Một buổi giao lưu đáng nhớ

Cuộc gặp mặt được tổ chức tại một cửa hàng ăn uống của người Nhật có tên là Hoa Anh Đào, nằm đối diện với khách sạnh Deawoo, cạnh đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội vào một ngày cuối tháng 5. Khi tôi và cháu tôi đến điểm hẹn trên tầng hai của nhà hàng thì hai người muốn gặp tôi đã chờ sẵn. Trông thấy một người Mỹ có bộ râu dài với ánh mắt đăm chiêu hao hao giống hình ảnh nhà đại văn hòa Nga nổi tiếng Leptonxtoi và một người Nhật có khuôn mặt vuông vức, hồng hào, nụ cười cởi mở, tôi nhanh nhẹn bước tới, chủ động bắt tay chào hỏi với thái độ vui vẻ chân tình.

(TGĐA) - Cuộc gặp giữa tôi và Bob- một cựu binh Mỹ thật kỳ lạ. Chúng tôi không hề quen biết nhau và cũng chẳng có một tổ chức nào đứng ra làm trung gian.


Giao lưu với Bob - cựu binh Mỹ và Araki - Giáo sư Nhật Bản tại Hà Nội ngày 30/5/2009

Người tự nhận làm nhịp cầu cho cuộc gặp là một người đến từ đất nước “Mặt trời mọc” tên là Araki có quan hệ gần gũi với Bob, đồng thời lại là thầy dạy cháu tôi khi cháu du học ở Nhật. Ông ta nhờ cháu tôi tìm hộ một người Việt am hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam, còn tôi thì lại nhiệt tình muốn giúp cháu mình làm trọn nghĩa tình với thầy dạy cũ.

Phút bỡ ngỡ xa lạ ban đầu nhanh chóng trôi qua. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh người Nhật và đối diện với Bob, phân vân chưa biết mở đầu bằng một câu gì đó cho thích hợp. Ngay lập tức, Bob đã chủ động tự giới thiệu mình và rút từ túi áo ngực bên phải đưa ra cho tôi xem một tờ chứng minh thư quân nhân Mỹ bọc nhựa đã hơi ố vàng. Nhìn thấy tấm ảnh Bob cách đây 45 năm, tôi thật khó nhận ra ông già râu tóc bạc phơ, nét mặt đượm buồn kia lúc ấy còn là một sĩ quan cấp đại úy trẻ trung, mạnh mẽ đầy vẻ tự tin. Chia sẻ với Bob về sự biến đổi lặng lẽ, khắc nghiệt của thời gian, cùng với việc giới thiệu ngắn gọn về 45 năm cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi cũng mở cặp lấy ra một số ảnh, trong đó có nhiều tấm ảnh của tôi chụp được cách đây 20 năm ở Nhật, khi tôi sang giúp hãng truyền hình NHK biên tập những tư liệu phim chiến tranh Việt Nam. Cầm xem những tấm ảnh của tôi, bỗng cả Bob và ông bạn Nhật đều cùng sửng sốt, bất ngờ reo lên: “Hakone! Hakone!”. Thì ra cả 3 chúng tôi đều đã đến vùng núi Hakone, từng nghỉ chân ở lữ quán Hasinoyu để sau đó chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ tuyệt vời của ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng của đất nước Nhật.

Từ một điểm khởi đầu thuận lợi, tôi vui vẻ tiết lộ cho mọi người biết một sự liên quan ngẫu nhiên nữa giữa tôi và Bob trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Đó là thời ấy, Bob làm nhiệm vụ trinh sát đường không, chuyên chụp ảnh địa hình ở khu vực bờ Nam sông Bến Hải (*) thuộc vĩ tuyến 17 để cung cấp thông tin, xác định những tọa độ cần bắn phá, ném bom hủy diệt. Còn tôi, thì cũng là một đại úy của Điện ảnh Quân Đội nhân dân Việt Nam đã bí mật đến làm phim ở khu vực mà Bob có nhiệm vụ thường xuyên nhòm ngó, theo dõi. Tôi nói đùa với Bob: “Rất may là lúc ấy tôi đã không lọt vào tầm ngắm của ông bạn, nếu không thì tôi đâu còn sống đến ngày hôm nay để dự cuộc nói chuyện vui vẻ ở đây.” Chuyển từ nét mặt trầm ngâm sang hồ hởi vui tươi, Bob gật đầu cười và giơ tay ra nắm chặt bàn tay tôi, nói: “Ôi! Ông đại tá lạc quan yêu đời. Phải chăng tính hài hước của ông đã góp phần giúp ông ở tuổi 80 vẫn được sống khỏe mạnh và minh mẫn?” Tôi cũng vui vẻ trả lời: “Đúng là thế!” rồi kể tiếp câu chuyện còn đang dang dở: “Hồi ấy, ông bạn bảo là đã chụp ảnh được lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bờ Bắc giới tuyến, còn tôi thì cũng xin nói để ông biết, tôi đã làm được một phim về Cồn Tiên- một vị trí tiền đồn của quân Mỹ chỉ cách giới tuyến phía Nam chừng 5km”. Thấy người phiên dịch trẻ tuổi loay hoay về từ ngữ địa danh, tôi nói cho Bob biết một cái tên mà lính Mỹ quen dùng, gọi đó là Con Thiên. Bob gật đầu: “Ô! Con Thiên! Con Thiên! OK!”. Thấy Bob có vẻ chăm chú lắng nghe tôi chậm rãi kể tiếp: “Bộ phim ấy có nhiều hình ảnh đặc biệt. Đó là có rất nhiều hình ảnh lính thủy đánh bộ Mỹ ở trên đồn do chính các phóng viên Mỹ đã quay và chụp.” Bob ngạc nhiên hỏi ngay: “Làm sao ông có được?” Tôi chỉ cười, chỉ tay về phía ông bạn Nhật ngồi cạnh và nói: “Thời ấy, các bạn đồng nghiệp Nhật Bản đã giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều tư liệu cực kỳ quý hiếm ấy”. Thấy ông bạn Nhật vui vẻ, mỉm cười tôi bắt tay ông và nói một câu: “Arigato” có nghĩa là cảm ơn. Quay lại với Bob, tôi tiếp tục kể: “Có những tư liệu quý của Mỹ, tôi đã làm được một bộ phim hay, được người Việt Nam đánh giá cao, nhưng tôi nghĩ, nếu người Mỹ xem cũng có thể sẽ ưa thích. Vì sao? Vì tôi không đề cập đến việc chiến đấu tiêu diệt đồn mà chỉ nhấn mạnh về nỗi khổ sở, điêu đứng, lo sợ, chán chường của binh lính Mỹ làm nhiệm vụ chiếm đóng. Và cuối phim tôi khuyên họ một câu: “Hãy nhanh chóng rời khỏi nơi này, nếu không thì mọi nơi trên đất nước này đều biến thành địa ngục”. Đồng tình với tôi, Bob gật đầu nói: “Tôi tin, tôi tin lời nói của ông. Tôi rất muốn được xem bộ phim Con Thiên của ông”. Tôi nói thêm với Bob: “Thế ông bạn có biết một bộ phim rất hay của điện ảnh Mỹ có tên là Trung Đội không? Thấy người phiên dịch lại vất vả về từ ngữ Trung Đội, tôi nói, đó là bộ phim có tên Mỹ là: P.L.A.T.O.O.N, tôi đánh vần từng chữ theo cách phát âm tiếng Việt, Bob lập tức nói ngay: “Platun! Platun! Ok! Ok! Tôi cũng thích bộ phim này”. Tôi hỏi Bob: “Thế Bob có biết ai là đạo diễn bộ phim nổi tiếng này không?” và tôi tự trả lời ngay: “Đó là Oliver Stone, một người Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi rất kính trọng ông ta vì bộ phim của ông ta với bộ phim của tôi tuy thể loại khác nhau, cách nói khác nhau, giá trị khác nhau nhưng lại có những điểm gần giống nhau. Đó là cùng nói lên sự thật rất khốc liệt, bí ẩn của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cùng có một gợi ý là, hãy chấm dứt cuộc chiến tranh ở đất nước nhiệt đới đầy hiểm nguy này”.

Từ hai cựu thù trở thành bạn mới.

Sau khi trao đổi những câu chuyện tạo nên sự gần gũi giữa đôi bên, chúng tôi tạm nghỉ ít phút, sau đó cùng ăn với nhau một bữa ăn trưa thân mật. Ngồi vào một bàn ăn gần giống kiểu bàn ăn của lữ quán Hakone bên Nhật năm xưa, chúng tôi nâng cốc rượu Sa kê mà cả ba cùng lựa chọn, tôi vui vẻ chúc ngắn gọn ba điều: “Sức khỏe tốt! Tình bạn tốt và hạnh phúc!” Mọi người đều đồng thanh: “Ok! Very Good” rồi cùng cạn chén. Sau ít phút yên lặng, thưởng thức những món ăn ngon lành và hơi có vẻ tỉ mỉ, cầu kỳ theo kiểu ẩm thực Nhật Bản, tôi thân tình hỏi chuyện Bob: “Từ sau ngày rời Việt Nam trở về nước, ông bạn sống thế nào?” Bob lắc đầu có vẻ ngao ngán: “Thật kinh khủng, lại giống như một tầng địa ngục”. Qua câu chuyện của Bob, tôi được biết Bob đã chịu đựng hàng loạt những tai ương trong một thời gian dài: nào là nhân dân Mỹ nhìn những người lính Mỹ từ Việt Nam trở về không mấy thiện cảm, nào là chính phủ Mỹ đối xử với họ cũng chẳng ra gì…còn họ thì nhiều người mắc “hội chứng Việt Nam” mặc cảm với sự bị lừa dối, day dứt với những tội lỗi mình đã gây ra trên một đất nước xa xôi cách nước Mỹ nửa vòng trái đất. Kể song, Bob lại lắc đầu: “Tôi chán nản vì bị lừa dối và luôn bị lừa dối!” Tôi chăm chú lắng nghe lời Bob tâm sự rồi chia sẻ: “Tôi thông cảm với nỗi buồn của bạn. Tôi nghĩ giá như thời ấy những người có quyền hành trên đất nước bạn hiểu sâu về đất nước, con người Việt Nam và giảm bớt sức nóng trong cái đầu bốc lửa của mình thì có lẽ họ đã chẳng phải tốn công dựng lên bức tường đá hoa cương đen (**) làm đau lòng bao gia đình người Mỹ”. Ngừng lại giây lát, tôi nâng cốc Sa kê cụng ly với Bob và chúc: “ Mà thôi, tôi chúc bạn từ nay ít gặp phải những điều lừa dối”. Bob chạm cốc với tôi và ông bạn Araki rồi nói ngay: “Tôi hy vọng thế nhưng không tin. Vì cuộc sống chắc không ít đi những điều lừa dối. Vì quyền lực, vì lợi nhuận người ta vẫn tìm mọi cách dối trá để gây chiến tranh, để kiếm lợi nhuận…” Tôi đồng tình với Bob và nói: “Vậy tôi xin phép được sửa lại. Tôi xin chúc bạn luôn tìm thấy sự thật trong mọi sự lừa dối và ngay cả những điều mà mình còn ngờ vực.” Bob gật đầu, bắt tay tôi: “Ok! Điều đó mới thực sự cần thiết. Chính vì điều đó mà tôi mới sang Việt Nam lần này. Tôi muốn biết sự thực về người Việt Nam hiện nay đối xử với những người Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm xưa ra sao. Nếu đúng như những điều người ta nói là tốt thì năm tới tôi sẽ đưa một người bạn thương tật ngồi xe lăn và các con tôi sang thăm Việt Nam”.

Sau 3 giờ trò chuyện thân tình, chúng tôi bịn rịn chia tay. Bob và tôi đi bên nhau như những người bạn quen biết từ lâu. Bob bá vai tôi, tiếp tục nói những câu gì đó bằng tiếng Anh mà tôi chỉ có thể đoán biết bằng sự rung động từ trái tim.

Đường phố hiện ra trong ánh nắng chiều chói chang rực rỡ. Trước khung cảnh yên bình náo nhiệt, chúng tôi một lần cuối nắm chặt tay nhau. Trong phút giây yên lặng từ biệt nhau, chúng tôi dường như cùng nhớ đến những âm thanh trong trẻo, nhỏ nhẹ, ấm áp của những cô gái Nhật phục vụ trong nhà hàng Hoa Anh Đào: “Sayonara! Sayonara!” Đó là lời chào và chúc: “Hẹn gặp lại! Mong sớm được cùng nhau gặp lại!”

Lê lâm

Hà Nội, tháng 5 năm 2009

* Còn có tên gọi là sông Hiền Lương, ngăn cách đôi miền Nam Bắc theo hiệp định Geneve tháng 7/1954

** Bức tường tưởng niệm ghi tên 55.000 quân Mỹ chết trận ở Việt Nam.