(TGĐA) - Lúc ra mắt tại Hàn Quốc vào tháng 4/2002, The way home (Đường về nhà) đã thu hút hơn 4 triệu lượt khán giả khiến cho rất nhiều người tràn đầy cảm giác kinh ngạc xen lẫn nghi hoặc vì nếu đặt bên cạnh những “bom tấn” hành động gay cấn kích thích trí não hay các tác phẩm tình cảm lãng mạn đến mụ người thì quả thật cách kể chuyện của The way home quá đỗi dung dị. Mối quan hệ giữa một cậu bé và người bà ngoại bị câm trong bối cảnh vùng quê Jeetongma, quận Gyeongsang chỉ đơn giản là tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống bình thường của những con người cũng rất đỗi bình thường mà ta có thể bắt gặp được họ ở bất cứ đâu…
Poster bộ phim The way home |
“Bộ phim dành tặng cho tất cả những người bà trên thế gian”
Sang Woo là cậu bé thành thị 7 tuổi “chính gốc”. Bất đắc dĩ, cậu phải nghe lời mẹ về sống với bà ngoại một thời gian. Quê ngoại Sang Woo là 1 vùng quê nghèo hẻo lánh “đồng không mông quạnh”, dường như chẳng có trò gì khiến tinh thần Sang Woo phấn chấn kể cả việc ngồi nhìn những đứa trẻ lấm lem ở đây cứ cố tìm cách trốn chạy khỏi 1 con bò điên hàng ngày.
Nhưng tất cả vẫn không ngột ngạt bằng việc cậu phải chung sống với người bà bị câm và chẳng biết chữ. Có cảm tưởng Sang Woo xem bà còn không bằng một cái máy chơi game và cậu luôn thô lỗ mỗi khi bà quan tâm đến cậu. Cậu sẵn sàng quát tháo “Bà già chậm chạp!” chỉ vì bà không thể giết một con gián đang khiến cậu hoảng sợ. Cho đến một lần cậu đòi bà làm món gà rán, bà đã đội mưa đi mua gà về làm cho cậu ăn. Nhưng hỡi ôi, Sang Woo vừa khóc vừa hất bỏ chén cơm vì đó không phải là thứ gà Kentucky mà cậu thèm khát.
Khoảng cách giữa 2 thế hệ, khoảng cách giữa cuộc sống thôn quê - thành thị, và cả những khoảng cách “bất khả ngôn” giữa người và người đều thể hiện ở cảnh quay “đắt giá” này. Nhưng bà không hề giận hay đánh đập Sang Woo.
The way home là bộ phim tuyệt vời về tình bà cháu |
Cậu dần dần được “tẩy não” bằng tình yêu thương cần mẫn và thầm lặng của người bà. Thứ tình cảm này đã cảm hóa một cậu bé ích kỷ, hỗn láo trở thành đứa trẻ biết rớt nước mắt khi thấy bà vất vả kiếm tiền để mua cho cậu đôi giày mới, biết chăm sóc bà khi bà bị ốm, biết bỏ ngược lại cái bánh vào túi bà và biết mỉm cười khi cầm con robot đồ chơi bị hỏng đã được bà dán chằng chịt băng keo.
Buổi tối trước ngày Sang Woo trở về thành phố, cậu đã giúp bà se luồn cả chục cuộn chỉ cũng như cậu đã dạy bà những chữ viết đơn giản như “Bà ốm”, “Bà thương cháu lắm!” vì Sang Woo muốn sau này cả 2 bà cháu có thể viết thư cho nhau.
Kết thúc The way home là một sự chia li như một lẽ tất yếu khi Sang Woo phải theo mẹ trở về thành phố, còn người bà, đi trên những con đường ngoằn ngoèo đầy sỏi đá để trở về với cuộc sống lặng lẽ, cô đơn. Dòng chữ kết phim “Bộ phim này dành tặng cho tất cả những người bà trên thế gian” có lẽ chính là tất cả những gì phim gửi gắm, và nó đủ để khiến khóe mắt người xem cay xè khi họ nhớ lại những tháng ngày ấu thơ đã từng có một người bà tảo tần và đầy tình yêu thương...
Cảnh trong The way home |
Chuyện của đạo diễn, Yoo Seung Ho và “bà ngoại” Kim Eul Boon
Khi casting diễn viên cho phim The way home, đạo diễn Lee Jung Hyang từng nói, mình bị “khuất phục” hơn cả mức “thuyết phục” bởi sự trong sáng và cách diễn quá tài năng của cậu bé Yoo Seung Ho. Yoo Seung Ho, lúc ấy mới chỉ 9 tuổi, mọi thứ là bản năng, một lối diễn xuất tuyệt vời như được xây dựng trên nền tảng là kỹ năng nhưng lại không mang bóng dáng của những ngày khổ luyện. Bởi, là người từng thành công khi chọn hai ngôi sao Shim Eun Ha và Lee Sung Jae vào phim Phòng tranh bên vườn thú, Lee Jung Hyang nổi tiếng là người “kén chọn” vì nếu chỉ một chi tiết trong kịch bản chưa vừa ý, diễn xuất của diễn viên chưa tới với cảm nhận của mình, tác phẩm sẵn sàng bị đạo diễn đình lại vô thời hạn.
Vậy mà cậu bé Yoo Seung Ho, với những màn khóc lóc ấm ức đầy trẻ con, những câu văng tục ngớ ngẩn đã trở thành “linh hồn” giúp The way home thành công vượt ngoài mong đợi của nhà sản xuất.
Chỉ mới 9 tuổi nhưng Yoo Seung Ho đã thuyết phục khán giả khó tính nhất với vai diễn trong phim này |
Đạo diễn Lee nghĩ sau phim này, cái tên Yoo Seung Ho sẽ trở thành hiện tượng đặc biệt chứ không chỉ dừng ở mức là gương mặt diễn viên nhí mới. Và quả thật, tính đến thời điểm này, ở tuổi 24, Yoo Seung Ho được xem là “Em trai Quốc dân”, là “viên ngọc quí giá” mà điện ảnh Hàn đã sản sinh ra với bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ nếu so với tuổi tác của mình.
Còn diễn viên đóng vai người bà ngoại gù lưng, bị câm nhưng có tình thương vô bờ bến là Kim Eul Boon. Bà không phải là một diễn viên cho đến khi tham gia đóng The way home và thậm chí, bà còn chưa xem qua bất kì bộ phim nào.
Kim Eul Boon là một cụ bà sống ở thôn làng Hàn Quốc và đã được phát hiện trong một cuộc tìm kiếm tài năng rộng rãi của đạo diễn Lee Jung Hyang. Đạo diễn Lee cho biết, cô đã lấy cảm hứng từ người bà đã mất của mình để sản xuất bộ phim này.
Lần đầu tiên đóng phim nhưng bà Kim Eul Boon đã làm được điều mà không phải diễn viên chuyên nghiệp nào cũng làm được |
Lee lí giải về quyết định chọn Kim Eul Boon đóng vai người bà câm rằng: “Tôi chọn diễn viên không chuyên nghiệp không phải vì tôi muốn làm một bộ phim tài liệu. Ngay cả khi tôi viết kịch bản, tôi biết rằng chỉ có những người sống ở các làng xá xa xôi này mới có thể truyền đạt được một cảm giác nào đó dù không thể tránh khỏi chuyện họ chưa bao giờ diễn xuất trước đây. Trong việc tìm kiếm diễn viên đóng vai bà ngoại, bằng cách nào đó tôi nghĩ rằng, một khi tôi tìm thấy một nơi để quay bộ phim này thì sẽ có một người bà chờ đợi tôi ở đó. Thật giống như một phép màu vậy. Khi tôi quyết định về làng, tôi thấy bà ấy. Quan niệm chính của tôi là bà ngoại là bản chất - sức mạnh của thiên nhiên. Thiên nhiên không nói chuyện và vì vậy bà cũng không nói chuyện. Ngoài ra, người bà đại diện cho người cho tình yêu mà không có từ, đôi khi có thể vĩ đại và mạnh mẽ hơn”.
Điện ảnh Hàn & 2 bộ phim hay khác về người bà
Miss Granny (2014): Cũng là một câu chuyện đầy ý nghĩa về hình ảnh người bà 70 tuổi Mal Soon đã hi sinh cả tuổi trẻ để nuôi nấng con trai thành tài nay bị “hắt hủi” khi con dâu muốn đưa bà vào trại dưỡng lão. Ngay cả khi được “hồi xuân”, trở thành cô gái trẻ tuổi và thực hiện giấc mơ còn dang dở, Mal Soon vẫn luôn nghĩ cho những người trong gia đình, và bà đã hiến máu cho đứa cháu trai duy nhất để cứu lấy sinh mạng cháu bất kể điều này sẽ khiến bà lại trở về làm 1 bà lão già nua, xấu xí.
Canola (2016): Phim kể về cuộc gặp gỡ sau 12 năm xa cách của cô cháu gái Hye Ji và bà nội của mình là Gye Choon. Hye Ji là một cô bé học sinh trung học có tài năng hội họa, nhưng trong khoảng thời gian bị thất lạc và trải qua những biến cố, cô đã cùng những người bạn của mình làm nhiều chuyện xấu như ăn cắp, tống tiền… Bà Gye Choon là một nữ thợ lặn sống ở đảo Jeju, sau khi bị thất lạc cháu gái, bà đã không ngừng tìm kiếm cháu gái mình suốt hơn 10 năm. Cuộc gặp lại đầy bỡ ngỡ sau nhiều năm xa cách của hai bà cháu và những diễn biến sau đó đã đưa đến những sự việc không ngờ. |
Cao Nga