Làm phim nghĩa là sống (Antonioni Michelangelo - đạo diễn Italia)

Chúng tôi bố trí máy quay, chuẩn bị các thiết bị chiếu sáng, sắp xếp các bệnh nhân để quay cận cảnh. Tôi phải nói rằng những người mắc bệnh tâm thần đã thực hiện các mệnh lệnh của tôi một cách ngoan ngoãn và cần mẫn, họ cố làm theo những điều cần phải làm và chỉ sợ làm điều gì không đúng. Họ rất xúc động trong sự nỗ lực của mình và di chuyển các đồ đạc một cách rất ngộ nghĩnh. Cuối cùng, tôi ra lệnh bật các thiết bị chiếu sáng. Căn phòng bỗng tràn ngập ánh sáng chói chang. Các bệnh nhân trong giây lát đờ người ra, giống như hóa đá. Trên khuôn mặt của bất cứ một diễn viên nào tôi không nhìn thấy vẻ sợ hãi ghê ghớm cả. Điều đó kéo dài một tích tắc, rời sau đó đã xảy ra một sự việc không bút nào tả xiết. Những người mất trí bắt đầu co giật, la ó, lăn lộn trên mặt đất như ông giám đốc đã biểu diễn. Căn phòng liền biến thành một trong những tầng của địa ngục. Các bệnh nhân cố lẩn tránh ánh sáng dường như đang tìm cách trốn khỏi con quái vật thời tiền sử đang đe dọa họ. Những khuôn mặt của họ lúc bình yên từng cố kiềm chế sự điên cuồng trong giới hạn con người thì giờ đây biểu lộ nỗi kinh hoàng mang tính chất hủy diệt. Người quay phim không thể tìm đâu ra sức để bấm máy hoặc ra một mệnh lệnh nào đó. Cuối cùng ông giám đốc phải gào lên: “Dừng lại! Tắt đèn đi!” Và trong căn phòng lại chìm trong bóng tối, chúng tôi dần dần phân biệt được một đống thân thể bất lực mà những động tác giống như những cú co giật cuối cùng trong cơn hấp hối.

(TGĐA) - Lần đầu tiên tôi nhìn vào ống kính của máy quay phim- đó là chiếc máy 16mm Bell and Owell- tại nhà thương điên. Giám đốc bệnh viện là một người cao kều, có khuôn mặt càng ngày càng giống các bộ mặt những con bệnh của ông.


Trong thời gian này tôi sống ở Ferrara, một thị trấn đáng yêu nằm giữa đồng bằng Padan. Chúng tôi cùng với mấy người bạn quyết định làm một bộ phim tài liệu về những người mắc bệnh tâm thần. Ông giám đốc tìm đủ mọi cách giúp đỡ chúng tôi: ông bò lê bò càng trên sàn, bắt chước phản ứng của các bệnh nhân tâm thần đối với các tác nhân kích thích bên ngoài. Song tôi cương quyết làm một bộ phim người thực việc thực, tức là cùng với những người điên chính cống, và cuối cùng thì giám đốc chịu thua và bảo: “Vậy thì cứ thử xem sao”.

Antonioni Michelangelo

Cái cảnh quá sức tưởng tượng này luôn luôn hiện ra trước mắt tôi. Và mặc dầu tôi không ý thức được điều này, những câu chuyện của chúng tôi về chủ nghĩa hiện thực mới đã bắt nguồn từ chính cái cảnh ấy.

Tất cả chuyện đó đã xảy ra trước chiến tranh. Sau đó chiến tranh đã nổ ra, và chúng tôi đã trở thành nhân chứng của nhiều tình tiết khác của bạo lực hoặc thậm chí của sự điên rồ và dần dần đã làm quen với chúng. Nhưng khi ngay sau khi chiến tranh kết thúc ở đây, ở Italia, chúng tôi đã bắt đầu bàn luận về chủ nghĩa hiện thực mới, tôi bao giờ cũng nghĩ về cuốn phim tài liệu mà tôi không làm được. Dường như điện ảnh Italia không thể thoát ra khỏi cái tiêu chí tiềm ẩn về sự thật: hiện thực, còn hiện thực hơn nữa... Máy quay được dấu trên đường đi hoặc ở phía sau lỗ khóa để chộp lấy những khía cạnh bí ẩn của hiện thực... Những khái niệm thẩm mỹ của nhà trường được quét sạch bởi làn gió ấy, bởi nguyện vọng đem lý luận cọ sát với thực tế, với những bộ phim. Và cần phải nói rằng nhiều bộ phim đã đạt được mục đích của chúng. Sự thật- đó là cái mà chung quanh chúng ta thực tại trở nên khác thường, có sức mạnh mãnh liệt. Tại sao lại có thể xem thường nó được?

Làm phim cũng giống nhu viết tiểu thuyết. Flaubert đã nói rằng sống không phải là nghề của ông: viết mới là nghề của ông. Nhưng làm phim- đó chính là sống chí ít đối với tôi. Lịch sử cá nhân tôi không bị gián đoạn trong lúc làm phim. Ngược lại, chính lúc ấy nó trở nên căng thẳng, sinh động hẳn lên. Tính chân thực, cái tính tự thuật ấy ở một mức độ nhất định, việt rót vào bầu rượu của bộ phim cái chất rượu cá nhân- nó là cái gì nếu không phải là cách tham dự vào cuộc sống, không phải là khát vọng muốn bổ sung một điều gì đó tốt lành (chí ít là ý đồ) vào di sản cá nhân của chúng ta mà những người khác sẽ phán xét về sự phong phú hay sự nghèo nàn của nó. Có lẽ bộ phim là một màn trình diễn công khai nên nhờ nó mà những sự kiện trong đời sống riêng tư của chúng ta thôi không phải là như vậy nữa mà cũng trở thành công khai. Và sau chiến tranh, trong thời đại đầy bi kịch, đầy những nỗi lo âu và khiếp sợ từng định đoạt số phận của toàn thế giới, thật tình không thể nào nói về một chuyện gì khác được. Có những thời kỳ khi mà việc xem thường một số sự kiện quả là không hay ho gì đối với một người thông minh bởi lẽ trí thông minh mà vào một thời điểm cần thiết cũng đệ đơn xin về hưu- đó là sự ngộ nhận trong thuật ngữ. Tôi nghĩ rằng những người làm điện ảnh bao giờ cũng phải gắn bó với thời đại của mình không phải chỉ để thể hiện và lý giải những sự kiện nóng hổi nhất và bi thảm nhất (chúng ta thậm chí có thể chế nhạo chúng, tại sao lại không nhỉ?) mà còn để nắm bắt âm hưởng của chúng ở trong lòng mình để trở nên thành thật và can đảm trước những người khác. Tôi cảm thấy rằng đó là cách duy nhất để vẫn giữ trọn mình là một người minh mẫn. Nhưng tôi cho rằng cái nguyên tắc “chân thực, càng chân thực hơn nữa” vốn là cơ sở của chủ nghĩa hiện thực mới của Italia và đôi khi đi tới chỗ cực đoan, cần được hiểu một cách rộng hơn là nó được lý giải. Bởi vì hiện nay, trong hoàn cảnh tương đối bình thường, cần phải miêu tả không chỉ là những mối quan hệ của cá nhân với thế giới chung quanh mà chủ yếu là chính bản thân cá nhân trong tính hiện thực phức tạp và đầy trăn trở của nó. Cái gì đang dằn vặt và thúc đẩy con người hiện đại tới hành động? Những gì đã và đang xảy ra trên thế giới gây nên âm hưởng như thế nào trong nó?

Cảnh trong phim Tiếng kêu

Có lẽ chỉ có những câu hỏi ấy là chúng tôi cần phải đặt ra cho mình khi làm những bộ phim của chúng tôi.

Nói về bộ phim “Tiếng kêu” của tôi, các nhà phê bình Pháp đã đưa ra một công thức mới: “chủ nghĩa hiện thực mới nội tại”. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đặt tên cho cái mà đối với tôi bao giờ cũng là một nhu cầu cấp thiết, bắt đầu từ chính bộ phim về những người mắc bệnh tâm thần- đó là nhìn sâu vào bên trong con người: những tình cảm và ý nghĩ nào chi phối anh ta trên con đường dẫn tới hạnh phúc, hoặc dẫn tới sự bất hạnh, hoặc dẫn tới cái chết. Tôi chưa bao giờ đặt ra cho mình đề tài để đưa nó vào trong phim. Tôi ghét cay ghét đắng những bộ phim được lập trình. Tôi cố gắng chỉ kể, hoặc nói đúng hơn, chỉ trình bày những câu chuyện và hy vọng rằng chúng sẽ làm cho khán giả thích thú, thậm chí nếu chúng rất cay đắng. Cuộc sống không phải lúc nào cũng vui vẻ và cần phải có sự dũng cảm nhìn nó từ mọi phía. Tôi để cho chính bộ phim được quay bộc lộ ý nghĩa của nó. Nếu những ý tưởng nằm trong lòng chúng tôi và chúng tôi chân thành trong câu chuyện của mình thì chúng thể nào cũng phát lộ ra ngoài. Điều quan trọng là câu chuyện được hướng dẫn bởi một tư tưởng sốt dẻo và điềm tĩnh. Trong bộ phim mà tôi ưa thích, các hình tượng tạo ra cảm giác về tính xác thực, tính chân thật song không làm mất đi vẻ chân thành đằm thắm. Không có bất kỳ những đam mê, hoang tưởng, sự lập dị về trí tuệ: thế giới được nhìn tận mắt bằng những cú ngã lăn quay chứ không phải ở phía trên hoặc theo đường chéo.

Bây giờ tôi phải thú nhận rằng tôi cảm thấy khó chịu: tất cả những lời bàn luận mang tính chất lý thuyết ấy để làm gì nhỉ? Kết luận bao giờ cũng chỉ có một: điện ảnh, cũng như văn học, điều vô ích nếu như trong đó không có sự thật và chất thơ. Người ta cãi lại tôi rằng những bộ phim loại ấy thì rất ít trong khi những bộ phim khác thì vô thiên lủng, hơn nữa chúng còn được trao giải thưởng. Hiển nhiên những bộ phim khác nhau là rất cần thiết. Cứ mặc cho chúng xuất hiện. Song những bộ phim mà tôi nói tới như những bộ phim thực thụ, có một ý nghĩa chân chính, và chỉ có chúng mới làm rạng rỡ cho ngành nghệ thuật điện ảnh. Với tư cách là một nghịch lý, chúng ta sẽ xem xét cái gọi là những bộ phim- art như những tệ nạn của thứ điện ảnh phẩm hạnh, tức là điện ảnh thương mại. Cùng với Samuel Butler, chúng tôi có thể đi đến kết luận rằng mục đích của tệ nạn là kiềm chế phẩm hạnh trong khuôn khổ được dành riêng cho nó. Nếu như phẩm hạnh không biết tới giới hạn, thì nó là không chịu nổi. Cũng hệt như thứ nghệ thuật điện ảnh tầm thường không có những ý tưởng mới và dũng khí là không sao chịu nổi.

Mà như thế có nghĩa là việc cố gắng mang hết sức ra làm một bộ phim tốt là chính đáng nhất. Song các nhà sản xuất lại thường nhìn với thái độ hoài nghi xem ai là người phát biểu ý kiến theo tinh thần như thế.

Như vậy là ngoài những khó khăn trong việc sản xuất chính bộ phim ra, lại còn phải đấu tranh với sự hoài nghi của họ mà sau đó thể hiện trong những khó khăn về vật chất. Nếu như nhà đạo diễn muốn sự thành công mỉm cười với mình thì anh ta cũng cần phải biết tiến hành cuộc đấu tranh đó. Công việc của nhà đạo diễn là khắc phục những khó khăn mà anh ta gặp phải bằng cách cố làm thật tốt công việc của mình. Bi kịch là ở chỗ phải luôn luôn chứng minh tài năng của mình cho mọi người rõ mà những người này tuyệt nhiên không có tài cán gì.

Poster phim Tiếng kêu

Nhưng chúng ta hãy trở lại với “Tiếng kêu”, với bộ phim mới nhất trong số những bộ phim của tôi đang được chiếu ở Mỹ. Nếu như nói về bản thân mình là khó thì nói về những tác phẩm của mình lại càng khó hơn. Tất nhiên đó là bộ phim nội bộ, không đơn giản. “Hiền lành bằng sự hiền lành bí ẩn”- một nhà phê bình đã viết. Có lẽ ông ta đúng. Cách đây ít lâu chính tôi đã xem lại bộ phim ấy và lấy làm kinh ngạc vì đã đối mặt với sự yếu đuối đó, vơi sự cô đơn đó: như đôi khi vào buổi sáng, khuôn mặt được phản chiếu trong tấm gương đã làm chúng ta khiếp sợ. Tôi không tin chắc rằng công chúng Mỹ với kinh nghiệm và với nền văn hóa của nó vốn hoàn toàn khác với Châu Âu có thể hiện được câu chuyện này. Hy vọng rằng họ có thể hiểu được.

Tôi rất sợ cả công chúng lẫn các nhà phê bình. Tôi rất muốn cảnh báo họ, giải thích cho họ hiểu một đôi điều trước khi họ đi xem phim. Có ai đó đã nói rằng những cuốn sách (mà như thế là cả những bộ phim nữa, tôi bổ sung thêm) cần phải được đưa ra trước tòa án hội thẩm như những phạm nhân và lắng nghe lời buộc tội lẫn lời bào chữa.

Hiển nhiên cái người ấy nói hoàn toàn đúng.

Lê Sơn

(Dịch)