Chỉ có thể là Họa bì

Dàn diễn viên siêu… hút khách

(TGĐA) - Tại sao nói Họa Bì là phim xuất sắc nhất trong năm của Trung Quốc? Tại sao Họa Bì được chọn tham dự Oscar 2009? Tại sao nếu bỏ qua Họa Bì, bạn sẽ chẳng thể hiểu được những lý do trên? Tất cả không ngẫu nhiên chút nào…


Kịch bản kinh dị

Trước tiên, phải nói đến “nguyên nhân” đẹp nhất khiến Họa Bì trở thành tâm điểm của điện ảnh Trung Quốc trong năm nay. Đó chính là kịch bản chuyển thể từ bộ truyện kinh dị nổi tiếng nhất Trung Hoa - Liêu Trai Chí Dị (Bồ Tùng Linh). Phim kinh dị - mà người Việt Nam hay gọi là phim ma - chưa bao giờ thiếu sức hấp dẫn. Trong cơn lốc phim kinh dị Mỹ với “máu me” và “giết chóc” nhiều năm qua, sự trở lại của dòng phim kinh dị cổ trang cùng những phép thuật biến hình - vốn là “khoái khẩu” của dân châu Á - đã làm nên một “hiện tượng lạ” đáng phải để mắt tới trong năm nay.

Một phiên bản Họa Bì khác (nếu có) với Lưu Đức Hoa, Quách Phú Thành, Củng Lợi…, chưa chắc hấp dẫn và hút khách bằng dàn “ngôi sao” thế hệ sau trong Họa Bì của Trần Gia Thượng như: Triệu Vy, Châu Tấn, Trần Khôn, Tôn Lệ, Thích Ngọc Vũ… Đơn giản vì khán giả hiện tại của Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung - những người trẻ và cả những người không còn trẻ - đanglà một fan club khổng lồ của “Én nhỏ” Triệu Vy, Châu Tấn và “tiểu sinh” Trần Khôn. Với Họa Bì, khán giả sẽ cảm thấy luồng sinh khí mới mẻ và ngây ngất khi được ngắm những gương mặt trẻ, đẹp và diễn xuất cũng đẹp không thua các bậc tiền bối.

Câu chuyện tình đẹp

Mối tình tay ba luôn là mấu chốt của mọi câu chuyện tình yêu.Họa Bì cũng vậy, mối tình tay ba giữa đại tướng quân Vương Sinh, người vợ hiền Bối Dung và nữ Hồ ly Tiểu Vy sẽ lấy được nước mắt người xem vì sự đồng cảm với người đàn ông, vốn là bậc đại trượng phu “dời non lấp biển” nhưng rồi cũng phải mềm lòng trước sắc đẹp mê hoặc của nữ Hồ ly; người vợ hiền phải chứng kiến cảnh người chung chăn gối với mình đi theo tiếng gọi của dục vọng nơi người đàn bà khác; nữ Hồ ly - kẻ đại diện cho hạng phụ nữ chiếm hữu - bất chấp thủ đoạn để giành được trái tim của người mình yêu.

Nhưng tình yêu là điều có thật trong trái tim tưởng chỉ có thù hận và ích kỷ của nữ Hồ ly, để rồi ma nữ phải tự hủy hoại bản thân để một lần được biết đến hai chữ “tình người”. Câu chuyện muôn thuở nhưng lại không hề… cũ cho tất cả mọi người.

Những cảnh đẹp nhuốm đầy cảm xúc

Truyện phim lấy bối cảnh Trung Hoa phong kiến, tận dụng tất cả những khung cảnh rộng, hoang sơ để lột tả các ý tưởng ma quái và rộng lớn của dòng phim ma cổ trang. Những sa mạc dài như bất tận, những màn đêm đen kịt cô độc đến muôn trùng, những khoảng không tĩnh mịch âm u đầy rẫy những cạm bẫy, có cả những cảnh trí hãi hùng của “người ngợm, xôi thịt”, máu chảy tràn, nước mắt đớn đau và sợ hãi… nhưng không thể không nhắc đến những cảnh đẹp đầy cảm xúc của những nụ hôn, những va chạm làm run rẩy tâm hồn, những vết trượt dài của dục vọng và sám hối…, tất cả đều được Họa Bì vẽ nên thật sinh động và hoành tráng.

Hóa trang cực… “đỉnh”

Mỗi nhân vật trung tâm của Họa Bì đều được thiết kế riêng về hình ảnh để phục vụ tối đa cho tính cách đặc thù trong phim. Nếu đại tướng quân Vương Sinh (Trần Khôn) xuất hiện oai phong lẫm liệt như… núi đá trên sa trường không chút cảm xúc thì lại cũng có một Vương Sinh dằn vặt, đấu tranh trong tâm hồn với mái tóc dài liêu trai và đầy nhục cảm khi tha thẩn trong cõi tình yêu chân thành và dục vọng tầm thường.

Chỉ nói riêng về hình xăm trên cánh tay trái của Vương Sinh cũng đủ làm trào lên những tình cảm thương mến, hâm mộ, ghen ghét và quyến rũ chết người trong lòng khán giả. Triệu Vy xuất hiện nữ tính và yếu mềm đến mê đắm, rồi hoảng loạn với mái tóc trắng cùng nước mắt và máu đỏ từ đôi mắt yêu kiều. Châu Tấn thơ ngây trong bộ dạng lả lơi, xộc xệch như miếng mồi ngon đầy nọc độc. Từng nhân vật của Họa Bì được chăm chút về mặt tạo hình đạt chất lượng biểu cảm không chỉ trong mục tiêu làm người ta sợ mà còn đủ sức mạnh nội hàm để làm người ta cảm thấy đồng cảm và thích thú.

Anh Huy