càng nhiều nhưng mấy khi các bạn trẻ phải mất công tranh luận về một cái kết nào đó ở phim Việt? Có người nói Đinh Tuấn Vũ xử lý kết phim chưa hoàn chỉnh, làm ai đó chẳng hiểu gì, có người khẳng định quá tuyệt vời vì nó đầy tính trừu tượng, làm chúng ta tưởng tượng ra nhiều ý nghĩa khác nhau. Dù hay hoặc dở nhưng phải là một tác phẩm có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, mới có thể sở hữu được điều đó.
Tạo ra nguồn cảm hứng mới
Chính vì “một mình một kiểu” giữa thị trường phim Việt hiện nay, Truyền thuyết về Quán Tiên vẫn nhận được sự quan tâm không nhỏ từ truyền thông mặc dù không quảng bá rầm rộ. Họ đều đưa những bản tin, bài báo cho thấy thế hệ cũ thỏa mãn, vui sướng, thế hệ mới hài lòng và bất ngờ thế nào khi bước chân ra khỏi rạp.
Đao diễn Đinh Tuấn Vũ đã thực sự tạo nên cảm hứng lớn lao |
Thế nên, Đinh Tuấn Vũ cùng các đồng nghiệp đã góp phần khẳng định, đề tài không làm khó được mình, nếu biết cách và lấy tiêu chí tôn trọng khán giả lên hàng đầu. Đạo diễn trẻ và tác phẩm của anh đã mang một làn gió mới, một nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh Việt từ nay về sau.
5 chi tiết bí ẩn hại não của ‘Truyền thuyết về Quán Tiên’ (TGĐA) - Không đơn thuần là một phim Việt thông thường, Truyền thuyết về Quán Tiên ... |
'Truyền thuyết về Quán Tiên': Bản năng và sự thanh tẩy (TGĐA) - Truyền thuyết về Quán Tiên đề cập đến một câu chuyện khác. Một câu chuyện ... |
Vũ Anh