Hội thảo tại Haniff 2 - Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới

(TGĐA) - Chiều ngày 26/11/2012, trong khuôn khổ LHP Haniff Hà Nội lần thứ 2 đã diễn ra hội thảo với chủ đề Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Mục đích của hội thảo là nhìn nhận những bước phát triển, những nét đặc trưng của phim Việt Nam từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (cuối năm 1986); đánh giá những thành tựu và hạn chế của điện ảnh Việt Nam (từ 1986 cho đến nay), cũng như tham khảo kinh nghiệm phát triển từ những nền điện ảnh trong khu vực (như Hàn Quốc, Thái Lan).

hoithao1

Chủ trì và dẫn dắt hội thảo là tiến sĩ Ngô Phương Lan. Nhiều đại biểu Việt Nam và quốc tế cùng các đạo diễn điện ảnh Việt Nam cũng góp mặt trong buổi hội thảo.

Nội dung cuộc hội thảo gồm 3 phần. Nội dung Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới 1986- 1999 có các tham luận của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn Lê Hoàng, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ở nội dung này còn có những trao đổi rất tâm huyết của của tiến sĩ Aruna Vasudev – Chủ tịch Mạng lưới phát triển điện ảnh Châu Á (NETPAC); bà Heneriko Jeannette Paulson – Chủ tịch diễn đàn điện ảnh Châu Á Thái Bình Dương, nguyên Giám đốc LHPQT Hawaii và Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam.

le-hoang-1

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đưa ra tham luận ở nội dung Điện ảnh Việt Nam mở rộng xã hội hóa và hội nhập quốc tế từ năm 2000 đến nay. Ông Philip Cheah – Nhà phê bình phim, nguyên giám đốc LHPQT Singapore và NSƯT đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có những trao đổi trực tiếp với nội dung này.

Kinh nghiệm phát triển điện ảnh của một số nước Châu Á có sự trao đổi của đại diện điện ảnh Hàn Quốc (CJ), đại diện điện ảnh Thái Lan (Giám đốc LHPQT phim ngắn và video Bangkok, BGK Phim ngắn Haniff), và đại diện tổ chức xúc tiến điện ảnh Pháp. Tiến sĩ Ngô Phương Lan là người dẫn dắt và kết luận hội thảo.

hoithao

Buổi hội thảo đã cho thấy sự quan tâm của điện ảnh thế giới đối với điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới và những kinh nghiệm cần học hỏi của điện ảnh Việt Nam ngày nay để có thể hòa nhập với thế giới mà vẫn mang đậm những nét riêng của dân tộc.

Thúy Phương