Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam: Cần thêm thời gian để nói nhiều hơn nữa

(TGĐA) - Một cuộc Hội thảo kéo dài hơn 3 giờ đồng liên tục, các đại biểu thậm chí không cần nghỉ giải lao. Một cuộc Hội thảo mà đa số người tham dự đều muốn kim đồng hồ đừng chạy nhanh đến vậy. Là bởi, họ có rất nhiều điều muốn nói về món nợ với lịch sử của điện ảnh mà bao năm, qua dù rất muốn trả nhưng lực bất tòng tâm.


Hoi_thao_thu_hut_duoc_su_quan_tam_cua_cac_nghe_sy_va_bao_chi

Hội thảo thu hút được sự quan tâm của các nghệ sỹ và báo chí

Trước thực tế ai cũng biết, phim lịch sử Việt Nam lâu nay vẫn luôn luôn thiếu và luôn rất yếu, ngày 6/11/2012, tại Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam để mong có thể “vừa thúc vừa đẩy” các nghệ sỹ, các nhà làm phim tích cực hơn nữa với mảng đề tài đang rất cần được khai thác này. Tham dự hội thảo có Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Hồng Vinh cùng hai phó chủ tịch là Tiến sỹ Đào Duy Quát và nhà thơ Hữu Thỉnh, tiến sỹ Ngô Phương Lan – Cục trưởng cục điện ảnh. Ban lãnh đạo Hội điện ảnh Việt Nam gồm NSND – đạo diễn Đặng Xuân Hải – chủ tịch Hội điện ảnh, nhà thơ – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó chủ tịch và PGS Trần Luân Kim - nguyên chủ tịch Hội điện ảnh cũng tới dự đông đủ.

Và với chủ đề có thể nói là động đến lòng kiêu hãnh của các nghệ sỹ khi họ đứng trước bài toán khó mang tên phim lịch sử, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà làm phim ở hai miền Nam – Bắc cũng như các nhà báo chuyên viết về điện ảnh. Không chỉ không khí trong khán phòng: ai cũng muốn có cơ hội được chia sẻ, tập trung vào vấn đề chính, không cần nghỉ giữa giờ mà các cuộc phỏng vấn, gặp gỡ giữa báo giới và các nghệ sỹ dường như càng làm tăng sức nóng của vấn đề mà ban tổ chức đưa ra. Bởi trên thực tế, bước vào lãnh địa phim lịch sử, các nhà làm phim Việt Nam sẽ gặp khó khăn từ mọi thứ như không có tư liệu, không có trường quay, kỹ xảo làm phim hạn chế, đắt đỏ và cái chính là thiếu tài năng, thiếu người tâm huyết, yêu và có khát vọng làm phim lịch sử. Và cũng bởi trên thực tế, hàng thập kỷ trôi qua, mỗi khi nói đến phim lịch sử (được làm ra tấm ra món) thì điện ảnh và truyền hình Việt Nam cũng chỉ có thể điểm vài tên phim hiếm hoi như Ngọn nến hoàng cung (đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng) và gần đây nhất là Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn)... đặt trong bối cảnh các cuộc xâm chiếm ngọt ngào ngày một mạnh mẽ của phim lịch sử nước ngoài đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc qua hệ thống phát hành rạp chiếu và truyền hình thì bài toán làm thế nào để có phim lịch sử Việt Nam càng trở nên cấp thiết.

Theatrical_Poster

Khi những người làm phim lựa chọn đề tài lịch sử đồng nghĩa với việc họ bước chân vào con đường dài đầy chông gai, tốn kém và mạo hiểm nhưng không thể vì lẽ đó mà điện ảnh né tránh đề tài lịch sử. Phần lớn các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều thống nhất ý kiến này. Nhưng, cũng vẫn đa số các đại biểu đều cho rằng nếu đã coi đó là sứ mệnh, thì sau bao vất vả, gian khó cái được lớn nhất chính là những trải nghiệm và một tình yêu thêm mãnh liệt với đề tài lịch sử. Rất nhiều ý kiến hay và xác đáng đã được đề cập đến trong cuộc hội thảo như tham luận của đạo diễn – NSƯT Vinh Sơn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm... Đặc biệt đạo diễn – NSND Đào Bá Sơn - người đã từng có một thời mất ăn mất ngủ với bộ phim Long thành cầm giả ca thì khẳng định “Phim lịch sử Việt Nam hoàn toàn có thể được làm tại Việt Nam” cho dù ông đã mạo hiểm để cho quân Mãn Thanh vào nước ta qua cửa... Suối Vàng, Đà Lạt chứ không phải ải Chi Lăng như trong sử chép. Trong khi đó, nhà văn Lê Phương (tác giả kịch bản phim Tráng sỹ Bồ ĐềĐêm hội Long Trì) thì đưa ra gợi ý trong điều kiện hiện nay, các nhà làm phim có thể lựa chọn làm phim lịch sử huyền thoại về nhân vật Phù Đổng Thiên Vương như là cách đề cập tới một mảnh của lịch sử.

Chia sẻ sự quan tâm từ phía nhà nước, Tiến sỹ Ngô Phương Lan - Cục trưởng cục điện ảnh đem đến Hội thảo một số tín hiệu vui cho các nghệ sỹ, các hãng phim đang có dự định làm phim đề tài lịch sử. Trong thời gian tới, cục điện ảnh sẽ có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng với các bộ phim có đề tài lịch sử. Cụ thể là, sắp tới, nhà nước sẽ đăt hàng với một số đề tài cụ thể như lịch sử từng triều đại, lịch sử cận đại và lịch sử cách mạng... Cục điện ảnh cũng đã hoàn thiện thông tư hướng dẫn đấu thầu đặt hàng làm phim đối với những tác phẩm có sự đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Thông tư đang được Cục điện ảnh phối hợp với bộ tài chính hoàn thiện dựa trên nội dung chính đã thống nhất đó là: Sau khi được ủy quyền, Cục điện ảnh sẽ đưa ra những đề tài nhất định và khi có kịch bản sẽ tổ chức hội đồng tuyển chọn. Sau khi chọn được kịch bản sẽ mua bản quyền để tránh xảy ra tranh chấp, tiếp đến giao cho chủ đầu tư, sau đó mời các cơ sở sản xuất phim xây dựng dự án làm phim trên cơ sở kịch bản đó. Dự án khả thi nhất được chọn, cục sẽ ký hợp đồng với đơn vị sản xuất thực hiện. Rõ ràng, với một quy trình đồng bộ và bài bản như trên, trong tương lai không xa, phim lịch sử Việt Nam sẽ có thể nở rộ như các mảng đề tài khác. Và đây cũng chính là mong muốn của Hội điện ảnh khi tổ chức cuộc hội thảo Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam.

Canh_trong_phim_Khat_vong_Thang_Long

Một cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long

Trước “cơn khát” phim lịch sử lúc nào cũng khiến các lãnh đạo ngành, các nghệ sỹ cũng như công chúng yêu và ủng hộ phim Việt luôn khắc khoải, trông ngóng cơ hội được giải tỏa thì chỉ cần một sự ủng hộ, một sự chia sẻ, một sự khích lệ cho tới cú “hích” sẽ có thêm nhiều hơn nữa các Hội thảo tương tự được mở ra cùng với các dự án phim khởi động, chắc chắn tương lai của phim lịch sử Việt Nam không còn ở quá xa.

Trong số này, tạp chí Thế giới điện ảnh trích đăng một số tham luận về Nhân vật lịch sử trong phim Việt Nam, hy vọng độc giả có thể tìm thấy sự đồng cảm với các nhà làm phim, những nghệ sỹ đau đáu với đề tài lịch sử - những người mà trong tâm khảm luôn thấy mình như đang mắc nợ với quê hương, với dân tộc Việt Nam.

Vân Thảo