(TGĐA) - Tro tàn rực rỡ lên ngôi cao nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII đã nhận về nhiều sự đồng tình của các chuyên gia và khán giả.
'Gia tài' giải thưởng của 'Tro tàn rực rỡ' trước khi được gửi tham dự Oscar | |
'Tro tàn rực rỡ' đại thắng tại LHPVN lần thứ XXIII |
Bùi Thạc Chuyên trên bục nhận giải Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ XXIII cho Tro tàn rực rỡ, anh nói rằng mình mất 10 năm không thể làm phim vì rơi vào trạng thái "trầm cảm", cho đến khi được đọc hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Thạc Chuyên cùng ê-kíp của mình mới đi khắp các tỉnh Tây Nam Bộ để tìm bối cảnh ưng ý.
Anh nói rằng, đó là miền đất đặc biệt, mang nét hồn nhiên và mộc mạc, con người sống gần gũi và phóng khoáng, khiến tâm hồn anh như được "chữa lành" và thôi thúc bản thân làm ra một bộ phim lấy cảm hứng từ tính cách và tình yêu của những người miền Tây.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng diễn viên Lê Công Hoàng và Juliet Bảo Ngọc Doling trên bục nhận giải Bông sen vàng |
Tro tàn rực rỡ xoay quanh chuyện tình yêu, vợ chồng của ba người phụ nữ: Hậu (Bảo Ngọc Doling) không được chồng ngó ngàng, Nhàn (Phương Anh Đào) cam chịu người chồng đốt nhà hết lần này đến lần khác và Loan "khùng" (NSƯT Hạnh Thúy) phải lòng kẻ thù của mình. Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, mỗi người phụ nữ đều có số phận và hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là, anh muốn khắc họa nét đẹp của những tình yêu ấy. Đó là bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì có thể làm họ dừng lại.
Tro tàn rực rỡ mô tả thân phận khác nhau của những người phụ nữ nhưng đều có tình yêu mãnh liệt |
Tro tàn rực rỡ mang một không khí ảm đạm và nặng nề, nhưng không vì thế thiếu sức thấu cảm trong câu chuyện. Những khung hình của bộ phim chủ yếu là những cảnh người đàn bà lam lũ làm lụng, hết việc này tới việc khác nhưng được soi qua ống kính của sự chia sẻ và cảm thông, bởi đó dường như là nỗi cô đơn thầm lặng mà phận đàn bà sinh ra vốn đã phải chịu đựng.
Tuy vậy, thứ họ mong muốn nhất chính là được người đàn ông nhìn thấy tình yêu của mình. Trong đó, nhân vật Hậu sống trong thân phận của một kẻ thay thế, khi chồng vẫn nhớ nhung người cũ, nhưng đó chưa là gì so với Nhàn, bởi cô mất đi tất cả sau một thảm kịch, cố gắng yêu chiều chồng hết sức có thể nhưng đổi lại là sự xa cách và oán hận. Loan "khùng" là một thân phận đặc biệt hơn, cô ta liên tục quẩn quanh kẻ đã hại đời mình để chửi bởi, nhưng rốt cuộc chỉ mong kẻ đó dám một lần nữa đối mặt với mình.
Họ làm tất cả chỉ muốn được đàn ông nhìn thấy tình yêu của mình |
Thế nên nếu ai xem phim, không khó để nhận ra hình ảnh "nước" tượng trưng cho phụ nữ, là sự phó mặc và cho một kiếp sống vô định, nhưng cũng có thể là sự chịu đựng và gắng để cho những đau khổ trôi đi, để được sống trọn vẹn với tình yêu dành cho người đàn ông mình yêu. Tuy vậy, đối lập lại với nó chính là hình ảnh "lửa" qua con mắt của Tam (Quang Tuấn), người chồng của Nhàn bùng lên một ham muốn dữ dội, nhưng nói đúng hơn chính là sự bất lực nam tính bởi có lẽ định kiến dành cho nam giới cũng không hề nhỏ.
Hình ảnh lửa là một trong những biểu tưởng đầy xúc cảm của phim |
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng nói rằng: "Cấu trúc xã hội châu Á khiến người đàn ông rất dễ gặp khủng hoảng vì họ bị đặt lên mình trọng trách lớn, cũng như áp lực phải là trụ cột vững chắc cho gia đình. Thành ra đôi khi họ rất dễ bị sụp đổ và lúc đó, vai trò xoa dịu của người phụ nữ cũng rất quan trọng". Để thể hiện cho nội tâm của người đàn ông, hình ảnh "lửa" trong phim thực sự rất quan trọng, Bùi Thạc Chuyên chia sẻ việc quay phim K'linh và ê-kíp chấp nhận chịu bỏng, rát, để quay lửa thật diễn ra gần như cơm bữa, bởi tất cả đều muốn lửa trong phim cũng phải biết "diễn", chứ không thể nào mà sử dụng kỹ xảo nhưng vô hồn.
Phim cũng nghiêng cán cân về phim người đàn ông |
Thành công của phim cũng khó thể không kể tới công sức của dàn diễn viên, trong đó có Lê Công Hoàng - thủ vai Dương, gã đàn ông bỏ mặc vợ mình chỉ để sống với sự cô đơn trên biển khơi. Ấn tượng nhất, có lẽ là những trường đoạn anh ta leo chèo trên những sợi dây nguy hiểm ở đáy hàng khơi, qua một góc máy chông chênh, vừa đủ xa, tựa như một cách nhấn nhá của Bùi Thạc Chuyên, nhằm thể hiện đó là một thể giới không thể động tới của đàn ông sau những tan vỡ, mà người đàn bà nếu không mềm mỏng và nhẫn nhịn, có lẽ chẳng thể nào động tới.
|
Chia sẻ với TGĐA sau khi giành được giải Nam phụ xuất sắc nhất LHPVN lần thứ XXIII, Lê Công Hoàng nói anh rất tâm đắc với cảnh cuối, bởi đạo diễn đã mở ra một lối đi, một sự cố gắng để hàn gắn của Dương và Hậu. Dương đã chịu mở lời với vợ, còn Hậu xuôi theo dòng nước ra khơi để tìm chồng, đó không còn là dòng nước phẳng lặng mà giờ đây có lẽ sẽ là những con sóng dữ dội để muốn khẳng định tình yêu và cái tôi nhiều hơn. Thật mừng vì Bùi Thạc Chuyên đã làm vậy, bởi càng về cuối, màu sắc của phim chỉ còn một màu xám buồn bã, như ẩn ý cho sự chịu đựng của những người phụ nữ ngày càng bị héo úa.
Một thế giới để người phụ nữ có thể "động" tới |
Làm ra bộ phim này, Bùi Thạc Chuyên không chỉ có một hành trình tự "chữa lành" mà còn cùng nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc tìm kiếm quỹ điện ảnh để xin đầu tư, cố gắng thuyết trình bằng tiếng Anh cho những người nước ngoài hiểu về văn hóa và tính cách của con người Việt.
Rốt cuộc, những nỗ lực để làm ra một tác phẩm có chiều sâu của anh đã được đền đáp, bởi không chỉ giành được những giải thưởng danh giá, mà Tro tàn rực rỡ còn lấy lại được niềm tin của khán giả vào điện ảnh, nhất là những ai cho rằng thật khó để tìm ra một bộ phim Việt có chiều sâu và giàu sức gợi tả trong từng khung hình.
|
'Gia tài' giải thưởng của 'Tro tàn rực rỡ' trước khi được gửi tham dự Oscar | |
'Tro tàn rực rỡ' đại thắng tại LHPVN lần thứ XXIII |
Vũ Anh