Điện ảnh Việt Nam trên chặng đường mới (tiếp theo và hết)

(TGĐA) - Xu hướng sáng tác thuộc số những đối tượng trọng yếu khi đánh giá thực trạng sáng tác. Xu hướng sáng tác phim truyện Việt Nam, nói chung, không sa vào các trào lưu tư tưởng và triết học xa lạ, cũng không thâm sâu; mà thường bám sát hoặc bị hiện thực cuộc sống chi phối, thường hình thành xu hướng một cách tự phát theo nhu cầu - nhất là nhu cầu trước mắt của thị trường. 

dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức thành công Trại sáng tác kịch bản tại Đà Lạt
dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het Điện ảnh Việt Nam trên chặng đường mới

Xu hướng có tầm vóc và ảnh hưởng lớn nhất đối với phim truyện Việt thời gian qua là “thương mại hóa”. Phim thương mại mang bản tính giải trí. Thương mại và giải trí cùng có mục tiêu kinh doanh, song chúng khác biệt nhau ở giải pháp cùng mức độ thực thi để đạt mục tiêu. Về tổng quát, trào lưu giải trí đi ngược với văn hóa phong kiến. Nó công nhận nhu cầu hưởng thụ chính đáng của con người, vì thế tôn trọng con người, góp phần làm cho xã hội thêm nhân đạo và dân chủ. Phim giải trí cần được đánh giá đúng mức, xét từ góc độ kết cấu tâm lý con người. Nó có khả năng hòa hợp nhiều cá thể, giải tỏa khúc mắc và giúp hình thành cấu trúc nhân tính con người hoàn chỉnh, phong phú hơn.

dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het
Poster phim Sài Gòn anh yêu em

Phim giải trí lấy hình thức biểu đạt tự nhiên của nó để thể hiện chủ đề con người, đối thoại trực tiếp với yêu cầu cơ bản của con người. Công năng chủ yếu của phim giải trí là thỏa mãn nhu cầu cá thể và góp phần giải tỏa áp lực xã hội đối với cá thể. Tuy nhiên, nếu lạm dụng giải trí để đạt mục tiêu kinh doanh đơn thuần như ý chí của chủ nghĩa thương mại, thì giải trí sẽ tùy mức độ thể hiện mà đánh mất giá trị vốn có của nó. Đã từng có giai đoạn xuất hiện hàng loạt phim thương mại, đặt mục tiêu câu khách lên hàng đầu. Từ đề tài, tựa phim đến cấu trúc câu chuyện, nhân vật.... đều mang đậm dấu hiệu quảng cáo, có khi khá trơ trẽn, thiếu văn hóa, hạ thấp giá trị cao cả của một loại hình nghệ thuật vừa truyền thống vừa hiện đại như điện ảnh.

Nếu thời gian trước, từng xuất hiện hàng loạt phim hài nhảm, sex, đồng tính, có yếu tố mại dâm hoặc ma quái bị dư luận phê phán; thì gần đây nhiều nhà sản xuất và tác giả đã chuyển hướng một cách đúng đắn, kết hợp khá nhuần nhuyễn các yếu tốc tư duy (nghệ thuật) với giải trí (thương mại). Thực tế cho thấy, chỉ có phim hay, kết hợp hài hòa giữa tư duy với giải trí, mới đạt thành công toàn diện - cả về lợi ích xã hội lẫn doanh thu. Phim đơn thuần tư duy vẫn xuất hiện đây đó với mục đích thể nghiệm và thi tài tại các Liên hoan phim, song phim đơn thuần giải trí thì khó tìm được chỗ đứng trong kinh doanh.

Thực chất,“nghệ thuật” hay “thương mại”, “tư duy” hay “giải trí” thường là kết quả của phương thức và phương pháp thể hiện mà thôi. Một đề tài chính trị nghiêm túc, một câu chuyên hỗn mang mà được thể hiện bằng cảm xúc – tình người, bằng tiêu chí đạo đức sâu săc thì vẫn có khả năng thương mại. Trong khi đó, một ý niệm bâng quơ, một mối quan hệ vụ lợi mờ ám nào đó mà được thể hiện bài bản, sâu sắc, chính xác, nhân văn thì sẽ trở thành phim nghệ thuật. Thực ra, để có được một bộ phim thương mại đích thực, hoàn toàn không đơn giản. Cũng như để có được một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao phải đáp ứng nhiều đòi hỏi đặc thù.

Do đó, chớ nên cực đoan một chiều, chỉ tán dương loại này hoặc chỉ bài bác loại kia. Nhiệm vụ của các nhà làm phim là kéo gần hai dòng phim này lại với nhau bằng cách “hấp dẫn hóa” phim nghệ thuật và “bổ ích hóa” phim thương mại; khiến chúng hòa thành một. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh -- bài thơ lung linh tâm hồn trẻ thơ, chạm đến trái tim mọi lứa tuổi, không sử dụng những chiêu câu khách rẻ tiền nào, đã thu hơn 80 tỷ đồng; Sài gòn anh yêu em như bản tình ca về tình yêu của con người đối với thành phố đang sống; Tấm Cám: chuyện chưa kể làm mới câu chuyện cổ tích xưa cũ từng nằm lòng trong tâm trí bao thế hệ người Việt, một ký ức đầy ắp nhân văn; cùng nhiều tác phẩm khác đã được chăm chút thể hiện, có nội dung bổ ích và yếu tố tươi vui lành mạnh, đã lần lượt ra đời và chiếm vị trí ở phòng vé. Đó cũng là tiền đề tạo nên tác phẩm có giá trị, tạo nên phim hay.

dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het
Poster phim Chàng vợ của em

Một cách phổ quát, “phim hay” thường là phim có chủ đề quan thiết và được nhiều người chờ đợi. Yếu tố quan thiết của chủ đề tác phẩm chẳng những không loại bỏ các điều kiện nhằm hình tượng hóa nghệ thuật thể hiện, mà còn làm cho hình tượng tác phẩm sâu sắc, hoàn chỉnh hơn. Nói cách khác, một tác phẩm quan thiết (không phải là loại tác phẩm khô khan, cứng nhắc, già nua) -- tức là một tác phẩm hay, thì khi thể hiện những vấn đề liên quan đến cuộc sống con người; cần phải thể hiện đúng bản chất của nó một cách trung thực, sống động và điển hình; đồng thời gợi ra được những giải pháp xử lý tình huống cuộc sống mà nội dung phim đặt ra. Nếu mô thuật hiện thực một cách thờ ơ, vô cảm thì khó thể lôi cuốn người xem, cũng là thiếu những yếu tố quan trọng để trở thành một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn. Xu thế tìm tòi bứt phá này đang trở nên áp đảo, không thể đảo ngược. Điều đó cho thấy sự trưởng thành của thế hệ các nhà sản xuất và tác giả điện ảnh trẻ. Xu hướng kế tiếp có thể nhận ra, là nhiều tác giả tập trung khai thác đề tài tuổi hoa niên, về những khía cạnh tâm lý, những vấn đề nổi và chìm của lớp học trò phổ thông. Chính đây là xu hướng đáp ứng nhu cầu của số đông khán giả xem phim hiện nay, phần lớn có xu thế hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, ít chú trọng phản ảnh sắc màu riêng có của văn hóa dân tộc; do đó hình tượng tác phẩm có vẻ bay bổng, song thiếu độ đằm chín trí tuệ.

Những ai quan tâm đến độ tiến triển của điện ảnh nước nhà, đều vui mừng nhận rõ bước tiến của phim truyện về nghệ thuật biểu hiện ngôn ngữ thông qua kỹ thuật hiện đại. Trong xu hướng hiện đại hóa thủ pháp thể hiện, nhóm phim được đánh giá đạt chuẩn, nói chung đều được dàn dựng chuyên nghiệp, hình ảnh và âm thanh đều được tạo dựng theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế thời đại kỹ thuật số; nhịp thu hình và dựng hình nhanh gọn, tạo ra tiết tấu cùng phong cách thể hiện phù hợp với cảm xúc và nhu cầu tiếp nhận đương thời. Ngoài ra, không khó nhận diện một xu hướng sáng tác khác, tuy không quan thiết song có thể ngày càng gây ảnh hưởng bất thuận tới phong trào sáng tác chung. Đó là hiện tượng bắt chước, lai căng trong các khâu thể hiện nghệ thuật, trong tạo dựng hình ảnh nhân vật, xây đắp cốt truyện và nhặt lượm các tình huống, chi tiết từ phim nước ngoài.

dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het
Phim Giấc mơ Mỹ

Việc làm này có nguy cơ thui chột giá trị sáng tạo của điện ảnh Việt, hạ hấp giá trị văn hóa cùng bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó là hiện tượng “ làm lại”, hay tái dựng phim nước ngoài. Mặc dù cố công “Việt hóa” các kịch bản nước ngoài ấy, vẫn không thể thay đổi căn nguyên văn hóa gốc, trong đó có hoàn cảnh xã hội, thân phận và tính cách nhân vật, bởi những yếu tố này luôn gắn với đời sống cũng như các biến chuyển có tính dân tộc. Do đó, phim làm lại có nguy cơ trở nên thô cứng, chơi vơi, mất điểm tựa đối với khán giả Việt. Tái dựng kịch bản nước ngoài, qua thể nghiệm thực tế, có thể ăn khách buổi ban đầu, song nếu kéo dài, hẵn sẽ thay đổi tình trạng; đặc biệt sẽ ảnh hưởng bất lợi tới cảm hứng cũng như chất lượng sáng tác trong nước. Để khắc phục tình trạng thiếu kịch bản trầm trọng hiện nay, cần quan tâm khai thác kho tàng văn học dân tộc – từ cổ đến kim, để cải biên, phóng tác phù hợp. Mặt khác, nên tổ chức liên tục các cuộc thi viết theo những yêu cầu, tiêu chí khác nhau, nhằm chọn ra kịch bản tốt. Những cuộc thi như vậy cần được các cơ quan hữu trách nhà nước tổ chức và chi phí, đảm bảo vực dậy và nuôi dưỡng dòng phim chủ lưu của điện ảnh nước nhà.

Những năm qua, đã và đang diễn ra quá trình chuyển tiếp thế hệ những người làm phim. Đông đảo lớp biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim, làm âm thanh và diễn xuất trẻ tham gia đội ngũ làm phim. Họ đến từ các trường đào tạo chuyên ngành trong nước, từ đội ngũ Việt kiều về nước và không ít người từ “tay ngang” chuyển sang. Đội ngũ này đông đảo một cách tự phát, thiếu đồng bộ và ít gắn kết nhau trong một tổ chức cố định. Do những đặc điểm khách quan này, họ cần được tập hợp, hỗ trợ nâng cao kỹ năng cùng ý thức nghề nghiệp. Là lớp nghệ sĩ trẻ trung, tự tin, phần lớn năng động, tiếp cận thuận lợi công nghệ mới, bắt kịp thời đại, sẽ là đội ngũ kế thừa đủ sức gánh vác công cuộc phát triển nghệ thuật điện ảnh nước nhà trên chặng đường mới.

Nhiệm vụ lớn, lâu dài của điện ảnh Việt Nam là sáng tạo thành công những tác phẩm có giá trị đỉnh cao mang hơi thở thời kỳ mới. Trong đó, tính văn học cần được chú trọng hơn. Nhân vật phải có thân phận, cá tính riêng và luôn gây hứng thú, tò mò. Về giải pháp sáng tác chung, các nghệ sĩ cần đề cao cá tính sáng tác, coi ý thức cá nhân trong sáng tạo phim là tiêu chí không thể bỏ qua. Khi tác giả phim gửi gắm cao độ tâm tư của mình vào tác phẩm, mượn tác phẩn làm nơi phát ngôn tâm ý, biểu lộ cảm xúc thiết tha của mình, thì tác phẩm sẽ có cơ hội hàm chứa nét độc đáo tươi tắn của phong cách cá nhân, mang đậm dấu ấn riêng của nghệ sĩ. Đồng thời nghệ sĩ cần phấn đấu không ngừng sáng tạo cái mới, từ đó chú trọng việc làm phức tạp hóa hình tượng nhân vật, kịch tính hóa cốt truyện, tô đậm ý nghĩa chủ đề, làm cho tác phẩm có khả năng tác động sâu xa đến người xem. Ngoài ra, nghệ sĩ còn cần tìm tòi hình thức thể hiện phù hợp nhất đối với thể loại được chọn, tôn cao hình tượng trung tâm của tác phẩm, đồng thời khai thác tối đa nét độc đáo của văn hóa dân tộc. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ xuất hiện những tác phẩm điện ảnh có giá trị cao trên chặng đường mới đầy biến động này.

dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het
Cảnh trong phim Song Lang

Do mạng lưới chiếu phim phần lớn nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, phim Việt Nam gặp trở ngại phát hành khá gay gắt trong nhiều năm qua. Có lẽ đây là trường hợp hiếm thấy trên thế giới: rằng, ở một đất nước luôn đau đáu với những lợi ích về giáo dục, về tuyên truyền lòng yêu nước, đạo đức và thẩm mỹ do nghệ thuật điện ảnh đem đến, lại mất quyền chủ động thị trường ngay trên chính đia bàn của mình! Hậu quả bị thâu tóm thị trường sẽ ngày càng nghiêm trọng khi nền điện ảnh dân tộc của chúng ta phát triển hơn, có thể hình thành nền công nghiệp điện ảnh có quy mô. Vì vậy, ngay lúc này, các cơ quan hữu trách cần kịp thời hành động, có sách lược “chiếm giữ” thị trường một cách vững chắc, nhằm đem lại tương lai thuận lợi cho điện ảnh dân tộc. Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ sớm hình thảnh theo tiến trình quy luật tự nhiên, theo những điều kiện và nhu cầu khách quan mà đất nước ta hoàn toàn có đủ. Công nghiệp điện ảnh vận hành theo quy luật tổng hợp của cả văn hóa, xã hội lẫn thương mai. Sau khi hình thành, hoạt động điện ảnh sẽ đi vào nề nếp, quy củ trong hệ thống trật tự công nghiệp; sẽ phát triển nhanh và hiệu quả gấp bội. Và tất cả đều sẽ tựa vào thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Ở chặng đường mới hôm nay, với những thành tựu ban đầu đã giành được, với ước vọng bay cao của thế hệ nghệ sĩ trẻ, người xem đông đảo kỳ vọng vào những phát kiến mới mẻ, những sáng tạo độc đáo, những thành tựu đột phá có khả năng đưa nghệ thuật điện ảnh nước nhà tiến lên tầm cao mới, sánh cùng các nền điện ảnh tiên tiến ở khu vực cũng như thế giới!

dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het 'Tìm vợ cho bà': Cơn gió nhẹ đủ cảm xúc…
dien anh viet nam tren chang duong moi tiep theo va het Những khung hình đầu tiên của phim điện ảnh 'Thạch Thảo'

Trần Luân Kim