(TGĐA) - Sáng 28/12, Hội nghị tổng kết công tác điện ảnh năm 2017 triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Cục Điện ảnh tổ chức có sự tham gia của NSND Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH - DL, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã thông báo về tình hình hoạt động năm 2017 cũng như phương hướng hoạt động trong năm 2018.
Giải quyết cơ bản một số vướng mắc trong quy trình thẩm định và cấp vốn sản xuất phim đặt hàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng như tổ chức các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức thành công các hoạt động quảng bá điện ảnh tại nước ngoài với nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa, đặc biệt phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thành công Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Phim ASEAN lần thứ I tại Đà Nẵng… Đó là những việc trong số nhiều việc lớn và quan trọng mà Cục Điện ảnh đã hoàn thành trong năm 2017.
| |
Tiến sĩ Ngô Phương Lan phát biểu tại hội nghị |
Tại Hội nghị tổng kết, T.S Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã thông báo về tình hình hoạt động năm 2017 cũng như phương hướng hoạt động trong năm 2018. Theo đó, năm 2017 đánh dấu những bước thay đổi của ngành điện ảnh khi một số cơ chế, chính sách, văn bản được triển khai và tiếp tục thực hiện như: sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim; công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn… Cụ thể, theo báo cáo của Cục điện ảnh thì các hoạt động nổi bật của ngành điện ảnh năm 2017 gồm: Tổ chức các đợt phim, tuần phim thực hiện nhiệm vụ chính trị như Đợt phim kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Đinh Dậu; Tuần phim Chào mừng năm Du lịch Quốc gia Tây Bắc 2017 – Lào Cai và giao lưu với các chiến sỹ, đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Lào Cai cùng Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5 năm 2017; Tuần phim Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ; Tuần phim APEC; Tuần phim Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.
Tuy vậy, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất phim khi hết quý III năm 2017, ngành điện ảnh chưa được phân bổ ngân sách đặt hàng sản xuất phim truyện các năm 2015 – 2017; phim tài liệu, khoa học, hoạt hình các năm 2016 – 2017. Đây cũng là lý do 3 năm liên tiếp 2015, 2016 và 2017 không có bộ phim truyện nào do Nhà nước đặt hàng được sản xuất và đưa vào phát hành, phổ biến. Hiện, Cục Điện ảnh đang gấp rút phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện quy trình đặt hàng sản xuất phim đảm bảo đúng quy trình, đáp ứng tiêu chí, chất lượng, nội dung, đề tài đã được quy định đối với phim do Nhà nước đặt hàng. Tính đến ngày 20/12/2017, Cục Điện ảnh đã giám định 40 kịch bản phim tài liệu và phim khoa học, 33 kịch bản phim hoạt hình của Công ty TNHH MTV Hãng phim TLKH TƯ, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Công ty Cổ phần Hãng phim Giải Phóng. Cục đã nhận được 19 kịch bản phim truyện do các đơn vị sản xuất gửi tham dự tuyển chọn kịch bản sản xuất phim từ ngân sách nhà nước theo thư mời của Cục Điện ảnh; giám định 21 kịch bản phim truyện có yếu tố nước ngoài và chỉ đạo sản xuất, nghiệm thu 3 phim truyện miền núi và 5 chương trình miền núi dành cho đồng bào dân tộc, miền núi vùng sâu, vùng xa.
| |
Bà Lý Phương Dung - Phó Cục Trưởng Cục Điện ảnh phát biểu |
Về tình hình sản xuất phim của doanh nghiệp sản xuất phim năm 2017: Có khoảng 38 phim Việt được sản xuất (tính đến 31/12/2017) ít hơn so với 2015 (31 phim) và 2016 (41 phim). Tuy nhiên, các công ty sản xuất phim Tư nhân đã tích cực đầu tư vốn để sản xuất phim, tạo ra nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài, hạn chế tối đa tác phẩm yếu kém cho thấy hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đã nỗ lực xây dựng và định hướng thẩm mỹ trong quá trình thẩm định kịch bản phim, thẩm định phim và cấp phép phổ biến. Tính đến 22/12/2017, Cục Điện ảnh đã thẩm định và phân loại cấp giấy phép phổ biến 104 phim Việt Nam trong đó có 38 phim truyện chiếu rạp và 265 phim nước ngoài. Năm 2017, cả nước có 740 phòng chiếu phim với 111.000 ghế, ước tính doanh thu đạt 3.250 tỷ đồng, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến rạp xem phim.
Về Hợp tác quốc tế. Cục Điện ảnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về điện ảnh năm 2017. Cụ thể, phối hợp với các đối tác Hàn Quốc tổ chức Những ngày phim Việt Nam tại Hàn Quốc, kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc; Tham dự Hội chợ Điện ảnh và Truyền hình Quốc tế Hong Kong 2017, Cử đại biểu tham dự Hội thảo xây dựng kịch bản và làm phim hợp tác ASEAN tại Myanmar; Chủ trì chuỗi hoạt động tại LHP Cannes, lần đầu tiên tổ chức gian hàng Việt Nam giới thiệu điện ảnh, đất nước con người Việt Nam, giới thiệu phim mới, bối cảnh quay các bộ phim bom tấn tại Việt Nam, LHP Quốc tế Hà Nội, du lịch, ẩm thực Việt Nam…; ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Điện ảnh Việt Nam và Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình Quốc gia Pháp; tổ chức thành công Đêm Việt Nam thu hút hơn 600 các nhà Lãnh đạo điện ảnh, nghệ sỹ, nhà sản xuất phát hành nhằm quảng bá, du lịch điện ảnh việt Nam… Kinh phí tổ chức chủ yếu từ nguồn xã hội hóa; Phối hợp với Vụ UNESCO Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tổ chức Tuần phim Việt Nam tại Tây Ban Nha nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; Tham dự và trình bày tham luận về điện ảnh Việt Nam tại Hội thảo toàn cầu KOFIC 2017; Hợp tác với Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc tổ chức Hội thảo Mạng lưới Điện ảnh Việt Nam – Hàn Quốc năm 2017 lần thứ 2; Tham dự Lễ trao giải LHP Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 57 và họp Hội đồng thành viên Hiệp hội sản xuất phim châu Á – Thái Bình Dương; Tham dự LHP Gdynia, thảo luận thống nhất ký Thỏa thuận hợp tác sản xuất phim Việt Nam – Ba Lan tại Ba Lan; Tổ chức Những ngày phim Việt Nam tại Liên bang Nga trong khuôn khổ hợp tác văn hóa giữa hai nước và nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga; Ký hợp tác thỏa thuận sản xuất phim Việt Nam – Ba Lan; Làm việc về hợp tác sản xuất phim phối hợp quảng bá du lịch với Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, hãng Universal, Waner Bros., Paramount; tham gia đoàn công tác của Bộ VH - DL tập huấn, khảo sát, quản lý phát triển văn hóa tại Australia và tham dự Tuần văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.
Đặc biệt, trong Hội nghị tổng kết hoạt động ngành năm 2017, Tiến sĩ Ngô Phương Lan đã nhấn mạnh về thành công của LHP Việt Nam lần thứ XX và giải thưởng Phim ASEAN lần thứ I. Bên cạnh các con số về phim tham dự, các đại biểu có mặt tại LHP, các buổi chiếu phim lên đến hàng chục buổi, thu hút hàng ngàn lượt khán giả trong suốt năm ngày diễn ra LHP, các hoạt động tổ chức trong LHP mang tính chuyên nghiệp, hấp dẫn và đạt hiệu quả về nghề, Giải thưởng phim ASEAN do Việt Nam đề xuất và lần đầu tiên tổ chức thành công…, LHP Việt Nam XX còn có ý nghĩa mở rộng vị thế LHP bằng những giá trị được tôn vinh và được dư luận đón nhận.
| |
Ông Nguyễn Danh Dương phát biểu |
Trong năm 2017, trước sự việc 8 doanh nghiệp Việt Nam đã có đơn gửi Bộ VH - DL và một số ban bộ ngành liên quan phản ánh công ty CJ CGV có dấu hiệu thống lĩnh thị trường, chèn ép các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim, Cục Điện ảnh đã có công văn gửi Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ công thương đề nghị giải quyết đơn khiếu nại của 8 doanh nghiệp Việt Nam. Cục Điện ảnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp phát hành phổ biến phim Việt Nam và Hiệp hội phát hành, phổ biên phim để nghe báo cáo và cùng tìm biện pháp tháo gỡ. Cục Điện ảnh cũng tổ chức 2 cuộc họp với lãnh đạo công ty CJ CGV thông báo ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó chấn chỉnh hoạt động, yêu cầu chấp hành pháp luật, tránh tình trạng kiến nghị kéo dài… Tuy nhiên, việc khiếu nại của các doanh nghiệp trong cạnh tranh thương mại không thuộc thẩm quyền của Bộ VH - DL nên đến nay sự việc vẫn chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, việc Cổ phần hóa các Hãng phim, đặc biệt là Hãng phim truyện Việt Nam (hiện là Công ty Đầu tư và phát triển điện ảnh Việt Nam) cũng tạo ra dư luận trái chiều, tác động đến tâm lý các nghệ sỹ và ảnh hưởng hoạt động của ngành điện ảnh. Đến nay, quy trình Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn đang được Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra nhưng chưa công bố kết luận cuối cùng.
Trong năm mới 2018, ngành điện ảnh đón nhận một sự kiện đặc biệt – kỷ niệm 65 năm thành lập ngành. Cục Điện ảnh, với vai trò là cơ quan quản lý, tiếp tục các công việc như Tổ chức tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị như: Đợt phim Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Mậu Tuất 2018; Đợt phim Kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Mậu Thân; Đợt phim Kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các ngày lễ lớn 1/5, 7/5 và 19/5; Đợt phim Kỷ niệm Quốc khánh 2/9; Đợt phim Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; Tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam; Tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V, Xây dựng và trình chính phủ Đề nghị xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Đầu tư chiều sâu, tạo nguồn kịch bản các thể loại phim cho giai đoạn 2018 – 2020; Tăng cường quảng bá điện ảnh thông qua các LHP, Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài; Chương trình phim Việt Nam tại Hàn Quốc, Chợ phim Hong Kong, LHP Cannes và Tuần phim Việt Nam tại châu Âu, Australia, Ba Lan, đón đoàn đại biểu tham dự các chương trình phim Nga, Italia, Ba Lan tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số nhiệm vụ trọng tâm khác trong năm 2018 mà Cục Điện ảnh sẽ tiến hành: Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ để xây dựng, hoàn thiện chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng kế hoach, định hướng đề tài có tính chiến lược và phù hợp với quy định của Luật Điện ảnh, đồng thời mở rộng nhóm đề tài trên cơ sở vận dụng các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định và các văn bản khác của Đảng và Nhà nước về xây dựng con người, văn hóa Việt Nam đáp ứng tình hình mới của Đất nước; Theo sát tiến độ hoàn thành đối với các kịch bản phim tài liệu, hoạt hình, phim truyện đã đưa vào sản xuất, đề xuất các phương án xử lý kịp thời góp ý về nội dung và hình thức thể hiện, đôn đốc các hãng gửi kịch bản để trình Hội đồng thẩm định đưa vào sản xuất cho kịp tiến độ và kế hoạch năm; Tăng cường cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử; Tăng cường xã hội hóa, phối hợp tổ chức tốt LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V và các Tuần phim ở nước ngoài.
V. T