Đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Như có một bàn tay vô hình đã sắp xếp cho tôi làm bộ phim này!”

Thưa ông, chuyến đi thực tế vừa rồi thế nào?

Đó là lời của đạo diễn khi nói về dự án đưa Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm lên phim. Đừng đốt, bên trong đã có lửa là nguyên văn câu nói của trung sỹ Nguyễn Trung Hiếu khi đưa cuốn nhật ký này cho Fred , người lính Mỹ, và được lấy làm tên cho kịch bản của đạo diễn Đặng Nhật Minh.


Sau khi được nhà nước đặt hàng và dự kiến cuối năm 2007 hoàn thành, tạp chí Thế giới điện ảnh đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn khi ông vừa trở về sau chuyến đi thực tế ...

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Rất xúc động và bổ ích! Chúng tôi đã có chuyến đi thực tế về Đức Phổ -Quảng Ngãi, bối cảnh chính trong cuốn nhật ký của liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Được gặp những người cùng chiến đấu với chị, được nghe những câu chuyện cảm động về chị không chỉ trong phạm vi cuốn nhật ký miêu tả mà còn trước đấy rất nhiều. Xúc động nhất là khi chúng tôi leo lên đỉnh núi, thăm lại nơi chị hy sinh cách đây 35 năm . Dấu vết xưa vẫn còn... Ba tiếng trèo núi, vừa đi vừa nghĩ lại hình ảnh liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm - một người con gái Hà Nội mảnh mai, vai đeo túi cứu thương, từng khiêng cáng thương binh ngày ngày leo trên những con dốc như thế này mà càng thêm cảm phục.

Bối cảnh ở đó có khác nhiều so với tưởng tượng ban đầu của ông không?

Thực ra tôi cũng đã lường trước điều này. Hơn 30 năm, dấu vết xưa đã không còn nhiều, chỉ còn lại cảm xúc. Chúng tôi sẽ khôi phục lại, cũng sẽ trên mảnh đất này nhưng sẽ tính toán cho phù hợp.

Theo kịch bản của ông thì bối cảnh không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước?

Đúng vậy! Đừng đốt, bên trong đã có lửa không chỉ xoay quanh nhân vật chính: Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm mà còn là câu chuyện về số phận cuốn nhật ký của chị, đó cũng là một phần rất hấp dẫn và cảm động của bộ phim . Như chúng ta biết thì cuốn nhật ký được hai người lính Mỹ đem về, nó đã tác động đến cuộc đời họ như thế nào, tất nhiên bộ phim phải đề cập đến, và do đó phải có những trường đoạn quay ở Mỹ.

Đừng đốt, bên trong đã có lửa sẽ mang lại điều gì, thưa ông?

Đừng đốt, bên trong đã có lửa là một bộ phim truyện có hư cấu nhưng hết sức tôn trọng sự thật. Chúng tôi cố gắng huy động tối đa các phuơng tịên biểu đạt của ngôn ngữ điện ảnh để đem đến cho người xem những cảm xúc khác với khi đọc cuốn nhật ký. Phim có hai nhân vật chính: Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm và cuốn nhật ký. Đừng đốt, bên trong đã có lửa là bộ phim khẳng định cái Đẹp, cái cao cả trong con người.

Sau khi cuốn nhật ký được công bố, được biết Cục điện ảnh Việt Nam cũng đặt hàng các tác giả viết về đề tài này. Đừng đốt, bên trong đã có lửa cũng xuất phát từ đây?

Không! Tất cả các phim của tôi từ trước tới nay đều do tự nung nấu, tới độ chín thì viết. Kịch bản này cũng vậy, tôi viết từ sự thôi thúc bên trong và không biết có cuộc thi hay đặt hàng nào. Sau khi đọc xong cuốn nhật ký và nghe những câu chuyện xoay quanh nó tôi đã suy nghĩ rất nhiều và lẳng lặng viết, một mạch thẳng kịch bản mà không phải lên đề cương. Viết xong, một hôm thấy ông Nguyễn Phúc Thảnh (Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ - PV) gọi điện hỏi thăm về kịch bản Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và muốn xem. Lúc đó tôi sắp đi công tác nước ngoài nên phải đến 1 tháng sau mới gửi được. Sau đó một thời gian tôi được thông báo hai hội đồng: Hội đồng duyệt kịch bản của Bộ VH-TT và Hội đồng tư vấn của Cục ĐA đã nhất trí đề nghị Bộ VH-TT chọn kịch bản Đừng đốt, bên trong đã có lửa làm phim theo diện nhà nước đặt hàng.

Vì sao ông lại chọn hãng phim Hodafilm để thực hiện việc sản xuất kịch bản này ?

Tôi hiện là một đạo diễn, một biên kịch tự do không thuộc biên chế hãng phim nào. Vì vậy, khi kịch bản được duyệt và được sự cho phép của gia đình liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm, trước khi quyết định đưa vào sản xuất Bộ Văn hoá - Thông tin có hỏi tôi: muốn đưa về Hãng nào? Tôi đã chọn hãng Hodafilm thuộc Hội điện ảnh Việt Nam do duyên nợ. Đó là Hãng phim đã từng làm phim Thương nhớ đồng quê khi còn làm Tổng thư ký Hôị điện ảnh.

Cụ thân sinh ra ông là giáo sư - bác sỹ Đặng Văn Ngữ và bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm cùng hy sinh ở chiến trường, chắc điều này lay động ông nhiều?

Đúng như vậy! Cha tôi và Đặng Thuỳ Trâm đều là Bác sỹ, có cùng một lĩnh vực hoạt động, cả hai đều ngã xuống ở chiến trường khi đang làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của hai người khiến tôi có cảm giác gần gũi về mặt tinh thần. Khi đến gặp gia đình liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm tôi mới biết thêm rằng: Tôi và chị cùng quê ở Huế và Đặng Thuỳ Trâm trước đây từng là học trò của cha tôi. Có thể nói, như có một bàn tay vô hình nào đó đã sắp xếp tôi làm bộ phim này.

Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm: Một phần lịch sử, một câu chuyện cảm động và là sự kiện văn hoá được công chúng kỳ vọng lớn khi lên phim. Chắc đó là áp lực với ông?

Sau khi kịch bản được duyệt rồi thì theo tôi có ba công việc khó nhất: tổ chức sản xuất, thiết kế mỹ thuật và chọn diễn viên. Cách biệt 35 năm là khoảng thời gian quá lớn với trình độ hoá trang của điện ảnh nước ta hiện nay. Nhưng dầu sao vẫn phải tìm cách khắc phục. Hiện tại, tôi chưa chuẩn bị gì nhiều cho những việc đó bởi đang dốc sức cho kịch bản phân cảnh. Đây là cơ sở mấu chốt cho các công việc khác trong đoàn làm phim có thể triển khai. Hiện nay tôi không nghĩ gì khác ngoài hình ảnh của bộ phim tương lai. Nói vui một chút, hiện đầu tôi như một phòng chiếu phim mà từng cảnh của bộ phim tương lai cứ hiện lên rõ dần từng ngày một . Tôi cho rằng người đạo diễn càng hình dung rõ nét bao nhiêu bộ phim mình sắp làm thì càng không bao giờ phải lúng túng khi thể hiện.

Xin cảm ơn ông!

Gia Hoàng