Vì sao ‘The Brutalist’ gây tiếc nuối khi không giành được Oscar?

(TGĐA) - The Brutalist – bộ phim đang được giới phê bình ca ngợi không ngớt với việc tái hiện lại nỗi đau của người Do Thái phải hứng chịu bởi thảm sát Holocaust nhưng theo một cách rất khác, cũng như khiến bất cứ con tim nào “đau nhói” khi theo dõi màn trình diễn xuất sắc của nam tài tử Adrien Brody.

Đề cử Oscar 2025: 'Emilia Pérez' dẫn đầu với 13 đề cử Đề cử Oscar 2025: 'Emilia Pérez' dẫn đầu với 13 đề cử

Từ nỗi đau diệt chủng đến giấc mơ Mỹ

The Brutalist lấy bối cảnh những năm 1940, nhân vật chính László Tóth, là người Do Thái Hungary thoát thảm cảnh lò thiêu Holocaust trong Thế chiến thứ Hai để nhập cư vào nước Mỹ, chịu nỗi đau xa cách người vợ của mình suốt gần 10 năm trời. László Tóth đến Mỹ tìm kiếm giấc mơ, một mái nhà để được trở lại “làm con người”.

Tuy vậy, mọi thứ lại dẫn cuộc đời của László đến một bi kịch khác, khi anh được thuê làm kiến trúc sư cho một công trình văn hóa cộng đồng đầy tham vọng mà anh vô cùng tâm huyết, từ cha con tay nhà giàu Van Buren đốn mạt và hiểm độc.

Vì sao ‘The Brutalist’ gây tiếc nuối khi không giành được Oscar?
The Brutalist gây tiếng nuối khi để mất tượng vàng Phim hay nhất

Rời khỏi quê hương tìm kiếm tự do với giấc mơ Mỹ, nhưng László đã bị những kẻ hiểm ác tước đi trái tim và linh hồn, bị những tư tưởng định kiến về người nhập cư “dìm” xuống đáy xã hội.

Bộ phim phô bày thảm kịch của người Do Thái sau chiến tranh, đó là nỗi đau mất đi quê hương, mất gia đình, xa cách những người mình yêu thương, cũng như bị đối xử tệ bạc và không thể hòa hợp đối với cộng đồng mới vì những khác biệt trong cách sống và tư tưởng cực đoan.

Ngay từ những phút đầu phim, The Brutalist gây ấn tượng mạnh với phần âm nhạc, khi tác phẩm sử dụng những tiếng kèn chói tai inh ỏi, tượng trưng cho những âm thanh của khát khao được sống lại lần nữa, nhưng sau đó lại là hình ảnh tượng Nữ thần tự do quay ngược, báo hiệu cho hành trình đầy trắc trở của László Tóth nơi xứ người.

Phim vẽ ra một thế giới đầy đen tối, nơi tình thân cũng chỉ là thứ yếu. László Tóth tưởng như có thể dựa dẫm vào gia đình người em họ Attila, cho anh một công việc trong công ty nội thất với một khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng rồi anh nhận ra mình cũng chỉ quá khứ đen tối mà họ muốn xua đuổi vì tư tưởng bài xích Do Thái. Nhưng đó chưa phải là những gì kinh khủng nhất mà người đàn ông đáng thương này chịu đựng.

Sánh tạo bằng hình ảnh

The Brutalist – tên phim được gọi theo một trường phái kiến trúc thô mộc là “Brutalism” và dường như, sự “thô mộc” cũng là tiêu chí và hướng đi để đạo diễn Brady Corbet để làm nên một tuyệt tác điện ảnh, với kinh phí chỉ khoảng 9 triệu USD.

Phim được quay với định dạng VistaVision là định dạng sử dụng phim khổ 35mm, nhưng lại cho hình ảnh rộng và sắc nét hơn, cũng như có thể đặt máy quay tĩnh mà vẫn có thể mang tới những khung hình choáng ngợp, cũng như làm bật lên những chi tiết nhỏ của những công trình kiến trúc trong phim, góp phần mô tả và làm nổi bật con người của László – một người nghệ sĩ đầy sự sáng tạo, uyển chuyển và bay bổng trong suy nghĩ, nhưng cùng với đó nỗi cô đơn, nỗi đau khi sức mạnh của nghệ thuật bị tiền bạc và quyền lực chi phối.

Vì sao ‘The Brutalist’ gây tiếc nuối khi không giành được Oscar?
Phần quay phim tuyệt đẹp

Có một điểm thú vị là László không theo trường phái kiến trúc Brutalist ban đầu mà anh xuất thân là trường phái Bauhaus. Phải chăng, nhân vật chính của chúng ta sử dụng sự tối giản của Brutalist, như một cách để chống lại chủ nghĩa phô trương quyền lực của những kẻ độc tài đã gây ra nỗi đau cho gia đình, cho dân tộc của anh.

Tại Giải thưởng BAFTA, The Brutalist đã giành giải Quay phim xuất sắc nhất, khẳng định sự xuất sắc trong nghệ thuật quay phim của tác phẩm này.

Diễn xuất uyển chuyển tạo nên cao trào và xúc động

Nam chính Adrien Brody từng đem về giải Oscar trong bộ phim Nghệ sĩ dương cầm (2002), cũng vì đã thể hiện xuất sắc nỗi đau của người Do Thái. Trong The Brutalist, vẫn là Brody với khuôn mặt khắc khổ và đáng thương nhưng lần này, anh đi sâu tới tận cùng nỗi ám ảnh và hoảng loạn vì vấn đề chủng tộc phức tạp và nhập cư ngoài châu Âu của László, anh ta lạc lối và đắm mình trong nghiện ngập.

Sự nghiệp của Brody có ít nhiều điểm tương đồng với László, từng đoạt giải Oscar nhưng một thời gian rất dài cũng bị giới mộ điệu quên lãng một cách đáng tiếc. Sau hơn 20 năm, Brody mới có một vai diễn xứng tầm.

Guy Pearce trong vai tay nhà giàu Van Buren biến chất và biến thái cũng có một màn trình diễn để đời. Van Buren được xây dựng dựa trên sự bóp méo của chủ nghĩa thực dụng, tưởng như tử tế và hào phóng với kẻ có tài nhưng hóa ra, gã lại cực kỳ nham hiểm và tàn nhẫn, trở thành kẻ bóc lột và khiến cho László ngày một kiệt quệ, mất niềm tin vào những giá trị anh theo đuổi. Nhưng ấn tượng hơn cả, chính là diễn xuất của Felicity Jones với vai Erzsébet – người phụ nữ tri thức, tàn phế, nhưng bao dung chồng mình bằng cả tấm lòng, bất chấp mọi thứ để bảo vệ anh.

Vì sao ‘The Brutalist’ gây tiếc nuối khi không giành được Oscar?

Cái giá của nghệ thuật “quá đắt”?

Nhắc lại về tên phim, “Brutalism” hay bị đọc sai thành “Bruto”, có nghĩa là “tàn bạo”, và một trong những cảnh phim ám ảnh và tàn bạo nhất, là khi Van Buren cưỡng hiếp László ở mỏ đá cẩm thạch tuyệt đẹp. Liệu rằng đây có phải là chi tiết để nói lên cái giá của nghệ thuật luôn là rất “đắt” và để sống và tồn tại bất chấp thời đại, nghệ thuật đích thực đã phải chịu biết bao cuộc đàn áp khốc liệt.

Những người nghệ sĩ như László được người yêu cái đẹp tôn vinh, không chỉ vì những kiệt tác anh tạo ra, mà còn hành trình và ý nghĩa được gửi gắm trong đó, trải ngược lại những kẻ có tiền, có quyền chỉ quan trọng về kết quả và lợi ích.

Việc đạo diễn Brady Corbet xây dựng László ở đoạn kết phim như một nhân vật có thực, có thể hiểu như một sự khẳng định, bởi đã là cái đẹp đích thực, sẽ luôn có giá trị ở bất cứ thời đại nào. Như chủ nghĩa “Brutalism” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, cũng bắt đầu dần trở lại trong nghệ thuật kiến trúc thời nay.

Vì sao ‘The Brutalist’ gây tiếc nuối khi không giành được Oscar?

The Brutalist quả thực xứng tầm như một bộ phim sử thi về cái giá phải trả cho việc theo đuổi những tầm nhìn nghệ thuật lớn. László Toth là một người nhập cư có ước mơ quá vĩ đại với một người đàn ông nghèo khó cùng địa vị nhỏ bé có thể tự mình đạt được. Chiến tranh đã tước đi của Toth mọi thứ, từ giấy tờ, hành lý, gia đình, sự nghiệp. Vết thương từ chiến tranh và nạn diệt chủng để lại cho anh những nỗi đau về thể xác, tinh thần nhưng không thể nào cướp đi khát khao về nghệ thuật chân chính.

Và dù The Brutalist có lên ngôi cao nhất tại giải Oscar năm nay hay không, thì đây là tác phẩm mà bất cứ ai yêu nghệ thuật, dù ở lĩnh vực nào nên thưởng thức và chiêm nghiệm một lần.

Sean Baker lập kỷ lục 'vô tiền khoáng hậu' tại Oscar với 'Anora' Sean Baker lập kỷ lục 'vô tiền khoáng hậu' tại Oscar với 'Anora'
Chiến thắng của 'Anora' tại Oscar khiến cư dân mạng gây tranh cãi Chiến thắng của 'Anora' tại Oscar khiến cư dân mạng gây tranh cãi

Vũ Anh